Năm 2015 là mùa hè ngắn ngủi đối với giới ngoại giao: 2 cuộc đàm phán lớn đã kết thúc thành công là kế hoạch trợ giúp Hy Lạp của EU và trước đó là hiệp định lịch sử ký kết với Iran về chương trình hạt nhân của Teheran - kết thúc gần 3 năm đàm phán liên tục. Kinh nghiệm cho chuấn bị và đàm phán liên quan đến các hiệp định lớn này sẽ được 3 nhà cựu ngoại giao Thụy Sĩ nêu dưới đây là nội dung tham khảo thực tế thú vị.

1.  Nắm rõ hoàn cảnh đối thủ.

Trước khi đối thoại, bắt buộc phải chuẩn bị. Theo ông Carl Ungerer, giáo sư giảng dạy tại Trung tâm Geneve về chính sách an ninh, người Mỹ đã phân tích hàng năm trời các dữ liệu trong chương trình hạt nhân của Iran và bằng nhiều cách khác để biết được thời gian Iran cần có để sản xuất được bom nguyên tử.

Ông Michael AMbuhl, giáo sư trường Bách khoa Zurich (ETH) , cựu bộ trưởng tài chính và ngoại giao, người đã tham gia đàm phán vòng thứ 2 các hiệp định song phương giữa thụy Sỹ và EU cho rằng phía đối phương cũng chuẩn bị rất tốt, họ biết rõ các lợi ích cần bảo vệ cũng như phương tiện họ có. Theo ông Marc Finaud, giáo sư tại GCSP, Iran đã tiến dài trước Mỹ. Những nhà đàm phán Iran hiểu rất rõ Mỹ, mà trước hết là Bộ trưởng ngoại giao Mohammad Javad Zarif, từng học tại Mỹ. Dưới con mắt của Michael Ambuhl, chính phủ Hy lạp của Alexis Tsipras có thể đã chuẩn bị kém hơn, đã không đánh giá đúng mức hậu quả khi làm EU bực tức hơn. Nhưng cuối cùng họ cũng thành công khi nhận được kế hoạch trợ giúp mới và ở lại trong khu vực đồng euro.

2. Sẵn sàng thỏa hiệp

Sự bế tắc trong quá trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestin là ví dụ điển hình về sự cứng nhắc. Các cuộc đàm phán về hạt nhân của Iran bắt đầu từ 2003, nhưng phải đến khi tống thống Hassan Rohani lên cầm quyền vào 2013 với lời hứa giải quyết vấn đề hạt nhân để chấm dứt trừng phạt kinh tế đối với Iran, các cơ hội thành công mới cao.

Theo Marc Finaud, Mỹ cũng đã từ bỏ yêu cầu Iran hủy bỏ chương trình hạt nhân và sử dụng việc dỡ bỏ trừng phạt như đòn bẩy khiến Teheran hợp tác. Điều này cũng tương tự như trong đàm phán với Cuba, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngừng tuyên bố thay đổi chế độ ở La Havane.

Theo Michael Ambuhl, nghệ thuật ngoại giao là sự khéo léo cân bằng giữa tính bền bỉ và uyển chuyển, sáng tạo. Nếu quá cứng nhắc sẽ có nguy cơ hỏng việc, trừ khi là đủ mạnh để áp đặt quan điểm của mình. Ngược lại, nếu linh hoạt hơn, có thể sẽ đạt được thỏa thuận nhanh chóng nhưng sẽ có nguy cơ không đạt được tất cả mục đích.

Nhà ngoại giao cũng phải biết lắng nghe để tách biệt quan điểm chính của các bên khỏi lợi ích của họ để tìm ra các giải pháp mới. Hình dung về hai người ngồi chung văn phòng, một người muốn mở cửa sổ, người kia không. Sau khi thảo luận, rõ ràng một người muốn thoáng khí, người kia sợ gió thổi sau lưng. Như vậy, chỉ cần mở cửa, thay vì mở cửa sổ văn phòng. Đây là một trong nhiều công cụ lý thuyết về đàm phán.

3.  Tăng cường các trao đổi không chính thức.

Đàm phán không chỉ diễn ra trong phòng khách bọc nhung, cãi nhau từng dấu phẩy. Để lập trường hai bên tiến gần nhau hơn, không có gì hiệu quả hơn là các cuộc tranh cãi ngoài hành lang hoặc trong khuôn khố không chính thức. Vào tháng 2 năm 2014 tại Geneve, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và bộ trưởng Iran Mohammed Javad Zarif đã đi dạo thư giãn cùng nhau trung tâm thành phố, khiến chính giới theo hướng bảo thủ  Iran giận giữ.

Michael Ambuhl nhớ rõ các cuộc đàm phán về hạt nhân Iran được tổ chức tại Geneve những năm 2000. Tháng 7/2008, Iran và Mỹ gặp nhau chính thức lần đầu tiên kể từ năm 1980 sau cuộc khủng hoảng con tin tại Teheran, sau đó thậm chí 2 nước đã tránh cả báo chí Thụy Sỹ. Các nhà ngoại giao Thụy Sỹ đã chọn căn phòng Alabama, nơi ký kết các Hiệp định Geneve và là nơi thành lập ra ủy ban quốc tế Chữ thập Đỏ, sau đó là trong một căn biệt thự tại Genthod, hướng ra hồ Lesman, một địa điểm thuận lợi cho các cuộc trao đổi riêng trong công viên.

Cần phải tiến hành từng bước nhỏ nhằm khôi phục lòng tin, phía Thụy Sỹ đã đưa ra đề xuất Iran ngừng các chương trình làm giàu uranium, đổi lại cam kết sẽ không có các trừng phạt mới. Nếu bắt đầu bằng thảo luận con số cuối cùng máy quay ly tâm được hoạt động, tất cả sẽ ra về.

4.  Giới hạn thời gian

Trong các cuộc đàm phán quốc tế, các buổi chạy đua ma-ra-tông đến nửa đêm, thời hạn chót chỉ để thêm kịch tính, thực chất các thời hạn này chưa bao giờ được tôn trọng, việc kéo dài đàm phán, ngừng rồi sau đó tiếp tục các vòng đàm phán về một hiệp định là việc bình thường. Tuy nhiên, sức ép về thời gian là thành phần không thế thiếu được để thành công.

Theo Marc Finaud, làm chủ thời gian là khía cạnh nhạy cảm trong đàm phán. Đó là biết khi nào phải ngửa hết quân bài và nhương bộ. Nếu sớm quá, có nguy cơ đối phương sẽ không sẵn sàng, trong khi tất cả phải dựa trên nguyên tắc có đi có lại. Nếu quá muộn, sẽ có nguy cơ lỡ cơ hội.

Để vượt qua các trở ngại này, có thể để một phần không rõ ràng mà các bên có thể giải thích theo hướng có lợi cho mình, gọi là "sự mập mờ mang tính xây dựng". Ví dụ nổi tiếng nhất là nghị quyết số 242 của Liên hợp Quốc, bỏ phiếu vào 1967, sau khi Israel chiếm Sinai, Cisjordanie, dải Gaza và cao nguyên Golan. Bản nghị quyết bằng tiếng Pháp yêu cầu rút khỏi tất cả lãnh thổ chiếm đóng, trong khi bản tiếng Anh lại mập mờ hơn. Hiện nay, tất cả các cuộc đàm phán quốc tế đều bằng tiếng Anh.

Theo Le Temps (Thụy Sĩ)

Hương Lan (gt)