Nga không có phương án nào khác ngoài việc buộc phải thắt chặt và cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Vladimir Putin hơn ai hết hiểu rõ điều này. Tuy nhiên, một phần lớn giới tinh hoa Nga lại đang bị đè nặng bởi tình thế đó. Đối với giới chức và nhiều doanh nhân Nga, Trung Quốc vẫn là đối tác xa lạ và khó hiểu. Mặc dù Chính phủ Nga đã tuyên bố chính sách tăng cường quan hệ với Trung Quốc, song các nhà Trung Quốc học của Nga vẫn gặp không ít khó khăn về nguồn tài chính. Trong khi đó bản thân người Trung Quốc luôn nhớ rằng Trung Quốc đã nhận được nhiều thứ từ Liên Xô, song lúc này họ ít quan tâm tới Nga, thay vào đó họ tin tưởng rằng mối quan hệ với Mỹ quan trọng hơn nhiều. Đây là nhận định của ông Alexander Gabuev - Giám đốc Chương trình "Nước Nga với khu vực châu Á-Thái Bình Dương", thuộc Trung tâm Carnegie của Moskva

PV: Kể từ mùa Xuân năm ngoái (tháng 3/2014 – P.v), khi quan hệ của Nga với phương Tây xấu đi nhanh chóng; trong khi Nga đã ký với Trung Quốc một hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD, thì người ta nói nhiều đến việc Nga và Trung Quốc một lần nữa lại trở thành anh em. Tình anh em đó thực chất là gì? Mối quan hệ huynh đệ bao hàm ý nghĩa rằng hai bên sẵn sàng hy sinh vì nhau. Vậy nếu Trng Quốc vì Nga, họ có dám tự giới hạn quyền lợi của mình trong một chừng mực nào đó? 

Gabuev Alexander: Tôi không nghĩ như vậy. Người Trung Quốc không sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của họ. Chúng ta cần phải hiểu rằng cho dù hệ thống chính trị của Trung Quốc là Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, cho dù lãnh đạo Trung Quốc có mạnh tay như ông Tập Cận Bình, thì trong thực tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) còn lâu mới có thể kiểm soát tất cả. ĐCSTQ không tự biến mình thành một công cụ buộc các ông trùm tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư vào một lĩnh vực nào đó mà họ không quan tâm, hơn nữa ĐCSTQ cũng không hành động trái với các quy luật kinh tế. Theo ý kiến của tôi, Trung Quốc nói chung sẽ dễ dàng hơn, khi không ủng hộ chiến dịch trừng phạt của phương Tây nhằm chống Nga, đồng thời cũng không ký kết bất cứ hợp đồng nào với các doanh nghiệp Nga. Chỉ cần như vậy là sẽ không làm hỏng quan hệ của họ với Mỹ. Mặt khác, khi Nga rơi vào tình huống như hiện nay, mặc nhiên cũng đã mở ra những cơ hội mới cho Trung Quốc. Nhiều công ty phương Tây đã rời bỏ thị trường Nga. Và các đối thủ cạnh tranh của họ đến từ Trung Quốc, không mất chút công sức cạnh tranh nào, sẽ lấp đầy những chỗ trống mà các doanh nghiệp phương Tây bỏ lại. Nhưng người Trung Quốc sẽ chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà họ cảm thấy có lợi. 

PV: Vậy người dân Nga hiểu điều đó như thế nào? Các chính trị gia của chúng ta có biết thực chất động cơ và mục tiêu của Trung Quốc là gì không? 

Gabuev Alexander: Điều này phụ thuộc vào việc chúng ta đề cập một con người cụ thể nào thuộc giới tinh hoa của chúng ta. Trong một thời gian dài, đối với các chính trị gia của chúng ta, những người có vai trò xác định mối quan hệ với Trung Quốc, luôn coi Trung Quốc là một đối tác khó hiểu và tẻ nhạt. Chỉ cần hình dung: một quan chức Nga có nhà ở London, con cái đang theo học ở ngôi trường tốt nhất của Anh, ông ta thường có những kỳ nghỉ ở châu Âu và tiền gửi trong các ngân hàng của châu Âu. Rõ ràng, việc quan chức ấy muốn hòa nhập sâu hơn nữa vào xã hội châu Âu, nơi ông cảm thấy không xa lạ về bản sắc văn hóa, cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó, vị quan chức này chỉ đến Trung Quốc mỗi năm một lần, vì công việc, thì trong mắt ông, Trung Quốc có vẻ như hoàn toàn xa lạ, chẳng có gì hấp dẫn. Đó là chưa kể cảm giác sợ Trung Quốc, một đất nước mạnh hơn và với số dân đông hơn hẳn. 

PV: Đó là đối với quan chức. Nhưng thực chất thì tất cả các quyết định quan trọng ở Nga chỉ phụ thuộc vào một người. Người đó chính là Putin. Vậy Putin nghĩ gì về Trung Quốc? 

Gabuev Alexander: Tôi cho rằng ông ấy hiểu rõ chúng ta không có cách nào khác có thể thay thế cho việc phải xích lại gần trong quan hệ với Bắc Kinh. Chúng ta không thể xây dựng tình bạn với các nước phương Tây; Nhật Bản và Hàn Quốc từng muốn hợp tác chặt chẽ hơn với chúng ta, nhưng phương Tây đã gây áp lực với những quốc gia này; Ấn Độ và thậm chí cả các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cũng quá xa lạ và không thật dễ hiểu. Bởi vậy, chúng ta chỉ có lựa chọn duy nhất là Trung Quốc. Ngoài ra còn có "yếu tố con người", ông Putin và người đồng cấp Tập Cận Bình hơn kém nhau một tuổi (Putin sinh năm 1952, Tập Cận Bình sinh năm 1953 - P.v) và họ có những nét tương đồng trong phong cách lãnh đạo, thậm chí ông Tập Cận Bình còn có đôi chút bắt chước Nhà lãnh đạo Nga. Những ai đã từng chứng kiến các cuộc đàm phán diện hẹp giữa hai người, hẳn sẽ nhận thấy sự cảm thông và sự đồng cảm giữa họ. Và nếu nhà lãnh đạo số một của chúng ta kết bạn với Trung Quốc, đương nhiên tất cả giới tinh hoa còn lại của chúng ta cần phấn đấu để trở thành người bạn thân thiết với Trung Quốc. Nhưng trong tình hình hiện nay, điều đó dường như đang trở thành một gánh nặng. Một doanh nhân nổi tiếng, một người thân cận của Putin, sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh APEC đã nói với tôi: "Tôi cho rằng Trung Quốc không phải là người bạn thực sự". Khi tôi hỏi điều gì đã khiến ông nghĩ như vậy, ông nói: "Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống của chúng ta 3 tiếng, trong khi ông ta dành cả ngày cho Tổng thống Obama". Kim ngạch thương mại Nga-Trung không quá 100 tỷ USD, trong khi chỉ số này của Trung Quốc với Mỹ là trên 600 tỷ USD. Tuy nhiên nếu chúng ta so sánh tỷ lệ các con số trên với thời gian ông Tập Cận Bình tiếp xúc với Tổng thống Putin và Obama, thì kể ra kim ngạch thương mại Nga-Trung cũng không quá tệ. Nhiều người trong giới thượng lưu ở Nga mong ngóng 'tình hữu nghị' với Bắc Kinh nhanh chóng kết thúc và để họ lại có thể bắt đầu giai đoạn kinh doanh như thông lệ với châu Âu. Tuy nhiên, người ta nghi ngại rằng trong tương lai gần điều đó vẫn chưa thể xảy ra. 

PV: Có thể hiểu được tâm lý này của giới tinh hoa Nga. Nhưng có lẽ vẫn có một số bộ phận những người lạc quan, những người thực sự quan tâm tới Trung Quốc, và mong muốn thiết lập quan hệ với Trung Quốc, không chỉ bởi những mâu thuẫn với phương Tây? 

Gabuev Alexander: Xã hội Nga thời nào chẳng có những người như vậy. Ví dụ, như trường hợp nhà tỷ phú - "Vua nhôm" Oleg Deripaska. Ông có lẽ là người duy nhất trong số các ông trùm tài phiệt Nga cố gắng học tiếng Trung, chăm chỉ tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa Trung Quốc, ông gửi cổ phiếu RusAl tại Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong.

PV: Đấy là những doanh nhân. Còn trong số các quan chức thì ai là người đáng được nhắc tới nhất?

Gabuev Alexander: Có thể nhắc đến Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov, người đứng đầu Ủy ban liên chính phủ Nga-Trung về hợp tác đầu tư. Rõ ràng là ông ấy vẫn chưa hoàn toàn hiểu những gì đang xảy ra, nhưng ông cảm thấy hứng thú tìm hiểu và ông đặc biệt quan tâm việc thu hút các chuyên gia độc lập xác định, làm rõ ý kiến của các doanh nghiệp. Đối với ông, đó là một thách thức, một nhiệm vụ thú vị mà ông muốn giải quyết. Mặt trái của tấm huy chương, nói một cách khác, nhược điểm của Shuvalov chính là việc ông giữ nhiều trọng trách, ôm đồm quá nhiều dự án, ông cùng lúc tham gia nhiều chương trình khác nhau. Lúc nào ông cũng chỉ nghĩ đến ngân sách của Nga. Và đâu đó giữa những mối suy tư về ngân sách Nga, và chỉ những khi rảnh rỗi, ông mới có thời gian quan tâm đến công cuộc hợp tác với Trung Quốc. 

Một vấn đề khác là tình trạng chồng chéo, phức tạp khi ai cũng muốn tham gia giải quyết, phát triển quan hệ với Trung Quốc. Ở cấp độ Phó Thủ tướng, có 4 ủy ban hợp tác với Trung Quốc. Cụ thể, ngoài hợp tác trong lĩnh vực đầu tư kể trên, Nga còn thành lập một Ủy ban liên chính phủ khác do ông Rogozin làm Chủ tịch; một ủy ban phụ trách các vấn đề nhân đạo song phương do Olga Golodets phụ trách; một ủy ban phụ trách các vấn đề hợp tác song phương tại vùng Viễn Đông do đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga Yuri Trutnev phụ trách, ủy ban này cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự hợp tác giữa các vùng miền ở hai quốc gia. Kết quả là, sự chồng chéo về trách nhiệm, sự tranh giành quyền lợi giữa các ủy ban này đã khiến cho nhiều công ty, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khóc dở mếu dở, và tình hình trở nên phức tạp hơn. 

PV: Chúng ta có 4 ủy ban liên chính phủ, cũng đồng nghĩa với ít nhất có 4 thành viên tích cực ủng hộ việc xích lại gần hơn với Trung Quốc. Vậy vì sao lại cho rằng chúng ta còn chưa hiểu rõ đất nước này? Điều này trước hết liên quan đến những hạn chế trong giới Trung Quốc học, hay vấn đề nằm ở chỗ thiếu sự hiểu biết, hợp tác giữa các quan chức, giới doanh nhân và các chuyên gia? 

Gabuev Alexander: Ở đây có một số yếu tố kết hợp với nhau. Thứ nhất, đó là những gì mà tôi đã nói ở trên: các tầng lớp tinh hoa trong một thời gian dài đã không thực sự quan tâm đến Trung Quốc, và khu vực này nói chung (khu vực châu Á - P.v). Có một quan niệm cho rằng phụ thuộc vào nguyên liệu của châu Á là không tốt, trong khi phụ thuộc vào nguyên liệu của châu Âu lại là điều bình thường. Kết quả là chúng ta đã bỏ phí rất nhiều thời gian. Và với lối suy nghĩ này, chúng ta đã mất rất nhiều thời gian để chinh phục thị trường Trung Quốc, thậm chí chúng ta đã bỏ qua thị trường này từ hàng chục năm trước. Giờ đây chúng ta cần phải bắt kịp trong vội vàng, và vì vậy, có thể thấy dường như Trung Quốc đang nắm trong tay tất cả các quân bài, và chúng ta chỉ có nước chạy theo họ. Thứ hai, đó là những di sản, tàn tích của tình hình từ những năm 1990. Trong những năm đó, các nhà Trung Quốc học dưới thời Xôviết luôn có cảm giác mọi việc đều tốt đẹp, khi họ có nguồn lực ngân sách và nhân lực. Tuy nhiên, họ bắt buộc phải giải quyết các nhiệm vụ của đảng, nên chưa thể nghiên cứu sâu "nguồn gốc tư sản". Nhưng sau đó, khi đất nước thay đổi, người ta mới vỡ lẽ ra rằng các chuyên gia Hán học xuất sắc thực ra chỉ nghiên cứu cổ vật, bởi vì đây là lĩnh vực tự do nhất, ít phải chịu áp lực ý thức hệ nhất, trong khi số các chuyên gia nghiên cứu về nền quốc phòng Trung Quốc hiện đại, về tài chính, luật pháp Trung Quốc lại quá ít ỏi. Hơn nữa, khi chúng ta ngừng cung cấp kinh phí cho ngành Trung Quốc học, thì bản thân nhà nước Trung Quốc đã tiến được những bước phát triển dài. Dường như mọi thứ ở Trung Quốc đã thay đổi, trong khi tại Nga vẫn còn tồn tại những cuốn sách nghiên cứu Trung Quốc xuất bản từ thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước. Mức độ hiểu biết về Chính phủ Trung Quốc, bộ máy nhà nước, các ngành tình báo, trong đó phải kể đến ngành Trung Quốc học đã suy giảm rất nhiều. Kết quả là, hiện nay chúng ta lâm vào một vòng tròn luẩn quẩn: các nhà Trung Quốc học phàn nàn không có kinh phí để hoạt động một cách hiệu quả, trong khi giới chức và cả các doanh nghiệp lại cho rằng không thể phung phí tiền bạc cho những chuyên gia yếu kém và có trình độ đào tạo quá thấp. 

PV: Và năm ngoái, sau khi chúng ta chính thức công bố hướng sự chú ý sang phía Đông, thì tình hình vẫn không thay đổi? Nhu cầu đối với ngành Trung Quốc học vẫn không phát triển? 

Gabuev Alexander: Xét trên phương diện lời nói, theo tôi, thì có thay đổi. Trên các phương tiện truyền thông, người ta nói nhiều hơn đến việc tìm hiểu đất nước Trung Hoa (nhưng chủ yếu cũng là bản thân các nhà Hán học nói về điều này). Tại các cuộc họp diện hẹp, chủ đề này thường được đề cập. Nhưng hầu như những thay đổi trong thực tế còn xa mới theo kịp đổi thay qua lời nói. Trước đây, giới doanh nhân quan tâm đến các vấn đề như "làm thế nào để mở một văn phòng đại diện tại Bắc Kinh", và họ tìm cách tự giải đáp thắc mắc này thông qua các chuyên gia tư vấn quốc tế. Họ làm như vậy là sáng suốt, vì người nước ngoài hiểu rõ hơn về những điều như vậy. Bây giờ các doanh nghiệp của Nga bắt đầu quan tâm đến những vấn đề như sắp xếp nhân sự của Bộ Chính trị ĐCSTQ, vốn là hệ thống ra quyết định ở Trung Quốc, chính sách kinh tế vĩ mô, Con đường tơ lụa... Nhưng tôi không thể nói rằng Chính phủ Nga đã rót kinh phí xứng đáng để phát triển ngành Trung Quốc học. Và số lượng các chuyên gia ngành này không hề tăng lên. Các nhà Trung Quốc học có trình độ chuyên môn tốt, hoặc tìm sang Trung Quốc, hoặc tìm việc làm tại các công ty phương Tây và các trung tâm chuyên môn khác. 

PV: Vậy người Trung Quốc có thông thạo tình hình Nga? Ngành Nga học tại Trung Quốc có phát triển? 

Gabuev Alexander: Hiện tại thì chưa phát triển. Ngành Nga học chỉ phát triển trong những năm đầu sau khi thành lập Nhà nước Trung Quốc, cho đến khi xảy ra sự kiện Trung-Xô chia rẽ hồi những năm 1960. Có một thế hệ các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã học ở Liên Xô, nói tiếng Nga thành thạo, như Giang Trạch Dân. Đó là những người đã quan tâm đến nước Nga và lịch sử Nga. Trung Quốc chủ yếu sao chép hệ thống chính trị của Liên Xô. Sau đó, mối quan tâm trong công tác nghiên cứu Nga tại Trung Quốc đã giảm đáng kể. Và điều duy nhất còn được lưu trữ tại Trung Quốc là ĐCSTQ đã nghiên cứu cẩn thận và đúc rút kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên Xô, xem đó như bài học nhằm ngăn chặn Trung Quốc đi vào vết xe đổ này. Chính phủ Trung Quốc cũng chi tiền để bảo tồn các trường học và cán bộ nhân viên giảng dạy tiếng Nga. Tuy nhiên, có thể thấy rõ ngành nghiên cứu về nước Nga đã bị xem nhẹ ở Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh các nghiên cứu về Mỹ đang bùng nổ. Trung Quốc vẫn có những chuyên gia Nga học, nhưng số lượng rất ít ỏi, tuy nhiên kinh phí dành cho ngành này thì cao hơn nhiều so với tại Nga. Còn một vấn đề nữa là giới chức Trung Quốc giống như những người sống trên thượng giới và thật khó gặp được họ. Một cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các chuyên gia và quan chức hàng đầu ở Trung Quốc là không thể có được. Về phương diện này, ở Nga, tình hình tốt hơn, khi mà mọi người biết nhau và có thể giao tiếp, chia sẻ những suy nghĩ của mình. 

PV: Người Trung Quốc nghĩ gì về Nga? Họ có cảm xúc gì về nước Nga? 

Gabuev Alexander: Đối với giới trẻ, nước Nga không có gì quá thú vị và hấp dẫn. Tuy nhiên, ông Putin lại là thần tượng của họ. Người Trung Quốc tin rằng ông đang chiến đấu chống lại tham nhũng và các ông trùm tài phiệt và họ đánh giá Putin là một nhà lãnh đạo nghiêm khắc. Nhưng điều này chỉ đúng với những người có tư tưởng đơn giản, có chung tư tưởng chống Mỹ (của ông Putin - P.v). Ngoài ra, Trung Quốc cũng thầm so sánh hình ảnh ông Putin cởi trần cưỡi ngựa, với các nhà lãnh đạo tuổi cao của Trung Quốc. Giờ đây, Trung Quốc đã có Tập Cận Bình, một người cũng trạc tuổi Putin. Ngoài ra ở Trung Quốc vẫn có một lớp người lớn tuổi, mang trong mình những hoài niệm về tình hữu nghị Xô-Trung và họ tin rằng Moskva và Bắc Kinh cần phải đoàn kết, trong một nỗ lực chống Mỹ và Nhật Bản. Nói chung, người Trung Quốc hiểu rằng Nga từng là một siêu cường, và đã giúp đỡ Trung Quốc rất nhiều, nhưng ngày nay, do tham nhũng và quản lý kém mà đất nước trở nên suy thoái, tụt hậu. Tất cả những gì nước Nga có hôm nay chỉ là nguồn tài nguyên và một lãnh thổ rộng nhất thế giới với các loại vũ khí hạt nhân. Một người nào đó ở Trung Quốc từng nói về điều đó với niềm vui sướng và hãnh diện: "Hãy nhìn xem, chúng tôi, những học trò giờ đã giỏi hơn cả thầy", song số khác thì lại bày tỏ niềm hối tiếc. 

PV: Vậy người ta nghĩ như thế nào về Mỹ? Có mâu thuẫn gì không giữa Mỹ và Trung Quốc? 

Gabuev Alexander:  Một số nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đã đặt cược vào nhau, và tin rằng điều đó như một sự bảo đảm chống lại xung đột. Mỹ và Trung Quốc có kim ngạch buôn bán hai chiều khổng lồ. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Mối quan hệ giữa các cá nhân cũng rất phát triển. Những người bạn Mỹ của tôi thậm chí còn nói đùa rằng: "Chúng tôi (Mỹ - P.v) là những kẻ thù lớn của Trung Quốc, còn bạn (Nga - P.v) lại là người bạn lớn. Nhưng một ngày nào đó, chúng tôi có thể được cấp visa mười năm, mà bạn thì không". Hoặc có một hình tượng khác, đó là "các quan chức tham nhũng", những người đã đưa gia đình họ và tiền bạc của họ ra nước ngoài, trong khi chính họ tiếp tục làm việc tại Trung Quốc. Về cơ bản, những người giàu có thường cố đưa người thân và số tiền bất chính của họ tới Mỹ. Nói một cách khác, các tầng lớp tinh hoa Trung Quốc rất hướng Tây. Ngay cả Tập Cận Bình cũng có con gái tốt nghiệp Đại học Harvard, Mỹ. 

Một điều nữa là Mỹ là một đất nước có điều kiện sống rất thoải mái, thuận lợi. Mỹ được chia cắt khỏi những khu vực có vấn đề chính bởi đại dương, và những láng giềng gần yếu hơn và có quan hệ đồng minh với Mỹ. Tình trạng này khiến đôi khi Mỹ hành động xuất phát từ một số nguyên tắc giáo điều, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Có thể xuất hiện những tình huống, chẳng hạn phát sinh do chính người Mỹ, mặc dù không phải vì ác ý, nhưng, có thể họ nói mà không suy nghĩ, đã khiến tạo ra xung đột. Các chuyên gia Mỹ hiểu rõ điều này. Nhưng họ không phải bao giờ cũng có thể chuyển tải thông điệp đó tới người dân, những người phải tiếp nhận các quyết định chính trị. Và đến lượt họ, cũng dần dần xuất hiện tâm lý chống Trung Quốc, trong xã hội và kể cả trong Quốc hội, bênh vực lợi ích của các nước đồng minh (đặc biệt là Nhật Bản). Người Trung Quốc không phải bao giờ cũng hiểu được động cơ thực sự của Mỹ. Họ nghĩ rằng người Mỹ muốn đưa họ vào vòng lẩn quẩn để rồi làm suy yếu Trung Quốc. Kết quả là, bất kỳ tai nạn nào, ví dụ, một vụ va chạm máy bay chiến đấu Trung Quốc với máy bay tiêm kích của Mỹ, ở đâu đó trên đảo Hải Nam, đều có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. 

PV: Về mặt lý thuyết, nếu xảy ra một vụ va chạm như vậy, thì người Trung Quốc sẽ làm gì để đối phó? 

Gabuev Alexander:  Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội, nhằm sẵn sàng tham gia các cuộc xung đột khu vực. Đương nhiên có nhiều hiểm họa nếu người Mỹ gây ra một cuộc xung đột như vậy nhằm vào Trung Quốc, hoặc nếu họ mượn tay Nhật Bản và Đài Loan để gây chiến với Trung Quốc. Bởi thế, Trung Quốc đang chuẩn bị để đối phó với kịch bản này.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn làm ra vẻ rằng họ có thể, nếu thực sự muốn dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp, chẳng hạn như quyền sở hữu Điếu Ngư, mà người Nhật gọi là Senkaku. Việc tỏ ra như vậy sẽ tạo cơ hội để Bắc Kinh có thể giải quyết cuộc xung đột này bằng phương thức ngoại giao. Vì vậy, hiện nay Trung Quốc đang xây dựng một hạm đội đại dương hùng mạnh. Trung Quốc đã có một tàu sân bay, và giờ đang chế tạo chiếc thứ hai. Họ cũng đang tích cực chế tạo tàu ngầm. Và gần đây, đã ký kết một hợp đồng mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Nhưng đó là tất cả những gì Trung Quốc cần để giải quyết một cách tương đối các vấn đề khu vực, chứ Bắc Kinh không cố công trở thành bá chủ toàn cầu. 

PV: Nếu Trung Quốc không tìm cách thống trị thế giới, thì hiện giờ giới chức nước này đang lo lắng, quan tâm điều gì nhất? 

Gabuev Alexander:  Trước hết họ nghĩ cách vươn mình trỗi dậy. Ông Tập Cận Bình mong muốn giải quyết các vấn đề nội bộ Trung Quốc, trước hết là phát triển nền kinh tế. Nền tảng kinh tế Trung Quốc từ nhiều năm dựa trên thế mạnh xuất khẩu (điều này thành công một phần là nhờ nguồn nhân công giá rẻ của Trung Quốc). Một vai trò quan trọng không kém là điều kiện nhà ở và cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc. Dân số Trung Quốc gần 1,4 tỷ người và trong số này, chỉ có vài trăm triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. Sẽ là hợp lý nếu Trung Quốc đặt cược vào tiêu thụ nội địa. Nhưng để làm được điều này, Trung Quốc cần khiến cho người dân tin tưởng rằng họ có thể chi tiêu tiết kiệm thay vì cất tiền vào sổ tiết kiệm dành cho tuổi già. Giờ đây, Trung Quốc đang thực hiện một hệ thống lương hưu (vốn trước đó chưa từng có ở Trung Quốc) và bảo hiểm tiền gửi. Ở Trung Quốc, một số đông những người tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như hệ thống đường sá, và bây giờ, khi mọi thứ đã được xây dựng xong, những người đó lại rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Ngoài ra còn một thách thức khác, đó là nạn tham nhũng. Và thực tế cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc đang rất mạnh tay để giải quyết vấn nạn này.

PV: Điều gì là quan trọng hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng: một mong muốn thực sự diệt trừ tệ hối lộ hay nó chỉ đơn giản là một sự che đậy quyền lực, và loại bỏ sự cạnh tranh? 

Gabuev Alexander:  Ông Tập Cận Bình tin tưởng rằng nền dân chủ kiểu phương Tây không thể áp dụng ở Trung Quốc, và sự thịnh vượng của Trung Quốc sẽ có được dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ. Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn lặp lại những sai lầm của Đảng Cộng sản Liên Xô và những thể chế khác, bao gồm cả sụp đổ vì tham nhũng. Vì vậy, ông Tập Cận Bình tin rằng ĐCSTQ và đất nước Trung Quốc trước hết cần thoát khỏi vấn nạn tham nhũng. Bản thân ông, ở phương diện này, là một nhà lãnh đạo trong sạch, không tư lợi. Trước khi ông lên nắm quyền, trở thành thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc năm 2012, các phương tiện truyền thông phương Tây đã đăng tải một số ấn phẩm lớn liên quan đến tham nhũng của giới tinh hoa chính trị Trung Quốc. Gia đình ông Tập sở hữu gần 300 triệu USD. Nhưng số tiền này là của người chị em của ông, và có từ những năm 1990. Mặt khác, Trung Quốc có thừa những kẻ không ưa gì việc chống tham nhũng. Họ là đối thủ của Tập Cận Bình. Bởi vậy, có thể thấy rõ cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình là tương đối khó khăn.

Alexander Gabuev - Giám đốc Chương trình "Nước Nga với khu vực châu Á-Thái Bình Dương", thuộc Trung tâm Carnegie của Moskva. Bài phỏng vấn do cây bút chuyên viết bình luận A. A. Kopzev của bản báo thực hiện và được đăng trên trang Lenta.ru.

Thúy Bình (gt)