Ngày 6/4, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev bắt đầu thăm chính thức Việt Nam. Xã hội Nga đang quen nghe về Việt Nam như một người bạn và đối tác truyền thống, bỏ qua những mâu thuẫn có thể phát sinh trong quan hệ hai nước. Trong khi đó, chính sách đối ngoại hiện nay của Việt Nam đa dạng, và Moscow sẽ phải thích nghi với điều này.

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, sự sống còn về chính trị hiện nay là chứng minh được khả năng bảo vệ đất nước chống lại kẻ thù bên ngoài, và bên trong là cải thiện mức sống của 90 triệu dân. Kinh tế là ưu tiên hàng đầu, Việt Nam gần đây đã bước vào các nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức khác nhau trong quá trình phát triển. Giai đoạn 2015-2016, GDP dự kiến tăng hơn 6%, theo tiêu chuẩn của các nước phát triển thì không tồi, nhưng vẫn chưa đưa đến điều kỳ diệu kinh tế. Bởi vậy, hiện nay đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam việc tiếp cận công nghệ, đầu tư và thị trường được ưu tiên. Trong khi đó về triển khai chính sách đối ngoại, Việt Nam cố gắng phát triển tối đa mạng lưới đối tác rộng khắp thực sự. Kể từ cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979, lãnh đạo Việt Nam không tin vào sự đoàn kết của khối, do đó họ cho rằng nên để trứng vào các giỏ khác nhau, cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc, Mỹ và Nga, cả với Ấn Độ, các nước Châu Âu, các nước Đông Á và Đông Nam Á.

Đối với Việt Nam, chắng có ai gần hơn Trung Quốc. Lý do rất rõ ràng - sự tương đồng về văn minh, sự giống nhau của hệ thống chính trị và sự “chuyên chế về địa lý.” Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, hiện nay chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhập khẩu, cùng lúc thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc làm giới chuyên môn quan ngại - và điều này không phải khía cạnh đen tối nhất của quan hệ hữu nghị nhiều mặt Trung -Việt.

Khó khăn lớn nhất có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc không đơn giản. Trong số hàng chục cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử lâu đời của Việt Nam, có những cuộc chiến chống lại Trung Quốc. Điều này nuôi dưỡng trong xã hội Việt Nam tư tưởng chống đối lại người láng giếng phía Bắc. Tháng 5/2014, khi Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dấy lên sự phản ứng mạnh mẽ của người Việt Nam.

Việc yêu - ghét này gợi lên mong muốn tự nhiên của giới lãnh đạo Việt Nam về việc đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, lợi dụng mong muốn của Mỹ tăng cường hệ thống liên minh ở Châu Á. Việt Nam là một yếu tố quan trọng của chiến lược này và là người “bạn mới” quan trọng của Washington. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, quan hệ giữa hai nước phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Hiện nay, thị trường Mỹ là hướng xuất khẩu chính của Việt Nam (chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu). Một điều quan trọng không kém nữa là Việt Nam đã sẵn sàng tham gia các quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), công cụ kinh tế chính để tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Trong năm 2014, sự nhích lại gần nhau giữa Washington và Hà Nội nhận được hai lực đẩy mạnh mẽ. Thứ nhất, là việc xóa bỏ một phần lệnh cấm cung cấp vũ khí chiến đấu Mỹ cho Việt Nam. Thứ hai, là việc một hiệp định được gọi là “Hiệp định 123” đã được ký kết và phê chuẩn bởi các ủy ban liên quan của Thượng viện Mỹ cho phép các công ty Mỹ cung cấp cho Việt Nam các thiết bị cho các nhà máy điện hạt nhân, điều này đặc biệt quan trọng khi nhu cầu về điện ngày càng tăng tại Việt Nam.

Tất nhiên, mối quan hệ giữa hai nước không thể không có bóng mây. Vấn đề nhân quyền vẫn còn là lực cản. Tuy nhiên, một chế độ chính trị ổn định, nhà nước kiểm soát chặt quân đội - phẩm chất quý giá đói với các đối tác của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á. Nhận thức được giá trị của mình đối với Washington, Hà Nội dự kiến ​​sẽ tăng cường an ninh của mình, thâm nhập hàng hóa vào thị trường và thu hút các công nghệ mới và đầu tư của Mỹ.

Dựa vào mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam sẽ không muốn là nạn nhân của một cuộc đối đầu lưỡng cực mới. Để làm được điều đó, Việt Nam vẫn cần Nga. Trong quan hệ giữa Moscow và Hà Nội hiện nay có ba hướng rất hứa hẹn. Thứ nhất là hợp tác quân sự - kỹ thuật. Thứ hai là hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Công ty liên doanh dầu khí “Vietsovpetro” hoạt động rất thành công ngoài khơi miền Nam Việt Nam từ những năm 1980. Ngoài ra, gần đây còn có một số dự án trên lãnh thổ Nga, tại Cộng hòa tự trị Nenets và tỉnh Orenburg; hợp tác năng lượng Nga-Việt trong các dự án điện hạt nhân “Ninh Thuận-1” do “Atomstroyexport” thực hiện. Thứ ba là hợp tác trong lĩnh vực thương mại: khu vực thương mại tự do Liên minh kinh tế Á Âu - Việt Nam sẽ được ký trong năm 2015.

Tuy vậy, cũng còn có những khó khăn. Thương mại song phương đạt 4 tỷ USD song cũng chỉ chiếm có 1% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam và khoảng 0,5% của Nga, trong khi khối lượng thương mại với Mỹ là 36 tỷ USD, với Trung Quốc là 58 tỷ. Việc hình thành khu vực thương mại tự do Liên minh kinh tế Á Âu - Việt Nam chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả đáng kể trong việc tăng trưởng thương mại giữa Nga và Việt Nam.

Ngay cả trong những lĩnh vực hợp tác truyền thống với Việt Nam, Nga có những đối thủ cạnh tranh. Trong lĩnh vực điện hạt nhân, các đối thủ đó là Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ; trong khai thác dầu khí có đối thủ Ấn Độ…Và điều gì sẽ xảy ra đối với việc xuất khẩu thiết bị quân sự của Nga, nếu Mỹ hoàn toàn dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Việt Nam? Đã đến lúc cần suy nghĩ về việc liệu Nga có thể cung cấp một cái gì khác cho Việt Nam? Và vấn đề đang đặt ra là liệu Nga có nguồn lực để tham gia vào các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam và liệu Moscow có được hưởng lợi kinh tế từ các đối tác Châu Á hay không?

Nước Nga quan trọng đối với Việt Nam như là một cường quốc ngoài khu vực có quan hệ đối tác chặt chẽ. Tuy nhiên, pháo đài của mối quan hệ này đã được thử nghiệm gần đây. Qua việc Washington yêu cầu Việt Nam không cho máy bay Nga sử dụng các sân bay Cam Ranh để tiếp nhiên liệu. Phía Việt Nam đã phản ứng song câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có sẵn sàng chịu tổn thất về chính trị nếu hợp tác chặt chẽ với Nga trên cơ sở giảm bớt quan hệ với phương Tây? Mâu thuẫn tương tự có thể xảy ra trong tam giác Nga - Việt Nam - Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều là đối tác chiến lược của Nga, nhưng Nga sẽ làm gị khi có xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam. Moscow sẽ phải có sự lựa chọn một bên có một nền tảng quan hệ song phương vững chắc với truyền thống lịch sử phong phú, phát triển đối thoại chính trị và hợp tác quân sự - kỹ thuật. Nhưng nếu trên nền tảng đó mà không xây dựng được một ngôi nhà vững chắc, thì cũng bằng không.

Anton Svetov, chuyên gia của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế. Bài viết đăng trên đăng trên trang mạng Lenta, Nga. 

Thúy Bình (gt)