Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm lộ rõ sự đối đầu giữa Nga và phương Tây, cũng như những giới hạn và mâu thuẫn của mối quan hệ xích lại gần nhau giữa Nga và Nhật Bản. Sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc, cũng như của Nhật Bản vào Mỹ ngày càng tăng lên. Việc Nga tái đầu tư về quân sự và chính trị ở vùng Viễn Đông và việc nước này đề cập lại vấn đề an ninh trong các cuộc thảo luận về tranh chấp lãnh thổ là những dấu hiệu cho thấy sự cứng rắn trong lập trường của Nga đối với các cường quốc phương Tây, mà trước tiên là Mỹ. Mặt khác, Nga cũng nghi ngờ về lợi ích kinh tế của việc ký kết một thỏa thuận lãnh thổ với Nhật Bản. 

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Nhật vào tháng 12/2016 dường như đã đánh dấu một cách tiếp cận mới: Nga và Nhật Bản cuối cùng đã lựa chọn một sự xích lại gần nhau từng bước, về mọi mặt, và mang tính thực dụng. Việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước từ nay được xếp lại sau việc tăng cường hợp tác kinh tế, và chủ yếu thông qua thực hiện các dự án phát triển chung các đảo Nam Kuril. 

Ngày 15/12/2016, Shinzo Abe đã đón tiếp Vladimir Putin tại Nagato (Nhật Bản). Chuyến thăm này, được kết nối và chuẩn bị ráo riết trong 2 năm, được xem là một cơ hội lịch sử để hai nước ký kết một thỏa thuận liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ (vốn ngăn cản họ ký kết một hiệp ước hòa bình kể từ năm 1945). Song cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Nhật này dường như mang lại ít thành quả: Nó không cho phép đạt được bước tiến nào về vấn đề chủ quyền của các đảo Nam Kuril (như mong muốn của Nga) hay các vùng lãnh thổ phía Bắc quần đảo Kuril (như mong muốn của Nhật Bản), chỉ có dự án phát triển kinh tế chung giữa các hòn đảo được nói đến. Kết quả này được xem như là một thất bại của nền ngoại giao Nhật Bản vốn đã có rất nhiều nỗ lực kể từ năm 2013, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abe, nhằm giải quyết tranh chấp. 

Quả thực, Vladimir Putin và Shinzo Abe đã gặp nhau khoảng 15 lần để khởi đầu một sự xích lại gần nhau có tính chiến lược, một mặt nhằm đạt được những lợi ích chung về hợp tác kinh tế và năng lượng, mặt khác nhằm tạo thế cân bằng giữa các cường quốc ở châu Á. Với hy vọng rằng một hiệp ước hòa bình được ký kết với Moskva sẽ cho phép củng cố chiến lược tạo đối trọng với Bắc Kinh, Tokyo đã áp dụng một đường lối linh hoạt nhằm vượt qua sự bế tắc trong vấn đề lãnh thổ. 

Bất chấp sự năng động tích cực này, vấn đề lãnh thổ vẫn "giậm chân tại chỗ". Hội nghị thượng đỉnh Nga-Nhật hồi tháng 12/2016 dường như đánh dấu sự chuyển hướng trong quỹ đạo xích lại gần nhau giữa hai nước. Do vậy, lãnh đạo hai nước láng giềng này đã áp dụng cách tiếp cận mới nhằm theo đuổi những mục tiêu riêng của mỗi bên, thông qua việc từng bước tăng cường mối quan hệ song phương trên mọi khía cạnh, chứ không tập trung vào việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và ký kết một hiệp ước hòa bình. Tokyo mong muốn tạo thuận lợi cho Moskva sự tự chủ chiến lược trước Trung Quốc, thông qua việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị-quân sự với Nga. Về phần mình, Moskva đã đáp ứng những mong muốn của Nhật Bản và tìm cách khai thác mối quan hệ song phương theo hướng có lợi cho mình, mà không phải đưa ra những nhượng bộ liên quan tới các đảo Nam Kuril. 

TRIỂN VỌNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LÃNH THỔ CÒN XA VỜI

Cuộc khủng hoảng Ukraine làm thay đổi mối quan hệ Nga-Nhật 

Lập trường của Nhật Bản về các biện pháp trừng phạt 

Việc Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014 và sự can thiệp của Nga tại miền Đông Ukraine đã khiến các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty và cá nhân Nga. Trước diễn biến này, Moskva đã tìm cách hạn chế tác động của các biện pháp trừng phạt thông qua việc tăng cường các hoạt động trao đổi kinh tế và chính trị với các đối tác châu Á, đặc biệt là Nhật Bản - thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), một cường quốc tài chính và công nghiệp lớn, một nước láng giềng đang rất muốn xích lại gần có tính chiến lược với Nga. 

Nếu Tokyo đã ở trong thế buộc phải tố cáo Nga, như đã từng làm đối với Trung Quốc, sử dụng vũ lực bất chấp luật pháp quốc tế, thì họ lại chỉ chậm trễ áp dụng các biện pháp trừng phạt mang tính tượng trưng đối với Nga (chủ yếu là phong tỏa tài sản và một vài biện pháp liên quan tới một số lĩnh vực nhất định, chứ không gây ra những hậu quả thực sự đối với các trao đổi thương mại song phương). Trong khi thể hiện sự đoàn kết với các đối tác của mình trong G7, Tokyo vẫn đảm bảo những điều kiện thuận lợi cho việc duy trì một cuộc đối thoại chính trị cấp cao với Nga. Trong bối cảnh này, Nhật Bản không muốn gắn vấn đề Ukraine với các cuộc đàm phán hướng tới việc xích lại gần nhau chiến lược, mà muốn ưu tiên tập trung vào các hành động của Nga ở châu Á. Moskva hiểu rõ động thái của Nhật Bản: Khác với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, Nhật Bản được hưởng lợi từ cách đối xử trung lập của Nga (được thể hiện qua các bài diễn văn chính thức và những phát biểu trước giới truyền thông Nga), Nga không đưa ra bất kỳ lệnh cấm vận nào đối với hàng hóa Nhật Bản. Các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản nhằm vào Nga cũng được xem như là không đáng kể, và chỉ được đưa ra dưới sức ép của Washington. 

Theo quan điểm của Moskva, Tokyo được xem như một chủ thể trung gian truyền bá quan điểm của Nga cho các thành viên của G7, đặc biệt khi Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Ise-Shima (Nhật Bản) hồi tháng 5/2016: Một sự xích lại gần nhau chưa từng có với Nhật Bản đã cho phép Nga phá vỡ mặt trận chung của các cường quốc phương Tây. Shinzo Abe đã tự khẳng định như là một nhà trung gian hòa giải, ông đã tăng cường các chuyến viếng thăm, và bất chấp lập trường của đồng minh Mỹ, ông đã có nhiều bài phát biểu kêu gọi sự ủng hộ quá trình tái hòa nhập của Nga. 

Mỹ và Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng đối với quan hệ Nga-Nhật 

Tuy nhiên, những mong đợi của Nga đối với Nhật Bản đã sớm đối diện với sự thất vọng: Việc Tokyo không ngăn cản được G7 thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga được Moskva nhìn nhận như là bằng chứng cho sự lệ thuộc của Nhật Bản vào Mỹ. 

Việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016 cũng củng cố sự thật rằng một con người khó lường như Trump, cùng những lập trường khó nắm bắt - mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử và từng làm lung lay các liên minh an ninh, đã gây ra sự lo ngại cho Tokyo. Nhật Bản - nước xem tính bền vững của mối liên minh Nhật-Mỹ là sống còn trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và mối đe dọa Triều Tiên - sẽ tiếp tục ưu tiên việc củng cố quan hệ Nhật-Mỹ. Không phải là ngẫu nhiên khi chuyến thăm của Vladimir Putin tới Nhật Bản diễn ra vào tháng 12, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Moskva cho rằng việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống đã nhanh chóng không trở thành yếu tố giúp xoa dịu mối quan hệ giữa Moskva và Washington. Trái lại, các vụ bê bối ngay đầu nhiệm kỳ đã thúc đẩy ông Trump có một đường lối cứng rắn trước Nga. Trong trường hợp Washington cho rằng sự xích lại gần nhau giữa Nga và Nhật Bản gây tổn hại tới các lợi ích của Mỹ, thì Shinzo Abe sẽ khó có thể tiếp tục chính sách bắt tay hiện tại với Nga. 

Vả lại, việc đẩy nhanh chính sách xoay trục sang châu Á kể từ năm 2014 chủ yếu được thể hiện thông qua việc củng cố mối quan hệ Nga-Trung (một mối quan hệ không cân xứng, trước hết trong khía cạnh kinh tế, theo hướng bất lợi cho Nga). Cũng kể từ năm 2014, sự hợp tác chiến lược giữa hai nước đã có bước phát triển thực sự. Moskva, trước đây từng do dự trong việc bán vũ khí quân sự hiện đại nhất cho Trung Quốc, thì nay đã thay đổi lập trường: Năm 2015, Trung Quốc đã trở thành đối tác mua sắm vũ khí lớn nhất của Nga khi mua của Nga hệ thống phòng không và hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 trị giá 3 tỷ USD, đồng thời đặt mua của Nga 24 máy bay tiêm kích đa năng Sukhoi Su-35 trị giá 2 tỷ USD. Các hợp đồng mua sắm này đã gây lo ngại cho các nước láng giềng, bởi chúng cho phép Bắc Kinh củng cố khả năng phòng thủ trên không ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Hai nước đối tác này cũng đã tăng cường các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn hơn trên các thực địa có tính mô phỏng cao, như Địa Trung Hải hay biển Baltic. 

Sự phụ thuộc ngày càng nhiều của Nga vào Trung Quốc, và của Nhật Bản vào Mỹ đã gây thêm khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Có một yếu tố khác càng khiến triển vọng các đảo Nam Kuril được trả về cho Nhật Bản thêm xa vời: tầm quan trọng về chính trị-quân sự mà các đảo Nam Kuril đã nắm giữ đối với Moskva những năm gần đây. 

Các đảo Nam Kuril có tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng 

Nga hiện đại hóa từng bước các thiết bị phòng thủ 

Những năm gần đây, Nga đã tái đầu tư về mặt quân sự vào vùng Viễn Đông, trong đó có quần đảo Kuril vốn có một vị trí địa lý quan trọng: Quần đảo này chặn biển Okhotsk - được các lực lượng chiến lược hải quân Nga xem như là một khu vực bất khả xâm phạm. Đồng thời, một lực lượng quân sự cũng đã được Nga triển khai tại 4 quần đảo của Địa Trung Hải, với số lượng rất hạn chế, gồm 3.500 binh lính thuộc Sư đoàn pháo binh 18. Tuy nhiên, lực lượng này được trang bị thiếu thốn và mãi cho tới năm 2015 Nga mới xây dựng tại đây các cơ sở hạ tầng quân sự hiện đại. Tháng 11/2016, Nga đã triển khai tại các đảo này các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển tiên tiến nhất và các máy bay không người lái thế hệ mới. Hai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal và Bastion đã được xây dựng trên hai đảo lớn nhất là Kunashir và Iturup. Hệ thống tên lửa Bal cho phép phá hủy các mục tiêu dưới biển ở tầm xa 180 km, còn hệ thống Bastion sử dụng các tên lửa hành trình chống tàu P-800 Oniks với tầm bắn xa tối đa 300 km, cho phép bảo vệ một vùng bờ biển có đường kính lên đến 600 km xung quanh bệ phóng tên lửa. Tháng 2/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố Nga cần triển khai một sư đoàn lục quân mới tại các đảo Kuril trước cuối năm 2017. Tuy nhiên, có thể Nga chỉ tăng thuần túy quân số - khoảng 1500 quân - của Sư đoàn 18 hiện tại. 

Động thái trên của Nga đã góp phần hiện đại hóa từng bước các trang thiết bị quốc phòng của nước này, đồng thời thiết lập một cơ sở hạ tầng cho phép bảo vệ và chống xâm nhập vùng bờ biển phía Bắc xung quanh Bắc Cực (từ bán đảo Kola đến quần đảo Kuril). Vả lại, để đảm bảo sự hiện diện lâu dài hạm đội Thái Bình Dương của Nga trong khu vực, Moskva đã tiến hành các nghiên cứu chuẩn bị cho việc xây dựng một căn cứ không quân thuộc hải quân trên đảo Matua – vốn chiếm vị trí trọng tâm trên quần đảo Kuril và là nơi đặt căn cứ không quân của Nhật Bản trước năm 1945. Đảo Matua cho phép kiểm soát việc tiếp cận biển Okhotsk và được sử dụng làm điểm tiếp tế đạn dược, tạo thuận lợi cho các hoạt động diễn tập của các máy bay tầm xa. 

Cuối cùng, các cuộc diễn tập và tập trận xung quanh quần đảo Kuril cũng được Nga tăng cường. Năm 2014, cuộc tập trận Vostok là cuộc tập trận quy mô lớn nhất được tổ chức kể từ thời đại Xôviết, với quân số được huy động ở Viễn Đông lên đến 100.000 binh lính. Tháng 3/2015, quân đội Nga đã diễn tập mô phỏng kịch bản trả đũa trước một hành động tấn công của lực lượng thù địch. Đồng thời, Nga cũng tăng cường các hoạt động tuần tra xung quanh quần đảo Nhật Bản, khiến Nhật Bản phải thực hiện nhiều cuộc cất cánh khẩn cấp (301 chuyến cất cánh khẩn cấp trong năm 2016, tăng 4,5% so với năm 2015). 

Giới quân sự Nhật Bản không coi việc tăng cường sức mạnh quân sự của Nga ở biên giới Nga-Nhật như là một động thái thù địch đối với Tokyo, mà hơn hết là một tín hiệu gửi tới Trung Quốc – đang dành ngày càng nhiều sự quan tâm tới vùng Bắc Cực, cũng như tới Mỹ – vẫn tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Đông Á. 

Quần đảo Kuril và mối liên minh an ninh Mỹ-Nhật 

Tương lai của các đảo Nam Kuril trong khuôn khổ liên minh Nhật-Mỹ gợi lên 2 vấn đề lớn: Trong trường hợp được trả về cho Nhật Bản, liệu các đảo này có bị đặt dưới sự bảo trợ của Mỹ hay không? Liệu Mỹ có được quyền thiết lập các căn cứ hay lắp đặt các trang thiết bị quân sự trên quần đảo này hay không? 

Dù khó có thể đưa một phần lãnh thổ của mình ra khỏi sự bảo trợ của Mỹ, song Nhật Bản có thể phản đối việc Mỹ thiết lập các căn cứ quân sự trên quần đảo Kuril. Trong viễn cảnh này, Moskva có thể yêu cầu Tokyo chấp thuận một thỏa thuận mang tính ép buộc, chứ không phải đơn giản là một tuyên bố chính trị. Vấn đề này đã được Vladimir Putin đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Nhật hồi tháng 12/2016. Tháng 6/2017, tại Diễn đàn kinh tế Saint-Petersburg, Putin đã công khai tuyên bố việc Mỹ thiết lập các căn cứ trên quần đảo Kuril là một "hành động tuyệt đối không thể chấp nhận được đối với Nga". 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Nga đã nhấn mạnh "tính biểu tượng" của yêu cầu nói trên đối với Nhật Bản: Nó nhắm tới 2 mục tiêu – trì hoãn những đàm phán xung quanh vấn đề lãnh thổ và gửi tới Mỹ một thông điệp. Quả thực, giới quân sự Nga cho rằng THAAD mà Mỹ triển khai gần Seoul – và Tokyo cũng dự định trang bị hệ thống này trước khi lắp đặt hệ thống Aegis Ashore – có khả năng thay đổi thế cân bằng chiến lược giữa hai cường quốc năng lượng. Sau khi phân tích bối cảnh châu Âu và châu Á, Nga đã khẳng định rằng việc quân sự hóa quần đảo Kuril là giải pháp cần thiết trước những ý đồ bao vây Nga của Mỹ và các đồng minh Mỹ. Bên cạnh đó, Moskva còn tổ chức tại đại sứ quán Nga một cuộc họp đặc biệt về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, nhằm kêu gọi Tokyo nâng cao nhận thức về "sự đe dọa nghiêm trọng" của THAAD đối với Nga. 

Bối cảnh quốc tế cũng như tình hình địa chính trị của mỗi nước đã làm phức tạp thêm việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Sự trả giá chính trị của việc đưa ra những nhượng bộ cũng là yếu tố khiến vấn đề tranh chấp lãnh thổ bị né tránh. 

Sự trả giá chính trị về một thỏa thuận liên quan đến các đảo còn rất cao 

Năm 2013, Vladimir Putin đã dùng thuật ngữ chuyên môn "hikiwake" (có nghĩa là "hòa") trong môn võ judo để gợi ý về một giải pháp lý tưởng cho việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ: một giải pháp trung gian không gây thiệt hại cho bên nào. Tuy nhiên, giải pháp đó cần có những nhượng bộ lớn: Nhật Bản sẽ không lấy lại được 4 hòn đảo, còn Nga sẽ buộc phải tôn trọng tuyên bố chung năm 1956 về việc "trả lại" cho Nhật Bản 2 hòn đảo nhỏ nhất (các điều kiện pháp lý không được nêu rõ). Thế nhưng, với cả 2 bên, một sự nhượng bộ lãnh thổ có thể được cả công luận cũng như các nước láng giềng nhìn nhận như một dấu hiệu của sự suy yếu. 

Ở Nga, ngoài Vladimir Putin, thực sự không có nhiều người ủng hộ xích lại gần với Nhật Bản. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng Nga đã hết sức phản đối việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nhật Bản, vì những lý do chiến lược, cũng như những lý do mang tính biểu tượng - các đảo Nam Kuril là bằng chứng của việc Nga là nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Vả lại, Nga hiểu rằng một thỏa thuận về quần đảo Kuril không nhất thiết mang lại sự đầu tư ồ ạt của Nhật Bản vào Nga, bởi lĩnh vực tư nhân của Nhật Bản không mấy quan tâm tới thị trường Nga. Giới lãnh đạo Nga cũng đã nhiều lần kêu gọi không nên tính đến giải pháp "bán" lãnh thổ quốc gia. Trái lại, ở Nga, việc xích lại gần quan hệ với Trung Quốc đã được nhiều nhóm lợi ích chính trị, kinh tế và hành chính ủng hộ. 

Còn tại Nhật Bản, dường như có nhiều ý kiến ủng hộ hơn đối với việc xích lại gần Nga, cho dù những ý kiến này chỉ là thiểu số. Trong chính phủ, lại có những quan điểm trái ngược. Cho tới tháng 12/2016, các quan chức của Bộ Kinh tế và Thương mại Nhật Bản (METI) đã quản lý hồ sơ Nga theo hướng có lợi cho Shinzo Abe. METI nhắm tới mục tiêu phát triển hợp tác kinh tế và năng lượng mà không nhất thiết phải gắn sự hợp tác đó với vấn đề lãnh thổ. Ngược lại, Bộ Ngoại giao Nhật Bản không mặn mà với việc đẩy mạnh mối quan hệ mà có khả năng làm tổn hại tới các lợi ích về lãnh thổ của Nhật Bản, và khiến cho mối quan hệ của nước này với đồng minh Mỹ trở nên bất ổn. Kể từ Hội nghị thượng đỉnh Nga-Nhật hồi tháng 12/2016 – không mang lại kết quả mong muốn cho Nhật Bản, Bộ Kinh tế và Thương mại Nhật Bản đã ít hiện diện hơn, và Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đóng vai trò trọng tâm trong các cuộc đàm phán về các vấn đề pháp lý có liên quan tới dự án phát triển chung. Vả lại, mặc dù công khai ủng hộ những nỗ lực của chính phủ nhằm khôi phục quan hệ hợp tác kinh tế với Nga, nhưng giới kinh doanh Nhật Bản vẫn không hào hứng triển khai các hoạt động đầu tư tại Nga do những rắc rối về thủ tục hành chính và thiếu cơ sở hạ tầng ở vùng Viễn Đông Nga. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng có thái độ ngờ vực đối Moskva và cho rằng một thỏa thuận hợp tác sẽ không chấm dứt được những hành động quân sự của Nga xung quanh Nhật Bản. 

Công luận hai nước nhìn chung ít ủng hộ việc ký kết một thỏa thuận Nga-Nhật về lãnh thổ. Quần đảo Kuril gắn liền với bản sắc dân tộc của Nhật Bản, cũng như của Nga, và các nhóm bảo thủ của hai nước vẫn giữ những lập trường cứng rắn và khó có thể hòa giải. Tuy nhiên, trong trung hạn, những do dự của công luận dường như không phải là một trở ngại không thể khắc phục: Ở Nhật Bản, những cuộc điều tra đã cho thấy người dân nước này không quan tâm tới việc 4 hòn đảo của quần đảo Kuril có được trả lại cho đất nước họ hay không. Mặt khác, các chuyên gia Nga nhận định rằng một thỏa thuận với Nhật Bản sẽ kéo theo việc phải nhượng lại 2 hòn đảo nhỏ, và điều này sẽ không gây ra sự phản đối mạnh mẽ của công luận Nga. 

Tiến trình ra quyết định liên quan tới việc xích lại gần nhau giữa Nga và Nhật Bản không rõ ràng. Tiến trình này chỉ được thực hiện bởi những người đứng đầu nhà nước và thông tin ít được truyền tải ra bên ngoài. Do vậy, không loại trừ khả năng "đầy bất ngờ" về việc ký kết một hiệp ước hòa bình, bởi người đứng đầu hai nước đều thể hiện rõ lập trường của họ. Đặc biệt, Shinzo Abe có cách tiếp cận đầy cảm xúc và "lãng mạn" đối với vấn đề này. Một thỏa thuận lịch sử với Nga sẽ cho phép ông ghi được dấu ấn, cũng như tiếp nối sứ mệnh của cha mình, Shintaro (đã qua đời năm 1991 khi ông chưa hoàn thành được tiến trình xích lại gần Moskva). Nếu như chỉ có hai vị lãnh đạo quốc gia – có uy tín và được lòng dân – có thể khiến cho thỏa thuận này đạt được, thì cơ hội chắc chắn sẽ khép lại khi Shinzo Abe mãn nhiệm vào năm 2021. Điều này đồng nghĩa rằng sự xích lại gần nhau giữa hai nước sẽ không được đảm bảo chắc chắn khi Shinzo Abe rời khỏi quyền lực. Đó là lý do tại sao Putin mong muốn Nhật Bản đưa ra một số cam kết về tương lai của mối quan hệ song phương khi ông Abe kết thúc nhiệm kỳ, đặc biệt là về sự tiếp nối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước vốn còn phụ thuộc vào vấn đề lãnh thổ. 

Những yếu tố này giải thích tại sao Hội nghị thượng đỉnh Nga-Nhật hồi tháng 12/2016 tại Nhật Bản đã không mang lại bước tiến quyết định trong việc giải quyết vấn đề lãnh thổ như mong đợi và được công bố trên các phương tiện truyền thông, mà nó dẫn đến một thất vọng, thậm chí một "thất bại" cho Tokyo – một đối tác trong quan hệ kinh tế với Nga song không nhận được sự nhượng bộ thực sự từ phía Nga. Dù không đạt được bước tiến mang tính quyết định, Tokyo và Moskva đã nhất trí hướng tới một giải pháp phát triển kinh tế chung, theo những thể thức đã định. 

NHỮNG PHƯƠNG TIỆN VÀ CÁC MỤC TIÊU CỦA CHIẾN LƯỢC “THỰC HIỆN TỪNG BƯỚC NHỎ”

Dự án phát triển kinh tế chung ở các đảo Nam Kuril, mà Tokyo đề xuất vào tháng 11/2016, đóng vai trò cốt lõi trong "cách tiếp cận mới" nhằm cụ thể hóa quan hệ song phương, cụ thể: thúc đẩy đối thoại, duy trì ổn định các chuyến viếng thăm; đạt được những tiến bộ trong quan hệ đối tác thông qua những "thắng lợi nhỏ"; từng bước đạt được những thành công ngoại giao theo các kịch bản đã định. Dự án cũng giúp Tokyo giành được sự ủng hộ của các cư dân Nga ở các đảo Nam Kuril. Tuy nhiên, việc xây dựng một dự án như vậy, vốn cần có một quy chế đặc biệt, sẽ phức tạp. Theo quan điểm của Moskva, vấn đề chủ quyền của quần đảo Kuril không thể đàm phán trong một sớm một chiều, và dự án phát triển chung phải được thực hiện theo pháp luật Nga. Dự án này, được Chính phủ Nga đơn phương công bố vào tháng 7/2017, sẽ mang lại cho quần đảo Kuril quy chế đặc khu kinh tế nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài (ngoại trừ Nhật Bản), nhưng cũng khiến cho bối cảnh trở nên phức tạp hơn đối với Chính phủ Nhật Bản. Tokyo cho rằng cần xây dựng một cơ chế đặc biệt nhằm bảo vệ các lợi ích của Nhật Bản. Theo thống kê ghi nhận được vào tháng 3/2017, đã có khoảng 20 dự án song phương trong ngành đánh bắt cá, chế biến thủy hải sản, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, và du lịch. 

Ngoài kế hoạch phát triển chung, Nga và Nhật Bản cũng tìm cách tăng cường quan hệ song phương trong lĩnh vực kinh tế và chính trị-quân sự. Tuy nhiên, hai bên đã điều chỉnh giảm các mục tiêu chiến lược, và những triển vọng phát triển quan hệ song phương vẫn còn khá khiêm tốn. 

Thay đổi chiến lược: Tách vấn đề lãnh thổ ra khỏi vấn đề kinh tế 

Kể từ cuối năm 2016, Moskva và Tokyo đã điều chỉnh giảm các mục tiêu của việc xích lại gần nhau song phương. Nhật Bản cho rằng không cần phá vỡ quan hệ hợp tác Trung-Nga, nhưng cần "ngăn chặn mặt trận thống nhất Trung-Nga chống Nhật Bản trong các vấn đề lãnh thổ và lịch sử". Về phần mình, bất chấp những sức ép liên tiếp từ Bắc Kinh, Moskva vẫn giữ lập trường trung lập về các vấn đề chiến lược nhạy cảm ở châu Á, như tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và Biển Đông, tuy nhiên theo những quan sát gần đây lập trường này đã góp phần củng cố vị thế của Trung Quốc. Moskva cũng tìm cách đa dạng hóa các quan hệ đối tác trong khu vực nhằm hạn chế những rủi ro của việc quá phụ thuộc vào Bắc Kinh (chính sách hướng về Ấn Độ và các nước ASEAN…). Tuy nhiên, sự bất đối xứng trong quan hệ Nga-Trung ngày càng tăng có thể khiến Moskva buộc phải tỏ rõ lập trường theo hướng ủng hộ các lợi ích cơ bản của Trung Quốc. Sự hiện diện của Vladimir Putin với vai trò là khách mời danh dự tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật ngày 3/9/2015 tại Bắc Kinh (mà Tokyo coi như là một động thái "chống Nhật") có thể được hiểu là một cảnh báo từ phía Nga. Do vậy, chính sách của Nhật Bản đối với Nga phải tạo ra một "không gian chiến lược" cho phép Nga giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong dài hạn và "gây rắc rối cho các tính toán chiến lược" của Bắc Kinh. Muốn vậy, Tokyo phải tăng cường hợp tác kinh tế với Nga (nhằm tìm ra "lựa chọn thay thế" Trung Quốc) và "đặt sang một bên" vấn đề lãnh thổ, nếu không muốn một phản ứng bất lợi từ phía Nga. Chuyến thăm Sochi của Shinzo Abe hồi đầu tháng 5/2016 là cơ hội để Nhật Bản đề xuất "cách tiếp cận mới" dựa trên việc phát triển quan hệ kinh tế không gắn với vấn đề lãnh thổ. Do vậy, kế hoạch đầu tư 8 điểm của Nhật Bản, nhằm đáp lại những nỗ lực của Nga trong chính sách xoay trục sang châu Á, đã ra đời. Từ nay, ưu tiên được Nhật Bản dành cho lĩnh vực ngoại giao kinh tế. 

Tháng 9/2016, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Hiroshige Seko chính thức được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Hợp tác kinh tế với Nga. Trái với những gì được truyền thông đưa tin về quan hệ song phương Nhật-Nga – được cho là quá tập trung vào vấn đề lãnh thổ, giờ đây, việc các đảo ở Kuril có được trả lại cho Nhật Bản hay không không còn là vấn đề trọng tâm. Chiến lược của Nhật Bản từ nay nhằm mục đích phát triển quan hệ song phương về mọi mặt có thể. 

Ở Nga, những người ủng hộ việc xích lại gần Nhật Bản nhằm đạt hai mục tiêu: Một mặt, thúc đẩy Nga thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á trên cơ sở đa dạng hóa các đối tác và phát triển vùng Viễn Đông Nga; mặt khác, chứng minh rằng Nga không bị cô lập trên trường quốc tế. Muốn vậy, Moskva cần duy trì quan hệ hợp tác kinh tế lâu dài với Nhật Bản bằng cách tách các vấn đề kinh tế ra khỏi các vấn đề lãnh thổ. Những mục tiêu này có thể đạt được thông qua việc hai nước từng bước xích lại gần nhau, chứ không phải bằng việc ký kết một hiệp ước hòa bình, bởi từ nay cho tới thời diểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3/2018, Vladimir Putin không dễ dàng đưa ra những nhượng bộ về lãnh thổ. Việc khôi phục nền kinh tế Nga và đưa nước Nga thoát khỏi sự cô lập ngoại giao là những việc cần được ưu tiên.

Những triển vọng còn hạn chế của hợp tác kinh tế 

Các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa Nga và Nhật Bản vẫn còn rất khiêm tốn, cho dù hai nền kinh tế có thể bổ trợ cho nhau. Dầu mỏ chiếm 3/4 lượng hàng hóa mà Nhật Bản nhập khẩu từ Nga trong năm 2014, và năm 2016, Nga cung cấp 6% dầu mỏ và 9% khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang Nhật Bản. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng đã bị tác động do giá năng lượng sụt giảm - đã không khuyến khích các hoạt động đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc khai thác và vận chuyển khí đốt từ Siberia. Bên cạnh đó, những năm gần đây, Nhật Bản đã đa dạng hóa các nguồn cung khí đốt: mua khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) của Mỹ (năm 2016, 14% lượng LNG được Nhật Bản nhập khẩu từ Mỹ) và của Úc. Dự án xây dựng nhà máy khí hóa lỏng ở Vladivostok, một dự án trọng điểm từ năm 2009 về hợp tác năng lượng dường như đã ngưng trệ. Giá trị của dự án này giảm sút kể từ khi hợp đồng khí đốt Trung-Nga được ký kết vào năm 2014, và việc bỏ rơi dự án này cũng là một bằng chứng quan trọng của sự đình trệ trong hợp tác năng lượng giữa Nga và Nhật Bản. Một ý chí chính trị mạnh mẽ, và một viễn cảnh giá năng lượng tăng, là những điều kiện cho phép khôi phục dự án nói trên. Những sáng kiến khác mà hai nước đang xem xét, trong đó có việc xây dựng đường ống dẫn Sakhalin-Nhật Bản, dường như khó có khả năng được triển khai. 

Để tăng cường quan hệ song phương, Nga và Nhật Bản cần mở rộng hợp tác kinh tế sang các lĩnh vực khác, ít biến động hơn. Trong khuôn khổ các cuộc đàm phán trong thời gian gần đây, Nhật Bản đã đưa ra nhiều sáng kiến và có nhiều động thái thể hiện thiện chí chính trị. Tuy nhiên, đề xuất kinh tế của Nhật Bản với Nga trong năm 2016 – dựa trên chương trình 8 điểm (trong đó có nội dung liên quan tới lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp) chỉ mang tính hình thức, chủ yếu tạo điều kiện để thực hiện những dự án song phương hiện có, hoặc tái khởi động các dự án này. Những nguy cơ đã được Nhật Bản tính đến. Hơn nữa, gói kinh tế nói trên không nhận được viện trợ. Điều này đòi hỏi các dự án phải có hiệu quả kinh tế và khu vực tư nhân của Nhật Bản phải cam kết đầu tư vào Nga. Gói kinh tế này – theo dự kiến ban đầu sẽ nhận được các hoạt động đầu tư từ phía Nhật Bản với trị giá gần 9 tỷ USD – đã bắt đầu được thực hiện kể từ tháng 12/2016, thông qua việc ký kết 80 thỏa thuận, trong khu vực tư nhân cũng như nhà nước, nhưng chỉ với trị giá 2,6 tỷ USD. 

Để khuyến khích đầu tư vào Nga, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại Nga (như các công ty Nga bị trừng phạt không được sử dụng đồng USD trong các giao dịch, gặp phải các rào cản hợp tác) nhằm cản trở mạnh mẽ các hoạt động kinh tế và tài chính của Nhật Bản vào Nga, các nhà chức trách Nhật Bản đã tìm cách né tránh các biện pháp trừng phạt, và mở ra các cơ hội hợp tác trong tương lai. Tháng 10/2016, Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã công bố dành cho ngân hàng Sberbank của Nga một khoản cho vay trị giá 38,5 triệu USD – cho dù Sberbank là ngân hàng bị áp đặt trừng phạt vì những lý do chính trị. Tháng 9/2017, JBIC cũng đã hợp tác với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga thành lập một quỹ đầu tư chung nhằm gia tăng sự tự chủ cho các hoạt động đầu tư của Nhật Bản trước các biện pháp trừng phạt. Ngoài ra, vào tháng 11/2016, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một đạo luật cho phép Cơ quan tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) đầu tư hoặc góp vốn cùng các công ty trong nước để mua cổ phần của các doanh nghiệp dầu khí quốc gia của các nước thứ ba. Mục đích của đạo luật nói trên là nhằm tạo điều kiện để JOGMEC mua được 10% cổ phiếu dầu khí của Rosneft, song kế hoạch này đã không thực hiện được. Thay vào đó, một dự án hợp tác (khiêm tốn hơn) về thăm dò dầu khí ngoài khơi đảo Sakhalin giữa các doanh nghiệp dầu khí Nhật Bản (gồm JOGMEC, Inpex, Marubeni) và tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga đã được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Nhật hồi tháng 12/2016. Cuối cùng, hai nước dự kiến sẽ thành lập một tập đoàn liên doanh nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư vào đặc khu kinh tế vùng Viễn Đông. 

Kể từ năm 2015, Moskva đã thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông. Tháng 12/2014, các đặc khu kinh tế Nga (dành những ưu đãi thuế đặc biệt cho các doanh nghiệp trong nước) đã hình thành, và đến mùa Hè 2015, quy chế cảng tự do đã được thiết lập (cảng Vladivostok đã được cấp quy chế này). Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 3 công ty Nhật Bản trong lĩnh vực nông sản hiện diện tại các đặc khu này. Quả thật, giới doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá môi trường đầu tư của Nga còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do vậy trước khi thực hiện đầu tư, Nhật Bản cần tiến hành một cuộc khảo sát toàn diện về thị trường Nga và cũng như những rủi ro đi kèm (như sự phức tạp của chế độ thuế và các thủ tục hành chính, sự thiếu minh bạch của bộ máy lập pháp). Sự bấp bênh của bối cảnh chính trị-kinh tế kể từ khi Nga sáp nhập Crimea, cùng với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, đã làm tăng thêm cảm giác không chắc chắn. Do vậy, nếu không có những cải cách cơ cấu trong nền kinh tế Nga, những chính sách ưu đãi có thể chỉ có tác động hạn chế đối với việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư của Nhật Bản vào nước này. 

Một mối quan hệ chiến lược thiếu lòng tin 

Sự hợp tác chính trị-quân sự Nga-Nhật nhằm nhiều mục tiêu: trước mắt là tạo dựng lòng tin, sau đó là cho phép Nga đa dạng hóa các quan hệ đối tác ở châu Á, ngăn cản sự hình thành mặt trận Trung-Nga chống lại Tokyo. Tuy nhiên, sự hợp tác này vẫn ở mức khiêm tốn do những bất đồng về lợi ích và lập trường giữa hai nước trong các vấn đề lớn. 

Năm 2013, Nhật Bản đã chủ động đề xuất với Nga tiến hành cuộc đối thoại 2+2, với sự tham gia của Bộ Quốc phòng và Ngoại giao hai nước. Tháng 3/2017, một cuộc đối thoại thứ hai cũng đã được tổ chức. Tokyo cho rằng vấn đề mấu chốt nằm ở Bộ Quốc phòng Nga vốn rất phản đối việc nhượng lãnh thổ cho Nhật Bản, và cho rằng Nga cần xây dựng một chiến lược dài hạn (không đặt trọng tâm vào Trung Quốc) ở châu Á. 

Hội nghị thượng đỉnh 2+2 được cả Nga lẫn Nhật Bản xem như là một diễn đàn đối thoại cho phép giảm bớt khoảng cách (vẫn còn rất lớn) về nhận thức giữa hai nước. Do vậy, trước hết cần có một biện pháp xây dựng lòng tin, trước khi tiến tới sự hợp tác chiến lược thực sự. Hiện tại, giữa hai nước vẫn tồn tại nhiều bất đồng hơn là những thống nhất. 

Cuộc đối thoại đầu tiên liên quan đến mối quan hệ với Mỹ và liên minh Nhật-Mỹ. Nga chỉ trích Nhật Bản thiếu sự độc lập trước Washington. Tháng 6/2017, Vladimir Putin tuyên bố rằng liên minh Nhật-Mỹ là một trở ngại không chỉ đối với việc giải quyết vấn đề lãnh thổ, mà còn đối với dự án phát triển chung trên quần đảo Kuril, điều này cho thấy sự hoài nghi của ông. Những người ủng hộ đường lối cứng rắn ở Nga cho rằng việc ký kết một thỏa thuận hòa bình với Nhật Bản là điều khó thực hiện được nếu liên minh Nhật-Mỹ vẫn tiếp tục tồn tại. Quả thực, Tokyo vẫn phụ thuộc vào đồng minh Mỹ về quốc phòng, và sẽ tiếp tục ưu tiên mối liên minh với Mỹ hơn bất kỳ mối liên minh nào khác. 

Cuộc đối thoại 2+2 gần đây cũng chỉ ra rằng Nga và Nhật Bản không có cùng chung cách tiếp cận và cách phân tích trong vấn đề Triều Tiên. Cách tiếp cận của Triều Tiên là phối hợp chặt chẽ với Bắc Kinh. Moskva ủng hộ đối thoại và coi việc gây sức ép lên Bình Nhưỡng là phản tác dụng. Do vậy, khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên, vào năm 2017, bằng cách ngừng nhập khẩu than của nước này, thì các trao đổi thương mại giữa Bình Nhưỡng và Moskva phát triển mạnh mẽ. Tháng 5/2017, Moskva đã quyết định mở tuyến đường sắt giữa Vladivostok và Rajin (Triều Tiên) nhằm tạo điều kiện cho Nga tăng cường trao đổi thương mại (vẫn còn khiêm tốn) với Triều Tiên lên gấp 10 lần trong năm 2020. Cách tiếp cận này, đối lập với đường lối cứng rắn của Nhật Bản, đã làm giảm các cơ hội hợp tác song phương Nhật-Nga trong lĩnh vực này. 

Bên cạnh đó, một số vấn đề vẫn còn là những chủ đề cấm kỵ: Moskva có lẽ đã bác bỏ những yêu cầu được lặp lại của Nhật Bản thảo luận về sự trỗi dậy của Trung Quốc và những thách thức của sự trỗi dậy này về mặt kinh tế và an ninh. Nếu như lòng tin được tạo dựng, Nga có thể sẽ chấp nhận những yêu cầu của Nhật Bản – một bước đi quan trọng cho phép Tokyo phát triển mối quan hệ với Moskva để đối phó với Bắc Kinh. Quả thực, Nhật Bản đã tìm cách cản trở sự phối hợp Trung-Nga trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, điều này được nhận thấy rõ qua việc Nga áp dụng chiến lược "xoay trục" khi Trung Quốc tấn công quần đảo Senkaku. Song giờ đây, Tokyo cho rằng không còn tồn tại sự "bắt tay" giữa hai nước: Tháng 6/2016, 3 tàu chiến Nga đã thâm nhập các vùng biển tiếp giáp với quần đảo Senkaku, và một vài giờ sau đó, một tàu hải quân Trung Quốc cũng xuất hiện tại đây, và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản không nhận thấy có sự phối hợp hành động giữa hai bên, mà hơn hết đó là một "cơ hội" mà Bắc Kinh không bỏ lỡ. 

Bất chấp những khác biệt về lập trường, Nga vẫn coi trọng cuộc đối thoại 2+2 với Nhật Bản, bởi nó cho phép Nga tăng cường những lợi ích, đồng thời cho thấy Nga không bị cô lập về mặt ngoại giao. Phát triển mối quan hệ chiến lược với Tokyo cũng cho phép Moskva đa dạng hóa quan hệ đối tác và củng cố sự hiện diện của mình ở châu Á. Đặc biệt, cho dù tăng cường quan hệ đối tác với Bắc Kinh, giới lãnh đạo Nga vẫn cho rằng sự hợp tác với Trung Quốc đã đạt đến giới hạn của nó, cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn an ninh và chính trị trên trường quốc tế. Đồng thời, Nga cũng tỏ thái độ ngờ vực về những mục tiêu trỗi dậy của Trung Quốc và những hậu quả của sự trỗi dậy đó đối với những lợi ích của Nga. 

Mặc dù Nga và Nhật Bản vẫn quan tâm đến đối thoại song phương, song sự hợp tác giữa hai nước về chính trị và quân sự vẫn còn khiêm tốn. Năm 2013, hai nước đã thỏa thuận trao đổi lực lượng quân sự trên bộ, thường xuyên cử quan sát viên tới các cuộc diễn tập, và tiến hành các cuộc tập trận chung giữa các đơn vị chống cướp biển ở vịnh Aden. Hai nước cũng thực hiện các cuộc diễn tập "tìm kiếm và cứu nạn" trong các khu vực chiến lược. Như vậy, hợp tác an ninh chủ yếu được thực hiện trong lĩnh vực tìm kiếm-cứu nạn, cứu trợ nhân đạo và cứu trợ sau thảm họa thiên tai. 

KẾT LUẬN

Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, mối quan hệ Nga-Nhật đã không chuyển biến theo hướng tích cực cho Nhật Bản. Nhật Bản nhận thấy bị "o ép" giữa các nước đối tác trong G7 và đồng minh Mỹ, đồng thời vẫn phải nể trọng "người bạn" Nga. Trong ván bài khó xử này, Moskva luôn coi Tokyo như một "chư hầu" của Washington. Hơn nữa, việc Nga đề cập lại vấn đề an ninh trong các cuộc thảo luận về lãnh thổ cũng cho thấy lập trường cứng rắn của nước này trong lĩnh vực quốc phòng trước các cường quốc phương Tây và đặc biệt là Mỹ. Nga cũng quả quyết nhận định rằng lợi ích kinh tế của việc ký kết một thỏa thuận lãnh thổ sẽ là không đáng kể. Đồng thời, sự phụ thuộc kinh tế mang tính chiến lược của Nga vào Trung Quốc đã tăng lên. Tháng 12/2016, tại Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Nhật Bản, Vladimir Putin đã không đưa ra bất cứ nhượng bộ nào liên quan tới việc trao trả các đảo ở Kuril cho Nhật Bản. 

Tuy nhiên, Nga thực sự quan tâm tới việc tiếp tục xích lại gần Tokyo, đồng thời né tránh vấn đề lãnh thổ. Nhật Bản vẫn là một cường quốc về công nghệ và tài chính quan trọng đối với sự phát triển của Viễn Đông. Cuối cùng, việc kéo dài sự nguyên trạng liên quan đến chủ quyền của các đảo Nam Kuril có lợi cho Nga, và việc xây dựng một kế hoạch phát triển kinh tế chung không phải là một sự đe dọa đối với các lợi ích của nước này. Do vậy, một chuyên gia Nga đã phát biểu rằng Nga "sẵn sàng bắt tay với Nhật Bản chừng nào Tokyo còn tiếp tục cuộc chơi". 

Sau khi thoát khỏi sự ảo tưởng kể từ Hội nghị thượng đỉnh Nga-Nhật vào tháng 12/2016, Tokyo dường như quyết tâm từ bỏ cái nhìn "lãng mạn" về mối quan hệ song phương và có một cách tiếp cận thực tế hơn. Bằng cách phô trương những bước tiến, giảm bớt những kỳ vọng, dùng mối quan hệ song phương như một đòn bẩy hoặc một sức ép đối với các nước thứ ba (như Trung Quốc hay Mỹ), mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản dường như phát triển theo mô hình quan hệ đối tác "vị lợi" Trung-Nga. Do vậy, hai nước láng giềng này cần từng bước thúc đẩy sự tiến bộ trong quan hệ hai nước một cách thực dụng: trong triển vọng này, "đường đi" quan trọng hơn "đích đến". Những mục tiêu của Nhật Bản và Nga đã được điều chỉnh giảm, có thể đạt được thông qua cách tiếp cận này. 

Tuy nhiên, một sự xích lại gần nhau Nhật-Nga nói trên thực sự ít khả năng được định hình, vì lẽ chính sách ngoại giao Nga vốn "lấy phương Tây làm trung tâm", hay chính sách ngoại giao Nhật Bản khó có thể xa rời đường hướng của Mỹ, và thế tương quan lực lượng địa chính trị ở châu Á vốn được hình thành xung quanh sự đối đầu Trung-Mỹ.

Céline Pajon là nhà nghiên cứu và là chuyên gia về Nhật Bản củaTrung tâm Nghiên cứu Châu Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp(IFRI). Bài viết được đăng trên IFRI.

Hương Lan (gt)