stock-footage-japanese-flag-waving-against-time-lapse-clouds-background.jpg

Nền “chính trị gia đình” đang trở nên khá phổ biến ở hầu hết các quốc gia được cho là dân chủ. Một số học giả cho rằng, nền chính trị kiểu này có thể tạo ra những mặt tích cực như nâng cao hiệu quả và tạo ra sự gắn kết giữa các thành viên của cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đánh giá tiêu cực rằng nền “chính trị gia đình” có thể làm tham nhũng gia tăng, giảm tính sáng tạo và tạo ra lối mòn trong hoạt động của quốc hội. Nhiều cuộc tranh luận trong đó có cả cởi mở hoặc bị giới hạn ở một chừng mực nhất định giữa những người ủng hộ và phản đối đã diễn ra. Mặc dù các ý kiến (ủng hộ hay phản đối) đều có mặt đúng nhưng điều gì sẽ xảy ra khi yếu tố “gia đình trị” bao trùm hệ thống chính trị của một quốc gia?

Câu trả lời có thể tìm thấy ở Nhật Bản, quốc gia có khoảng 30% thành viên hạ viện và 40% thành viên thượng viện là thế hệ thứ 2 ("Nisei"- có bố hiện đang hoặc đã từng là nghị sĩ hoặc thành viên chính phủ). Trong số 30 thủ tướng Nhật Bản kể từ sau chiến tranh, chỉ có 3 người không có thân nhân là các chính trị gia, trong khi hầu hết các thủ tướng còn lại đều thuộc thành phần "con ông, cháu cha". Số thành viên là "Nisei" tại Hạ viện Nhật Bản sau chiến tranh đã tăng nhanh cho đến những năm 1980 và đạt mức ổn định trên dưới 25%.

Nhật Bản không phải là trường hợp duy nhất trong số các quốc gia được cho là dân chủ có khuynh hướng trên. Ireland cũng có một tỷ lệ "Nisei" tương tự như Nhật Bản còn các nước khác như Mỹ và Ấn Độ cũng nổi tiếng với kiểu nền "chính trị gia đình" khi có nhiều thế hệ giữ cương vị tổng thống hoặc thủ tướng. Tuy nhiên, đối với trường hợp Nhật Bản, các nghiên cứu đã chỉ ra một điều đặc biệt là nền "chính trị gia đình" ở Đất nước Mặt trời mọc ngày phát triển và được thể chế hóa, hợp thức hóa.

Theo một số ý kiến, trong một chế độ dân chủ, nền “chính trị gia đình” tồn tại đơn giản do các chính trị gia (thế hệ thứ 2 hoặc thứ 3) cũng là một công dân, họ có quyền ứng cử và được bầu. Tuy nhiên, cần xem xét vấn đề dưới nhiều góc độ, trong đó có yếu tố quyền lực và ảnh hưởng của gia đình đối với hệ thống chính trị xã hội. Chính trị Nhật Bản nổi tiếng với 3 nền tảng: hỗ trợ cơ sở, công nhận tên tuổi và hỗ trợ tài chính. Đây là ba yếu tố cần thiết cho chiến thắng của một nhà lập pháp.

Trước hết là “hỗ trợ cơ sở”: các chính trị gia sẽ nhận được sự hỗ trợ từ một tổ chức dân sự. Đây là "cỗ máy chính trị" riêng giúp thu hút sự ủng hộ và kết nối cử tri với nhà lập pháp. Thông qua tổ chức này, các chính trị gia sẽ tiếp xúc với cử tri, thu hút sự ủng hộ của họ. Đồng thời các tổ chức này cũng là nơi tập hợp nguyện vọng của cử tri để đề xuất lên quốc hội. Tại Nhật Bản, các tổ chức dân sự trên phải hoạt động trung lập và không được ủng hộ bất cứ đảng phái chính trị nào. Tuy nhiên, nếu trong một mô hình “chính trị gia đình”, việc chuyển sự ủng hộ của tổ chức dân sự giữa thành viên đang là nghị sĩ với thành viên khác trong gia đình có thể dễ dàng được thực hiện bởi các tổ chức này hoạt động với chức năng trên cũng cần xây dựng mối quan hệ với các nghị sĩ.

Nền tảng thứ hai là “công nhận tên tuổi”. Trong nền tảng này nếu các "Nisei" tiến hành vận động tranh cử tại các huyện, thị trấn- nơi cử tri không có sự gắn kết với các tổ chức dân sự ở trên, những "Nisei" thuộc các gia đình chính trị nổi tiếng sẽ dễ dàng nhận được sự tin cậy hơn từ cử tri và chiếm lợi thế. Trường hợp của Shinjiro Koizumi, sinh năm 1981, con trai thứ hai của cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi là một ví dụ. Ông này đã thay thế vị trí của cha mình để trở thành đại biểu cho quận 11 của Kanagawa và trong cuộc vận động tranh cử đầu tiên (năm 2009) đã thu hút được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri và giành chiến thắng mà không cần đến sự hỗ trợ của các tổ chức dân sự.

Nền tảng thứ ba là “sự hỗ trợ tài chính”. Từ nền tảng gia đình, các "Nisei" được thừa hưởng nguồn tài chính nhất định và đặc biệt được "kế thừa" mối quan hệ với các lãnh đạo doanh nghiệp từ cha hoặc ông của mình. Theo chế độ bầu cử của Nhật Bản, tài chính sẽ hỗ trợ đáng kể hoạt động của các tổ chức dân sự thực hiện chương trình vận động, thu hút sự ủng hộ của cử tri trong quá trình tranh cử.

Số liệu thống kê cho thấy đã có tới 80% ứng cử viên là "Nisei" giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử ở Nhật Bản. Họ là một phần trong "nhóm tinh hoa chính trị" được hưởng các đặc quyền. Điều này có thể được tiếp nối đối với thế hệ thứ 3, thứ 4, thứ 5 thậm chí nhiều hơn. Các "Nisei" không chỉ có lợi thế trong các cuộc bầu cử để vào quốc hội mà còn có lợi thế trong cả việc "leo lên" các vị trí cao trong chính phủ.

Nền “chính trị gia đình” đã trở thành một đặc điểm của nền chính trị dân chủ Nhật Bản. Người dân Nhật Bản có nên lo lắng về điều này? Thực sự các học giả, nhà bình luận chính trị vẫn chưa thể đưa ra lập luận hợp lý để khẳng định rằng một nền chính trị như vậy là hoàn toàn xấu. Thực tế cho thấy nạn tham ô, tham nhũng, lợi dụng chính sách... có thể xảy ra đối với bất cứ chính trị gia nào chứ không chỉ các "Nisei".

Cesare M.  Scartozzi là Tổng biên tập của Tạp chí World Politics Review. Bài viết đăng trên “The Diplomat.”

Mỹ Anh (gt)