Mặc dù Nga và Nhật Bản có những hành động sai lầm trong tranh chấp lãnh thổ, song có một số nhân tố khiến cho mối quan hệ giữa hai nước đổi mới: Thứ nhất, do Trung Quốc gây sức ép mạnh mẽ đối với Nhật Bản từ năm 2010 nên Tôkiô đã tìm kiếm sự ủng hộ của các đối tác mới, đặc biệt là Mátxcơva. Thứ hai, việc Trung Quốc ngày càng đe dọa các nước láng giềng về các đường biên giới lãnh hải cũng như nhiều vấn đề khác đã gây ra sự phản đối của Nga, và Mátxcơva chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn cuộc xung đột Trung-Nhật diễn ra. Thứ ba, các nhà lãnh đạo Nga tin rằng Nhật Bản và Nga là những nền kinh tế bổ sung cho nhau. Nhật Bản đang tìm cách tiếp cận nhiều hơn nguồn năng lượng của Nga, bất chấp hồ sơ thương mại đáng ngại của Nga và vấn đề quần đảo Nam Kuril. Gần đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga sẵn sàng thảo luận về một hiệp ước hòa bình với Nhật Bản trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc. Ông Lavrov cũng khẳng định Nga sẵn sàng thảo luận bất kỳ vấn đề nào Nhật Bản quan tâm - chẳng hạn như vấn đề quần đảo Nam Kuril - và tìm kiếm một thỏa thuận về quần đảo tranh chấp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận. Tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) gần đây ở Vladivostok (Nga), Nhật Bản và Nga đã ký một loạt thỏa thuận nhằm giải quyết vấn đề đánh bắt cá và hải sản trong các vùng lãnh hải; đoàn năng lượng Gazprom của Nga và Bộ Tài nguyên-Năng lượng của Nhật Bản cũng đã ký một bản ghi nhớ (MoU); hai bên đã ký một hợp đồng xây dựng tổ hợp chế biến gỗ lớn ở khu vực Krasnoyarsk.

Vấn đề kinh tế lớn nhất mà hai bên đạt được là Nga đồng ý cung cấp khí đốt cho Nhật Bản. Có khả năng MoU giữa tập đoàn Gazprom và Bộ Tài nguyên-Năng lượng của Nhật Bản sẽ mang lại cho Nhật Bản cơ hội tham gia xây dựng một nhà máy hóa lỏng khí đốt tự nhiên tại Vladivostok, từ đó giúp Nhật Bản được mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, ngoài lượng khí đốt được khai thác từ quần đảo Sakhalin. MoU này cũng sẽ giúp làm tăng khả năng cạnh tranh của Nga trên thị trường khí đốt toàn cầu. Đối với Nga, "Chương trình Khí đốt phía Đông" do Gazprom lãnh đạo rất quan trọng cho mục tiêu lớn hơn của Nga là trở thành nhà cung cấp năng lượng chính cho khu vực Đông Á. Hơn nữa, việc chấp nhận sự giúp đỡ của Nhật Bản là một phần của chương trình hiện đại hóa các mối quan hệ đối tác lớn hơn của Nga. Nga hy vọng sẽ thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào các khu vực như Viễn Đông Nga từ các nước, kể cả Nhật Bản, để đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình. Các quan chức Nga cho biết họ đang tìm kiếm nguồn đầu tư từ Nhật Bản vì Mátxcơva không muốn bị lệ thuộc các nguồn đầu tư độc quyền của Trung Quốc ở các tỉnh và các cơ sở năng lượng châu Á của Nga. 

Trong khi đó, Nhật Bản cũng không muốn Trung Quốc đạt được tham vọng giành các nguồn năng lượng tin cậy nói chung và LNG nói riêng để thâm nhập không hạn chế vào khu vực Viễn Đông Nga. Vì vậy, Nhật Bản đã đưa ra các sáng kiến năng lượng và đầu tư với Nga. Cụ thể, Nhật Bản có ý định mời tập đoàn Gazprom tham gia dự án xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ phía nam Sakhalin đến bờ biển phía đông Nhật Bản. Đường ống dẫn khí đốt dài 1.300-1.500 km và có thể vận chuyển 16-20 tỷ mét khối khí đốt, với tổng chi phí khoảng 550-700 triệu USD. Các quan chức Nhật Bản cho biết đề nghị này sẽ mang lại lợi ích cho Nhật Bản vì đường ống dẫn khí đốt sẽ cung cấp khí đốt không hóa lỏng cho Nhật Bản. Và đường ống dẫn đó có thể kết nối với các dự án như nhà máy điện khí đốt tự nhiên. Như vậy, Nga sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chế biến khí đốt, bán và thâm nhập các dự án khác. Đầu tư của Nhật Bản sẽ được thanh toán bằng các loại thuế bơm khí đốt và các quan chức Nhật Bản sẵn sàng bắt tay xây dựng đường ống ngay lập tức. Nhưng Gazprom vẫn cho rằng nhà máy LNG ở Vladivostok là ưu tiên chính. Có thể nói rằng, cùng với thời gian và nếu Trung Quốc gây sức ép với Nga hoặc Nhật Bản, hoặc với cả hai, lúc đó mối quan hệ Nhật-Nga không những sẽ phát triển trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. 

Theo  "Jamestown Foundation" (ngày 15/10)

Mỹ Anh (gt)