tpbje201312192e6_39933779.jpg

Trước đó, vào tháng 5/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo rằng họ đang lên kế hoạch giải quyết tranh chấp Lãnh thổ phương Bắc (phía Nga gọi là Quần đảo Nam Kuril) với một cách tiếp cận mới nhưng không tiết lộ chi tiết. Ông Abe cũng công bố một kế hoạch 8 điểm cho hợp tác kinh tế song phương, bao gồm cả các dự án chung tại vùng Viễn Đông của Nga. Trong khi chưa chính thức được xác thực, có bằng chứng cho thấy 2 thông báo trên có liên quan trực tiếp với nhau. Nhiều khả năng, ông Abe sẽ sử dụng các mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn để tác động, khiến Nga giảm bớt lập trường cứng rắn về tranh chấp lãnh thổ của mình.

Ông Abe cũng nhận ra rằng nếu chỉ đơn thuần giúp Nga phát triển kinh tế mà không đòi hỏi lại bất cứ điều gì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ông ở trong nước. Ông Abe đang nỗ lực bằng mọi giá phải đạt được một hiệp ước cụ thể với Nga về tranh chấp lãnh thổ, kể cả phải chịu hậu quả chính trị trong ngắn hạn. Ông Abe cũng hy vọng rằng các kế hoạch hợp tác kinh tế đa dạng giữa Nhật Bản và Nga sẽ là động lực đẩy nhanh việc giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, sự lạc quan của ông Abe dường như không có cơ sở. Cụ thể như chuyến thăm Nhật Bản gần đây của ông Putin, khi mà hai bên đạt được nhiều thỏa thuận về kinh tế nhưng không có giải pháp nào cho tranh chấp lãnh thổ, dường như đã khẳng định điều đó. Có 2 lý do giải thích tại sao sự lạc quan của ông Abe là không có cơ sở.

Thứ nhất, Nga có lợi thế lớn hơn Nhật Bản. Trong khi Nhật Bản đã sử dụng những con bài tốt nhất của mình (có thể tiếp cận với Nga cũng như đưa ra được các giao dịch kinh tế sinh lợi với Moskva khi không có quốc gia nào trong nhóm G7 có thể làm được điều đó) thì Moskva lại không cho thấy họ sẵn sàng thỏa hiệp về các tranh chấp lãnh thổ. Trong một cuộc phỏng vấn trước chuyến thăm Nhật Bản, ông Putin phát biểu với giới báo chí rằng Nga không có vấn đề lãnh thổ với Nhật Bản, mà chỉ phía Nhật Bản nghĩ như vậy mà thôi. Xem ra, Tokyo quan tâm đến việc tìm kiếm một giải pháp nhiều hơn là Moskva.

Thậm chí một thỏa thuận mà Nga chỉ phải chuyển giao 2 trong 4 hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản theo Tuyên bố Liên Xô-Nhật Bản năm 1956 cũng khó có thể xảy ra. Vì có lợi thế trong đàm phán, Nga không vội trong việc ký kết bất kỳ thỏa thuận nào về lãnh thổ với Nhật Bản. Thay vào đó, Nga có thể sẽ tiếp tục gặt hái những thành quả từ sự hợp tác kinh tế được tăng cường giữa hai nước.

Lý do thứ hai liên quan đến chiến lược chính sách đối ngoại của ông Abe vốn được củng cố bằng các giá trị như dân chủ, nhân quyền và luật trị. Tính chất đối đầu trong chính sách của ông Abe với Trung Quốc xuất phát một phần từ việc cho rằng Trung Quốc là một quốc gia nổi loạn, phớt lờ các giá trị và coi thường luật pháp quốc tế. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hợp lý hóa những đề nghị của Nhật Bản với Nga trong bối cảnh quan hệ Nga-Trung ngày càng tốt đẹp. Bằng việc lựa chọn thái độ thực dụng với Moskva, Nhật Bản đặt mình vào sự hoài nghi về bản sắc truyền thống như là một quốc gia tự trọng và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Một nguy cơ tiềm ẩn khác là chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2016. Trong khi vẫn chưa rõ liệu chính sách của ông Trump đối với nước Nga có giống như những gì ông tuyên bố trước đó trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ hay không, song một mối quan hệ hòa dịu Nga-Mỹ là có thể xảy ra. Việc ông Trump phủ quyết dứt khoát khả năng can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tại Mỹ, Chánh Văn phòng Nhà trắng Reince Priebus từ chối cam kết duy trì cơ chế trừng phạt đối với Nga hay việc lựa chọn Rex Tillerson làm Ngoại trưởng, tất cả đều cho thấy, trong thời gian tới, Chính quyền mới của Mỹ do ông Trump lãnh đạo có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn với Moskva.

Với vài thành tựu ngoại giao thể hiện trước công chúng Nhật Bản kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng của mình, ông Abe hiểu rằng cần phải đạt được một thỏa thuận lịch sử với Nga, nhất là về giải quyết tranh chấp Vùng lãnh thổ phương Bắc. Tuy vậy, mong muốn để lại một di sản của ông Abe có thể sẽ xung đột với thực tế khắc nghiệt trong mối quan hệ thực chất Nga-Nhật, và cách tiếp cận công khai của ông Abe với Moskva dường như không được đặt đúng chỗ. Tuy nhiên, ông Abe vẫn có đủ thời gian để tránh thiệt hại cho vị thế quốc tế của Nhật Bản bằng cách thực hiện quan điểm, lập trường dựa trên nguyên tắc đối với Nga. Nếu không, tất cả các khoản đầu tư của ông Abe, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, có nguy cơ tiêu tan.

Tác giả Dmitry Filippov là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường Nghiên cứu Đông Á, Đại học Sheffield. Bài viết đăng trên “Diễn đàn Đông Á”.

Lê Sơn (gt)