05/01/2017
Giới quyền uy chính sách đối ngoại của Mỹ – bao gồm nhiều nhóm lớn nhân viên tại Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và CIA – vốn vẫn rất ngờ vực Moskva và vẫn coi Nga là mối đe dọa số 1. Liệu ông Trump có thực hiện được những ưu tiên quốc phòng như đã đề ra?
Một bản ghi nhớ của Lầu Năm Góc vạch ra “các ưu tiên quốc phòng” hàng đầu của Chính quyền Trump sắp nhậm chức đã coi việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), xây dựng nền quốc phòng vững mạnh (loại bỏ các giới hạn trong Đạo luật Kiểm soát ngân sách; cải thiện sức mạnh/quy mô/tính sẵn sàng của lực lượng), phát triển một chiến lược an ninh mạng mới và đạt được hiệu quả lớn hơn là những mối quan tâm chính của tổng thống đắc cử. Nhưng bản ghi nhớ mà Foreign Policy có được không hề đề cập đến Nga, quốc gia bị các quan chức quân đội cấp cao coi là mối đe dọa số 1 đối với Mỹ.
Evelyn Farkas, một cựu quan chức Lầu Năm Góc và từng làm việc về chính sách đối với Nga trước khi rời cơ quan này năm 2015, nhận định: “Mọi người tại Lầu Năm Góc sẽ lo ngại khi không thấy Nga trong danh sách”.
Trong nhiều năm, các quan chức hàng đầu tại Bộ Quốc phòng và cộng đồng tình báo đã coi Nga là mối đe dọa trước tiên vì kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, các năng lực mạng tinh vi, quân đội mới được hiện đại hóa gần đây, và sự sẵn sàng của nước này thách thức Mỹ và các đồng minh tại Trung Đông, Đông Âu và các khu vực khác.
Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, người vẫn giữ vai trò này sau khi Trump lên nắm quyền vào ngày 20/1/2017, đã nói với Quốc hội vào năm 2015 rằng không có mối đe dọa nào khác nghiêm trọng hơn.
Phát biểu trước Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Thượng viện, Dunford cho biết: “Nếu bạn muốn nói về một quốc gia có thể đem lại một mối đe dọa sống còn đối với nước Mỹ, tôi sẽ phải chỉ tới Nga. Nếu bạn nhìn vào cách hành xử của họ, nó chẳng khác gì ngoài đáng báo động”. Ông liệt kê Trung Quốc, Triều Tiên và IS là các mối đe dọa lớn nhất tiếp theo, theo thứ tự trên.
Bản ghi nhớ, đề ngày 1/12/2016, được Quyền Thứ trưởng chính sách quốc phòng Brian McKeon viết cho các nhân viên trong văn phòng của ông. Trong đó, McKeon nói rằng danh sách ưu tiên gồm 4 điểm này được Mira Ricardel, một cựu quan chức trong Chính quyền Bush và đồng lãnh đạo nhóm chuyển giao của Trump về Lầu Năm Góc, chuyển cho ông.
Bên cạnh việc nhấn mạnh vào vấn đề ngân sách, “sức mạnh lực lượng” và chống khủng bố tại Iraq và Syria, bản ghi nhớ còn lưu ý về các buổi hướng dẫn khác giữa Bộ Quốc phòng và nhóm chuyển giao của Trump về Trung Quốc và Triều Tiên. Nhưng Nga không được đề cập tới.
Một quan chức trong đội ngũ chuyển giao của Trump từ chối cho biết Nga nằm ở đâu trong các ưu tiên quốc phòng của tổng thống đắc cử, nhưng nói rằng bản ghi nhớ là “chưa toàn diện”.
Jessica Ditto, một người phát ngôn của nhóm chuyển giao, cho biết: “Việc giới truyền thông suy luận rằng danh sách các vấn đề này đại diện cho tất cả các ưu tiên của tổng thống đắc cử là hoàn toàn sai lầm và không đúng hướng”.
Một người phát ngôn của Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận về các ưu tiên của Chính quyền Trump sắp tới, nhưng nói rằng nhóm chuyển giao đã được cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan tới Nga.
Gordon Trowbridge, Phó Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, cho mạng Foreign Policy biết: “Chúng tôi sẽ để họ tự miêu tả các ưu tiên của mình. Chúng tôi đã cung cấp cho họ nhiều buổi hướng dẫn đề cập tới chính sách về Nga. Đó là phạm vi hiểu biết của chúng tôi về các ưu tiên của họ”.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình, Trump đã công khai lập luận rằng một mối quan hệ được cải thiện với Nga nằm trong lợi ích của Mỹ, đặc biệt liên quan tới các nỗ lực chống khủng bố tại Iraq và Syria.
“Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu chúng ta xích lại với Nga và đập tan IS?”, Trump đã nói như vậy vào tháng 7/2016, một câu nói ông thường xuyên lặp lại trong chiến dịch tranh cử.
Vào giữa tháng 12, Trump đề cử Giám đốc điều hành tập đoàn ExxonMobil Rex Tillerson vào vị trí ngoại trưởng, lập luận rằng hoạt động kinh doanh trên quy mô lớn của doanh nhân dầu mỏ này tại Nga sẽ là một tài sản lớn trong các cuộc đàm phán quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Tillerson, Exxon đã vận động hành lang chống lại các biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt lên Moskva do hành động tấn công có vũ trang đầy bất ngờ của Nga vào Ukraine và việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Người khổng lồ dầu mỏ này sẽ hưởng lợi từ các thỏa thuận tại Nga có trị giá hàng tỷ USD nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Thông điệp của Trump trong suốt chiến dịch tranh cử đã cải thiện đáng kể thái độ của đảng Cộng hòa đối với Nga, theo các cuộc thăm dò gần đây. Nhưng giới quyền uy chính sách đối ngoại của Mỹ – bao gồm nhiều nhóm lớn nhân viên tại Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và CIA – vẫn rất ngờ vực Moskva.
Steven Pifer, một học giả tại Viện nghiên cứu Brooking và từng là một nhà ngoại giao tại Bộ Ngoại giao Mỹ trong 25 năm, nói rằng bản ghi nhớ “vừa gây ngạc nhiên và quan ngại… khi xét tới những gì Nga đang làm để chống lại Ukraine, nỗ lực hiện đại hóa quân đội của nước này, giọng điệu hiếu chiến chúng ta đã nghe từ Moskva trong 3 năm qua, và nỗ lực của NATO củng cố răn đe thông thường và các năng lực phòng thủ trong khu vực Baltic”.
Tháng 2/2016, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia James Clapper đã nhấn mạnh rằng nhóm khủng bố IS không nguy hiểm đối với các lợi ích của Mỹ như Moskva. Theo ông, IS “không thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với Mỹ. Nhưng Nga thì có thể”.
Quan điểm này được phản ánh trong cách thức chính phủ liên bang đã chuyển hàng tỷ USD vào chi tiêu quốc phòng. Lãnh đạo phụ trách vấn đề mua vũ khí của Lầu Năm Góc nói vào đầu tháng 12 rằng ngân sách quốc phòng của Mỹ hiện tập trung chủ yếu vào việc chống lại Moskva.
Nhà Trắng đã dành riêng một khoản bổ sung trị giá 3,4 tỷ USD trong dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2014 để triển khai thêm 2 lữ đoàn Lục quân Mỹ tới Đông Âu – cùng với hàng trăm xe tăng và phương tiện bọc thép hạng nặng được triển khai trước để sử dụng trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Nga.
Trung tướng Ben Hodges, lãnh đạo Lục quân Mỹ tại châu Âu, cho Foreign Policy biết rằng Lầu Năm Góc và các đồng minh NATO đã cải tiến một số cuộc diễn tập huấn luyện dành riêng để tái tạo hoạt động chiến đấu chống lại các lực lượng vũ trang của Nga. Hàng trăm lính Mỹ, Anh, Canada đã được triển khai tới phía Tây Ukraine, nơi họ đang huấn luyện các lực lượng Ukraine, vốn chứng kiến chiến sự hàng ngày với lực lượng ly khai được Nga huấn luyện và vũ trang ở phía Đông đất nước này. Theo Hodges, nhiều đơn vị ly khai trong số đó do các sĩ quan Nga lãnh đạo.
Dưới thời Chính quyền Trump, các sáng kiến này có thể bị giảm xuống về quy mô và số lượng, nhưng việc này sẽ không diễn ra một cách dễ dàng. Các nhân vật diều hâu thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội, bao gồm Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio và Thượng nghị sĩ bang Arizona John McCain, đã cam kết phản đối một đường lối mềm mỏng hơn đối với Nga. Trước đó, Rubio đã công khai bày tỏ sự nghi ngờ về việc ông sẽ ủng hộ Tillerson trong cái nhiều khả năng sẽ là một cuộc chiến phê chuẩn dễ bị kích động.
Những người khác nói rằng còn quá sớm để xét đoán lập trường của Lầu Năm Góc dưới thời Trump đối với Nga, khi Tướng James Mattis, lựa chọn của Trump cho chức bộ trưởng quốc phòng, vẫn chưa được phê chuẩn.
Heather Conley, một học giả thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho biết: “Tôi sẽ cần có thêm chút ít thời gian để làm rõ lập trường này và trực tiếp lắng nghe nhiều hơn từ Tướng Mattis về những gì sẽ là ưu tiên của ông”.
Một quan chức quốc phòng với hiểu biết về quá trình chuyển giao đã khẳng định rằng đội ngũ chuyển giao của Trump đã gặp các quan chức có liên quan chịu trách nhiệm về chính sách đối với Nga tại Lầu Năm Góc, nhưng cho biết: “Không có nhiều sự trao đổi thông tin, chủ yếu là ‘Bên bạn được tổ chức như thế nào?’”
Một quan chức thứ hai tại Lầu Năm Góc đã gọi các cuộc gặp là chuyên nghiệp, nhưng nói rằng khó có thể nhận thức về hình thái các chính sách của chính quyền tiếp theo trước khi một bộ trưởng quốc phòng nhậm chức.
Sau khi xem xét bản ghi nhớ, Farkas nói rằng bà dự đoán sẽ có sự kháng cự đáng kể từ các quan chức Lầu Năm Góc nếu tổng thống tiếp theo cố gắng theo đuổi các ưu tiên chính sách đã được nêu ở trên: “Họ sẽ tìm ra cách để trì hoãn. Một điều rõ ràng là Chủ tịch hiện nay của Hội đồng Tham mưu trưởng còn 6 tháng tại nhiệm, và ông ấy cũng đồng ý rằng Nga là mối đe dọa số 1”.
John Hudson là nhà phân tích cấp cao cho trang Foreign Policy về các vấn đề ngoại giao và an ninh quốc gia. Paul McLeary là nhà phân tích về Lâu Năm góc cho Foreign Policy. Dan De Luce là cây viết chuyên về an ninh quốc gia của Foreign Policy. Bài viết được đăng trên Foreign Policy.
Trần Quang (gt)
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu bài viết “Ngoại giao vì quan hệ Mỹ - Trung ổn định” của tác giả Jake Werner, nhà nghiên cứu tại Viện Quincy. Theo tác giả, cho dù Mỹ và Trung Quốc cáo buộc nhau phá vỡ hiện trạng nhưng thực chất đều là những “cường quốc nguyên trạng”, chia sẻ nhiều lợi ích chung. Trung...
Với chính quyền Biden, nếu như năm 2021 là năm ổn định bộ máy và hoạch định chính sách, năm 2022 lại là năm để công bố và triển khai chính sách. Chỉ trong nửa cuối năm 2022, một loạt văn bản và tuyên bố chính sách đối ngoại lớn đã được đưa ra, trong đó có nhiều văn bản liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương...
Ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài diễn văn đầu tiên trước Nghị viện, hay còn gọi là Thông điệp Liên bang trong các năm sau, vào dịp gần kết thúc 100 ngày đầu của chính quyền mới. Diễn văn tập trung vào các vấn đề đối nội nhưng vẫn hàm chứa những nội dung đối ngoại quan trọng.
Với sự lây lan nhanh chóng cùng sự gia tăng tỷ lệ tử vong bởi đại dịch COVID-19, liệu cơ hội giành chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới đây bắt đầu bị đe dọa?
Một lần nữa, nước Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế mới với sự sụp đổ của các thị trường và người nộp thuế đang cứu trợ những người giàu có. Đã đến lúc Mỹ phải cải tổ khế ước xã hội vô lý này.
Donald Trump giờ đây dường như đã không còn đáp ứng được kì vọng của cử tri Mỹ. Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ hơn, có thể thấy rằng những yếu tố bất lợi rất có khả năng đem đến thất bại cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới.