Theo Giáo sư Lukin, Nga và Trung Quốc đã là “đối tác chiến lược” từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, có những lời đồn đoán rằng cuối cùng Nga sẽ bỏ rơi Trung Quốc và thậm chí liên kết với phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Cảm giác lo ngại về mối đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể khiến Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc xích lại gần hơn với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tại Nga, một số chuyên gia chính sách đối ngoại giữ lập trường cho rằng Mátxcơva cần thực hiện một vài hình mẫu gắn kết chiến lược với Oasinhtơn và Brúcxen. Họ chỉ ra thách thức từ một Trung Quốc trỗi dậy là lý do chính cho động thái này. Suy nghĩ chiến lược đó phù hợp với quan điểm “cân bằng quyền lực”, theo đó các quốc gia hy vọng thành lập liên minh để chống lại các bá chủ tiềm tàng. Điều này dường như sẽ là chiến lược khôn ngoan của Nga - quốc gia có đường biên giới dài 4.209 km với Trung Quốc và do vậy đứng trước các nguy cơ địa chính trị liên quan đến Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia phương Tây nào khác. 

Giới lãnh đạo và người dân Nga đều cảnh giác với Trung Quốc. Hai thế kỷ qua, Nga phát triển nhanh hơn Trung Quốc khiến người Nga có phần nghĩ về Trung Quốc với thái độ kẻ cả. Nhưng tới nay, nhận thức truyền thống về Trung Quốc đang được đánh giá lại. Các nhà lãnh đạo Nga tin tưởng mạnh mẽ rằng trên vũ đài quốc tế, tiềm lực mới thực sự là vấn đề đáng lưu tâm. Họ nhận định một vài kiểu hiệp ước thân thiện với Mỹ - quốc gia dẫn dắt phương Tây- có thể đảm bảo cho Nga ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc. Nhưng vấn đề ở chỗ Nga vẫn nhìn nhận Mỹ như mối đe dọa trước mắt và to lớn hơn so với Trung Quốc. Có bốn lý do chính cho cách nhìn nhận đó. 

Thứ nhất, Nga cho rằng Mỹ tìm cách chuyển hóa Nga và có thể khiến Nga mất đi đặc tính cốt lõi. Mátxcơva cho rằng các nỗ lực thúc đẩy dân chủ, tự do của Mỹ và EU là hành động gây hấn nhằm phá vỡ nền tảng tư tưởng cũng như hệ thống tổ chức của nước Nga. Trái lại, Nga đánh giá cao nguyên tắc không can thiệp của Trung Quốc và việc chấp nhận các hình mẫu phát triển chính trị-kinh tế-xã hội khác nhau của Bắc Kinh. 

Thứ hai, Nga lo ngại quá trình thâm nhập của Mỹ vào các khu vực cận kề Nga, vốn là lãnh thổ của Liên bang Xôviết trước đây. Dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, căng thẳng Nga-Mỹ lên tới đỉnh điểm khi chiến tranh nổ ra giữa Nga và Grudia - một đồng minh của Mỹ. Mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã giảm phần nào sự can dự của Oasinhtơn vào không gian hậu Xôviết, song Điện Cremli vẫn tiếp tục nghi ngờ ý đồ của Mỹ ở “sân sau” của Nga. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng thắt chặt quan hệ với các quốc gia cộng hòa thuộc Liên bang Xôviết trước đây nhưng tránh khiêu khích làm Nga nổi giận. Mối liên kết của Trung Quốc với các quốc gia trong không gian hậu Xôviết chủ yếu là về kinh tế nên không gây thách thức cho quyền lãnh đạo chính trị của Nga. Nga không hài lòng khi thấy cấp độ liên kết kinh tế ngày càng mạnh giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Á. Tuy nhiên, Mátxcơva có thể chấp nhận thực tế đó chừng nào Bắc Kinh còn tôn trọng lợi ích chiến lược của Mátxcơva trong khu vực. 

Thứ ba, chiến lược quân sự của Mỹ lo ngại về Nga nhiều hơn về Trung Quốc. Đặc biệt, chương trình phòng thủ tên lửa của NATO đang gây ra sự lo ngại ở Nga. Cơ quan chiến lược quốc gia Nga thực sự cho rằng khi hoàn tất, hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ sẽ vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga. Trong khi đó, Nga đánh giá thái độ quân sự gần đây của Trung Quốc ít nguy hiểm hơn về mặt an ninh bởi việc phát triển và hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc chủ yếu nhằm vào Eo biển Đài Loan, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. 

Thứ tư, khẩu khí trong chính sách đối ngoại và cung cách ngoại giao dường như sẽ định hình nhận thức của Mátxcơva về các mối đe dọa tiềm tàng. Mỹ không che giấu khi coi mình là siêu quyền lực duy nhất, có khả năng dẫn dắt thế giới. Thái độ này chọc tức Nga. Ngược lại, Trung Quốc tán thành ý tưởng thế giới đa cực, phù hợp với quan điểm của Nga. 

Hiện tại, Nga ý thức được rằng mình đang bị kẹp giữa Mỹ và Trung Quốc. Lãnh đạo Nga nhận thức rõ rằng Trung Quốc với khả năng chiến lược gia tăng có thể tạo ra mối nguy hiểm nghiêm trọng về địa chính trị trong tương lai. Tuy nhiên, đến nay Nga vẫn coi mối đe dọa này là còn xa vời và mới có tính giả thuyết, so với thách thức trực tiếp và rõ ràng mà Mỹ và các đồng minh phương Tây thể hiện thời gian qua. Nếu Mỹ thực sự muốn Nga ngả về phía mình trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, Oasinhtơn phải ngừng hoạt động thúc đẩy dân chủ tự do trong không gian hậu Xôviết, thừa nhận quyền lãnh đạo của Nga trong khu vực và chấm dứt kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Nhưng Mỹ khó có thể đồng ý với các điều kiện này. Bởi vậy, thay vì hướng tới Mỹ, Nga nhiều khả năng tiếp tục theo đuổi quan hệ kiểu đồng minh với Trung Quốc.

Theo "Diễn đàn Đông Á" (ngày 24/7)

Mỹ Anh (gt)