Bất chấp những vấn đề khúc mắc về tranh chấp lãnh thổ, hiện có nhiều yếu tố có thể khiến việc nối lại quan hệ hữu nghị này thành công. Đầu tiên, việc Trung Quốc tăng cường sức ép đối với Nhật Bản suốt từ năm 2010 có thể sẽ buộc Tôkyô phải tìm kiếm sự hỗ trợ mới, đặc biệt là từ Nga, nước vốn được coi là một trong những nhà cung cấp đất hiếm lớn, loại nguyên liệu mà Trung Quốc đã có ý định ngừng xuất khẩu cho Nhật Bản. Thứ hai, khuynh hướng tăng cường đe dọa của Trung Quốc đối với các nước láng giềng về tranh chấp biển đảo và các vấn đề khác đã gặp phải sự phản đối của Nga tại Đông Nam Á, và Mátxcơva chắc chắn sẽ không bàng quan đối với căng thẳng Trung – Nhật. Thứ ba, giới trí thức và có địa vị xã hội tại Nga vẫn tin rằng nền kinh tế của Nga và Nhật Bản có thể bổ sung cho nhau và Nhật Bản đang muốn tiếp cận nhiều hơn ngành năng lượng của Nga bất chấp những số liệu thống kê không khả quan về thương mại của Nga cũng như vấn đề trở ngại liên quan đến tranh chấp quần đảo Nam Kurin. Nhu cầu cao của Nhật Bản đối với năng lượng của Nga mà Mátxcơva gán cho Tôkyô chỉ đúng một phần. Tuy nhiên Nga cũng nhận ra rằng họ cần phải bán năng lượng cho nhiều đối tác châu Á, chứ không chỉ riêng Trung Quốc, để tìm kiếm một cách nghiêm túc vị thế được đánh giá cao tại châu Á. 

Theo như những tín hiệu từ cả hai bên về mong muốn đàm phán những vấn đề còn tồn tại, mới đây nhất, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng Nga đã chuẩn bị cho việc thảo luận hiệp ước hòa bình với Nhật Bản trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ). Ông Lavrov đồng thời ám chỉ rằng Nga sẵn sàng đàm phán bất cứ vấn đề gì liên quan đến lợi ích của Nhật Bản, chẳng hạn như vấn đề về quần đảo Nam Kurin và vấn đề với Trung Quốc, và mong muốn đạt được một thỏa thuận mà cả hai bên có thể chấp nhận được về quần đảo tranh chấp. Tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Vladivostok, Nhật Bản và Nga đã ký một loạt các thỏa thuận trong khuôn khổ cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các thỏa thuận này bao gồm các vấn đề về đánh bắt hải sản tại các vùng biển tranh chấp, một vấn đề khu vực quan trọng; một Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Gazprom của Nga với Bộ Năng lượng và Tài nguyên Quốc gia Nhật Bản; cũng như một hợp đồng xây dựng khu phức hợp lớn hơn tại khu vực Krasnoyarsk. Vấn đề kinh tế lớn nhất mà thỏa thuận có thể đạt được liên quan đến việc dự phòng khí đốt của Nga cho Nhật Bản. Mátxcơva có tham vọng lớn trong việc cung cấp khí đốt cho nhiều quốc gia láng giềng ở châu Á, tuy nhiên những kế hoạch này vẫn bị đình trệ do những bất đồng kéo dài với Trung Quốc và những khó khăn xung quanh việc hiện thực hóa đường ống dẫn khí đốt xuyên Triều Tiên của Nga. Điều đó khiến cho Nhật Bản trở thành quốc gia châu Á có vai trò lớn để tiến trình này có thể tiến triển trong tương lai gần. Bản ghi nhớ giữa Gazprom và Bộ Năng lượng và Tài nguyên Quốc gia Nhật Bản dường như mở đường cho việc Nhật Bản có thể tham gia vào quá trình xây dựng nhà máy khí hóa lỏng tại Vladivostok. 

Trong khi biên bản này có thể giúp Nhật Bản nhận được nhiều hơn lượng khí hóa lỏng (LNG) từ Nga, ngoài những gì đã nhận từ Sakhalin, biên bản này cũng nâng cao khả năng cạnh tranh của Nga trên thị trường khí đốt toàn cầu. Đối với Nga, Chương trình khí đốt phía Đông do Tập đoàn Gazprom dẫn đầu, trong đó sản phẩm khí hóa lỏng là một nhân tố chủ chốt, có ý nghĩa sống còn đối với mục tiêu lớn hơn của Nga là trở thành nhà cung cấp năng lượng chính cho khu vực Đông Á và trở thành một cường quốc lớn tại châu Á. Hơn thế nữa, chấp nhận sự giúp đỡ từ phía Nhật Bản là một phần trong chương trình lớn hơn về “hiện đại hóa các mối quan hệ” của Mátxcơva. Nga hy vọng thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu vực như Viễn Đông từ các nước khác bao gồm cả Nhật Bản để đạt được mục tiêu địa chính trị của Mátxcơva. Các quan chức của Nga không giấu giếm việc họ tìm kiếm đầu tư từ Nhật Bản, khi mà Mátxcơva đương nhiên không muốn phụ thuộc vào nguồn đầu tư chủ đạo từ Trung Quốc vào các khu vực thuộc châu Á của Nga và vào cơ sở hạ tầng năng lượng - vì thế việc thảo luận các dự án đầu tư với Nhật Bản đã diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh APEC. Cùng lúc đó, Nhật Bản cũng không muốn Trung Quốc, nước có thể sẽ chiếm được các nguồn tài nguyên thực sự về năng lượng nói chung và khí hóa lỏng nói riêng, có thể dễ dàng tiếp cận với khu vực Viễn Đông. 

Vì vậy Nhật Bản cũng đề xuất đầu tư vào ngành năng lượng với Nga. Đặc biệt, Nhật Bản đã khôi phục ý tưởng mời Tập đoàn Gazprom tham gia một dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ khu vực phía Nam Sakhalin đến bờ biển phía Đông Nhật Bản. Đường ống dẫn khí đốt này có thể chạy từ Prigorodnye ở Sakhalin, xuyên qua đảo Hokkaido, và chạy về phía Nam dọc bờ biển phía Đông Nhật Bản đi qua các tỉnh Aomori, Iwate, Miyagi và Fukushima. Nó có thể có chiều dài từ 1.300 - 1.500 km và có thể chứa từ 16 - 20 tỷ mét khối khí đốt. Chi phí ước tính lên tới 550 - 700 triệu USD. 
Đối với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, đề xuất này rất thuận lợi bởi đường ống dẫn khí đốt có thể cung cấp khí không hóa lỏng cho Nhật Bản. Và dự án đường ống dẫn này có thể hợp nhất cùng với các dự án khác như các nhà máy năng lượng khí tự nhiên. Trong khi đó, Nga có thể có vai trò trong việc bán và điều chế khí đốt cũng như được ưu tiên gia nhập các dự án khác. Đầu tư của Nhật Bản có thể được bù đắp lại bằng nguồn thuế cung cấp khí đốt và giới chức Nhật Bản đang sẵn sàng cho việc bắt đầu xây dựng đường ống dẫn khí đốt ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, tập đoàn Gazprom vẫn cho rằng dự án nhà máy khí hóa lỏng tại Vladivostok là ưu tiên chính. 

Do vậy, đến thời điểm hiện tại, bất chấp nhiều cuộc đối thoại về khôi phục quan hệ hữu nghị song phương và đầu tư, chưa có gì cụ thể để nói ngoài bầu không khí được cho là tương đối khả quan. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, và nếu áp lực từ phía Trung Quốc lên một trong hai hoặc cả hai nước (Nga, Nhật) tăng quá mức chịu đựng, chúng ta có thể được chứng kiến sự phát triển tích cực chưa từng có trong lĩnh vực năng lượng hay trong việc thiết lập quan hệ địa chính trị rộng mở hơn giữa Nga và Nhật Bản./. 

Theo mạng “Thời báo châu Á

Mỹ Anh (gt)