Hợp tác giữa Trung Quốc và Nga ngày càng được đẩy mạnh bất chấp thực tế cả hai quốc gia này đều đang cạnh tranh nhằm giành vị thế đứng đầu khu vực.

Những thay đổi mang tính chiến lược gần đây, xảy ra đồng thời và có phần trái ngược giữa Trung Quốc và Nga, không chỉ đánh dấu mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn giữa hai nước, mà còn tạo ra thách thức không hề nhỏ đối với Mỹ, đồng thời phản ánh thực tế thiếu cân bằng trong quan hệ đối tác song phương và thậm chí là một cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia này tại vùng Âu-Á.

Những thay đổi quan trọng trong quan hệ giữa hai nước được thể hiện rõ nét vào hồi cuối tháng trước. Ngày 8/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới dự Lễ Diễu binh mừng Chiến thắng Phát xít tại Moskva với tư cách khách mời danh dự. Ngay sau đó, ngày 11/5, Trung Quốc và Nga đã lần đầu tiên tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung trên biển Địa Trung Hải. Cuộc diễn tập kéo dài 10 ngày này đã góp phần phô diễn sức mạnh và sự hợp tác của hai quốc gia tại một nơi từ trước tới nay vẫn luôn nằm dưới sự chi phối của Mỹ. Cả hai cường quốc này đều đang tìm cách thách thức địa vị bá chủ của Mỹ tại vùng biển quốc tế này, nơi nối liền châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Bắc Kinh thậm chí còn tỏ ý rằng Trung Quốc sẵn sàng thể hiện sức mạnh hải quân của mình tại vùng biển châu Âu xa xôi, nơi thực tế được coi là "cái hồ của NATO", tương tự những gì Mỹ đang làm tại châu Á-Thái Bình Dương.

Trên thực tế, Trung Quốc và Nga có khá nhiều điểm chung. Chính quyền cả hai quốc gia này đều coi Mỹ là mối đe dọa đối với quyền lực của mình, và hiện cả hai nước đều đang có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn với các nước láng giềng. Không chỉ vậy, cả Nga và Trung Quốc đều cố ý phớt lờ các tham vọng của nhau trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tại nhiều khu vực như Ukraine, Tây Tạng, Nhật Bản và Philippines. Xu hướng thích đe dọa và thao túng của cả hai quốc gia này tuy khiến họ ít nhiều bị cô lập bởi cộng đồng quốc tế, song đổi lại là không ít ảnh hưởng và sự e dè của các nước khác. Trong khi đó, cả Nga và Trung Quốc đều tăng chi tiêu quân sự trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh NATO mạnh tay cắt giảm ngân sách quốc phòng. 

Trung Quốc và Nga đều có nhiều thứ để trao đổi với nhau. Cả hai nước có thể được lợi từ các hoạt động thương mại bằng đồng nội tệ, và hiện đều là thành viên của nhóm BRICS, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO). Tuy nhiên, rõ ràng nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc ít nhiều đều đem lại cho họ lợi thế trong các tổ chức này.

Những vấn đề chính trị và kinh tế cấp thiết khiến Nga xích lại gần Trung Quốc. Giá nhiên liệu tụt dốc và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã tác động đáng kể tới nền kinh tế Nga. Moskva cần tài chính để nâng cấp cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh hoạt động bán vũ khí nhằm duy trì hiệu quả bộ máy quân sự.

Trong chuyến thăm Moskva của Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố việc thành lập "một không gian kinh tế chung tại Âu-Á", nhân tố sẽ góp phần thúc đẩy chiến lược "Một Vành đai, Một Con đường" của Trung Quốc cũng như hoạt động của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) mà Nga khởi xướng. Những tuyên bố này đã phản ánh một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của ông Putin kể từ khi ông thúc đẩy sáng kiến "Đại châu Âu" 5 năm trước, với phạm vi trải dài từ Lisbon cho tới Vladivostok, thu hút sự tham gia của Liên minh châu Âu và EEU. Moskva rõ ràng đang chuyển hướng về phía Đông. 

Mục tiêu của các nước tham gia EEU - hiện gồm có Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, liên minh chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 - là đảm bảo việc tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn và nguồn nhân lực giữa các nước thành viên. Thị trường chung của EEU là nhân tố quan trọng đối với Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa, một sáng kiến kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn về mặt ngoại giao, tiêu chuẩn hóa các phương tiện thương mại và xây dựng các khu vực thương mại tự do. Việc triển khai thành công chiến lược này sẽ giúp Trung Quốc có thêm nhiều ưu thế về kinh tế và ngoại giao tại khu vực Âu-Á.

Có một điều mà người ta không thể phủ nhận là Trung Quốc đang vượt trội Nga trong các mối quan hệ mà hai nước xây dựng gần đây. Sự yếu thế của Nga thể hiện rõ trong việc ngoài nguồn cung năng lượng, vũ khí và khoáng sản có giá trị, quốc gia này hầu như chẳng còn sức ảnh hưởng nào khác. Trong khi đó, Bắc Kinh lại ở "chiếu trên" khi trở thành “chủ nợ” lớn của Moskva và là chủ đầu tư của nhiều dự án tại Nga. Tất cả những điều này càng phô bày rõ nét hơn nền kinh tế đang ốm yếu cũng như sự yếu thế trong các cuộc đàm phán của Nga.

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố kinh tế, còn nhiều động lực khác thúc đẩy mối quan hệ đối tác thiếu cân bằng giữa Trung Quốc và Nga. Trong những năm gần đây, vùng Địa Trung Hải đã bắt đầu trở thành một trong những yếu tố chiến lược quan trọng của Bắc Kinh. Trữ lượng năng lượng tại khu vực này chiếm tới 70% trữ lượng trên toàn thế giới, và điều này có thể giúp Trung Quốc đảm bảo quá trình phát triển bền vững của mình. Hơn thế nữa, tham vọng toàn cầu của Trung Quốc cùng mục tiêu đa dạng thị trường và nguồn cung năng lượng đã hướng các lợi ích kinh tế và chiến lược của Bắc Kinh về phía Tây, vượt ra ngoài phạm vi châu Á để tiến xa hơn về phía bờ biển Nam Âu, Bắc Phi và Vịnh Ba Tư.

Địa Trung Hải là điểm cực Tây của chiến lược "Con đường Tơ lụa Mới" mà Trung Quốc vạch ra, với hy vọng nối liền các thị trường Trung Quốc tại Trung Á và thâm nhập sâu hơn vào châu Âu cũng như Trung Đông. Các lợi ích về kinh tế sẽ trải đường cho sự hiện diện sâu rộng hơn về mặt quân sự của Trung Quốc tại Địa Trung Hải và hợp tác với Nga sẽ là cách để Trung Quốc có thể cạnh tranh với tầm ảnh hưởng của các lực lượng hải quân phương Tây trong khu vực.

Tuy nhiên, hợp tác giữa Trung Quốc và Nga không thể che lấp thực tế cuộc cạnh tranh giành tầm ảnh hưởng tại Trung Á. Một nước Nga đang vật lộn với nền kinh tế không thể đem tới cho các nước Trung Á nhiều lợi ích và các khoản đầu tư khổng lồ như Trung Quốc hứa hẹn. Trên thực tế, Trung Quốc đã thế chỗ Nga và trở thành "chủ nợ" lớn nhất trong khu vực. Bắc Kinh có nhiều lý do để mạnh tay đầu tư vào mạng lưới giao thông vận tải cũng như cung cấp tại vùng Trung Á. Hệ thống hạ tầng cơ sở tân tiến sẽ giúp nối liền Trung Quốc với các thị trường châu Âu và cho phép quốc gia này có thể tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài nguyên dầu mỏ tại Kazakhstan, nguồn khoáng sản dồi dào ở Kyrgyzstan và khí đốt tự nhiên của Turkmenistan.

Trung Quốc tích cực tăng cường sự hiện diện trong khu vực bởi quốc gia này cho rằng không phải các nước Trung Á đều hào hứng với những lợi ích được hứa hẹn khi gia nhập EEU, chủ yếu là bởi các lo ngại về nguy cơ Nga lợi dụng liên minh này để thao túng và buộc họ phải lệ thuộc vào đồng ruble - vốn đang mất giá trầm trọng. Có thể nói, các nước Trung Á đang đóng vai trò then chốt trong "cuộc chơi" của Trung Quốc và Nga. Gần 10 năm trước, nguồn dầu mỏ và khí đốt của 5 quốc gia non trẻ chủ yếu là lấy từ Nga, song hiện nay, những cơ hội mới đang mở ra và Trung Quốc rất có thể sẽ thế chân Nga trở thành nhà cung cấp chính năng lượng cho khu vực.

Kể từ khi Nga thay đổi chiến lược hướng Đông, quốc gia này đã phải chật vật để duy trì tầm ảnh hưởng tại Trung Á, trong khi Trung Quốc hướng Tây với tham vọng trở thành một cường quốc Âu-Á. Thực tế việc hai nước đang đẩy mạnh hợp tác và củng cố quan hệ kinh tế, quân sự chỉ phản ánh rõ nét hơn những lợi ích cạnh tranh của hai nước trong khu vực này. Có thể nói, chính những kế hoạch đôi bên cùng có lợi và thái độ hữu hảo mà hai nước dành cho nhau khiến người ta không khỏi cho rằng hai quốc gia này - một "cường quốc kỳ cựu" và một quốc gia nuôi "tham vọng trở thành cường quốc” - đang ngày càng dấn sâu vào cuộc cạnh tranh giành vị thế dẫn đầu tại khu vực Âu-Á.

Giáo sư Anita Inder Singh, Viện Giải pháp Hòa bình và Xung đột (New Delhi). Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Văn Cường (gt)