Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc thường xuyên lo ngại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các lợi ích và khả năng chiến lược của hai nước. Mátxcơva và Bắc Kinh sợ rằng BMD của Oasinhtơn sẽ làm suy yếu các phương tiện răn đe và dẫn đến phá hủy một trong những công cụ chủ yếu của hai nước nhằm hạn chế chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách hạn chế các đòn tấn công trả đũa mạnh mẽ của Mỹ. Khả năng tấn công mạnh mẽ bằng các loại vũ khí hạt nhân và thông thường của Mỹ đang làm gia tăng mối quan tâm đó của Nga và Trung Quốc, bởi vì các loại vũ khí đó sẽ giúp Mỹ gia tăng khả năng của một đòn tấn công phủ đầu phá hủy các tên lửa hạt nhân của Nga và Trung Quốc. Mặc dù BMD của Mỹ khó có thể đối phó với một đòn tấn công hạt nhân toàn diện của Nga và Trung Quốc, nhưng nhiệm vụ đó sẽ dễ dàng hơn cho Mỹ nếu khả năng trả đũa hạt nhân của Mátxcơva và Bắc Kinh bị suy yếu nghiêm trọng bởi một đòn tấn công đầu tiên của Mỹ đã phá hủy các tên lửa trong hầm chứa cũng như các hệ thống kiểm soát và chỉ huy chiến lược. Trước khả năng phát động một đòn tấn công phủ đầu của Mỹ, mối lo ngại chủ yếu của các nhà hoạch định chính sách của Nga và Trung Quốc sẽ không phải là một cuộc chiến tranh hạt nhân với Mỹ, mà ngược lại các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể cảm thấy được khích lệ để can thiệp các nước khác mà không quan tâm đến những phản ứng của Mátxcơva và Bắc Kinh. Tại Hội nghị an ninh Munich năm 2007, chính Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng nếu lực lượng hạt nhân của Nga không thể ngăn chặn sức mạnh của quân đội Mỹ nữa, lúc đó Oasinhtơn sẽ tự do áp đặt ý chí đơn phương của họ đối với các nước khác mà không lo sợ bị trả đũa quân sự hiệu quả. Thiếu tướng Trần Châu thuộc Học viện Khoa học Quân sự của quân đội Trung Quốc cũng cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ "phá vỡ sự cân bằng chiến lược toàn cầu" bằng cách phá hoại một nguồn sức mạnh quan trọng của Trung Quốc. Hơn nữa, Bắc Kinh và Mátxcơva sợ rằng Chính phủ Mỹ đã và đang sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa để mở rộng và làm sâu sắc hơn các liên minh an ninh nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga. Nga phản đối Mỹ triển khai BMD ở Đông Âu cũng như Nam Cápcadơ và coi các kế hoạch triển khai đó như một biện pháp để củng cố và mở rộng NATO. Tương tự, Trung Quốc cũng phản đối chương trình hợp tác BMD của Mỹ với Nhật Bản và sắp tới có khả năng với Hàn Quốc và Đài Loan, và coi việc triển khai đó như một công cụ để Oasinhtơn thúc đẩy mối liên kết giữa các liên minh song phương của Mỹ trong khu vực. 

Để hạn chế sự yếu kém của các tên lửa đạn đạo trước đòn tấn công đầu tiên của Mỹ, Nga và Trung Quốc đã chi các nguồn lực đáng kể nhằm phát triển và triển khai các tên lửa cơ động cũng như các tên lửa được phóng từ tàu ngầm. Nhưng các hệ thống phòng thủ thụ động này không thể chống lại BMD hiệu quả. Bên cạnh việc nhận thấy các hệ thống phòng thủ tên lửa như một nỗ lực của Oasinhtơn để tăng cường mạng lưới liên minh tại Đông Á, Trung Quốc cũng thấy các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ nhằm phá hủy chiến lược chống thâm nhập chống tiếp cận khu vực của quân đội Trung Quốc. Chiến lược này của Trung Quốc chủ yếu dựa vào các tên lửa được trang bị các đầu đạn thông thường nhằm ngăn chặn quân đội Mỹ can thiệp vào một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong tương lai. Nhưng không giống Mátxcơva, Bắc Kinh cương quyết không hạn chế kho vũ khí tên lửa của họ và bác bỏ các ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ tham gia hiệp ước Nga-Mỹ. Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung cấm Mỹ và Nga sở hữu các tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp có tầm bắn từ 310-3.410 dặm. Kho vũ khí tên lửa của Trung Quốc bao gồm các hệ thống tên lửa tầm ngắn để đe dọa Đài Loan không được tuyên bố độc lập và ngăn chặn lực lượng Mỹ cũng như quân đội của các nước thù địch khác hoạt động gần lãnh thổ Trung Quốc đại lục; các tên lửa tầm trung sẽ củng cố ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Đông Á; và tên lửa tầm xa để ngăn chặn Mỹ can thiệp vào các nỗ lực của Trung Quốc trong việc đạt được hai mục tiêu đầu tiên. Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục dựa vào xuất khẩu công nghệ tên lửa đến các nước đồng minh như Pakixtan , Iran , Bắc Triều Tiên và nhiều nước khác để tăng thu nhập và mở rộng ảnh hưởng ngoại giao của Bắc Kinh. Đồng thời, Bắc Kinh ít tuyên bố mang tính chất đe dọa khi phản ứng trước các sáng kiến BMD của Mỹ hơn Mátxcơva-nước nhiều lần tuyên bố sẽ phát động các cuộc tấn công đánh đòn phủ đầu đầu tiên chống Ba Lan, Ucraina và các nước khác có bố trí BMD của Mỹ. Có lẽ Trung Quốc đã được hưởng lợi vì nhận thấy mối đe dọa của Nga chỉ cảnh báo các nước láng giềng thắt chặt quan hệ quốc phòng với nhau ở mức độ nào. Ngược lại, các quan chức Trung Quốc không hề đe dọa tấn công Nhật Bản, Ấn Độ hay Hàn Quốc nhằm lôi kéo các nước này không ủng hộ chính sách BMD của Oasinhtơn và không đẩy họ gần hơn với Mỹ để tránh tăng nguy cơ hình thành thế bao vây ngăn chặn xung quanh Trung Quốc. 

Không giống châu Âu-nơi chương trình BMD của Mỹ được NATO ủng hộ và coi đây như một sáng kiến liên minh tập thể, các sáng kiến BMD của Mỹ ở Châu Á đang được thúc đẩy chủ yếu trên cơ sở các hiệp ước an ninh song phương. Hơn nữa, Trung Quốc có vẻ lạc quan hơn các đối tác Nga vì cho rằng họ có thể phát triển các khả năng thâm nhập BMD hiện đại và các hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn đầu của họ. Không như các quan chức Nga thường mô tả tất cả các chương trình phòng thủ tên lửa quốc gia đều có khả năng gây mất ổn định, Trung Quốc chỉ yêu cầu Mỹ thận trọng trong quá trình phát triển và triển khai hệ thống BMD và điều đó cho thấy rằng Bắc Kinh muốn bảo vệ chương trình phòng thủ tên lửa giai đoạn đầu của họ. Mặc dù kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi hệ thống phòng thủ tên lửa đang phát triển của Mỹ hơn các hạm đội tàu chiến được trang bị các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Nga, nhưng các quan chức Trung Quốc không ủng hộ đề nghị mang tính chất thăm dò của Nga liên quan đến hợp tác chặt chẽ hơn trên lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Vì vậy, đến nay các đại diện của Trung Quốc và Nga rất hạn chế đưa ra các tuyên bố chung về khả năng BMD của họ, mặc dù về nguyên tắc Nga quyết định bán các hệ thống phòng không hiện đại S-400 cho Trung Quốc. Các nhà phân tích Trung Quốc chính thức giải thích rằng họ đang cân nhắc giá trị của việc hợp tác với Nga, nhưng lại sợ rằng cuối cùng Mátxcơva có thể từ bỏ Trung Quốc để tiến tới một thỏa thuận riêng với Mỹ về vấn đề này như năm 2001. Họ cũng sợ rằng Trung Quốc thiếu tất cả các thiết bị phòng thủ tên lửa có thể cung cấp cho Mỹ để đổi lấy việc hợp tác BMD. Mặc dù hợp tác với Nga hoặc hành động một mình, Trung Quốc có khả năng tiếp tục tìm kiếm các khả năng BMD của họ. Năm 2010, Bắc Kinh thông báo Trung Quốc đã thử nghiệm một hệ thống BMD giai đoạn đầu và nhiều chuyên gia Trung Quốc cho biết họ đang tranh luận về việc Trung Quốc có nên phát triển hệ thống BMD hoàn thiện hơn không. Phân tích các tài liệu kỹ thuật của Trung Quốc cho thấy hiện nay Bắc Kinh không những đang quan tâm phát triển các biện pháp trả đũa thụ động và chủ động đối với BMD, mà cả các khả năng chống vệ tinh và BMD. Nhưng hợp tác về BMD lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ hoặc Trung Quốc và Nga cũng có thể diễn ra. Thực tế, hợp tác như vậy nằm trong các mối quan tâm của Trung Quốc: Các khả năng tấn công hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ và Nga khó có thể đồng ý cắt giảm hơn nữa lực lượng chiến lược của họ, từ đó có thể gây thiệt hại cho Trung Quốc lớn hơn các hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ. Tương tự, việc xây dựng quân đội Trung Quốc đang khuyến khích Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan phát triển các loại vũ khí tấn công tầm xa cũng như các hệ thống phòng thủ hiện đại hơn. Mặc dù hiện nay các nỗ lực phòng thủ tên lửa của Mỹ là vấn đề gây chia rẽ giữa Nga và Trung Quốc, nhưng BMD có thể là cơ sở cho các cách tiếp cận hợp tác an ninh khu vực trong tương lai./. 

Mỹ Anh (gt)