Để Chính phủ Trung Quốc ứng phó với “sóng thần” thị trường chứng khoán nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây, các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, đặc biệt là Thủ tướng Lý Khắc Cường, cần xem xét hai vấn đề quan trọng nhất: Trước hết, lấy tiền ở đâu để chấn hưng thị trường chứng khoán? Thứ hai, nguyên nhân thực sự đằng sau cơn bão thị trường chứng khoán là gì? 

Đối với câu hỏi thứ nhất có thể dễ dàng trả lời. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hiện nay đang thực hiện trợ giúp mang tính lưu động không giới hạn trần đối với các doanh nghiệp chứng khoán trong nước nhằm ổn định thị trường. Trước mắt, vài trăm tỷ nhân dân tệ đã được bơm vào thị trường chứng khoán, kết quả là sau khi chỉ số tổng hợp chứng khoán mất 25% trong 4 tuần qua, hiện đã phục hồi nhẹ. 

Đáp án của vấn đề thứ hai có lẽ quan trọng hơn, bởi Thủ tướng Lý Khắc Cường chắc chắn sẽ đề phòng khủng hoảng tương tự xảy ra một lần nữa. Khủng hoảng trên thị trường chứng khoán hiện nay bùng phát từ cuối tháng 6, Cơ quan quản lý, giám sát chứng khoán Trung Quốc Đại lục và một số hãng truyền thông thuộc sở hữu nhà nước nhân cơ hội này để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước đã liệt kê nhiều nguyên nhân như: do giao dịch ký quỹ, có người cố ý gây ra, thậm chí còn nhận định rằng một số ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài cũng hết sức khả nghi.

Mới đây, trong một bài viết được đăng trên mạng xã hội, một giao dịch viên giấu tên thuộc Quỹ Chính phủ đã nêu ra một “lý do” khác, tuy nhiên hiện nay chính phủ lại coi đó là thật và tin tưởng đây là một nguyên nhân khác gây ra khủng hoảng cho thị trường chứng khoán. Rốt cuộc đây là lỗi của ai? Theo đó nguyên nhân là do tổ chức cung cấp các công cụ hỗ trợ quyết định đầu tư trên toàn thế giới - Morgan Stanley Capital International (MSCI). 

Công ty MSCI Inc. có trụ sở ở New York, Mỹ, đưa ra nhiều chỉ số chứng khoán khác nhau làm thước đo cho các thị trường chứng khoán trên toàn cầu, trong đó các chỉ số MSCI Frontier Markets Index (chỉ số các thị trường sơ khai), MSCI Emerging Markets Index (chỉ số các thị trường mới nổi) hay MSCI World Index (chỉ số thế giới). Các chỉ số của MSCI đo diễn biến của các thị trường chứng khoán với tổng tài sản khoảng 9.500 tỷ USD và các chỉ số này luôn được giới đầu tư tín nhiệm. 

Ngày 9/6/2015, chỉ số cổ phiếu toàn cầu MSCI đã từ chối “kết nạp” cổ phiếu loại A của Trung Quốc vào chỉ số các thị trường mới nổi. Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc đã có một phen vô cùng thất vọng trước thông tin này. Bắc Kinh từng cho rằng cổ phiếu Trung Quốc có cơ hội lớn để đưa vào MSCI, cho nên lãnh đạo Trung Quốc đương nhiên cũng cảm thấy thất vọng trước tin tức này. 

Đề xuất sớm nhất để đưa Trung Quốc vào chỉ số này được dời vào tháng 5/2017. Dù MSCI cho biết thị trường Trung Quốc đã có những bước phát triển tích cực quan trọng so với năm ngoái, nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực khác. Đầu tiên, MSCI muốn Bắc Kinh cải tổ hệ thống hạn ngạch tiếp cận tài sản trong nước theo hướng minh bạch và có thể dự báo được. Nhà đầu tư đến nay vẫn phải chờ đợi và không biết rõ khi nào họ có thể được tăng vốn, hay có thể tăng nhiều hay ít. Trong hạn ngạch 298 tỷ USD cho các nhà đầu tư tổ chức được cấp phép (QFII) và chương trình tương đương với nhân dân tên (RQFII), thực tế chỉ 162 tỷ USD được cấp phép. Thứ hai, tiếp cận thanh khoản hàng ngày cần cải thiện, như nâng giới hạn giao dịch hiện tại qua Shanghai-HongKong Stock Connect. Cuối cùng, nhiều giám đốc quỹ truyền thống vẫn lo ngại về lợi ích của việc sở hữu tài sản, dù những bước đi gần đây của cơ quan quản lý nhà nước đã minh bạch hóa vị trí của họ. Dù việc đưa hay không đưa cổ phiếu loại A của Trung Quốc vào chỉ số sẽ không ảnh hưởng nhiều đến MSCI, nhưng một số nhà đầu tư có thể sẽ cảm thấy lo ngại nếu bị đẩy vào một thị trường đã nóng lên vào năm ngoái. Chỉ số Shanghai Composite tăng tới 150% trong 12 tháng qua, khiến nhiều nhà quan sát lo ngại đó là dấu hiệu của một bong bóng thị trường. “Sau khi cổ phiếu loại A tăng quá nóng trong năm ngoái, các nhà đầu tư có lẽ sẽ an tâm hơn nếu chỉ số thị trường mới nổi của MSCI không bao hàm cổ phiếu loại A của Trung Quốc vào thời điểm này” - theo Larry Cao, một nhà phân tích của CFA Institute. Các nhà quan sát cũng lo ngại mục tiêu đưa cổ phiếu loại A của Trung Quốc vào chiếm 20,5% tỷ trọng chỉ số thị trường mới nổi của MSCI sẽ dẫn tới việc chỉ số này dần bị Trung Quốc “độc chiếm” trong tương lai. Nếu cộng thêm cả niêm yết ngoài Đại lục, các công ty Trung Quốc có thể chiếm tới 43,6% trong chỉ số này. Arthur Kwong, Giám đốc vốn khu vực châu Á của BNP Paribas Investment Partners, cảnh báo rằng một kịch bản như vậy sẽ rất nguy hiểm. Ông Kwong nói: “Tôi lo ngại sự kết nạp của MSCI sẽ khiến Trung Quốc trở thành một nước quá lớn trong chỉ số này. Khi đó chúng ta khó có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư”. Một lo ngại thực tế nữa là việc thiếu các nghiên cứu bằng tiếng Anh ở Trung Quốc sẽ là thách thức lớn cho các nhà đầu tư quốc tế. 

Vậy tại sao việc MSCI nhập cổ phiếu Trung Quốc lại được coi trọng như vậy?  Phần lớn các công ty quản lý vốn toàn cầu đều theo dõi chỉ số MSCI đối với thị trường mới nổi. Nếu chỉ số này kết nạp thêm cổ phiếu Trung Quốc, đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đây sẽ là một dấu mốc lịch sử, bởi vì khoảng 400 tỷ USD có thể sẽ được chảy vào thị trường chứng khoán Đại lục. 

Trước khi bài viết này bị giới chức Bắc Kinh xóa bỏ đã nhanh chóng được lan truyền trên tài khoản xã hội Weibo của giám đốc các quỹ. Bài viết cho biết cơ quan giám sát quản lý chứng khoán kỳ vọng một khi cổ phiếu Trung Quốc được gia nhập MSCI, thị trường chứng khoán Trung Quốc Đại lục hứa hẹn được nâng lên tầm cao mới, đồng thời có thể sẽ phá được kỷ lục cao nhất là 6124,04 điểm được xác lập vào năm 2007. 

Song tình huống này không xảy ra, kết quả như thế nào dư luận đều đã thấy rõ. Patrick Chovanec, một nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng, đồng thời cũng là nhà quan sát Trung Quốc trong một thời gian dài, đã viết trên trang mạng xã hội Twitter rằng: “MSCI quả thật đã tránh được một tai nạn. Rất nhiều giám đốc các quỹ trước đó đã mua cổ phiếu Trung Quốc khi thị trường chứng khoán đang ở đỉnh cao, hiện nay họ lại thấy đau đớn tột cùng”. 

Vậy thì, Trung Quốc có nên trách móc cơ quan giám sát, quản lý chứng khoán đã không chú ý các dấu hiệu cảnh báo sớm xuất hiện trước khi thị trường sụp đổ hay không, hơn nữa họ có quá tự tin, thậm chí tham lam, để mặc thị trường chứng khoán mong mỏi MSCI chấp nhận cổ phiếu Trung Quốc nên mới khiến thị trường đi đến bước này? Điều này có lẽ là một trong những nguyên nhân thực sự của cơn bão thị trường chứng khoán lần này./.

Bài viết của tác giả Trần Chú, Tổng biên tập phiên bản quốc tế của tờ báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.”

Thùy Anh (gt)