Mới đây, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã đi thăm Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước. Ngay sau chuyến thăm Nhật, bà Bishop đến Bắc Kinh và nhận được “sự đón tiếp băng giá”. Hai sự kiện này không phải là không có liên quan: Bắc Kinh không hài lòng về quan hệ an ninh ngày càng sâu sắc của Canberra với Tokyo.

Do lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực cũng như ảnh hưởng đến những lợi ích từ quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Úc phải tìm cách cân bằng chính sách đối ngoại. Trong tình huống rất phức tạp này, việc các nhà hoạch định chính sách của Úc tìm cách đối phó với cả hai vấn đề trước mắt và lâu dài trên là rất quan trọng.

Tại Úc, những quan điểm về quan hệ Trung Quốc- Úc chưa thực sự rõ ràng và đôi khi còn hoài nghi. Cuộc thăm dò của Viện nghiên cứu Lowy năm 2015 cho thấy sự mâu thuẫn trong quan điểm của Úc đối với Trung Quốc. Người dân Úc có quan điểm trái ngược nhau về những ý đồ của Trung Quốc và quan hệ của Bắc Kinh đối với Canberra. Trong số những người được hỏi, 61% cảm thấy rằng Trung Quốc muốn thống trị châu Á, và hơn một nửa nghĩ rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc để trở thành một cường quốc quan trọng trên thế giới không làm cho thế giới ổn định hơn. Đồng thời, 67% cho rằng Chính phủ Trung Quốc muốn “tạo ra một cuộc sống tốt hơn cho người dân Trung Quốc”, và so với năm 2014, thì năm 2015 có rất ít người dân Úc cho rằng Trung Quốc có thể tạo ra một mối đe dọa quân sự trực tiếp đến "Xứ sở chuột túi" trong 20 năm tới. Có lẽ vì những bất trắc, người dân Úc dường như “không muốn đánh cược và chơi an toàn với Trung Quốc”. 73% đồng ý “Úc nên phát triển các mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc vì nước này ngày càng có tầm ảnh hưởng”. 52% tin rằng Úc không nên tham gia với các nước khác để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Cuộc thăm dò cho thấy người dân Úc không chắc chắn về những hậu quả ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ là gì. Họ có ý thức mạnh mẽ rằng Úc cần khôn ngoan trong quan hệ với Trung Quốc. Đây là quan điểm đã củng cố quyết định của Úc để trở thành thành viên sáng lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, bất chấp phản ứng của Mỹ. 

Người Úc coi quan hệ với Nhật Bản tích cực hơn, với 68% ủng hộ Nhật Bản. Đại đa số, khoảng 84%, nói rằng Úc nên giữ thế trung lập trong trường hợp xảy ra “xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản”, 11% cho rằng Úc cần hỗ trợ Nhật Bản, và chỉ có 3% nói tốt hơn nên ủng hộ Trung Quốc. Mối quan hệ tương đối nồng ấm với Nhật Bản được phản ánh trong quan hệ an ninh sâu sắc của Úc với Nhật Bản, nhất là khi hai nước đã ký thỏa thuận về các hoạt động giám sát và an ninh hàng hải ở Thái Bình Dương vào tháng 2/2016. 

Trung Quốc không hài lòng khi mối quan hệ an ninh giữa Úc và Nhật Bản ngày càng phát triển. Các thỏa thuận an ninh trong tương lai giữa Úc và Nhật Bản cần phải xét đến quan điểm thế giới quan của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Không thừa nhận quan điểm thế giới quan của Trung Quốc có thể dẫn đến các chính sách không hiệu quả, nếu không muốn nói là phản tác dụng. Một số quan điểm thế giới quan của giới hoạch định chính sách Trung Quốc có liên quan đến sự hiểu biết vị thế của người Trung Quốc trên thế giới, cấu thành mô hình chính sách đối ngoại, cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục vai trò trung tâm như vốn có trước đây trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Nhiều nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho rằng Mỹ và các đồng minh của Mỹ đang cản trở Trung Quốc trở lại vai trò lãnh đạo đúng đắn của mình, và những lợi ích toàn cầu mà vai trò lãnh đạo sẽ mang lại. Như vậy, loại hợp tác an ninh này sẽ tạo ra rủi ro nghiêm trọng, thúc đẩy cảm giác Trung Quốc bị gạt ra ngoài, không thích hợp với trật tự quốc tế hiện nay. Việc Trung Quốc không chấp thuận tự nó sẽ phản tác dụng, và do sự bất ổn và căng thẳng mới dẫn đến việc Úc và Nhật Bản tìm kiếm hợp tác an ninh chặt chẽ hơn. 

Vòng xoay tiêu cực của sự mất lòng tin đang gây ra những hậu quả đối với an ninh khu vực. Việc kêu gọi hãy hiểu quan điểm của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại và an ninh của nước này không đơn giản chỉ là để chấp nhận quan điểm thế giới quan của Trung Quốc, hoặc xoa dịu Trung Quốc. Thay vào đó, cần phải khảo sát rõ ràng thực tế tình hình an ninh khu vực hiện nay, và xem xét các mục tiêu dài hạn khi đưa ra các lựa chọn chính sách. Úc cần phải nhận thức rằng những gì có trong chính sách răn đe hiện nay có thể tạo ra những tình huống an ninh khó xử và phức tạp hơn trong tương lai.

Tiến sĩ Merriden Varrall là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Á, viện Lowy. Bài viết được đăng trên East Asia Forum.

Văn Cường (gt)