pix4_120314.jpg

Biển Hoa Đông/ Biển Đông

Trong những năm gần đây, Biển Đông và Biển Hoa Đông đã trở thành tâm điểm cho sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Trên Biển Hoa Đông, Mỹ phải đối mặt với tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi quyết định xem nên hỗ trợ toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản ở mức độ nào. Ở Biển Đông, Mỹ hỗ trợ một liên minh gồm các nước phản đối tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Sự thật về việc tăng khả năng quân sự của Trung Quốc là nguyên nhân của những vấn đề này. Trung Quốc hiện nay có thể chủ động đe dọa chiếm quyền kiểm soát cả hai khu vực, rung hồi chuông báo động cả trong các nước khu vực và tại Washington. Tuy nhiên, những bình luận của Tổng thống đắc cử Trump về hệ thống liên minh do Mỹ dẫn đầu đã tạo ra sự không chắc chắn về sức mạnh trong những cam kết của Mỹ. Tại Biển Hoa Đông, Nhật Bản đã được bao bọc bởi các hoạt động quân sự của riêng mình. Tokyo cũng đã nói rõ sẽ sẵn sàng đối phó với sự khiêu khích của Trung Quốc. Việt Nam cũng đã có phản ứng tương tự ở Biển Đông. Philippines thì khác, ngày càng có một lập trường không ổn định, tạo ra sự nhầm lẫn và không chắc chắn. Mặc dù ông Trump đặt ra nhiều câu hỏi về liên minh Mỹ nhưng ông đã nói rõ quan điểm của mình trong việc đối đầu với Trung Quốc. Sự nhầm lẫn và không chắc chắn có thể làm cho Biển Đông trở thành nơi mà cuộc đối đầu này sẽ xảy ra.

Thương mại

Các mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung đã giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ cuối những năm 1980. Việc Bắc Kinh tiếp cận nguồn vốn của Washington và Mỹ tiếp cận trực tiếp lao động và tài nguyên của Trung Quốc đã đặt nền tảng cho nền kinh tế toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh (và có lẽ cũng là nền tảng cho sự bất ổn tài chính). Qua nhiều năm, cả Trung Quốc và Mỹ đã nuôi dưỡng mối quan hệ này, đặt vấn đề thương mại ra ngoài mối quan tâm chính trị và chiến lược. Chính quyền ông Trump đã hứa sẽ thay đổi tất cả. Tổng thống đắc cử Trump đã đưa ra kế hoạch để thách thức Trung Quốc trên một loạt các khía cạnh thương mại, một số trong đó là các khía cạnh cốt lõi của mối quan hệ. Mặc dù Trung Quốc và Mỹ vẫn cần nhau, nhưng những lời hùng biện đối đầu của ông Trump vẫn có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại và có nguy cơ làm rối loạn toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Triều Tiên

Triều Tiên là cơ hội và cũng là vấn đề đối với Trung Quốc. Sự tồn tại của CHDCND Triều Tiên tiếp tục ngăn chặn Hàn Quốc mở rộng ra gần biên giới Trung Quốc và khiến Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ ngày càng thêm nhiều quan ngại. Mặt khác, những trò hề của Bình Nhưỡng cho Mỹ cơ hội duy nhất để tái khẳng định vị trí trung tâm trong cấu trúc an ninh ở Đông Bắc Á và tiếp tục triển khai một loạt khí tài quân sự. Sự sụp đổ của Triều Tiên sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng. Trung Quốc không muốn làn sóng người tị nạn khổng lồ trải dọc biên giới, cũng không muốn Hàn Quốc bành trướng. Tuy nhiên, Bắc Kinh ít quan tâm và hỗ trợ các hành vi ngày càng lúng túng và hung hăng của Triều Tiên. Bình Nhưỡng có thể thử nghiệm cả Bắc Kinh và Washington, đưa hai nước vào cuộc xung đột theo cách mà họ không mong muốn cũng không lường trước được.

Pakistan

45 năm trước, Pakistan có vai trò là cầu nối cho việc tái thiết lập quan hệ Trung-Mỹ. Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger đã chống lại Tổng thống Yahya Khan trước sự tàn bạo của ông này ở Đông Pakistan và quốc gia châu Á này cũng tỏ ra là một đồng minh có giá trị đối với cả Mỹ và Trung Quốc trong cuộc xâm lược của Liên Xô trước đây tại Afghanistan. Ngày nay, mối quan hệ giữa Pakistan và Mỹ đã trở nên căng thẳng. Việc phát triển các mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ, hướng đến mục đích cân bằng với Trung Quốc, đã rung hồi chuông cảnh báo đối với Islamabad. Việc Pakistan hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố ở Ấn Độ và Afghanistan đã khiến Mỹ thận trọng hơn trong việc tham gia vào quan hệ với nước này. Mặt khác, mối quan hệ giữa Trung Quốc với Pakistan lại tiếp tục phát triển, chứng kiến mối quan hệ hợp tác sâu rộng về các vấn đề quân sự, công nghiệp và kinh tế. Một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Pakistan chắc chắn sẽ đẩy cao áp lực giữa Washington và Bắc Kinh. Do chính sách ngoại giao Nam Á của ông Trump không thể dự đoán nên khu vực này cần được theo dõi một cách chặt chẽ.

Đài Loan

Mặc dù Đài Loan từ lâu đã là điểm nối quan trọng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng cuộc đàm thoại gần đây giữa Tổng thống đắc cử Trump và nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã tái khẳng định vai trò trung tâm của Đài Loan. Trong cuộc gọi này và trên các phương tiện truyền thông sau đó, ông Trump cho rằng ông sẽ xem xét lại các chính sách dài hạn chiến lược mơ hồ đối với Đài Loan. Tại thời điểm này, mọi người không biết liệu ông Trump có sử dụng mối đe dọa đó để khiến Trung Quốc nhượng bộ hay không, hay chỉ sửa đổi mối quan hệ với Đài Loan để mối quan hệ này đóng vai trò trung tâm trong lập trường đối đầu của Washington với Bắc Kinh. Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ cần phải nghiền ngẫm câu hỏi này và nên phản ứng như thế nào với một hành vi vi phạm “giới hạn đỏ” của Bắc Kinh. Bất cứ tính toán sai lầm nào ở cả hai bên đều có thể dẫn đến một cuộc xung đột khủng khiếp.

Bắc Kinh và Washington sẽ phải thận trọng trong ngoại giao và quốc phòng để tránh xung đột trong vòng 4 năm tới. Chính quyền của ông Obama để lại một cục diện thay đổi liên tục; một trục ngoại giao bán hoàn chỉnh; một thỏa thuận thương mại đã tan lụi và một đồng minh có khả năng phá vỡ nguyên trạng. Chính quyền Trump mang thái độ đối đầu với một loạt câu hỏi quan trọng. Bắc Kinh cần phải tìm ra cách để kiềm chế Mỹ và Washington cũng cần tìm kiếm điều mình muốn đối với Trung Quốc là gì.

Tác giả Robert Farley là Giảng viên tại Đại học Kentucky (Mỹ). Bài viết đăng trên "National Interest" (ngày 25/12).

Lê Quang (gt)