001aa018f83f1026bc3a01.jpg

Năm 2016, khi thế giới hứng thú theo dõi cuộc đối đầu sắp tới giữa Hillary Clinton và Donald Trump, câu hỏi vẫn là ứng cử viên nào được nhà lãnh đạo nước ngoài nào ưa thích. Trong khi phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ về cơ bản vẫn đưa tin cuộc chạy đua với sự thích thú đầy kinh ngạc ở sự được lòng dân và bền bỉ của chiến dịch vận động của Trump, thực tế ngoài Mỹ dường như cho thấy việc ông ứng cử đang được các nước khác xem xét nghiêm túc. Một số nước thậm chí không chỉ nghiêm túc mà còn có thiện cảm khi so sánh với dự đoán bà Clinton lên nắm quyền tổng thống.

Hiện tại, Nga dường như là một trong số những nước đó. Tuy nhiên, phân tích sâu sắc hơn cho thấy “sự ủng hộ” này có lẽ đúng hơn là một bản cáo trạng chống lại những lập trường và tuyên bố trước đây của bà Hillary chứ không phải được dựa trên bằng chứng thực tế dự đoán chính xác điều mà nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump có thể đem lại cho Moskva. Trên thực tế, xem xét nghiêm túc cả hai ứng cử viên theo quan điểm “điều này có ý nghĩa gì đối với Nga?” sẽ thấy mối quan hệ giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin trong 4 năm tới có lẽ khá rắc rối bất kể ai giành chiến thắng.

Hillary Clinton

Trước khi cân nhắc một số tuyên bố và lập trường cụ thể của Hillary Clinton về Nga, cần phải đưa ra một bình luận khôn khéo về tình trạng chính sách đối ngoại bên trong Đảng Dân chủ, đặc biệt là khi đề cập đến các ứng cử viên tiềm năng cho chức tổng thống. Gần 4 năm trước tác giả đã đăng một bài viết rất được ưa thích lập luận rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama nhìn chung mang “chất Cộng hòa” như thế nào trong tính chính thống bảo thủ của nó. Trong khi tác giả thừa nhận rằng cách tiếp cận theo tư tưởng truyền thống này có thể được giải thích một phần bởi mức độ thoải mái cá nhân của chính tổng thống, thì lịch sử cuộc đua giành ghế Tổng thống Mỹ cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc giải thích các lập trường trung hữu này đối với một tổng thống trung tả. Ảnh hưởng mạnh mẽ này tác động tới Hillary nhiều như tới Obama và do đó dẫn tới sự lặp lại.

Tại sao các nhà lãnh đạo có tư tưởng tự do ở Mỹ phần lớn trở thành các chính khách có tư tưởng bảo thủ khi phải đưa ra quyết định thực sự trên chính trường toàn cầu? Một phần của điều này rõ ràng có liên quan tới điều mà các đảng viên Đảng Dân chủ phải ngăn chặn với tư cách là một đảng toàn vẹn trong thế hệ các cuộc chạy đua tổng thống trước đây: rằng các đảng viên Đảng Dân chủ quá tập trung vào những vấn đề trong nước và không phù hợp hoặc thiếu kinh nghiệm xử lý các vấn đề quốc tế. Về bản chất, các đảng viên Đảng Dân chủ luôn phải chống lại lời buộc tội về sự yếu kém chính sách đối ngoại. Sự buộc tội này chưa bao giờ bị áp cho các ứng cử viên Đảng Cộng hòa (ngay cả khi một ứng cử viên nào đó là “nghiệp dư” trên phương diện quốc tế, di sản danh tiếng của đảng rõ ràng được tự động chuyển sang cho người đó. Đây rõ ràng là điều đang diễn ra với Trump hiện nay).
“Hội chứng Chamberlain” (đảng viên Đảng Dân chủ là kẻ nhượng bộ toàn cầu) này đã tồn tại trong một thời gian khá dài, nhưng điều đó chắc chắn đã bị trầm trọng thêm bởi sự kiện 11/9 và sự chú trọng mới vào an ninh quốc gia. Đó là một phần chính trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2004, khi một số nhà phân tích đã cảnh báo: “Nếu các đảng viên Đảng Dân chủ có bất kỳ hy vọng nào về việc quay trở lại nắm quyền vào năm 2004, hoặc thậm chí là tranh cử một cách cạnh tranh và giữ cho hệ thống lưỡng đảng của Mỹ cân bằng và lành mạnh trong thập kỷ tới, thì họ sẽ phải thuyết phục người dân Mỹ rằng họ có năng lực như các đảng viên Đảng Cộng hòa bảo vệ Mỹ khỏi chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa an ninh khác”. Trong khi người ta cho rằng sẽ mất một thời gian khá dài trước khi các đảng viên Đảng Dân chủ thực sự giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia dựa trên các lập trường của họ về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, thì niềm hy vọng lớn là đảng này sẽ tiến đủ xa để chấm dứt việc thất bại trong các cuộc bầu cử quốc gia chỉ bởi vì hai yếu tố này. Điều này có thể được cho là bài học lớn nhất rút ra được từ thất bại của Đảng Dân chủ năm 2004, khi cựu chiến binh trong Chiến tranh Việt Nam, người được trao tặng huy chương Purple Heart, và người tham gia tích cực lâu năm của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ John Kerry đã thất bại trước Bush, người không có vinh dự phục vụ trong quân đội ở nước ngoài như vậy để dựa vào.

Trong khi trước đây các đảng viên Đảng Dân chủ có thể luôn chỉ trích các đảng viên Đảng Cộng hòa là quá háo hức cân nhắc đến chiến tranh (chỉ có cậy gậy, không có củ cà rốt), thì cáo buộc ngược lại đối với các đảng viên Đảng Dân chủ sau sự kiện 11/9 dường như gay gắt hơn (chỉ có cà rốt, không có cây gậy). Điều mà các đảng viên Đảng Dân chủ cần phải đảm bảo với tư cách là một đảng là người Mỹ có thể nhìn thấy họ không quá yếu ớt hay bối rối khi phải cầm cây gậy nói trên. Rõ ràng đây là một bài học di sản tồn tại mãi mãi một cách đáng kinh ngạc khi Thống đốc bang Massachusetts Michael Dukakis chụp bức ảnh nhô đầu ra khỏi một chiếc xe tăng vào năm 1988 cho chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, bề ngoài có vẻ để khiến người dân tin vào sự cứng rắn của ông, thay vào đó lại trở thành trò cười và trò giễu cợt, điều có thể được cho là đã dẫn tới thất bại của ông trước George H. W. Bush.

Điều dường như rõ ràng là kể từ sau thảm bại đó các đảng viên Đảng Dân chủ dễ có phản ứng thái quá trước sự chỉ trích như vậy. Do đó họ có xu hướng thậm chí còn nhanh hơn các đảng viên Đảng Cộng hòa “xếp hàng” và khoe biểu tượng “quân hàm” được xăm cách điệu trên cánh tay họ, thể hiện sự sẵn sàng và khả năng bảo vệ Mỹ của họ cũng chủ động như đảng đối lập. Ảnh hưởng lịch sử này nổi bật ở Obama vì kinh nghiệm trước đây của ông với tư cách là một nhà tổ chức cộng đồng Chicago, sau đó lại rất hạn chế khi chỉ làm thượng nghị sĩ một nhiệm kỳ duy nhất, đã tạo ra một sự quá nhạy cảm với việc “không sẵn sàng trên phương diện quốc tế”. Có lẽ, gánh nặng này còn đè nặng hơn lên bà Hillary: bà không chỉ phải chống lại những lời cáo buộc mang tính phân biệt đối xử về giới theo truyền thống nhằm vào tất cả các nữ chính trị gia là “những sứ giả hòa bình” và không phải là “những kẻ gây chiến”. Bà cũng phải chống lại lịch sử cá nhân của chính mình, điều mà nếu có thì đã bắt đầu như là theo tư tưởng nam nữ bình quyền và tự do cổ điển, hai điều thường không bao giờ có liên quan tới quân đội hoặc việc sử dụng quyền lực cứng. Xét tới bối cảnh này, cả ở bên trong đảng nói chung lẫn tính cách của bà nói riêng, điều trở nên dễ hiểu hơn nhiều là tại sao các bình luận và lập trường của Hillary với Nga trong những năm qua lại mang tính hoài nghi và chỉ trích một cách kiên quyết đến vậy. Tuy nhiên, dễ hiểu hơn không nhất thiết biến thành dễ chấp nhận hơn.

Nhiều người chỉ trích Hillary có xu hướng trích dẫn niềm tin trước sau như một của bà vào thần thoại về “chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ” và vai trò tự xưng của nước này là “nhà lãnh đạo của thế giới tự do”. Công bằng mà nói, phần lớn các chính trị gia ở Washington sẽ ít nhất công khai bày tỏ cùng những ý tưởng này nhưng hầu như không ai cũng là Ngoại trưởng và duy trì mối quan hệ rất mật thiết với tổ hợp quân đội-an ninh. Chính Ralph Nader là người đã công khai chỉ trích bà là “vừa theo chủ nghĩa nghiệp đoàn sâu sắc vừa có tư tưởng quân phiệt… chưa bao giờ phải đối mặt với một hệ thống vũ khí mà bà không thích”. Có lẽ đáng kể nhất là sự mô tả tính cách này hẳn sẽ không thể tưởng tượng được khi bà bắt đầu với tư cách là Đệ nhất phu nhân ở Washington. Người ta chỉ cần nhìn vào sáng kiến chăm sóc sức khỏe thất bại mà Bill Clinton giao cho bà đảm đương trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của ông để thấy tâm điểm vấn đề và tính khí của bà đã thích ứng theo thời gian mạnh mẽ như thế nào.

Hillary vẫn giữ các mối liên hệ chính thức và không chính thức bên trong nhóm Đông Âu của bà mà thật đáng ngạc nhiên lại là những người lưu nhiệm tân bảo thủ có khả năng thích ứng cao từ Chính quyền Bush và đã thành công trong việc ở ngay bên cạnh Obama, Clinton và Kerry qua thời gian. Anatol Lieven, học giả có tiếng thuộc King’s College London, đã công khai chỉ trích rằng quá nhiều nhân vật xung quanh Hillary hiện nay là các thành viên trường phái cũ thuộc quân đội, bộ máy chính sách đối ngoại và an ninh trước nay luôn nhìn Nga bằng thái độ trong Chiến tranh Lạnh, dù không có bằng chứng.

Trong suốt cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014, Hillary đã tìm cách tạo ra mối liên hệ giữa chính sách của Putin về vấn đề ly khai/sáp nhập với các chính sách mà Adolph Hitler từng theo đuổi vào những năm 1930. Xét tới việc hơn 20 triệu người Nga đã thiệt mạng khi chiến đấu chống lại Hitler, một sự hy sinh mà nhiều sử gia trên khắp thế giới coi là điều then chốt cuối cùng dẫn tới sự thất bại của Hitler, và tới việc Chiến tranh thế giới thứ hai tại Nga thay vào đó được chính thức biết đến là “Cuộc chiến Vệ quốc vĩ đại”, thật vô cùng bừa bãi và thiếu suy nghĩ khi đưa ra mối liên hệ không chính xác một cách khiếm nhã như vậy xét tới việc mối quan hệ Nga-Mỹ sẽ tiếp tục trở nên quan trọng như thế nào đối với nhiệm kỳ mà Hillary đang theo đuổi.

Tại Viện Brookings quyền lực và có sức ảnh hưởng, Hillary đã tuyên bố rằng cần phải làm nhiều điều hơn để “gia tăng cái giá phải trả” cho Nga nói chung và Putin nói riêng vì hành động của Nga tại Syria. Những bình luận này đương nhiên được đưa ra dưới sự bảo trợ của việc tôn vinh luật pháp quốc tế và muốn chấm dứt cuộc xung đột, mặc dù Nga được chính thức mời bước vào Syria và sự can thiệp của nước này về mặt kỹ thuật là phù hợp với luật pháp quốc tế. Không tuyên bố nào có thể được chính thức áp dụng cho sự giúp đỡ mà Mỹ trao cho các nhóm đối lập khác nhau một cách hỗn loạn, các nhóm tìm cách lật đổ Assad. Kiểu “cải biên câu chuyện kể” này liên tục chọc giận Nga: điều mà họ coi là sự thao túng trắng trợn và giả dối việc đưa tin các sự kiện của phương tiện truyền thông toàn cầu thực ra lại đang diễn ra trên thực địa.

Hillary từng rất thiếu lịch thiệp khi thảo luận ý kiến cá nhân của bà về Putin với tư cách là một người bình thường, thậm chí từng một lần mô tả ông là “không có tâm hồn”. Trong cuốn sách “Những lựa chọn khó khăn” của mình, bà đã gọi ông là “dễ tự ái và độc đoán”. Điều này gây ra nhận thức chung bên trong hành lang quyền lực ở Nga rằng có lẽ Hillary nhìn nhận mối quan hệ này một cách quá riêng tư: đó là chừng nào Vladimir Putin còn là Tổng thống Nga (điều rất có khả năng xảy ra trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Hillary), thì khi đó bà sẽ không cố gắng đạt được mối quan hệ tốt đẹp hơn với nước này và thậm chí bà cũng sẽ không đối xử với Nga như là một đối tác ngang hàng trong các khu vực có lợi ích chung toàn cầu.

Hillary đã duy trì các tiêu chuẩn kép phục vụ cho lợi ích cá nhân trong các cuộc phỏng vấn, vạch ra những điểm khác biệt sai lầm giữa các nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev từ năm 2008 đến năm 2012 và sự trở lại của Putin sau năm 2012. Một mặt, bà chỉ trích Medvedev là dễ dàng nghe theo Thủ tướng Putin, nhưng sau đó mặt khác bà lại tán dương khả năng của mình làm việc và hoàn thành công việc cùng với Medvedev. Medvedev do đó vừa là một con rối chẳng làm được gì, vừa là một người điều khiển con rối đã để cho Mỹ đạt được một thỏa thuận vũ khí hạt nhân, các biện pháp trừng phạt Iran và tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hoạt động tác chiến khác ở Afghanistan. Trong một cuộc phỏng vấn được công khai rộng rãi với phóng viên truyền hình nổi tiếng Judy Woodruff, Hillary rõ ràng đưa ra một lập trường đặc trưng bởi sự nghi ngờ và lo ngại đối với Nga, mặc dù rất muốn thừa nhận rằng đó vẫn là một nước phải hợp tác.

Trong khi nhiều người có tư tưởng tự do truyền thống bên trong Đảng Dân chủ gặp vấn đề với cái mà họ cho là lập trường chính sách đối ngoại bảo thủ “cực hữu” rõ ràng của Hillary, thì mối quan ngại thực sự đối với Liên bang Nga là nước này coi bà là một ứng cử viên, dù đúng hay không, muốn sử dụng Nga và Putin làm “vật chịu tội” và “đứa bé bị trừng phạt” nhằm thiết lập “sự cứng rắn” của chính bà trên chính trường toàn cầu và dựa vào giọng điệu Chiến tranh Lạnh lỗi thời để phân tích các chiến lược và sáng kiến đương thời. Nếu Nga quan tâm tới việc thiết lập các mối quan hệ mới trong thế kỷ 21 với Mỹ mà không bị chi phối theo bản năng bởi các di sản của thế kỷ 20, thì nước này khó có thể coi Hillary Clinton là tổng thống sẵn sàng tạo ra một môi trường như vậy. Đây là điều có khả năng gây ra những tuyên bố gần như tích cực từ Nga về Donald Trump. Không may thay, Nga cần phải thận trọng nếu muốn một tổng thống mà chỉ đơn giản vì người đó không phải là Hillary. Mặc dù Donald đem đến một phong cách và cách tiếp cận khác biệt cho các mối quan hệ tiềm tàng với Nga, nhưng điều đó không có nghĩa rằng mối quan hệ đó sẽ đem lại điều gì đó mới mẻ và đổi mới.

Ông Donald Trump

Sau khi xem xét một số lời bình luận và bài bình luận gay gắt hơn của Hillary về Nga, khó có thể tránh được ấn tượng rằng Nga có lẽ “ủng hộ” Trump làm tổng thống theo cách rất giống với nhiều người Mỹ: họ đơn giản là không muốn Clinton làm tổng thống. Trong các giờ dạy ở trường đại học, tác giả thường cảnh báo các sinh viên không tham gia cái mà tác giả gọi là “bỏ phiếu tiêu cực”: việc bỏ phiếu không phải là để ỦNG HỘ một ứng cử viên cụ thể mà thay vào đó là để PHẢN ĐỐI ứng cử viên đối lập. Khi các công dân bỏ phiếu dựa vào sự phủ nhận chứ không phải là sự khẳng định, thì điều thông thường là nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo cuối cùng sẽ gây thất vọng. Tác giả tin điều này cũng có thể được áp dụng với Nga nếu họ nghĩ đơn giản là việc ngăn cản Hillary sẽ tự động dẫn tới một nhiệm kỳ tổng thống tốt đẹp hơn cho quan hệ Nga-Mỹ. Nghĩa là:

Bên trong chiến dịch tranh cử của Donald là xu hướng đưa ra những tuyên bố táo bạo rồi ngay sau đó sẽ được rút lại. Ông đã làm vậy với việc xây một bức tường chống lại người Mexico; với lời hứa sẽ đánh thuế những người “siêu giàu”; với lời hứa gia tăng tiền lương tối thiểu; với đề xuất đơn giản là cấm tất cả những người tự xưng là Hồi giáo bước vào nước này. Trong khi nhiều đảng viên Đảng Dân chủ (và ngoài các đảng viên Đảng Cộng hòa) than vãn rằng điều này khiến cho khó có thể hiểu được nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ thực sự trông như thế nào, thì nhiều người cộng tác kinh doanh trước đây đã cảnh báo rằng việc cứ tuyên bố rồi lại rút lại như này là điều mà chính quyền của ông Trump sẽ trở thành: không có các nguyên tắc đáng tin cậy, đơn giản là sự sẵn sàng “nhảy tới nhảy lui” khắp các lập trường hoàn toàn trái ngược nhau mà không có lôgích thực sự vì sao lại như vậy. Cuối cùng, bị buộc tội là người chỉ phục vụ cho lợi ích cá nhân. Nga có thể nghĩ đây là một nhân vật mà họ có thể làm việc cùng, nhưng điều đó tạo ra một giả định rằng chủ nghĩa vị kỷ là hợp lý và có thể đoán trước được. Moskva dường như nhấn mạnh từ “chủ nghĩa thực dụng” với Donald. Nhưng việc “xoay như chong chóng”, đổi ý, và những sự trái ngược về chính sách không cho thấy tính thực dụng. Chúng cho thấy tính không đáng tin.

Ông Donald đã trở thành tin tức hàng đầu bằng cách nói rằng ông sẵn sàng làm việc với Nga, “nhưng chỉ từ lập trường sức mạnh”, trong khi đó cũng bổ sung rằng Mỹ cần sẵn sàng quay bước với Nga nếu nước này “quá đòi hỏi”. Do Hillary đã tuyên bố quá rõ ràng một lập trường công khai đối địch với Nga, nên những bình luận như này từ Donald khiến cho điều đó dường như là một chính sách khác biệt mạnh mẽ. Trong điều kiện thực, điều đó không phải vậy. Mấu chốt là lấy thông tin từ các từ mã hóa. Bất cứ khi nào một chính trị gia ở Mỹ nói về các lập trường sức mạnh và không muốn nhìn thấy một đối thủ quá đòi hỏi, thì điều đó về cơ bản cũng lập luận ủng hộ chính lập trường do Hillary đưa ra: những sở thích của Mỹ sẽ chiếm vị thế ưu tiên và việc hợp tác cùng với nhau sẽ chỉ diễn ra nếu Mỹ được trao cho vai trò lãnh đạo rõ ràng. Thái độ ngạo mạn này đã được thừa nhận trong mối quan hệ Nga-Mỹ kể từ sau sự tan rã của Liên Xô và cho đến nay không có tổng thống nào dường như sẵn sàng mở một con đường mới. Những bình luận của Donald không mang tính tiên phong: chúng được che đậy một cách kín đáo nhằm che giấu điều đơn giản sẽ chẳng khác gì nguyên trạng. Ông sẽ là đối tác với Putin chừng nào Putin chấp nhận vai trò thấp hơn, điều mà rõ ràng dường như rất không có khả năng.

Điểm kể trên là một sự chuyển tiếp hoàn hảo sang cái có khả năng sẽ là yếu tố kích động thực sự giữa Trump và Putin – cái tôi và dũng khí. Hai điều này là điều thường thấy đối với Donald. Đó rõ ràng là điều ông ngưỡng mộ về Putin: cho dù các nước trên thế giới tán thành hay phản đối các chính sách và sáng kiến của Putin, thì một điều không bao giờ bị bác bỏ – quyền lực của ông và ý thức về thẩm quyền không thể phủ nhận đối với hệ thống và chính quyền của ông. Điều mà Donald coi là điều gì đó đáng ngưỡng mộ trên thực tế không cho thấy sự sẵn sàng được Putin “chỉ bảo”. Thay vào đó, điều đáng tin cậy hơn nhiều là mối quan hệ này nhanh chóng biến thành cuộc chiến về cái tôi. Tại Mỹ, điều này thường bị bôi nhọ là một “cuộc cạnh tranh ngu xuẩn”. Khi Putin gọi Donald “chắc chắn là một người thông minh, tài năng”, điều đó đã truyền cảm hứng cho Trump đáp lại: “Tôi thích ông ấy vì ông ấy gọi tôi là một thiên tài. Ông ấy nói Trump là nhà lãnh đạo thực sự”. Nói cách khác, thực chất chẳng có ý nghĩa gì. Chỉ cần chắc chắn “vuốt ve” cái tôi của Donald thì ông ta sẽ coi bạn là “bạn bè” và “đối tác”. Nhưng cá tính “đồng bóng” của ông sẽ làm gì khi một sự bất đồng về thực chất quan trọng hơn bất kỳ sự tâng bốc lẫn nhau nào dựa trên phong cách? Đối với Trump, đó sẽ là dấu chấm hết cho mối quan hệ đối tác, dấu chấm hết cho tình hữu nghị, và do đó, là dấu chấm hết cho mối quan hệ Nga-Mỹ “mới”. Mỉa mai thay, Nga có lẽ nhận thấy rằng chỉ có Putin là người theo chủ nghĩa thực dụng. Ông Donald chỉ đơn giản là người có tư tưởng quá yêu bản thân.

Trong tâm lý ngược lại, Nga cần phải thận trọng khi một trong những đối thủ khắt khe nhất của Putin, nhà cựu vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov, một mực khăng khăng làm thế nào mà Trump là phiên bản Mỹ của “chủ nghĩa Putin” và rằng nhiệm kỳ tổng thống của Donald sẽ là “hy vọng lớn nhất” cho Nga. Lôgích của Kasparov là việc bầu cho Donald sẽ làm suy yếu nghiêm trọng nền dân chủ Mỹ và phá tan mối quan hệ tích cực xuyên Đại Tây Dương. Nói đơn giản thì Kasparov đối xử với Donald giống như người đại diện cho lợi ích của Nga trên thực tế, nghĩa là Donald sẽ sẵn sàng phụ thuộc vào Putin. Như đã được đề cập trước đó, cái tôi và chủ nghĩa yêu bản thân sẽ không cho phép điều đó. Trong tình trạng hiện tại của mối quan hệ Nga-Mỹ, khi mà quá nhiều người Mỹ đang bị nhồi nhét câu chuyện về tính hung hăng đối đầu của Nga, đơn giản là chẳng có suy nghĩ nào có căn cứ để khiến ai đó tin Donald sẽ phản đối dư luận Mỹ về cái gọi là một kẻ thù. Thay vào đó, rất có khả năng là ông sẽ hùa theo chứng bệnh hoang tưởng của Mỹ, nhằm đảm bảo nhu cầu tự đề cao của chính ông.

Cuối cùng, những lời bình luận của Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện, minh họa một cách hoàn hảo cho việc bao nhiêu hy vọng vào Donald thực ra chỉ là do thiếu hy vọng với Hillary: “Những cơ hội mới có thể xuất hiện chỉ như là những xu hướng hoàn toàn mới trong Nhà Trắng, và chúng ta đang nói không chỉ về tình cảm thân Nga, chúng ta đơn giản là cần cái gì đó mới mẻ, “luồng gió thay đổi” nào đó ở Washington. Khi đó, chúng ta có thể thiết lập lại những điều nhất định và nhất trí tiếp tục đối thoại… Trong bối cảnh gồm 2 yếu tố này, Trump có vẻ có đôi chút hứa hẹn hơn… Ít nhất, ông ấy có khả năng “lay động” Washington. Ông ta chắc chắn là một người theo chủ nghĩa thực dụng chứ không phải là một người truyền giáo như đối thủ chính của ông, bà Clinton”.

Điều mà bài viết này chứng minh là niềm tin như vậy có xu hướng bị đặt nhầm chỗ thế nào khi xem xét Donald. Người dân Nga đang có sự liên hệ sai lầm: nếu bạn không phải là một người truyền giáo, thì bạn hẳn phải là một người theo chủ nghĩa thực dụng. Có những lựa chọn khác nguy hiểm và gây tổn hại hơn trong phương trình đó. Đó không phải là nhị thức, 0 hoặc 1. Hãy nhớ rằng: chỉ bởi vì Donald không phải là Hillary không có nghĩa là ông ta tốt hơn hay dễ tiếp cận hơn đối với Nga. Thành tích và cá tính của ông cho thấy điều khác.

Trên thực tế, có một số nhân vật ôn hòa thận trọng ở Nga và họ cho thấy sự hiểu biết về cuộc bầu cử sắp tới. Những người như Aleksey Pushkov, người đứng đầu Ủy ban đối ngoại Hạ viện, và Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga, trong khi thừa nhận hiểu biết của họ về sức hút tức thì của Donald so với Hillary trong mắt Nga, cũng nhấn mạnh “hệ thống” chính trị Washington có xu hướng buộc bất kỳ tổng thống sắp tới phải nhanh chóng phục tùng như thế nào và không thể thực sự biết được điều gì được mong đợi từ nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Tuy nhiên, tác giả nghĩ có thể đưa ra dự đoán đáng tin cậy. Để mối quan hệ Nga-Mỹ thay đổi đáng kể khỏi nguyên trạng tiêu cực hiện nay, tổng thống sắp tới sẽ phải hăng hái và được thúc đẩy về mặt tri thức để thấm nhuần tư duy chính trị và những con đường ngoại giao đổi mới. Hillary rõ ràng đã tuyên bố lập trường của mình trong đội ngũ những người bảo thủ ngờ vực, hoài nghi. Ông Donald có lẽ đã không làm điều này công khai. Nhưng nhu cầu của ông được công chúng Mỹ yêu mến và ngưỡng mộ (một công chúng Mỹ liên tục bị nhồi nhét đều đặn nhận thức và phân tích tiêu cực về Nga và ban lãnh đạo Nga) có nghĩa rằng ông hẳn sẽ sẵn sàng từ bỏ việc nuôi dưỡng chủ nghĩa yêu bản thân mình vì lợi ích của mối quan hệ được cải thiện với Nga. Và trong khi có nhiều điều bí ẩn trong thế giới này, chắc chắn có một điều KHÔNG PHẢI là điều bí ẩn: người mà Donald đã luôn yêu mến nhất trong số tất cả mọi người chính là… Donald. Do đó, Nga cần phải thận trọng khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 sắp đến gần. Một số giả định mơ hồ và sự liên hệ sai lầm đang hướng lòng trung thành rõ ràng vào một ứng cử viên không có khả năng đem lại bất kỳ điều gì gần với điều được hy vọng. Quả thực, đó có thể là tin xấu rằng năm 2016 được ghi nhớ đơn giản như cuộc bầu cử Mỹ, cuộc bầu cử đem lại cho Nga lựa chọn “C” như là lựa chọn tốt nhất: Chẳng có điều gì kể đến ở trên./.

Theo “Modern Diplomacy

Hương Trà (gt)