Tháng 3/2014, khủng hoảng Ukraine nóng lên nhanh chóng, Nga sáp nhập Crimea, dẫn đến cuộc khủng hoảng Đông-Tây tồi tệ nhất từ Chiến tranh Lạnh cho tới nay, quan hệ Nga-NATO bỗng nhiên căng thẳng. Căn nguyên của khủng hoảng Ukraine rất nhiều, tranh chấp nội bộ khó mà hòa giải, các nhân tố bên ngoài, nhưng về bản chất là đấu tranh địa chính trị, khởi nguồn từ việc NATO mở rộng về phía Đông dẫn đến cuộc đọ sức chiến lược giữa Nga và Mỹ.

NATO mở rộng về phía Đông

NATO mở rộng về phía Đông là một phần không thể thiếu trong việc chuyển đổi mô hình chiến lược NATO và chiến lược toàn cầu của Mỹ, là một trong những sự kiện lớn nhất dẫn đến biến động và tranh chấp trên phạm vi toàn cầu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay. Cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ 20, Đông Âu thay đổi nhanh chóng, Hiệp ước Vacsava hủy bỏ, Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc. NATO – sản phẩm còn sót lại sau Chiến tranh Lạnh - không những không tan rã mà còn không ngừng tăng thêm thành viên mới, mở rộng thế lực. Cho đến nay, các nước thành viên NATO kể từ Chiến tranh Lạnh kết thúc đã từ 16 nước tăng thành 28 nước, đáng chú ý là trên 40% số thành viên hiện nay của NATO là các nước Trung-Đông Âu có đảng Cộng sản chấp chính trước đây.

1. NATO vì sao phải mở rộng về phía Đông?

Giữ lại NATO và mở rộng về phía Đông là chủ trương của Chính phủ Mỹ. NATO mở rộng về phía Đông là cái cớ chủ yếu mà NATO đưa ra sau chiến tranh Lạnh để tồn tại một cách hợp pháp.

Tháng 1/1994, Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Brussels đã chính thức quyết định mở rộng NATO. Tháng 10 cùng năm, Mỹ thành lập một nhóm chuyên gia, nghiên cứu kĩ càng các vấn đề nguyên tắc, trình tự và thời cơ của việc NATO mở rộng về phía Đông. Tháng 9/1996, NATO đã công bố “Báo cáo nghiên cứu kế hoạch mở rộng về phía Đông”. Thứ nhất, NATO mở rộng về phía Đông đại diện cho lợi ích chính trị quan trọng của Mỹ, là thành quả của việc củng cố và mở rộng Chiến tranh Lạnh của Mỹ, thúc đẩy giá trị quan dân chủ của Mỹ, bảo vệ những yêu cầu về trật tự thế giới mà Mỹ lãnh đạo. Mỹ cho rằng NATO không chỉ cần phải mở rộng, mà còn cần phát triển thành một cộng đồng Đại Tây Dương do Mỹ lãnh đạo. Thứ hai, việc NATO mở rộng về phía Đông đại diện cho nhận thức chung của hai bên Mỹ-Âu. Chiến tranh Lạnh tuy đã kết thúc, nhưng châu Âu vẫn mang lợi ích an ninh và kinh tế vô cùng quan trọng đối với Mỹ, Mỹ vừa cần thông qua NATO để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình ở châu Âu, cũng cần thông qua NATO để kiểm soát châu Âu, bảo đảm địa vị chủ đạo về an ninh của mình đối với châu Âu. Mặt khác, châu Âu cho đến nay vẫn chưa có đủ năng lực và cơ chế trong việc độc lập xử lý các vấn đề an ninh của bản thân mình, an ninh châu Âu vẫn không thể tách khỏi sự tham gia của Mỹ; Anh, Pháp và các nước châu Âu khác cũng hy vọng thông qua việc mở rộng NATO để kiềm chế những bước tiến hướng về Trung-Đông Âu của Đức. Thứ ba, NATO mở rộng về hướng Đông chính là sự đáp lại những thỉnh cầu của các nước Trung-Đông Âu. Các nước Trung-Đông Âu sở dĩ coi gia nhập NATO là mục tiêu sau khi Hiệp ước Vacsava hủy bỏ, một là có thể từ mặt cơ chế tìm kiếm một sự đảm bảo đối với an ninh quốc gia; hai là có thể từ cơ chế tổ chức đạt được sự bảo đảm về việc không sa lầy vào thảm họa chiến tranh; ba là các nước Trung-Đông Âu gia nhập NATO và bày tỏ mối lo về an ninh, nói thẳng ra là vì muốn có được tư cách nước thành viên của đại gia đình tự do phương Tây để “trở lại châu Âu”. Cuối cùng, NATO mở rộng về phía Đông, mũi nhọn vô tình lại nhằm vào Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga dĩ nhiên không thể được đánh đồng với Liên Xô trước kia, nhưng rốt cục Nga vẫn là nước lớn châu Âu và nước lớn hạt nhân, hay là kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, vẫn là thách thức tiềm tàng lớn nhất đối với lợi ích quốc gia Mỹ. Thông qua mở rộng NATO về phía Đông để kiềm chế và phòng ngự Nga, tạo thành điều kiện để Nga khó mà phát triển trở lại, chính là ý đồ chiến lược của Mỹ.

2. Ba vòng mở rộng về phía Đông của NATO sau Chiến tranh Lạnh

Trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, điều kiện duy nhất mà Liên Xô đưa ra trong vấn đề thống nhất Đức là: Sau khi thống nhất, Đức không gia nhập Vacsava vừa không gia nhập NATO, mà trở thành nước trung lập phi quân sự. Khi đó Thủ tướng Anh John Major, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, Thủ tướng Đức Helmut Kohl và Tổng thống Mỹ Geogre Bush đều hứa hẹn với Gorbachev: Sau khi Vacsava tan rã và Liên Xô rút quân khỏi Đông Đức và các nước Đông Âu khác, “tuyệt đối sẽ không để NATO mở rộng thêm một tấc đất nào”, “bất kể hiện tại hay tương lai, các nước Đông Âu đều không thể gia nhập NATO”. Thế nhưng những cam kết miệng này đều chỉ là “Hiệp định quân tử”, vẫn chưa chính thức ký kết trên văn bản. Sau đó việc tiến hành mở rộng NATO về phía Đông thực tế đã chứng minh, phương Tây dùng “những cam kết miệng” này để lừa lấy Đức và Đông Âu từ tay Liên Xô.

Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, NATO đã tiến hành 3 lần mở rộng, tăng thêm 12 thành viên: ngày 12/3/1999 thu nạp thêm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary; ngày 2/4/2004 thu nạp thêm Estonia, Latvia, Litva, Slovakia, Slovenia, Romania, Bulgaria; ngày 1/4/2009, thu nạp thêm Alnabia, Croatia. Những thành viên mới này đều là các nước Đông Âu, trong đó có 9 nước là thành viên của khối hiệp ước Vacsava trước đây, 3 nước là nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, còn có hai nước thuộc cộng hòa Nam Tư trước đây. Phạm vi thống trị của Liên Xô trước đây là đến bờ sông Elbe, Liên Xô từng có tới 6 đồng minh tại châu Âu, có một tuyến đầu chiến lược với diện tích một triệu km2 và dân số 100 triệu. Hiện tại những điều này đã mất hết, Liên Xô cũng chia thành 15 nước, Nga trở thành nước kế thừa chính những di sản của Liên Xô.

Vòng mở rộng NATO đầu tiên là thực hiện bước tiến trong kế hoạch mở rộng về phía Đông một cách thực tế. Vòng đầu tiên của việc mở rộng về phía Đông là đẩy đường biên giới của NATO tiến thêm 700-900 km, gần hơn nữa với biên giới Nga, diện tích tăng thêm 4,85 triệu km2, nhân khẩu tăng thêm 60 triệu người. Quân đội mặt đất tăng thêm gần 13 sư đoàn, xe tăng và các lực lượng không quân, hải quân tăng thêm 15%, binh đoàn hàng không chiến thuật của NATO từ Ba Lan có thể đe dọa đến các thành phố quan trọng của Nga như St.Petersburg, Murmansk, Kursk và Voronezh.

Vòng mở rộng thứ hai là vòng mở rộng với quy mô lớn nhất của tổ chức này kể từ khi thành lập vào năm 1949 đến nay, một lần thu nạp 7 nước gia nhập. Sau vòng mở rộng về phía Đông lần thứ hai, tổng số nhân khẩu đạt 819,9 triệu dân; tổng diện tích đạt 23.979.800 km2; quân số lên tới 4.747.600. NATO đã xây dựng phía Bắc từ biển Baltic, ở giữa trải qua Biển Đen, vùng Caucasus, thẳng đến “vòng cung phòng ngự chiến lược” của Trung Á. Lãnh thổ của ba nước Biển Baltic tiếp giáp với Nga, còn liên quan đến an ninh ra vào trên biển Baltic của Nga, kìm kẹp con đường “phát triển hướng đến châu Âu của Nga. Hơn nữa, Nga cảm thấy lo lắng đối với việc phát triển lực lượng thông thường của Slovenia và các nước Biển Baltic không chịu sự hạn chế. Biên giới NATO dần mở rộng về phía Đông, buộc Nga phải từ bỏ tư duy “Trung-Đông Âu là phạm vi thế lực của mình”. Tổng thống Mỹ khi đó Geogre Bush nhiều lần tuyên bố, khu vực Trung-Đông Âu không thể tồn tại “khu vực màu xám” hay còn gọi là “khu đệm”, NATO cần phải có đường biên giới “phân minh rõ ràng” với Nga.

Vòng mở rộng thứ ba về phía Đông của NATO có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, đó là vì tổ chức này lần đầu tiên thu hút các nước khu vực Tây Balkan gia nhập NATO. Nó chứng tỏ rằng đồng thời với việc mở rộng về phía Đông, NATO cũng ngày càng coi trọng an ninh cánh phía Nam. Về cơ bản, NATO mở rộng về phía Đông đã tái khẳng định địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, không gian an ninh của Nga dần bị thu hẹp, bố cục an ninh địa chính trị của châu Âu thay đổi đáng kể.

3. Nga kịch liệt phản đối NATO mở rộng về phía Đông

Do việc NATO mở rộng về phía Đông trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của Nga tại khu vực Trung-Đông Âu, còn tạo thành mối đe dọa đối với lợi ích chiến lược cốt lõi của Nga, vì thế việc này gặp phải sự phản đối kịch liệt của Nga, và trở thành tiêu điểm dẫn đến tranh chấp liên tục nhiều năm nay giữa Nga với các nước phương Tây mà dẫn đầu là Mỹ. Tuy nhiên, do Nga thời kỳ đầu Liên Xô mới tan rã sức mạnh quốc gia vẫn yếu chưa thể chống lại, chỉ có thể thông qua thỏa thuận và hợp tác của NATO để làm chậm tiến trình mở rộng về phía Đông của NATO. Nga và các nước phương Tây sau khi trải qua nhiều lần đọ sức và thỏa hiệp lẫn nhau, ngày 27/5/1997 đã ký kết “Văn kiện cơ bản về quan hệ, hợp tác và an ninh giữa Nga với NATO”. Trong văn kiện, NATO cam kết sẽ để Nga có quyền phát ngôn ở mức độ nhất định đối với các sự vụ của NATO, NATO bảo đảm không bố trí vũ khí hạt nhân trong lãnh thổ các nước thành viên mới để đổi lấy thỏa thuận ngầm của Nga về việc mở rộng về phía Đông vòng đầu tiên.

Việc thu nạp ba nước Baltic gia nhập NATO chính là mục đích cuối cùng của Mỹ, nếu muốn chèn ép và kiềm chế Nga, quan trọng nhất là phải đưa Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) vào phạm vi thế lực của phương Tây. Nếu nói cuộc đọ sức vòng một của Nga-Mỹ xung quanh việc mở rộng NATO về phía Đông chủ yếu liên quan đến quyền kiểm soát khu vực Đông Âu, thì chiến trường chính của cuộc đấu thứ hai lại chuyển sang khu vực Cộng đồng các quốc gia độc lập. Đối với Nga, mất đi SNG có nghĩa là mất đi hàng rào an ninh địa lý cuối cùng, cơ sở quan trọng nhất trong việc khôi phục địa vị nước lớn sụp đổ. Tổng thống Nga Boris Yeltsin khi đó từng đặc biệt cảnh cáo: Nếu NATO thu nạp các nước Baltic hoặc Ukraine gia nhập liên minh này, thì điều này sẽ vượt qua “vạch đỏ” nguy hiểm. Giới hạn địa lý mà Putin vạch ra đối với sự mở rộng của NATO là: “Hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây - Ukraine và Gruzia không được gia nhập NATO: Có thể thấy, mục tiêu thực sự của Nga trong việc phản đối NATO mở rộng về phía Đông là để ngăn chặn NATO thẳng tiến tới các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây.

Thế cờ của Ukraine

Trong khi Ukraine khủng hoảng, Tổng thống Putin bất ngờ hành động tại Crimea, là sự phản đòn đối với NATO trong việc không ngừng chèn ép không gian chiến lược của Nga. Nga tin tưởng vững chắc rằng lấy được Crimea sẽ có thể bảo vệ lợi ích cốt lõi của nga, thực hiện ý nguyện ấp ủ lâu nay “trả lại cho thế giới một nước Nga hùng mạnh”

1. Giá trị địa chiến lược của Ukraine

Lục địa Âu-Á là trục giữa địa chính trị và là lục địa có diện tích lớn nhất toàn cầu. Lục địa Âu-Á là một bàn cờ, sự tranh giành quyền lãnh đạo thế giới tại đây chưa bao giờ ngừng lại. Trong những năm đầu thế kỷ 20, chiến lược gia địa chính trị người Anh, Halford John Mackinder đưa ra khái niệm “khu vực điểm tựa” Âu-Á, sau này lại đưa ra khái niệm “dải đất trung tâm” Trung-Đông Âu: Ai thống trị được Đông Âu người đó có thể khống chế được dải đất trung tâm; ai có thể thống trị được dải đất trung tâm người đó có thể khống chế được đảo thế giới (Lục địa Á-Âu-Bắc Phi); ai có thể thống trị được đảo thế giới người đó có thể kiểm soát cả thế giới. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski từng nói thẳng, “Ukraine là vị trí quan trọng trên bàn cờ Âu-Á… sự hiện diện của Ukraine giúp thay đổi nước Nga; không có Ukraine, Nga không còn là một đế quốc Âu-Á, lựa chọn địa chiến lược của Nga sẽ bị hạn chế lớn. 

2. Ukraine là “của riêng” của Nga

Ukraine là nước lớn thứ hai trong SNG, Ukraine và Nga có mối quan hệ lịch sử văn hóa gần gũi nhưng phức tạp. Thủ đô Kiev của Ukraine vốn là cái nôi tôn giáo của Nga. Ukraine từng là lãnh thổ của Nga trong hàng trăm năm, trong tâm lý truyền thống của người dân Nga, Ukraine la một phần không thể tách rời của Nga. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của Putin là liên kết lại không gian hậu Liên Xô, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhất thể hóa Âu-Á lấy Nga làm trung tâm, “xây dựng không gian kinh tế chung là sự kiện quan trọng nhất của khu vực Liên Xô trước đây kể từ khi Liên Xô tan rã đến nay”, và Ukraine là điểm tựa chiến lược của Nga trong việc thực hiện phục hưng nước lớn. Nga chưa thỏa mãn khi chỉ cùng với Kazakhstan và Belarus xây dựng liên minh thuế quan, lâu nay Nga luôn tìm cách đưa Ukraine vào không gian kinh tế chung này.

Từ khi Liên Xô tan rã đến nay, Mỹ luôn cố gắng đưa Ukraine gia nhập NATO. Tuy nhiên vì sự kiện chiến tranh Nam Ossetia và xung đột chính trị Ukraine nên kế hoạch “gia nhập NATO” của Ukraine bị kẹt lại, nhưng Ukraine vẫn chưa từ bỏ việc gia nhập EU. Nga coi việc mở rộng EU về phía Đông là bước đầu để Ukraine gia nhập hoàn toàn phe cánh phương Tây bao gồm cả NATO. Nếu Ukraine gia nhập EU, Nga sẽ mất đi tầm ảnh hưởng của mình tại Ukraine. Hơn thế nữa, nếu Ukraine sau khi gia nhập EU rồi sau đó là gia nhập NATO, Nga sẽ đối diện với mối đe dọa quân sự không có khoảng cách từ NATO, khả năng Hạm đội Biển Đen của Nga xây dựng ở cảng Sevastopol của Ukraine có thể bị trục xuất khỏi Ukraine. Có thể thấy, Nga mất đi Ukraine, chính là mất đi chiều sâu chiến lược. “Dây dẫn ngòi nổ” của khủng hoảng Ukraine chính là việc Chính phủ Ukraine tạm dừng ký kết “Hiệp định liên kết” với EU, thực chất là cuộc đấu giữa Nga với EU đã ảnh hưởng đến bàn cờ chính trị trong nước Ukraine, tác động đến nguyện vọng bức thiết của người dân Ukraine khao khát mau chóng gia nhập liên minh để được hưởng lợi ích.

3. Putin phản kích mạnh mẽ trước sức ép của phương Tây

Khủng hoảng Ukraine dẫn đến Crimea “rời Ukraine sáp nhập Nga”, là kết quả của một quá trình tích tụ lâu dài. Crimea là một nước cộng hòa tự trị duy nhất trong phạm vi biên giới Ukraine, nằm ở miền Nam Ukraine, phía Đông gần biển Azov, phía Nam sát Biển Đen. Với khoảng 60% dân số là người gốc Nga, Crimea từ giữa thế kỷ 18 thuộc Nga. Năm 1954, Khrushchev lấy lý do kỷ niệm 300 năm sáp nhập giữa Nga với Ukraine đã đem Crimea tặng cho Ukraine. Sau khi Liên Xô tan rã, rất nhiều người Nga hy vọng có thể thu hồi lại “quà tặng” này từ tay người Ukraine, Ukraine đương nhiên không tình nguyện.

Nga sở dĩ canh cánh trong lòng đối với Crimea chủ yếu vì địa vị chiến lược vô cùng quan trọng của Crimea, khu vực này có nhiều cảng tự nhiên, trong đó bao gồm cả Sevastopol nằm ở phía Tây Nam bán đảo Crimea. Cảng nước sâu không đóng băng này luôn là nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh của Hạm đội Biển Đen – 1 trong 4 hạm đội lớn của Liên Xô. Ngày 28/5/1997, hai nước Nga-Ukraine đạt được thỏa thuận Nga thuê cảng Sevastopol cho Hạm đội Biển Đen, thuê trong vòng 20 năm. Đổi lại, Nga đồng ý miễn khoản nợ hơn 2 tỷ USD tiền khí đốt. Ngày 21/4/2010, hai nước lại kí thỏa thuận, gia hạn hợp đồng thuê từ năm 2017 kéo dài đến năm 2042, giá khí đốt của Nga xuất khẩu sang Ukraine giảm 30%. Thỏa thuận này đã cải thiện đáng kể quan hệ Nga-Ukraine.

Crimea “rời Ukraine sáp nhập Nga” là kết quả của sự hoạch định chiến lược dài hạn của Tổng thống Nga Putin và thuận theo thời thế. Vòng mở rộng về phía Đông đầu tiên của NATO, Nga vẫn chưa có kế sách tốt để đảm bảo “vạch đỏ”; đối mặt với vòng mở rộng về phía Đông thứ hai của NATO, Nga lại lần nữa nuốt trái đắng. Song Tổng thống Nga không chấp nhận sự sắp đặt của phương Tây, mà phân định tình hình, tìm kiếm cơ hội, thậm chí cho rằng giải quyết bằng vũ lực không phải là “ngưỡng cửa không thể vượt qua”. Trong Hội nghị an ninh Munich năm 2007, Putin từng đưa ra cảnh báo đối với phương Tây, lên án Mỹ “xuyên biên giới trên mọi lĩnh vực”, và tuyên bố ông quyết tâm ngăn chặn hành vi xuyên biên giới này của Mỹ. Kể từ đó, Putin liên tục đưa ra các động thái trên “địa bàn của Liên Xô trước đây”: năm 2008 gây sức ép với Đức và Pháp, cản trở Mỹ tiếp nhận Ukraine và Gruzia trở thành nước thành viên ứng cử của NATO; cùng năm đó, trong khi xảy ra xung đột Nga-Gruzia, khiến Nam Ossetia tuyên bố độc lập, và đặt Abkhazia dưới sự bảo hộ của Nga, dẫn đến việc Gruzia bị thu hẹp một phần ba lãnh thổ; năm 2013 ngăn cản Ukraine đạt được “hiệp định liên kết” với EU; tháng 3/2014, Putin đã “tập kích chiến lược” từ một vị thế yếu, với chi phí và rủi ro thấp, một hành động đánh trúng mạng sườn NATO, khiến Ukraine không thể trở thành đồng minh của EU và NATO. Mục đích của Putin rất rõ ràng: bảo vệ lợi ích cốt lõi của Nga, giành lại ảnh hưởng tại khu vực Đông Âu, cản trở NATO mở rộng về phía biên giới Nga. 

Đâu là “biên giới” trong tương lai?

Khủng hoảng Ukraine bộc lộ ra một vấn đề tranh cãi tồn tại lâu nay là NATO nên tập trung vào việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ an ninh tập thể, hay là quan tâm nhiều hơn đến chính trị quốc tế?

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, NATO đã tiến hành 3 lần mở rộng, và vẫn chưa ngừng hành động, nguyên tắc cơ bản của nó là bất cứ quốc gia dân chủ của châu Âu nào đều có thể lựa chọn gia nhập bất cứ liên minh nào. Hiện nay, NATO tuy có ý đồ thông qua việc tiếp tục mở rộng về phía Đông để tăng cường mức độ răn đe của mình, nhưng do khủng hoảng kinh tế dẫn đến chi phí quân sự giảm, NATO không thể không trì hoãn tiến độ mở rộng về phía Đông, tạm thời không quá cấp bách cải thiện hiện trạng.

1. Làn sóng mở rộng thứ 4 của NATO

Trong Hội nghị thượng đỉnh Bucharest tháng 4/2008, NATO cam kết tiếp nhận Ukraine và Gruzia gia nhập NATO, nhưng sau đó xảy ra các sự kiện bất ngờ như ở Nam Ossetia và hỗn loạn chính trị trong nước Ukraine khiến NATO thay đổi ý kiến của mình. Xung đột biên giới trở thành trở ngại mang tính nguyên tắc trong việc Gruzia gia nhập NATO, sự phản đối mạnh mẽ của Nga là ngưỡng cửa không thể vượt qua trong việc Ukraine gia nhập NATO. Mỹ không chút e ngại sự phản đối của các nước thành viên châu Âu, lựa chọn biện pháp mạo hiểm và cấp tiến đối với việc mở rộng NATO về phía Đông. Trong Hội nghị thượng đỉnh tại Wales tháng 9/2014, Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen bày tỏ chính sách mở cửa của NATO đã đạt được những thành quả mang tính lịch sử, NATO sẽ tiếp tục duy trì chính sách này, mở cửa với tất cả các nước xin gia nhập có điều kiện phù hợp, “bất kỳ bên thứ ba nào đều không có quyền phủ quyết việc mở rộng của NATO”. NATO đồng ý đưa ra một gói trợ giúp để thúc đẩy tiến trình gia nhập NATO của Gruzia, khởi động tham vấn những vấn đề liên quan đến trình độ của nước ứng cử viên Montenegro, muộn nhất là cuối năm 2015 phải đưa ra quyết định có mời Montenegro gia nhập liên minh hay không. Những nước ứng cử viên dự kiến sẽ gia nhập NATO trong tương lai còn có Bosnia và Herzegovina. Điều đáng chú ý là, kể từ sau khi “Crimea rời Ukraine sáp nhập Nga”, việc thảo luận công khai về năng lực tự vệ của các nước liên quan đang nóng lên. Thụy Điển và Phần Lan cũng đang cân nhắc xem có nên từ bỏ chính sách trung lập kéo dài gần 2 thế kỷ, theo đuổi gia nhập NATO để có được sự bảo hộ về an ninh.

2. Những vấn đề gây nên bởi việc NATO không ngừng mở rộng 

NATO sở dĩ mong muốn không ngừng mở rộng NATO không phải vì xem trọng sức mạnh quốc gia hay sức mạnh quân sự tiềm tàng của các nước thành viên này, mà là tập trung vào việc đẩy nhanh tốc độ điều chỉnh chiến lược. Nhưng việc không ngừng mở rộng của NATO đương nhiên dẫn đến mâu thuẫn nội bộ liên minh tăng lên, khả năng kiểm soát yếu đi, dẫn đến năng lực quân sự và sự gắn kết chính trị bị suy giảm. Nói một cách mỉa mai, NATO sẽ còn mở rộng, không ngừng bành trướng, thậm chí căng phồng rồi vỡ.

Trước tiên, quan hệ nội bộ NATO chồng chéo phức tạp. Mỹ với các nước thành viên cũ châu Âu vốn đã bất đồng, không ngừng xung đột; các nước thành viên mới có khả năng đem theo cả mối bất hòa về biên giới và dân tộc tồn tại lâu nay giữa đôi bên vào NATO; giữa các nước ứng viên tiềm năng như Bosnia, Herzegovina cũng tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, những điều này đều ảnh hưởng đến tính thống nhất trong quyết sách của NATO. Thứ hai, nhìn từ góc độ quân sự, những vòng mở rộng trước đã khiến NATO vác trên mình gánh nặng về lực lượng quân sự hạng hai của Trung-Đông Âu. Phải dùng quân đội ngày càng ít để bảo vệ lãnh thổ ngày càng rộng, hiển nhiên là lực bất tòng tâm. Nếu tiếp tục mở rộng, NATO sẽ càng suy yếu về quân sự, các thành viên mới Trung-Đông Âu chí ít cũng phải mất thời gian bằng một đời người để có thể kề vai sát cánh NATO về quân sự, Mặc dù do cuộc khủng hoảng Ukraine nên một số nước Đông Âu sẵn sàng tăng chi tiêu quân sự, nhưng những nước Tây Âu vẫn đang trong trạng thái suy thoái kinh tế nên rất khó tăng mức chi tiêu. Hơn nữa, bộ máy NATO cồng kềnh, hiệu quả làm việc thấp, chủ nghĩa quan liêu và văn kiện chồng chất dẫn đến những lời than vãn của các quan chức trong bộ máy của NATO. Sau khi NATO không ngừng mở rộng, hiện tượng này sẽ càng trầm trọng thêm. Cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ ông Fred Iker cho rằng “NATO chủ trương kết nạp những thành viên mới ở phía Đông chẳng qua là ý đồ tăng cường quân sự cho NATO”, họ dường như không cân nhắc là “những giọt máu vừa truyền vào phải chăng có mang theo mầm bệnh, rốt cục khiến cơ thể vốn khỏe mạnh phải chết oan uổng”.

3. Ai sẽ là người bảo đảm an ninh cho châu Âu

Kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine, hành động quân sự của NATO dẫn đến mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế, NATO với Nga từ đối tác trở thành đối thủ. Điều này cho thấy rằng hơn 20 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, những bất đồng trên nguyên tắc tồn tại trong tư duy về an ninh châu Âu của hai bên Nga-Mỹ vẫn chưa được xóa bỏ. Mỹ cho rằng “chỉ có NATO mới có thể đối phó được với thách thức an ninh mà châu Âu phải đối mặt”, chủ trương xây dựng khuôn khổ an ninh châu Âu lấy “NATO mới” làm trung tâm. Nga thì cố gắng xây dựng một cơ chế an ninh châu Âu hòa nhập NATO vào Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), do Nga đứng đầu, lấy OSCE làm trung tâm, khiến tất cả các nước châu Âu đều có quyền lợi và cơ hội gia nhập tiến trình bảo đảm an ninh châu Âu. Cuối cùng là lấy NATO hay lấy OSCE làm trung tâm, về bản chất phản ánh sự đấu tranh kịch liệt Nga-Mỹ trong việc tranh giành quyền chủ đạo trong hệ thống an ninh châu Âu trong tương lai.

NATO luôn khẳng định “chỉ có tổ chức này mới có thể đảm bảo an ninh cho các thành viên”, NATO áp dụng hàng loạt biện pháp quân sự “cảnh giác cao độ” tại Đông Âu thể hiện quyết tâm bảo vệ đồng minh của mình. Tuy nhiên, những năm gần đây “tình trạng báo động” về quân sự giữa Nga và NATO không ngừng trầm trọng, đem đến bóng đen dày đặc bao trùm an ninh châu Âu đặc biệt là khu vực Đông Âu. Sau Chiến tranh Lạnh, khu vực này lại xuất hiện tình hình khốc liệt, cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực địa chính trị Trung-Đông Âu lại bắt đầu. Trong tình hình căng thẳng đối đầu quân sự giữa NATO và Nga, NATO có thực sự bảo đảm được an ninh cho châu Âu? Điều này không chỉ là vấn đề NATO phải đối diện, cũng là thắc mắc của cộng đồng quốc tế.

Đối tượng mở rộng về phía Đông của NATO không bao gồm Nga, nhưng quá trình mở rộng này không tránh khỏi động chạm Nga. Nga luôn cho rằng “không có Nga, đặc biệt là nếu phản đối Nga, ở châu Âu, sẽ không có an ninh. An ninh của các nước Đông Âu phải do cả Nga lẫn NATO cùng đảm bảo”. Sau khi nổ ra khủng hoảng Ukraine, Nga càng lên án mạnh mẽ “NATO mở rộng về phía Đông còn nguy hiểm hơn cả chủ nghĩa khủng bố”, chỉ bảo đảm an ninh cho các nước thành viên, nhưng lại không quan tâm đến an ninh của các nước khác.

Được coi là bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực, học giả Mỹ, ông John Mearsheimer chỉ ra rằng căn nguyên của cuộc khủng hoảng Ukraine là việc NATO mở rộng về phía Đông. “Ba gói chính sách của phương Tây (NATO mở rộng về phía Đông, EU mở rộng về phía Đông, thúc đẩy dân chủ) sẽ càng đổ thêm dầu vào lửa. Mỹ và các nước đồng minh châu Âu sẽ vì cuộc khủng hoảng này mà đảm nhận càng nhiều trách nhiệm. Âu-Mỹ tôn thờ một kiểu quan điểm chính trị quốc tế không hoàn hảo, tuân theo quan điểm tự do chủ nghĩa về chính trị quốc tế. Kết quả là, kích động nghiêm trọng cuộc khủng hoảng Ukraine”. NATO mở rộng về phía Đông không phải là nước cờ tốt, điều này không chỉ làm dấy lên sự bất mãn mạnh mẽ của Nga, mà còn có thể dẫn đến xung đột quân sự tại châu Âu, và đe dọa đến hòa bình và ổn định thế giới.

Theo Tạp chí Thế giới Đương đại

Hoàng Lan (gt)