Bên cạnh đó, Tổng thư ký USDP Maung Maung Thein cũng bị cách chức. Chức Chủ tịch Đảng bị khuyết sẽ do Phó Chủ tịch USDP Htay Oo -nhân vật thân cận với Tổng thống đương nhiệm Thein Sein đảm nhiệm. Đồng thời, Htay Oo cũng tiếp tục kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch. Tổng thư ký cũng do nhân vật thân cận của Thein Sein, Chánh Văn phòng Tổng thống Tin Naing Thein đảm nhận.

Cuộc thanh trừng chính trị bất ngờ này cho thấy sự quyết liệt trong cuộc chiến chính trị nội bộ của lực lượng cầm quyền Myanmar trước cuộc tổng tuyển cử, cũng sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đối với cuộc tổng tuyển cử toàn quốc đang đến gần.

Trận quyết đấu giữa U Shwe Mann và U Thein Sein

U Shwe Mann và nhân vật thân cận của mình là Maung Maung Thein bị cách chức, tay chân thân cận của U Thein Sein sau đó đã thay thế, báo chí Myanmar như “Thời báo Myanmar”, tờ báo mạng “Irrawaddy” và tờ “Bưu điện Bangkok” Thái Lan lần lượt chỉ rõ đây là cuộc đấu giữa U Shwe Mann và U Thein Swe. Trên thực tế, cuộc cạnh tranh giữa U Shwe Mann và U Thein Sein đã có từ lâu.

Năm 1997, việc U Shwe Mann đảm nhiệm vị trí Tư lệnh quân khu Tây Nam, đã đặt nền móng vững chắc để ông bước vào trung tâm quyền lực tối cao. Do Thống tướng Than Shwe trước đó cũng đảm nhiệm chức vụ ở quân khu này, U Shwe Mann được cho là người thân cận và người theo phe của Than Shwe. Ngoài ra, học giả Myanmar Win Win cho rằng gia tộc U Shwe Mann đã phục vụ nhiều năm cho gia tộc Than Shwe, vợ của U Shwe Mann còn từng là bảo mẫu hồi nhỏ của cháu trai yêu quý nhất của Than Shwe, hai gia đình có sự qua lại mật thiết.

Năm 2001, U Shwe Mann được thăng chức Tổng tham mưu trưởng 3 quân. U Thein Sein cũng từ vị trí Tư lệnh quân đội tại vùng Tam giác vàng được điều chuyển làm Cục trưởng Cục Quân vụ Bộ Quốc phòng Myanmar, thấp hơn chức của U Shwe Mann. Năm 2004, sau khi Khin Nyunt bị thanh trừng, U Thein Sein và U Shwe Mann đồng thời được Than Shwe cất nhắc lên vị trí lãnh đạo Hội đồng cải cách hòa bình và phát triển Myanmar. Nhưng U Thein Sein dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh quyền lực, giữ cương vị Thư ký thứ nhất Hội đồng cải cách hòa bình và phát triển Liên bang, U Shwe Mann ở dưới chức của U Thein Sein. Năm 2007, U Thein Sein trở thành Thủ tướng của Chính quyền quân sự, U Shwe Mann trở thành Thư ký thứ nhất của Hội đồng cải cách hòa bình và phát triển Liên bang, vẫn đứng sau U Thein Sein trong cuộc cạnh tranh quyền lực.

Năm 2010, Myanmar tiến hành cuộc tổng tuyển cử, dư luận dự đoán U Shwe Mann có quan hệ mật thiết với Than Shwe sẽ thay thế U Thein Sein làm tổng thống. Nhưng kết quả cuối cùng là U Thein Sein tiếp tục dẫn đầu, giữ chức vụ tổng thống quan trọng; còn U Shwe Mann trở thành Chủ tịch Hạ viện kiêm Chủ tịch USDP, bắt đầu điều hành công việc của đảng. Cũng chính từ lúc đó, cuộc chiến giữa U Shwe Mann và U Thein Sein bắt đầu được công khai, đồng thời diễn ra càng quyết liệt hơn đúng vào lúc cuộc tổng tuyển cử năm 2015 ngày càng đến gần.

Tiêu điểm cạnh tranh của hai bên chủ yếu tập trung ở việc liệu có ra tranh cử chức tổng thống năm 2015 hay không. U Shwe Mann bày tỏ rõ ràng muốn ra tranh cử, U Thein Sein lại không tỏ rõ ý kiến. Do thái độ không rõ ràng đối với việc tranh cử của U Thein Sein, phe U Shwe Mann nhiều lần cố ý tung tin rằng U Thein Sein không có ý định ra tranh cử chức tổng thống năm 2015, dẫn đến sự bất mãn của phe U Thein Sein.

Vượt qua cuộc tranh đấu cá nhân

Trước khi U Shwe Mann bị thanh trừng, người phát ngôn của phủ Tổng thống công khai trả lời rằng U Thein Sein không tham gia tranh cử, nhưng không phủ nhận việc U Thein Sein tiếp tục cương vị tổng thống. Sau khi U Shwe Mann bị cách chức, phe của U Thein Sein công khai tuyên bố U Thein Sein không có ý định tham gia tranh cử, vẫn giữ thái độ không rõ ràng đối với việc liệu U Thein Sein có tìm cách tái đắc cử hay không? Vì theo quy định của pháp luật Myanmar, tổng thống không nhất thiết phải là nghị sĩ. Điều này có nghĩa là cho dù U Thein Sein không tham gia tranh cử, không được bầu làm nghị sĩ thì ông vẫn có thể trở thành tổng thống nhiệm kỳ tới.

Mặc dù từ việc sắp xếp nhân sự hiện nay cho thấy cuộc thanh trừng chính trị này có liên quan mật thiết với việc cạnh tranh chức tổng thống giữa Shwe Mann và Thein Sein, nhưng đây chỉ có thể được coi là nguyên nhân bên ngoài, chứ không phải là nguyên nhân cơ bản dẫn đến cuộc thanh trừng lần này. Trong bản đồ chính trị của Myanmar, không thể xem nhẹ sức ảnh hưởng chính trị của quân đội. Quan hệ giữa Shwe Mann và Thein Sein với quân đội cũng đã quyết định vận mệnh chính trị của Shwe Mann và Thein Sein. Mặc dù Shwe Mann và Thein Sein đều đã cởi bỏ quân phục để đảm nhiệm chức vụ ở chính phủ, nhưng thái độ của họ đối với quân đội không giống nhau. So với thái độ ôn hòa của Thein Sein đối với quân đội thì Shwe Mann lại tỏ ra cứng rắn hơn nhiều.

Dù là trước đó việc sửa đổi hiến pháp đã làm yếu đi sức ảnh hưởng chính trị của quân đội, hay là về phương diện chấp nhận các sĩ quan giải ngũ trở thành ứng cử viên, Shwe Mann đều không nể mặt quân đội. Theo “Thời báo Myanmar” ngày 13/8, USDP do Shwe Mann lãnh đạo đã từ chối yêu cầu các sĩ quan giải ngũ trở thành ứng cử viên. Hành động này của Shwe Mann chắc chắn sẽ gây phẫn nộ cho phía quân đội. Sau khi Shwe Mann bị thanh trừng, Thein Sein nắm quyền lực lớn trong đảng, USDP đã chấp nhận hơn 100 sĩ quan giải ngũ và quan chức chính phủ trở thành ứng cử viên.

Ngoài ra một vấn đề khiến Thein Sein và phía quân đội lo ngại sâu sắc chính là sự gần gũi giữa Shwe Mann và bà Aung San Suu Kyi. “Thời báo Myanmar” cũng như trang mạng “Irrawaddy” đều cho rằng trước khi bị thanh trừng, Shwe Mann từng công khai hoan nghênh sự hợp tác mật thiết với bà Aung San Suu Kyi. Cựu cố vấn Naing Zin Hla của Tổng thống Thein Sein còn có bài viết cho rằng Shwe Mann và bà Aung San Suu Kyi đã đạt được thỏa thuận, nếu Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử thì họ sẽ đề nghị Shwe Mann nhậm chức tổng thống. Mặc dù Shwe Mann phủ nhận, nhưng sự lo ngại của Thein Sein và phía quân đội không những không giảm đi, trái lại càng tăng lên. Đối với phía quân đội, NLD là đối thủ cạnh tranh của USDP và lực lượng quân đội, buộc phải bằng mọi cách đánh bại NLD.

Theo quan điểm của lực lượng quân đội, hành động không thể tha thứ được nhất trong việc hợp tác giữa Shwe Mann và bà Aung San Suu Kyi chính là gây chia rẽ quân đội. Trước đó, Thủ Tướng Khin Nyunt hỗ trợ cơ quan tình báo tranh đấu với lực lượng quân đội, cuối cùng dẫn đến kết cục ngồi tù (sau đó được đặc xá). Soe Win - Thủ tướng thay thế lúc đó đã nêu ra tội trạng lớn nhất mà Khin Nyunt phạm phải chính là chia rẽ quân đội.

Shwe Mann chạm đến giới hạn này của lực lượng quân đội, đã quyết định số phận bị thanh trừng của ông, bất chấp quan hệ mật thiết giữa Shwe Mann và Than Shwe. Trên thực tế, về điểm này, Thein Sein thành thạo hơn nhiều so với Shwe Mann. Vào thời kỳ đầu giữ chức tổng thống, Thein Sein từng có ý định dốc sức thúc đẩy hòa giải chính trị với NLD, còn tiến hành hội đàm với bà Aung San Suu Kyi. Nhưng sau khi phát hiện lực lượng quân đội mong muốn đảng cầm quyền giữ khoảng cách vừa phải với bà Aung San Suu Kyi, Thein Sein đã thay đổi sách lược, chuyển sang giữ khoảng cách với NLD, dốc sức thúc đẩy cải cách kinh tế, nỗ lực xóa bỏ sự hoài nghi của lực lượng quân đội đối với mình.

Cuối cùng, quyền kiểm soát của Shwe Mann và Thein Sein với USDP cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến cuộc thanh trừng chính trị lần này. Trước khi Shwe Mann bị thanh trừng, Naing Zin Hla đăng bài chỉ trích Shwe Mann đã làm yếu thế lực của Thein Sein trong đảng, khiến cho Thein Sein và các bộ trưởng trong chính quyền của ông không có chỗ đứng trong đảng, trong đảng cũng không bầu họ trở thành ứng cử viên. Đồng thời, trong vấn đề xác định chức vụ sau khi được bầu là nghị sĩ, đảng nắm quyền quyết định.

Điều này có nghĩa là Shwe Mann trở thành người nắm quyền sắp xếp nhân sự, Thein Sein bị mất thực quyền, lợi ích của những người theo phe Thein Sein sẽ bị tổn thất nghiêm trọng. Do vậy, dù cho Thein Sein không tiến hành phản kích, thì những người theo phe Thein Sein cũng sẽ gây sức ép với ông ta, yêu cầu Thein Sein phải áp dụng hành động, đây cũng là một trong những nguyên nhân sâu sắc mà Thein Sein và phe cánh của ông ta buộc phải phản kích.
Xét về tổng thể, cuộc thanh trừng chính trị bất ngờ này một mặt đã đánh mạnh vào các thế lực phi bảo thủ của Myanmar, đã gạt bỏ trở ngại để thế lực bảo thủ bằng mọi cách giành được nguồn lực chính trị, mặt khác cũng công khai hóa sự chia rẽ của lực lượng cầm quyền, làm yếu đi sức cạnh tranh giữa USDP và NLD. Đối với NLD, mặc dù sự chia rẽ giữa lực lượng cầm quyền sẽ nâng cao tỷ lệ thắng cử của họ, nhưng sau cuộc tổng tuyển cử, NLD phải đối mặt với một thế lực bảo thủ mạnh hơn. Cuộc đấu giữa hai bên ra sao sẽ quyết định diễn biến tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar./.

Theo “M4.cn

Lê Sơn (gt)