Sau khi Liên Xô sụp đổ, Richard Nixon nhận xét rằng Mỹ đã giành chiến thắng Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn chưa giành được hòa bình. Kể từ đó, 3 tổng thống Mỹ - đại diện cho cả hai đảng chính trị - vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ này. Trái lại, hòa bình dường như ngày càng ngoài tầm với khi các mối đe dọa đối với an ninh và thịnh vượng của Mỹ tăng lên gấp bội ở cả cấp độ tổng thể, nơi các cường quốc chủ yếu bất mãn đang ngày càng thách thức trật tự quốc tế, lẫn ở cấp nhà nước và tiểu nhà nước, nơi các nhóm sắc tộc, bộ tộc, tôn giáo và các nhóm khác cảm thấy bất mãn đang gây mất ổn định cho các nước chủ chốt và thậm chí là toàn bộ các khu vực.

Nguy hiểm nhất là những bất đồng về hệ thống quốc tế và những đặc quyền của các cường quốc chủ yếu tại các vùng lân cận nhất của họ - các tranh chấp theo kiểu mà về phương diện lịch sử đã sản sinh ra những cuộc xung đột lớn nhất. Và những điều này là cốt lõi của các căng thẳng giữa Mỹ và phương Tây với Nga, và thậm chí còn đáng lo ngại hơn là, với Trung Quốc. Hiện nay, thách thức cấp bách nhất là cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine. Ở đó, người ta có thể nghe thấy những tiếng vang của những sự kiện mà một thế kỷ trước đã gây ra thảm họa được biết đến là Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tạm thời, hiệp định Minsk II mơ hồ, hạn hẹp và được diễn giải không nhất quán đang có hiệu lực, và chúng ta có thể hy vọng rằng nó sẽ dẫn tới những hiệp định xa hơn mà ngăn chặn sự quay trở lại của một cuộc chiến tranh nóng. Nhưng cuộc chiến tranh đã xảy ra và có thể tiếp tục đã phản ánh những mâu thuẫn sâu sắc mà Mỹ không thể giải quyết nếu nước này không xem xét chúng một cách trung thực và trực tiếp.

Tại Mỹ và châu Âu, nhiều người tin rằng cách tốt nhất để ngăn cản việc Nga tiếp tục lại sứ mệnh đế quốc mang tính lịch sử của nước này là bảo đảm nền độc lập của Ukraine. Họ khăng khăng rằng phương Tây phải làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn Điện Kremlin thiết lập quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp đối với đất nước này. Nếu không, họ nhìn thấy trước việc Nga tập hợp lại đế chế Xôviết trước đây và đe dọa toàn bộ châu Âu. Trái lại, tại Nga, nhiều người tuyên bố rằng trong khi Nga sẵn lòng công nhận chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine (ngoại trừ Crimea), Moskva sẽ yêu cầu không có bất cứ nước lớn nào khác tại biên giới của nước này. An ninh tại biên giới phía Tây của nước này đòi hỏi một mối quan hệ đặc biệt với Ukraine và một mức độ tôn trọng được mong đợi tại các phạm vi ảnh hưởng của các cường quốc chủ yếu. Cụ thể hơn, tình cảm của giới quyền uy Nga là nước này không bao giờ có thể an toàn nếu Ukraine gia nhập NATO hoặc trở thành một phần của một cộng đồng châu Âu-Đại Tây Dương thù địch. Theo quan điểm của họ, điều này khiến tình trạng không đối địch của Ukraine trở thành một yêu cầu không thể thương lượng đối với bất cứ nước Nga nào đủ hùng mạnh để bảo vệ các lợi ích quốc gia-an ninh của nó. 

Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nga đã phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của phương Tây và bị tàn phá bởi các vấn đề nội bộ của riêng nước này. Trong bối cảnh đó, không lấy làm ngạc nhiên rằng các nhà lãnh đạo phương Tây đã trở nên quen với việc lờ đi các triển vọng của Nga. Nhưng từ khi Vladimir Putin lên nắm quyền vào năm 1999, ông đã lãnh đạo khôi phục ý thức của Nga về chính nước này như là một nước lớn. Được khích lệ bởi sản xuất và giá dầu tăng mà đã khiến GDP của Nga tăng gấp đôi trong 15 năm cầm quyền của ông, người Nga ngày càng tỏ ra giận dữ trước cách đối xử như vậy.

Người Mỹ nên nhớ lại chuỗi sự kiện đã dẫn tới cuộc tấn công của Nhật Bản nhằm vào Mỹ tại Trân Châu Cảng và sự tham gia của Mỹ vào Chiến tranh thế giới thứ hai. Vào năm 1941, Mỹ đã áp đặt một lệnh cấm vận gần như tuyệt đối với các chuyến hàng chở dầu tới Nhật Bản nhằm trừng phạt cuộc xâm lược của nước này trên lục địa châu Á. Đáng tiếc là, Washington đã đánh giá thấp trầm trọng cách Nhật Bản sẽ phản ứng. Là một trong những “người khôn ngoan” hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, Ngoại trưởng Dean Acheson, sau đó đã nhận xét, việc hiểu sai của Chính phủ Mỹ không phải là về điều mà Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ làm tại châu Á, cũng không phải về sự thù địch mà lệnh cấm vận của chúng ta sẽ kích động, mà là về những rủi ro cao một cách đáng kinh ngạc mà Tướng Tojo sẽ phải gánh vác để hoàn thành những mục đích của ông. Không có ai tại Washington nhận ra rằng ông và chế độ của ông đã xem việc xâm chiếm châu Á không phải như là hoàn thành một tham vọng mà như là sự tồn tại của một chế độ. Đó là một vấn đề sống còn đối với họ.
Không lâu trước sự kiện Trân Châu Cảng, đặc phái viên Nhật Bản Saburo Kurusu đã nói với Washington rằng “Người Nhật tin rằng các biện pháp kinh tế là một vũ khí chiến tranh hiệu quả hơn nhiều so với các biện pháp quân sự; rằng… họ đang bị Mỹ đặt dưới sức ép nặng nề buộc phải nhượng bộ lập trường của Mỹ; và rằng thà chiến đấu còn hơn là chịu đầu hàng trước sức ép”. Bất chấp cảnh báo này, phản ứng của Nhật Bản trước cuộc chiến tranh kinh tế của Mỹ đã làm cho Mỹ mất cảnh giác, làm thiệt mạng 2.500 người và nhấn chìm phần lớn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Xem xét lại hồ sơ mới đây về những dự báo của các chính quyền Mỹ về những hậu quả của các lựa chọn chính sách đối ngoại lớn hẳn đóng vai trò như một ngọn đèn cảnh báo sáng chói. Chính quyền Clinton đã hiểu sai về một cuộc nội chiến được mở rộng và đẫm máu tại Nam Tư trước khi áp đặt sự chia cắt không vững chãi của chính nó và chọc giận Nga và Trung Quốc trong quá trình này. Khi George W. Bush quyết định xâm lược Iraq và thay thế chế độ của Saddam Husein bằng một chế độ được bầu cử một cách dân chủ, ông đã tin rằng điều này sẽ, như ông đã nói, “đóng vai trò là một ví dụ mạnh mẽ về tự do và quyền tự quyết ở một phần của thế giới vốn không còn hy vọng về tự do và quyền tự quyết”. Ông và êkíp của mình đã giữ vững sự tin chắc này, bất chấp nhiều lời cảnh báo rằng chiến tranh sẽ chia cắt đất nước này dọc theo các ranh giới bộ tộc và tôn giáo, rằng bất cứ chính phủ được bầu cử nào tại Baghdad cũng sẽ do người Shia chi phối và rằng Iran sẽ là bên hưởng lợi chính từ một Iraq bị suy yếu. Kế đó, Chính quyền Obama đã tham gia cùng Anh và Pháp trong một chiến dịch không quân lớn tại Libya nhằm loại bỏ Moammar Gadhafi. Những sự hỗn loạn sau đó đã góp phần vào những vụ giết hại một đại sứ Mỹ và các nhà ngoại giao khác của Mỹ và sự hình thành một nơi ẩn náu cho các phần tử Hồi giáo cực đoan mang tính đe dọa cao hơn so với Libya của Gadhafi đối với các láng giềng của nước này và đối với Mỹ. Tại Syria, vào lúc bắt đầu cuộc nội chiến, Chính quyền Obama đã yêu cầu phải hất cẳng Tổng thống Bashar al-Assad, mặc dù ông chưa bao giờ đặt ra một mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ. Cả Chính quyền Obama lẫn các nghị sỹ Quốc hội đều không xem trọng những dự báo rằng các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ chi phối phe đối lập của Syria thay vì các lực lượng ôn hòa hơn – và rằng Assad sẽ không dễ dàng bị thay thế.

Liệu một phản ứng của Mỹ trước các hành động của Nga tại Ukraine có thể kích động một cuộc đối đầu dẫn tới một cuộc chiến tranh Mỹ-Nga không? Một khả năng như vậy có vẻ gần như không thể tưởng tượng được. Nhưng khi đánh giá cái gì đó là “không thể tưởng tượng được”, chúng ta nên luôn luôn tự nhắc nhở rằng đây là một phát biểu không phải về điều có thể diễn ra trên thế giới, mà về điều chúng ta có thể hình dung. Như Iraq, Libya và Syria cho thấy, các nhà lãnh đạo chính trị thường gặp khó khăn trong việc hình dung ra những sự kiện mà họ xem là khó chịu, phiền hà hay bất tiện.

Các quan điểm phổ biến về cuộc đối đầu hiện nay với Nga về Ukraine phù hợp với khuôn mẫu này. Do việc tước bỏ quyền lực của Slobodan Milosevic, Saddam Hussein và Moammar Gadhafi có tác động trực tiếp hạn chế đối với hầu hết người Mỹ, có lẽ không ngạc nhiên khi hầu hết các nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích của Washington cho rằng việc thách thức Nga về Ukraine và tìm cách cô lập Moskva trên trường quốc tế và làm tê liệt nước này về mặt kinh tế sẽ không diễn ra với một cái giá đáng kể, chứ chưa nói đến gây ra những nguy hiểm thực sự cho Mỹ. Xét cho cùng, điệp khúc phổ biến nhất tại Washington khi chủ đề về Nga được đưa ra là “Nga không còn quan trọng nữa”. Không ai tại thủ đô này thích thú với việc cố gắng làm bẽ mặt Putin nhiều hơn Tổng thống Barack Obama, người nhiều lần đưa Nga vào danh sách của ông về những thứ cần loại bỏ hiện nay cùng với Nhà nước Hồi giáo (IS) và Ebola. Và có thể không tồn tại nghi ngờ nào rằng là một nước nhiều dầu mỏ, Nga dễ bị tổn thương về mặt kinh tế và có rất ít, nếu có, các đồng minh thực sự. Ngoài ra, nhiều người trong các giới tinh hoa kinh doanh và trí thức của nước này hăng hái giống như trang xã luận của tờ Washington Post muốn nhìn thấy Putin rời khỏi chức vụ. Những người Ukraine có chung quan điểm về cựu Tổng thống Ukraine Viktor F. Yanukovych đã thành công hất cẳng ông với sự giúp đỡ hạn chế của phương Tây, vì thế, người ta lập luận rằng, có lẽ Putin cũng dễ bị tổn thương như vậy.

Tuy nhiên, Nga rất khác biệt với các nước khác nơi Mỹ đã ủng hộ sự thay đổi chế độ. Trước hết và quan trọng nhất, nước này sở hữu một kho vũ khí hạt nhân có khả năng thực sự xóa sổ Mỹ khỏi bản đồ. Trong khi nhiều người Mỹ tự thuyết phục họ rằng các vũ khí hạt nhân không còn liên quan đến các hoạt động chính trị quốc tế, các quan chức và tướng lĩnh tại Moskva lại cảm thấy khác. Thứ hai, bất chấp cách người Mỹ nhìn nhận đất nước của họ, người Nga xem họ là một nước lớn. Các nước lớn hầu như không chấp nhận chỉ đóng vai trò là các đối tượng trong các chính sách của các nước khác. Khi họ có sức mạnh để làm như vậy, họ tự nắm lấy số phận của mình, dù tốt hay xấu.

Trong khi hầu hết các nhà hoạch định chính sách và các nhà bình luận bác bỏ khả năng về một cuộc chiến tranh Mỹ-Nga, chúng tôi lại quan ngại về sự chệch hướng của các sự kiện hơn bao giờ hết kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Chúng tôi nói điều này sau khi theo dõi các vấn đề của Xôviết và Nga trong suốt Chiến tranh Lạnh và trong những năm kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991. Và chúng tôi nói điều đó sau khi một nhân vật trong số chúng tôi mới đây đã dành 1 tuần tại Moskva để nói chuyện một cách thẳng thắn với các cá nhân trong và quanh chính phủ của Putin, bao gồm nhiều quan chức Nga có ảnh hưởng, và một nhân vật khác tại Trung Quốc lắng nghe các quan điểm từ phía Bắc Kinh. Chúng tôi đưa ra đánh giá dựa trên những cuộc hội thoại này cũng như các nguồn công khai và bí mật khác.

Có 3 nhân tố chủ chốt khi xem xét cách cuộc xung đột hiện nay có thể leo thang thành chiến tranh: quá trình ra quyết định của Nga, hoạt động chính trị của Nga và các động lực Mỹ-Nga.

Về quá trình ra quyết định của Nga, Putin được công nhận ở cả trong và ngoài đất nước này là người đơn phương ra quyết định. Tất cả bằng chứng sẵn có cho thấy rằng ông dựa vào một giới cố vấn rất hẹp, không ai trong số đó sẵn sàng thách thức những giả định của ông. Quá trình này không có khả năng giúp Putin đưa ra những quyết định sáng suốt mà xem xét đầy đủ các phí tổn và lợi ích thực tế.

Ngoài ra, môi trường chính trị của Nga, ở cả cấp độ của giới tinh hoa và công chúng, khuyến khích Putin leo thang các yêu cầu thay vì đưa ra những sự nhượng bộ. Ở cấp độ giới tinh hoa, giới quyền uy của Nga rơi vào 2 phe: một phe thực dụng, hiện đang có ưu thế hơn chủ yếu là nhờ có sự ủng hộ của Putin, và một phe theo đường lối cứng rắn. Công chúng Nga phần lớn ủng hộ phe theo đường lối cứng rắn, những người mà một cố vấn của Putin đã gọi là “những kẻ nóng nảy”. Do các hoạt động chính trị của Nga hiện nay, Putin chịu trách nhiệm cá nhân về thực tế rằng các chính sách phục thù của Nga không hung hăng hơn. Thẳng thắn mà nói, Putin không phải là người cứng rắn nhất trong số những người theo đường lối cứng rắn tại Nga.

Trong khi không ai trong số “những kẻ nóng nảy” chỉ trích Putin, ngay cả trong các cuộc trò chuyện riêng tư, ngày càng nhiều quan chức quân đội và an ninh-quốc gia ủng hộ một đường hướng cứng rắn hơn một cách đáng kể đối với Mỹ và châu Âu trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều này rõ ràng trong các cuộc công kích của họ vào các quan chức nội các tương đối ôn hòa chẳng hạn như Phó Thủ tướng Igor Shuvalov và Ngoại trưởng Sergey Lavrov. Theo quan điểm của họ, những người có quan điểm ôn hòa không hiểu được tính nghiêm trọng của thách thức Mỹ-châu Âu đối với Nga và nuôi hy vọng hão huyền rằng sự việc có thể thay đổi theo hướng tốt hơn mà Nga không cần phải chịu khuất phục trước một mệnh lệnh nước ngoài không thể chấp nhận được và hèn hạ. Họ đề nghị chuyển cuộc chơi sang các lĩnh vực thuộc thế mạnh của Nga – bằng việc sử dụng vũ lực quân sự để thúc đẩy các lợi ích của Nga như Putin đã làm tại Crimea và gây sức ép để phương Tây chấp thuận Moskva theo các điều kiện của chính nước này.

Dân chúng Nga ngày càng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cũng ủng hộ đường hướng “thách thức kẻ thù chính” này, vốn lấy ngôn từ và cảm hứng từ người lãnh đạo Xôviết trước đây Yuri Andropov. Putin rõ ràng đã góp phần phát triển những tình cảm theo đường lối dân tộc chủ nghĩa thông qua giọng điệu yêu nước và sự lên án hành vi của phương Tây của ông. Nhưng ông đang đẩy một cánh cửa mở sẵn nhờ sự vỡ mộng ở khắp nơi về cách cư xử của phương Tây đối với Nga như là một nước bại trận trong Chiến tranh Lạnh thay vì một đồng minh trong xây dựng một trật tự thế giới mới. Hơn thế, những người dân thường Nga hẳn đã đi xa hơn trong các quan điểm hung hăng của họ so với chính Putin. Không lâu trước đây, giới truyền thông Nga đã đưa tin rộng rãi về một lời cảnh báo từ chỉ huy lực lượng nổi loạn bị giải tán gần đây Igor Strelkov, người đã nói rằng bằng việc quá thiếu quả quyết, Putin sẽ không làm thỏa mãn ai và sẽ chịu chung số phận như Slobodan Milosevic – sự bác bỏ bởi những người theo chủ nghĩa tự do cũng như những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa. Mới đây hơn, nghe nói Strelkov đã đặt chân dung của Putin ở chỗ nổi bật trong văn phòng của ông này, giải thích rằng theo quan điểm của ông này Tổng thống Nga “đã hiểu rằng toàn bộ sự thỏa hiệp với phương Tây không đem lại kết quả gì” và ông “đang tái thiết chủ quyền của Nga”. Strelkov thường nói quá lên, nhưng các quan điểm của ông phản ánh những tâm trạng vỡ mộng của liên minh theo đường lối dân tộc chủ nghĩa có ảnh hưởng của Nga.

Sự ủng hộ hơn nữa đối với một thái độ quả quyết cứng rắn hơn xuất phát từ một nhóm đang mở rộng gồm các sỹ quan quân sự và các nhân vật dân sự tin rằng Nga có thể dùng các vũ khí hạt nhân của nước này để gây ấn tượng tốt. Theo nhóm này, kho vũ khí hạt nhân của Nga không chỉ là chiếc chăn an ninh cuối cùng mà còn là một thanh gươm mà nước này có thể sử dụng để gây sức ép các nước khác không có vũ khí hạt nhân, cũng như những nước không muốn nghĩ về điều không thể hình dung ra của việc thực sự cho phát nổ một quả bom hạt nhân. Putin đã tỏ ra tán thành quan điểm này trong bài phát biểu gây tranh cãi của ông tại Sochi hồi tháng 9/2014 khi ông nói: “Nikita Khrushchev đã nện giày lên bàn tại Liên hợp quốc. Và toàn bộ thế giới, chủ yếu là Mỹ và NATO, đã nghĩ: ‘Ông Nikita này tốt hơn hết là đừng đụng đến, ông ta có thể thật sự bỏ đi và bắn một quả tên lửa. Chúng ta tốt hơn là nên thể hiện đôi chút sự tôn trọng đối với họ’. Hiện giờ Liên Xô không còn nữa và không cần phải cân nhắc đến các quan điểm của Nga. Nước này đã trải qua biến đổi trong sự sụp đổ của Liên Xô, và chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta thích, bất chấp toàn bộ luật lệ và quy định”.

Giám đốc mạng lưới truyền hình Rossiya Segodnya, Dmitry Kiselyov, đã thẳng thắn hơn, nhiều lần cảnh báo: “Nga là nước duy nhất trên thế giới thực sự có khả năng biến Mỹ thành đống tro tàn phóng xạ”. Học thuyết Quân sự năm 2014 của Nga nhấn mạnh rằng Nga sẽ sử dụng các vũ khí hạt nhân không chỉ để phản ứng lại các cuộc tấn công hạt nhân mà còn “trong trường hợp xảy ra sự gây hấn chống lại Liên bang Nga bằng việc sử dụng các vũ khí thông thường”. Và như một báo cáo gần đây của Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu lưu ý, có gần 40 vụ việc trong năm qua trong đó các lực lượng của Nga đã can dự vào một kiểu khiêu khích mà, nếu tiếp diễn, “có thể tỏ ra là thảm khốc”.

Dù có vẻ khác thường, nền kinh tế đang suy yếu của Nga cũng không có khả năng tạo ra sức ép dư luận để đưa ra các nhượng bộ. Trái lại, tổn thất đối với một nền kinh tế Nga vốn đã trì trệ lại đang hứng chịu giá năng lượng thấp thực sự đang làm giảm tính linh hoạt về chính sách đối ngoại của Putin. Tổng thống Nga cần phải cho thấy rằng những khổ ải mà đất nước ông phải chịu là xứng đáng. Rút lui có thể làm tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh được xây dựng cẩn thận của Putin như là một người hùng - một phong cách mà người Nga đã đánh giá cao trong lịch sử - và xa rời nền tảng chính trị theo đường lối dân tộc chủ nghĩa quá mức của ông. Họ phẫn nộ với các lệnh trừng phạt, điều mà họ xem là gây tổn hại cho những người dân thường hơn nhiều so với những người xung quanh Putin, và họ muốn những người lãnh đạo của họ kháng cự, chứ không đầu hàng. Đối với nhiều người, phẩm giá của nước Nga đang bị đe dọa.

Điều này thể hiện rõ trong một cuộc đối thoại gần đây với một quan chức cấp cao của Nga. Khi được hỏi tại sao chính quyền của ông sẽ không cố gắng đàm phán một thỏa thuận dựa trên những nguyên tắc mà nó đã nói rõ, chẳng hạn như trao đổi những sự bảo đảm của Nga về sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trừ Crimea và quyền của Ukraine hướng sang Liên minh châu Âu (EU) để có được những sự bảo đảm của phương Tây rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO và Mỹ và EU sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt, quan chức này đã đáp lại bằng việc nói rằng “Chúng tôi có lòng kiêu hãnh của chúng tôi và không thể tỏ ra là đang gây sức ép cho lực lượng nổi loạn để giảm bớt các lệnh trừng phạt”.

Đây là câu hỏi then chốt: Liệu Putin sẽ tiếp tục ủng hộ những người thực dụng có quan điểm tương đối ôn hòa, hay liệu ông sẽ quay sang “những kẻ nóng nảy”? Cho đến nay, ông đã thỏa hiệp: Nga đã cung cấp sự ủng hộ có hiệu quả nhưng hạn chế cho lực lượng ly khai, trong khi đồng thời đang hy vọng hão huyền sẽ khôi phục nhiều trong số các quan hệ của nước này với phương Tây (hay ít nhất là với châu Âu). Putin cũng đã cố gắng che đậy quy mô can thiệp của Nga nhằm trì hoãn và khai thác những sự khác biệt giữa Mỹ-châu Âu và bên trong châu Âu.

Hiện nay, những người theo chủ nghĩa thực dụng đang chiếm ưu thế hơn, phần lớn là vì Putin đã giữ cho êkíp chính phủ của ông gần như không thay đổi cả trong nội các lẫn trong chính quyền của tổng thống. Trong khi trung thành với Putin và sẵn sàng thực hiện chương trình nghị sự của ông, êkíp đó bao gồm chủ yếu các quan chức mà những kinh nghiệm mang tính định hình của họ nằm ở việc thiết lập sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với phương Tây và nỗ lực biến Nga thành một tiếng nói lớn trong một trật tự thế giới phần lớn được định hình bởi Mỹ và các đồng minh của nước này.

Ngoại trưởng Lavrov và những người khác ủng hộ đường hướng thực dụng hơn của ông lập luận rằng Moskva vẫn có thể làm ăn với Mỹ và đặc biệt là với các nước châu Âu nếu Nga không đóng cánh cửa này lại. “Những kẻ nóng nảy” có quan điểm ngược lại, khăng khăng rằng phương Tây sẽ xem bất cứ sự ôn hòa nào trong chính sách của Nga là một dấu hiệu của sự yếu kém. Tự miêu tả họ là những người có đầu óc thực tế, họ lập luận rằng NATO quyết tâm lật đổ Putin, buộc Nga phải quỳ gối và có lẽ thậm chí là chia cắt đất nước này.

Sự miễn cưỡng thay đổi đường lối một cách đột ngột của Putin cho đến nay giải thích cuộc chiến tranh pha tạp đa hình thái của ông tại miền Đông Ukraine, điều giúp đỡ lực lượng ly khai mà không cần Nga chính thức tham gia cuộc xung đột này. Nó cũng làm cơ sở cho những sự phủ nhận không có tính thuyết phục của Nga rằng nước này đang cung cấp sự ủng hộ quân sự cho lực lượng ly khai, điều đồng thời buộc Moskva phải chịu sự chỉ trích thích đáng và tạo ra hy vọng vô căn cứ tại Washington và tại châu Âu rằng Nga sẽ không có khả năng hứng chịu thương vong cao hơn trong một cuộc chiến tranh mà nước này tuyên bố không tham gia.

Tuy nhiên, nỗ lực của Putin nhằm theo đuổi các mục tiêu rộng lớn của phe thực dụng trong khi giúp đỡ “những kẻ nóng nảy” trên địa bàn tại Ukraine có thể không bền vững một cách vô hạn định. Một quan điểm ngày càng phổ biến trong các cố vấn của Putin xem những hy vọng về một sự khôi phục hợp tác phương Tây-Nga là một sự nghiệp chắc chắn thất bại vì Mỹ và các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ không chấp nhận bất cứ giải pháp nào đáp ứng những yêu cầu tối thiểu của Nga. Nếu Mỹ và EU gỡ bỏ phần lớn các lệnh trừng phạt và khôi phục làm ăn như thường lệ, họ sẽ thúc giục Nga phải dẹp bỏ tự ái và hòa giải. Nhưng nếu Nga tiếp tục bị trừng phạt, bị loại ra khỏi các thị trường tài chính và bị từ chối được tiếp cận các công nghệ phương Tây, họ nói rằng, khi đó Nga nên theo đuổi con đường độc lập của riêng nước này. Putin vẫn chưa đối mặt với một thời điểm quyết định mà sẽ đòi hỏi ông phải đưa ra một sự lựa chọn mang tính định mệnh giữa thỏa hiệp các yêu cầu của phương Tây và tham gia trực tiếp hơn cuộc xung đột và có lẽ thậm chí là sử dụng vũ lực chống lại các lợi ích của phương Tây ở bên ngoài Ukraine. Và nếu thời điểm đó xảy đến, chúng ta có thể không hoan nghênh sự lựa chọn của ông nhiều lắm.

Ngoài các lệnh trừng phạt, hai sự việc diễn biến khác có thể buộc Putin phải ra tay sớm. Một là triển vọng đánh bại lực lượng ly khai về mặt quân sự; hai là tư cách thành viên NATO cho Ukraine.

Putin đã vẽ ra một giới hạn đỏ rõ ràng ngăn không cho điều thứ nhất xảy ra trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ARD của Đức vào ngày 17/11/2014. Phát biểu một cách hùng hồn, ông đã hỏi liệu NATO muốn “các nhà cầm quyền trung ương của Ukraine thủ tiêu mọi kẻ thù và đối thủ chính trị của họ” tại miền Đông Ukraine hay không. Nếu có, Putin đã tuyên bố một cách thẳng thừng: “Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra”. Trong mọi trường hợp khi quân đội Ukraine dường như đã gần chiếm ưu thế trong cuộc chiến, và bất chấp những lời cảnh báo và các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, Putin đã tăng sức ép để bảo đảm thành công của lực lượng ly khai trên chiến trường.

Mặc dù Tổng thống Nga đã nói ít hơn về giới hạn đỏ thứ hai, không thể tồn tại nghi ngờ gì rằng tư cách thành viên NATO tiềm năng của Ukraine là một mối quan ngại lớn hơn của Nga. Một lý do quan trọng cho việc Moskva sẵn lòng cho phép Donetsk và Luhansk trở lại dưới quyền kiểm soát chủ yếu của Ukraine với một mức độ tự chủ đáng kể là mong muốn của Điện Kremlin để những người dân thân Nga được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử của Ukraine và để các chính quyền địa phương tự chủ của họ đóng vai trò như một chiếc phanh trên con đường tới NATO của Ukraine. Xu hướng chính trị chủ đạo của Nga ủng hộ mạnh mẽ việc ngăn cản sự nổi lên của một Ukraine thù địch dưới chiếc ô an ninh của NATO cách Moskva chưa đầy 400 dặm.

Cảm xúc này được truyền tải cả trong những mối quan ngại về an ninh của Nga lẫn trong hầu hết những tình cảm không thể kiểm soát về Ukraine và bộ phận dân cư nói tiếng Nga của nước này. Tính phổ biến đang tăng lên của câu khẩu hiệu Rossiya ne brosayet svoikh – Nga không tự ruồng bỏ mình – phản ánh những cảm xúc này và giống với những thái độ thuần Slavo của Nga đối với Serbia trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Một người trong số chúng tôi đã chứng kiến một ví dụ mạnh mẽ về những cảm xúc này khi đang xem một cuộc thảo luận trên truyền hình của Nga về Ukraine trực tiếp trước khán giả. Một người Nga tham gia chương trình này đã tuyên bố rằng “sự nghiệp của chúng ta là chính đáng và chúng ta sẽ thắng thế” nhận được tiếng vỗ tay vang như sấm. Quan trọng là, diễn giả, Vyacheslav Nikonov, không chỉ là một thành viên của Đảng Nước Nga Thống nhất thân Putin và chủ tịch ủy ban giáo dục của quốc hội. Ông cũng là cháu trai của Ngoại trưởng Liên Xô trước đây Vyacheslav Molotov, người đã đưa ra tuyên bố giống như vậy sau khi Hitler tấn công Liên Xô vào năm 1941. Nikonov được biết đến nhờ phản ánh những quan điểm của giới quyền uy. Nhà ngoại giao đầu thế kỷ 19 Savoyard và triết gia bảo thủ Joseph de Maistre đã nhìn ra điều gì đó tương tự ở thời của chính ông: “Không có người nào khát khao mãnh liệt như một người Nga. Nếu chúng ta có thể giam giữ một khát vọng của nước Nga dưới một pháo đài, pháo đài đó sẽ nổ tung”. Chủ nghĩa dân tộc Nga hiện nay là một sức mạnh bùng nổ như vậy.

Hầu như không cần đến trí tưởng tượng để tìm ra những việc có thể châm ngòi cho một sự thay đổi mang tính quyết định trong thái độ của Putin. Trực tiếp nhất sẽ là một quyết định của Mỹ nhằm vũ trang cho quân đội của Ukraine. Liệu một số người trong chính phủ của Putin có thể thực sự đang tìm cách nhử Mỹ đi đến vũ trang cho Ukraine hay không? Trong khi điều này thoạt nhiên có vẻ gượng gạo, một người đối thoại người Nga khác đã đưa ra một khả năng thận trọng rằng đây quả thực là kế hoạch của một số người xung quanh Putin, có lẽ thậm chí được Putin tán thành. Theo thuyết này, thủ đoạn này có cả lý do căn bản về chiến thuật lẫn chiến lược.

Về mặt chiến thuật, một thông báo của Obama rằng Mỹ đang gửi vũ khí cho Ukraine sẽ đem lại cho Putin một lối thoát dễ dàng khỏi cái đã trở thành một sự phủ nhận ngày càng khó trụ vững đối với những thứ hiển nhiên. Đối với các công dân Nga đồng bào, Putin và chính phủ của ông rõ ràng và nhiều lần đã khăng khăng rằng Nga không phải là một bên tham gia cuộc xung đột này, bất chấp thực tế rằng các chính trị gia của chính phủ thân Nga và các nhà lãnh đạo lực lượng ly khai khoe khoang về sự giúp đỡ của Moskva trên truyền hình. Thậm chí sau vụ rơi máy bay Malaysia làm thiệt mạng gần 300 người hồi tháng 7/2014, và bất chấp việc phương Tây liên tục đưa tin về những sự thật, Putin đã kiên trì bám vào câu chuyện của ông.

Người ta lập luận, một thông báo nói rằng Washington đang vũ trang cho Ukraine sẽ đem lại cho Putin cái cớ mà ông cần để khẳng định câu chuyện của ông. Ông đã quả quyết rằng Mỹ bảo trợ cho cuộc đảo chính Maidan mà đã hất cẳng Yanukovych, một tổng thống được bầu một cách dân chủ, và đang ủng hộ cuộc chiến tranh của chính phủ hiện tại chống lại những người Nga anh em tại miền Đông Ukraine. Việc công khai vũ trang cho Ukraine do vậy sẽ bóc trần hành vi vụng trộm trước đây của Mỹ và biện minh cho việc Nga phản ứng bằng vũ khí hay thậm chí là quân đội, bắt đầu một trò chơi về sự leo thang vốn là thế mạnh của ông.

Về mặt chiến lược, điều này sẽ là thứ mà các bậc thầy cờ vua gọi là một cái bẫy. Bằng việc chuyển cạnh tranh từ bàn cờ kinh tế (nơi Mỹ và châu Âu có toàn bộ các quân cờ hùng mạnh) sang bàn cờ quân sự, ông sẽ chuyển từ thế yếu sang thế mạnh. Trên vũ đài quân sự, Putin sở hữu những đỉnh cao chỉ huy: hầu như không có vũ khí nào Mỹ có thể cung cấp cho Kiev mà Nga không thể đối chọi hay lấn át; về mặt lôgích, ông có thể gửi vũ khí bằng đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không qua một đường biên giới lỏng lẻo, trong khi Mỹ cách xa cả một lục địa; trong hàng ngũ quân đội Ukraine, ông có hàng trăm hay thậm chí là hàng nghìn mật vụ và người cộng tác. Và, quan trọng nhất là, như ông đã chứng minh, các lực lượng quân sự của Nga không những sẵn sàng cố vấn cho lực lượng ly khai mà còn sẵn sàng chiến đấu sát bên họ - và tiêu diệt kẻ địch và hy sinh. Ông cho rằng Mỹ sẽ không bao giờ gửi binh lính đến chiến trường tại Ukraine. Do vậy theo cách tư duy theo đường lối cứng rắn, ông càng có khả năng nhấn mạnh rõ ràng cho những người châu Âu hiểu điều này, ông càng có thể có được nhiều sự tôn trọng.

Những người theo đường lối cứng rắn xem đây là cơ hội tốt nhất của Putin để giành lấy cái mà họ gọi là “chiến thắng chiến lược” từ thế thất bại. Như họ nhận thấy, lợi thế tương đối của Nga trong các quan hệ với châu Âu và Mỹ không phải là kinh tế. Thay vào đó, đấy là triển khai sức mạnh quân sự. Người châu Âu về cơ bản đã tự giải trừ quân bị và hầu như không cho thấy ý chí chiến đấu. Người Mỹ không nghi ngờ gì sở hữu quân đội hùng mạnh nhất trên thế giới và thường sẵn sàng chiến đấu. Nhưng mặc dù họ giành chiến thắng tất cả các trận đánh, họ dường như không có khả năng giành chiến thắng một cuộc chiến tranh, như tại Việt Nam hoặc Iraq. Tại Ukraine, “những kẻ nóng nảy” hy vọng, Nga có thể dạy cho người châu Âu và người Mỹ một vài sự thật không thể chối cãi. Chiến dịch được thực hiện một cách chuyên nghiệp mà đã sáp nhập Crimea gần như không tốn một phát đạn nào là bước đi đầu tiên. Nhưng Mỹ càng có khả năng bị lôi kéo sâu vào Ukraine và nước này càng cam kết rõ ràng nhằm đạt được những mục tiêu không thể đạt được như khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, thì càng tốt theo quan điểm hiếu chiến này của Nga. Trên chiến trường tại Ukraine, Nga sở hữu cái mà các chiến lược gia trong Chiến tranh Lạnh đã gọi là “ưu thế leo thang”: ưu thế tại mỗi nấc thang leo thang. Đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm mà Mỹ không thể giành chiến thắng và Nga không thể bại trận – trừ phi Mỹ sẵn lòng tự mình tham chiến.

Dĩ nhiên, khán giả chính đối với sự kiện kịch tính này là châu Âu. Thực tế rằng cả các thành viên châu Âu của NATO lẫn Mỹ đều không thể cứu Ukraine được hy vọng sẽ thấm nhuần vào nhận thức của người châu Âu hậu hiện đại. Theo lôgích này, khi nó diễn ra, một sự kết hợp tài tình giữa hăm dọa và khơi gợi niềm hy vọng hẳn sẽ mang lại cho Nga một cơ hội để chia rẽ Mỹ và châu Âu, giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nặng nề nhất và tiếp cận các thị trường tài chính của châu Âu.

Ban đầu, Putin sẽ cố gắng lợi dụng sự mãn hạn của các lệnh trừng phạt của EU, vốn được lên kế hoạch chấm dứt vào tháng 7. Tuy nhiên, nếu điều đó thất bại, và EU tham gia với Mỹ trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung về kinh tế, chẳng hạn như loại Moskva khỏi hệ thống thanh toán bù trừ tài chính SWIFT, Putin sẽ bị xúi giục phản ứng không phải bằng cách rút lui, mà bằng việc chấm dứt toàn bộ sự hợp tác với phương Tây và huy động người dân của ông chống lại một mối đe dọa mới và “mang tính khải huyền” đối với Đất mẹ Nga. Như một chính trị gia hàng đầu của Nga đã nói: “Chúng tôi đã hoàn toàn một mình chống lại Napoleon và chống lại Hitler. Chính những chiến thắng của chúng tôi trước những kẻ xâm lược, chứ không phải tài ngoại giao của chúng tôi, đã chia rẽ các liên minh của kẻ thù và đem lại cho chúng tôi các đồng minh mới”.

Vào thời điểm đó, Putin có khả năng sẽ thay đổi cả êkíp của ông lẫn điểm chính trong chính sách đối ngoại của ông. Như một quan chức cấp cao đã nói: “Tổng thống coi trọng lòng trung thành và sự kiên định, vì thế việc để cho mọi người ra đi và công bố những thay đổi chính sách cơ bản rất khó khăn đối với ông. Nhưng ông là một người quyết đoán và khi ông đi đến một quyết định, ông sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để có được các kết quả”. Điều này sẽ đồng nghĩa với một chính sách hiếu chiến nhiều hơn một cách đáng kể của Nga trên khắp tất cả các vấn đề được thúc đẩy bởi một câu chuyện về một chiến dịch của phương Tây nhằm phá hoại chế độ này hay quả thật là nhằm gây ra sự sụp đổ của đất nước này. Giữa những điều khác, nó có khả năng đồng nghĩa với một sự chấm dứt hợp tác trong các dự án như Trạm Không gian Quốc tế, các nguồn cung cấp kim loại chiến lược như titan, đối phó với chương trình hạt nhân của Iran và ổn định Afghanistan. Trong trường hợp sau cùng, điều này không những có thể bao gồm gây sức ép cho các nước Trung Á nhằm giảm hợp tác an ninh với Mỹ, mà còn tận dụng những sự khác biệt về mặt chính trị trong liên minh cầm quyền của Afghanistan để ủng hộ những tàn dư của Liên minh phương Bắc.

Khi mối quan hệ Mỹ-Nga bước vào vùng đối đầu được làm nóng lên, các sỹ quan cấp cao của quân đội ở cả 2 bên chắc chắn sẽ đóng một vai trò lớn hơn. Như thế giới đã chứng kiến trong sự chuẩn bị cho Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh không thay đổi, điều trông giống với những sự đề phòng hợp lý đối với một bên có thể tỏ ra là bằng chứng của cuộc xâm lược có thể diễn ra đối với bên kia. Clausewitz miêu tả lôgích không nao núng mà đẩy mỗi bên tới “một sự nâng cao mới hành động của nhau, điều mà, theo quan niệm thuần túy, hẳn phải tạo ra một nỗ lực mới hướng tới một hành động cực đoan”. Những người chỉ huy phải nghĩ về các năng lực thay vì về các ý đồ. Điều này thúc đẩy họ hướng tới các bước thận trọng về mặt chiến thuật nhưng gây ra sự hiểu sai về mặt chiến lược.

Có thể đoán được rằng, các nhà lãnh đạo và các cố vấn quân sự của họ cũng sẽ tính toán sai. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, Kaiser Wilhelm II đã không tin rằng Nga sẽ dám tham chiến vì thất bại của nước này trước Nhật Bản chưa đầy một thập kỷ trước đó đã cho thấy sự kém cỏi của quân đội Nga. Cùng lúc đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Vladimir Sukhomlinov đã bảo đảm với Sa hoàng rằng Nga đã sẵn sàng chiến đấu và Đức đã quyết định tấn công. Như Sukhomlinov đã nói vào năm 1912: “Trong bất cứ trường hợp nào chiến tranh là không thể tránh được và sẽ thuận lợi cho chúng ta nếu bắt đầu nó sớm hơn thay vì muộn hơn… Đức vua và tôi tin tưởng vào quân đội và biết rằng chiến tranh sẽ chỉ mang lại những điều tốt đẹp cho chúng ta”. Tại Berlin, Bộ tổng tham mưu của Đức cũng đã lập luận ủng hộ hành động nhanh chóng, lo sợ việc sắp sửa hoàn thành một mạng lưới đường sắt mới mà sẽ cho phép Sa hoàng di chuyển các sư đoàn của Nga nhanh chóng tới biên giới của Đức. Sau vụ ám sát Đại công tước Franz Ferdinand, khi cuộc khủng hoảng tăng cường, các chỉ huy quân sự tại cả Nga lẫn Đức đã gấp rút để không phải là bên thứ hai động viên lực lượng. Như Bộ tổng tham mưu của Nga đã nói với Nicholas II, chỉ một cuộc tổng động viên ngay tức thì và toàn diện mới ngăn chặn được một thất bại nhanh chóng, nếu không phải là của chính Nga, thì ít nhất là của Pháp, nước mà sự ủng hộ dài hạn của nó Nga cần để chống lại cuộc tấn công của Đức.

Latvia, Estonia và Litva tạo thành gót chân Achilles của NATO. Họ được bảo vệ bởi sự đảm bảo trong Điều 5 của liên minh này rằng một cuộc tấn công vào một thành viên sẽ bị xem là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh. Vì thế, Mỹ có một trách nhiệm rõ ràng và không thể phủ nhận phải ngăn cản và chống lại các cuộc tấn công vào các nước Baltic. Do quy mô, sự lân cận với Nga và có nhiều dân tộc thiểu số nói tiếng Nga của các nước này, đây là một yêu cầu gây thoái chí nản lòng. Không khó để hình dung những kịch bản trong đó hành động của Mỹ hoặc Nga có thể làm bắt đầu một chuỗi sự kiện mà rốt cuộc quân đội Mỹ và Nga sẽ tàn sát lẫn nhau.

Hiện đang có một cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người theo đường lối cứng rắn của Nga về cách ưu thế của Nga về cả các lực lượng thông thường lẫn các vũ khí hạt nhân mang tính chiến thuật tại Trung và Đông Âu có thể được sử dụng để phục vụ cho lợi ích của Nga. Putin đã công khai nói về việc ông sẵn lòng sử dụng các vũ khí hạt nhân để đẩy lùi bất cứ nỗ lực nào nhằm lấy lại Crimea – lưu ý rằng ông đã dựa vào kho vũ khí hạt nhân của Nga trong suốt chiến dịch Crimea. Trong những cuộc tranh luận này, nhiều người hỏi liệu Tổng thống Obama có chịu rủi ro mất Chicago, New York và Washington để bảo vệ Riga, Tallinn và Vilnius hay không. Đó là một câu hỏi gây băn khoăn. Nếu bạn muốn khiến bàn bên cạnh trong một nhà hàng tại Washington hoặc Boston phải điếng người hay im lặng, hãy hỏi những người cùng dùng bữa với bạn điều họ nghĩ. Nếu các lực lượng quân sự lén lút của Nga muốn giành quyền kiểm soát Estonia và Latvia, Mỹ nên làm gì? Liệu họ sẽ ủng hộ việc gửi người Mỹ tới để chiến đấu vì sự tồn tại của Estonia hoặc Latvia không?

Chẳng hạn, hãy hình dung một cuộc nổi loạn của những người sắc tộc Nga tại Estonia và Latvia, hoặc mang tính tự phát hoặc chịu sự xúi giục của các cơ quan an ninh của Nga; một phản ứng mạnh tay của các lực lượng cảnh sát và quân đội yếu kém của quốc gia đó; một lời kêu gọi của những người sắc tộc Nga đối với Putin yêu cầu tuân thủ tuyên bố “Học thuyết Putin” của ông trong cuộc giải phóng Crimea rằng ông sẽ đứng lên bênh vực những người sắc tộc Nga ở bất cứ nơi nào họ bị tấn công; một sự nỗ lực xem lại cuộc chiến tranh đa sắc thái chống lại Ukraine; và một cuộc đối đầu với tiểu đoàn gồm 600 quân Mỹ hoặc NATO hiện đang luân phiên thường xuyên qua các nước Baltic. Một số người Nga đã đi xa tới mức cho rằng điều này sẽ đưa ra đủ sự khiêu khích để Moskva sử dụng một vũ khí hạt nhân mang tính chiến thuật; chẳng hạn như, đại sứ Nga tại Đan Mạch mới đây đã đe dọa rằng sự tham gia của Đan Mạch vào hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO sẽ biến nước này trở thành “một mục tiêu đối với các vũ khí hạt nhân của Nga”. Ngoài ra, Nga đang thăm dò đặt các tên lửa Iskander tại Kaliningrad – vùng lãnh thổ Nga nằm giữa Litva và Ba Lan – trong khi tình báo Thụy Điển đã công khai tuyên bố rằng nước này xem các chiến dịch tình báo của Nga là sự chuẩn bị cho “các chiến dịch quân sự chống lại Thụy Điển”.

Trong bối cảnh sự nghi ngờ lẫn nhau bị kích động thêm bởi các hoạt động chính trị trong nước của cả hai bên, những sự cam đoan về các ý định ôn hòa hầu như không đủ. Cuốn sách năm 2013 của Christopher Clark, Những kẻ mộng du, đưa ra một bản báo cáo đầy thuyết phục về cách cả hai liên minh đã khinh khỉnh bác bỏ những lời giải thích và cam đoan mà họ nghe được từ phía còn lại trong thời gian trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. 

Dĩ nhiên, các liên minh hiện là điểm yếu nhất của Putin. Nga không có lấy một đồng minh nào cam kết ủng hộ Moskva trong chiến tranh. Tuy nhiên, người ta nên thận trọng khi hy vọng về tình trạng cô lập của Moskva trong một cuộc đối đầu dài hạn hơn với phương Tây. Một lý do mà Kaiser Wilhelm II đã đưa ra tối hậu thư của ông cho Nga là ông đã không tin Anh sẽ tham gia cùng Nga trong một cuộc chiến về cuộc khủng hoảng tại các nước Balkan, nơi London theo truyền thống vốn phản đối ảnh hưởng của Nga. Ngoài ra, nếu không có nước Anh, hầu như không có người nào mong đợi Pháp sẽ đưa ra nhiều sự kháng cự. Điều mà những người trông mong ở tình trạng cô lập của Nga hiện nay không xem xét một cách thích đáng là một liên minh hùng mạnh và quả quyết sẵn sàng theo đuổi các lợi ích và thúc đẩy các giá trị của nó chắc chắn là kích thích các kháng thể. Chính ý thức quyết tâm của Đức muốn thay đổi cán cân địa chính trị tại châu Âu và trên thế giới đã thúc giục Anh bước ra khỏi một thế kỷ của tình trạng cô lập hoàn toàn và trở nên dính líu với các đồng minh đến mức mà khi chiến tranh xảy ra, nước này hầu như không có lựa chọn nào ngoài tham gia. Chính ý thức này đang dẫn dắt Trung Quốc hiện nay mở rộng các quan hệ của nước này với Nga trong cuộc xung đột của nó với Mỹ.

Rõ ràng là, hầu như không có khả năng Trung Quốc sẽ cùng Nga chống lại Mỹ và châu Âu trong một cuộc đối đầu về Ukraine. Cũng như vậy, Trung Quốc không sẵn sàng cứu Nga khỏi cảnh túng quẫn về mặt tài chính hay mạo hiểm sự hội nhập kinh tế có lợi của nước này với phương Tây để ủng hộ những tham vọng phục thù của Moskva. Nhưng Bắc Kinh cũng không thờ ơ về khả năng thất bại về mặt chính trị, kinh tế hay (đặc biệt là) quân sự của Nga trước liên minh của phương Tây. Nhiều người tại Bắc Kinh lo sợ rằng nếu Mỹ và các đồng minh của nước này thành công trong việc đánh bại Nga, và đặc biệt là trong việc thay đổi chế độ tại Nga, Trung Quốc rất có thể là mục tiêu kế tiếp. Thực tế rằng ban lãnh đạo Trung Quốc xem đây là một mối đe dọa nghiêm trọng có thể, theo thời gian, đẩy Bắc Kinh lại gần Moskva hơn, một sự tiến triển mà sẽ làm thay đổi căn bản cán cân sức mạnh toàn cầu. Ngoài ra, nếu tồn tại một cuộc chiến tranh Nga-Mỹ, người ta cần phải suy nghĩ cẩn thận về các hành động Trung Quốc có thể lựa chọn, để chống lại Đài Loan chẳng hạn, hay thậm chí là để trừng phạt các láng giềng như Nhật Bản hoặc Việt Nam mà Bắc Kinh tin là đang hợp tác với Washington để kiềm chế những tham vọng của nước này.

Cả Trung Quốc lẫn Nga đều không phải là nước đầu tiên đối đầu với một liên minh hùng mạnh và phát triển. Mỹ cũng không phải là nước đầu tiên nhận được những lời kêu gọi nhiệt tình từ các đồng minh tương lai mà có thể bổ sung không đáng kể cho các năng lực tổng thể, nhưng đồng thời đưa ra các nghĩa vụ và khiến các nước khác cảm thấy bất an. Trong một đoạn bất hủ của cuốn Lịch sử cuộc Chiến tranh Peloponnesse của ông, Thucydides đã kể lại chi tiết phản ứng của Athens trước một Sparta đầy rắc rối: “Chúng tôi đã không giành lấy đế chế này bằng vũ lực… Các đồng minh của chúng tôi đã tự nguyện tìm đến và cầu xin chúng tôi lãnh đạo họ”. Không cần phải nói, Sparta đã không thấy lời giải thích đó là thuyết phục – và lời biện hộ đó đã không ngăn cản 30 năm chiến tranh mà đã chấm dứt với thất bại cho Athens, nhưng với một cái giá vượt xa bất cứ các lợi ích nào dồn lại cho kẻ chiến thắng.

Thừa nhận những hậu quả thảm khốc có thể diễn ra của cuộc chiến tranh với Nga không đòi hỏi không làm gì trong việc đối phó với thách thức của một nước Nga trỗi dậy nhưng bị tổn thương. Mỹ có một lợi ích sống còn trong việc duy trì sự tín nhiệm của nước này với tư cách là một siêu cường và trong việc bảo đảm sự tồn tại và an ninh của liên minh NATO – và do đó là của mỗi thành viên trong liên minh. Ngoài ra, trong hoạt động chính trị quốc tế, những ham muốn có thể gia tăng nhanh chóng nếu được nuôi dưỡng bằng những chiến thắng dễ dàng.

Những mục tiêu hạn chế hiện nay của Tổng thống Nga tại Ukraine có thể trở nên mở rộng hơn nếu Nga không đối mặt với sự kháng cự nghiêm trọng. Xét cho cùng, vụ sáp nhập Crimea trôi chảy đã dẫn tới một sự bột phát giọng điệu khải hoàn tại Moskva về việc tạo ra một thực thể mới, Novorossiya, mà sẽ bao gồm miền Đông và Nam Ukraine cho tới tận biên giới Romania. Sự kết hợp giữa sự kháng cự của người dân địa phương, việc Chính phủ Ukraine sẵn lòng chiến đấu vì lãnh thổ của nước này, và các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đã nhanh chóng thuyết phục ban lãnh đạo Nga giảm bớt lối tư duy này. Khi một quốc gia sẵn sàng chiến đấu vì những lợi ích quan trọng, sự rõ ràng về lòng quyết tâm đó là một ưu điểm để làm nhụt chí cuộc xâm lược tiềm tàng.

Tuy nhiên, Mỹ nên cẩn trọng nhằm tránh đem lại cho các đồng minh hay bạn bè – như Kiev – ý thức rằng họ có toàn quyền hành động trong việc đối đầu với Moskva. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ngay cả một người ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến tranh này như Pavel N. Milyukov – nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Lập hiến Nga và sau đó là Ngoại trưởng trong Chính phủ lâm thời – cũng đã bị sốc trước những việc mà Ngoại trưởng Anh là Ngài Edward Grey sẵn sàng làm để từ chối nhận bất cứ trách nhiệm nào về cuộc xung đột với người Serbia. Ông cho biết đã nói với Grey: “Hãy nghe này, cuộc chiến tranh này đã bắt đầu vì hành vi gây chú ý của người Serbia. Áo có thể nghĩ rằng nước này đã thật sự lâm nguy. Serbia đã có tham vọng làm nhiều hơn là chỉ chia rẽ nước Áo”. Tuy nhiên, đối với Grey, một đồng minh không thể làm sai.

Những cuộc khủng hoảng vùng Balkan trong một vài năm trước Chiến tranh thế giới thứ nhất xứng đáng nhận được sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Hầu như không ai ở thời điểm đó có thể tưởng tượng rằng họ sẽ trở thành điểm bốc cháy của một ngọn lửa mà rốt cuộc sẽ trở thành một địa ngục trên lục địa.

Nhưng họ đã làm như vậy. Đối mặt với thách thức của một nước Nga đầy giận dữ nhưng bị suy yếu hiện nay đòi hỏi một sự kết hợp khéo léo giữa sự kiên quyết và kiềm chế. Khi những lợi ích sống còn của Mỹ bị can dự, chúng ta phải có khả năng và sẵn lòng chiến đấu: tiêu diệt kẻ thù và hy sinh. Sự ngăn chặn hiệu quả đòi hỏi ba yếu tố: sự sáng tỏ về những giới hạn đỏ không thể bị vượt qua (chẳng hạn như, tấn công một đồng minh NATO); năng lực phản ứng theo các cách sẽ khiến chi phí của cuộc xâm lược vượt xa bất cứ lợi ích nào mà một nước xâm lược hy vọng đạt được; và lòng tin về quyết tâm hoàn thành cam kết của chúng ta. Đồng thời, chúng ta nên nhận ra rằng nếu các lực lượng của Mỹ và Nga đang chĩa súng vào nhau, điều này sẽ vi phạm một trong những sự kiềm chế chủ yếu mà cả hai bên đã cần mẫn tôn trọng trong 4 thập kỷ Chiến tranh Lạnh – nguy cơ leo thang đến một cuộc chiến tranh mà cả hai đều thua trận.

Sức mạnh quân sự và chiến tranh kinh tế chẳng hạn như các lệnh trừng phạt là những công cụ không thể thiếu trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, khi được sử dụng mà không có một tầm nhìn chiến lược tốt và tài ngoại giao khéo léo, các công cụ ép buộc có thể phát triển đà của chính chúng và tự chúng trở thành trở thành mục đích. Sau khi tìm cách giải quyết một cuộc đối đầu về nỗ lực của Liên Xô nhằm lắp đặt các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tại Cuba mà ông đã tin là có 1/3 khả năng kết thúc bằng chiến tranh hạt nhân, Tổng thống John F. Kennedy đã dành nhiều giờ đồng hồ ngẫm nghĩ về những bài học rút ra từ kinh nghiệm đó. Điều quan trọng nhất trong số này đã được ông đưa ra cho những người kế nhiệm bằng những từ sau: “Hơn hết thảy, trong khi bảo vệ những lợi ích sống còn của chúng ta, các cường quốc hạt nhân phải đẩy lùi những cuộc đối đầu đó mà vốn đưa một đối thủ đến sự lựa chọn hoặc một sự rút lui bẽ mặt hoặc một cuộc chiến tranh hạt nhân”. Nó là một bài học mà các chính khách nên áp dụng để đương đầu với thách thức Nga đặt ra tại Ukraine hiện nay.

Theo The National Interest

Trần Quang (gt)