Nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang phát động một cuộc chiến tranh tâm lý lâu dài chống Nhật Bản liên quan đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - một cuộc khủng hoảng có khả năng dẫn đến những hậu quả quốc tế sâu sắc. Do đó, quan điểm của Nga về cuộc tranh chấp này đã bộc lộ các mục tiêu và chiến thuật trong chính sách đối ngoại của Nga ở châu Á - khu vực đang trở thành một trong những ưu tiên của chính sách đối ngoại của Mátxcơva. 

Tháng 9/2011, Trung Quốc và Nga đạt được thỏa thuận ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của nhau liên quan đến các quần đảo tranh chấp với Nhật Bản, trong đó có quần đảo Kurile mà Nga đang quản lý và quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) hiện Trung Quốc đang đòi chủ quyền. Thỏa thuận này nhằm tái khẳng định hai bên ủng hộ các lợi ích cốt lõi của nhau. Tuy nhiên, hiện nay Nga theo đuổi ý đồ lập lại mối quan hệ hữu nghị toàn diện với Nhật Bản nên giọng điệu của Mátxcơva rất khác. Giám đốc Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev và Thứ trưởng Ngoại giao Igor Morgulov đã có chuyến thăm bí mật Nhật Bản hồi tháng 10/2012 để mở đường cho các cuộc đàm phán chính thức giữa hai chính phủ. Các cuộc gặp này bao gồm các cuộc đàm phán cấp làm việc thực sự đầu tiên của Nga với Nhật Bản. Hai bên đã sắp xếp chương trình cho hội nghị thượng đỉnh Nga-Nhật tại Tôkiô vào tháng 12/2012 

Trước hết, Nhật Bản thông báo với Nga về cuộc khủng hoảng Senkaku và quan điểm của Nhật Bản về vấn đề này. Đáp lại, ông Patrushev cho rằng cùng với nhiều mối đe dọa phổ biến khác như chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, nhập cư trái phép và buôn bán ma túy, mối đe dọa lớn đang nổi lên ở châu Á-Thái Bình Dương là tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia. Nga ủng hộ giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua đối thoại, các biện pháp chính trị và ngoại giao. Nga sẽ không đứng về bên nào trong các tranh chấp. Nhật Bản và Trung Quốc phải giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Ngoài ra, Nhật Bản và Nga nhất trí tăng cường các cuộc đối thoại song phương nhằm nỗ lực phát triển hợp tác trên các lĩnh vực an ninh và quốc phòng trong bối cảnh môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Nói cách khác, không chỉ Nhật Bản đưa ra vấn đề quần đảo Senkaku, quần đảo Kurile và hội nghị thượng đỉnh vào các cuộc thảo luận về thương mại, mà Nga cũng đưa ra một quan điểm trung lập khi hai bên thảo luận vấn đề hợp tác an ninh và quốc phòng. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tầm quan trọng của Tuyên bố Irkutsk 2001 vì nó khẳng định hiệu lực của tuyên bố chung Liên Xô-Nhật Bản năm 1956, lúc đó Mátxcơva đưa ra khả năng trao trả Tôkiô 2 quần đảo tranh chấp. Biện pháp này hướng tới một thỏa thuận song phương mang đến cho thế giới triển vọng về một giải pháp thông qua đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới về tranh chấp lãnh thổ kéo dài gần 70 năm qua giữa Nga và Nhật Bản. Điều đó có nghĩa sẽ gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng Nga không ủng hộ quan điểm quyết đoán và đe dọa trong các trường hợp tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. 

Mặc dù một phần sức hấp dẫn mới của Nhật Bản đối với Nga là khả năng nhập khẩu năng lượng rất lớn cũng như đầu tư của Nhật Bản ở khu vực Viễn Đông Nga sẽ trở thành hiện thực, nhưng đây cũng là bằng chứng rõ ràng cho thấy Mátxcơva rất quan tâm mối đe dọa sử dụng sức mạnh cũng như các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thách thức Nhật Bản và các cường quốc châu Á khác. Mục tiêu chiến lược khu vực chủ yếu của Nga là khôi phục vị thế của một cường quốc châu Á độc lập. Hơn nữa, Nga dường như nhận thấy chỉ có thay đổi vị thế cường quốc khu vực mới có thể nói chuyện với Trung Quốc. Nhưng chắc chắn Mátxcơva bác bỏ sự thống trị châu Á của Trung Quốc. 

Rõ ràng, vai trò ngày càng lớn hơn của Nga trong không gian chính trị châu Á sẽ bất lợi cho Trung Quốc, hay chính xác hơn là sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu chính trị-quân sự đang phát triển của Bắc Kinh. Vì vậy, sắp tới hai bên sẽ có nhiều cuộc thảo luận về tuyên bố năm 2001 như đã nói ở trên. Một liên minh Nga-Trung có thể ngăn chặn hiệu quả sức mạnh của Mỹ và sự phát triển của các giá trị tự do phương Tây hơn mối quan hệ đối tác thân thiện giữa Nga và Nhật Bản hoặc bất cứ cường quốc châu Á nào khác. Tuy nhiên, mối quan hệ chặt chẽ của Mátxcơva với Bắc Kinh sẽ không có bất cứ hành động nào liên quan đến các tranh chấp khu vực ở châu Á, đặc biệt nếu các bất đồng đó liên quan đến các tuyên bố chủ quyền và chiến lược của Trung Quốc. Do đó, quan điểm của Cremli về quần đảo Senkaku chỉ có thể là từ chối ủng hộ Trung Quốc và đây sẽ là cơ hội cho Nhật Bản và Mỹ hạn chế sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc. Chắc chắn, Mỹ và Nhật Bản sẽ không bỏ qua cơ hội này trong thời gian tới. 

Theo "Jamestown Foundation" (ngày 15/11)

Hương Trà (gt)