security.jpg

 

 

Hai nước đã sát cánh chiến đấu trong tất cả các cuộc chiến, từ Trận Fromelles năm 1918 cho đến cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Iraq hiện nay. Chính vì thế, các chính trị gia Úc nên nhắc nhở các đối tác Mỹ về mối quan hệ đặc biệt này.

Tờ "The Washington Post" (Mỹ) đầu tháng này dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rất giận dữ và tranh cãi với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull về vấn đề người tị nạn trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa họ hôm 28/1. Điều này thực sự khiến cho các nhà hoạch định chính sách ở Canberra hết sức lo lắng. Chính quyền Mỹ hiện nay rõ ràng là rất khác so với những chính quyền mà Úc đã giao thiệp kể từ khi Hiệp ước An ninh quân sự Úc-New Zealand-Mỹ (ANZUS) được ký kết năm 1951.

Thách thức trước mắt lớn nhất đối với các nhà hoạch định chính sách ở Canberra là làm thế nào để dung hòa với ông chủ Nhà Trắng nóng tính, hay thay đổi. Trước khi ông Trump được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức tổng thống, các quan chức Úc cho rằng bất kể kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ra sao, "bánh xe vĩ đại" của hoạt động chính trị Washington sẽ tiếp tục quay. Tuy nhiên, ông Trump có thể sẽ làm đảo lộn bánh xe này. Tân Tổng thống Mỹ và những người ủng hộ ông ta đã loại bỏ việc thiết lập chính sách đối ngoại cùng với một số nguyên lý cốt lõi của trật tự toàn cầu do Mỹ dẫn đầu thời hậu chiến.

Các vị trí cấp cao trong chính quyền mới ở Mỹ đã được giao cho những người không quen thuộc với mối quan hệ Úc-Mỹ. Do đó, đại sứ quán Úc tại Washington có thể sẽ phải mất nhiều thời gian để thiết lập lại các mối quan hệ với Mỹ trong thời điểm khó khăn này. Hy vọng, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson có thể sẽ giúp khôi phục và củng cố mối quan hệ liên minh Mỹ-Úc.

Trong 65 năm qua, các chính trị gia Úc đã truyền tải những bài phát biểu quen thuộc về một liên minh được củng cố dựa trên lợi ích và giá trị chung. Tuy nhiên, với những gì xảy ra vừa qua, thật khó để Thủ tướng Turnbull nói cùng một giọng điệu về quan hệ liên minh truyền thống trong chuyến thăm Washington sắp tới của ông. Mặc dù hai nước còn có các giá trị chung như phát huy dân chủ, ủng hộ luật trị, nhưng khi chính quyền Trump soạn thảo các sắc lệnh của tổng thống kêu gọi xem xét lại sự tham gia của Mỹ trong các điều ước quốc tế, chẳng hạn như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, dư luận có thể nghĩ tới một điều gì đó rất khác sắp xảy ra.

Các cố vấn chính sách đối ngoại của Úc đang phải đối mặt với nhiều thay đổi, nhưng họ đều mong muốn nhìn thấy mối quan hệ Mỹ-Úc tiếp tục đi đúng hướng, cho dù có thể sẽ phải mất một thời gian. Mỹ vẫn là một quốc gia đa dạng, linh hoạt và nước này sẽ cố gắng vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Ông Trump chỉ là biểu hiện mới nhất của sự thay đổi toàn cầu rộng lớn, chủ nghĩa dân tộc và bài toàn cầu hóa. Tất nhiên, điều này sẽ gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách ở Canberra trong việc điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với chính quyền mới ở Mỹ, đặc biệt là không phải lựa chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc, nhằm bảo đảm lợi ích tối đa về an ninh, kinh tế của Úc.

Tác giả là Giáo sư Allan Gyngell, thuộc Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Úc. Bài viết đăng trên “Diễn đàn Đông Á”.

Vũ Hiền (gt)