Và bất chấp những gì mà nhiều nhà bình luận sốt sắng và có thiện ý dường như tin tưởng, sự kình địch Trung-Mỹ mới nảy sinh không chỉ đơn giản là hậu quả của những nhận thức sai lệch hoặc các chính sách sai lầm; thay vào đó nó được thúc đẩy bởi những lực lượng bắt rễ sâu xa trong cơ cấu đang thay đổi của hệ thống quốc tế và trong chính những chế độ chính trị trong nước rất khác nhau của hai cường quốc Thái Bình Dương. Xuyên suốt lịch sử, các mối quan hệ giữa nước có ảnh hưởng lớn và nước đang nổi lên là không dễ dàng – và thường là hung bạo. Các cường quốc đã định có xu hướng tự coi họ như những người bảo vệ một trật tự quốc tế mà họ đã góp phần tạo nên và nhờ trật tự đó mà họ tiếp tục được hưởng lợi; các cường quốc đang nổi lên cảm thấy bị cưỡng ép, thậm chí bị lừa dối, bởi hiện trạng và bởi cuộc chiến chống lại nó để chiếm đoạt những gì mà họ nghĩ là của họ một cách hợp pháp. Quả thực, cung cách của câu chuyện này, với những ngụ ý thêm của câu chuyện Sếchxpia về tuổi trẻ và tuổi già, và về sức mạnh và sự suy tàn, là một trong những câu chuyện cổ xưa nhất trong lịch sử đã được ghi chép lại. Trở lại thuở xa xưa vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, nhà sử học vĩ đại người Hy Lạp Thucydides đã bắt đầu công trình nghiên cứu của ông về cuộc Chiến tranh Peloponesia với lời nhận xét cứ tưởng là đơn giản rằng nguyên nhân thực sự và sâu sắc nhất của cuộc chiến tranh này là “sự gia tăng quyền lực của Aten và nỗi lo ngại mà điều này gây ra ở Sparta.” Vậy thì thực tế rằng quan hệ Mỹ-Trung là mang tính cạnh tranh, đơn giản chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng những nước này không chỉ là hai nước lớn bất kỳ: kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh, Mỹ là nước giàu nhất và hùng mạnh nhất trên thế giới; trái lại, Trung Quốc là nước có những tiềm năng phát triển nhanh nhất. Mỹ hiện vẫn là nước “số một”, nhưng Trung Quốc đang có những tiến bộ nhanh. Các nguồn lợi hiện ở mức cao mà họ có thể với tới, và khả năng dẫn đến xung đột là rất cao. 

Ít nhất đối với các cường quốc chi phối, các nước đang nổi lên có xu hướng trở thành những thế lực gây rối. Khi những khả năng của một quốc gia phát triển, các nhà lãnh đạo của nước này nói chung xác định những lợi ích của họ mở rộng hơn và tìm kiếm một mức độ ảnh hưởng lớn hơn đối với những gì đang xảy ra ở xung quanh họ. Điều này có nghĩa là những nước đang nổi lên tiêu biểu tìm cách không chỉ bảo vệ các đường biên giới của họ mà còn muốn vượt ra ngoài cả những đường biên giới đó, áp dụng các biện pháp để bảo đảm quyền tiếp cận các thị trường, các nguồn nguyên vật liệu và các tuyến đường giao thông vận tải; bảo vệ các công dân của họ ở xa gia đình; bảo vệ các bạn bè và đồng minh người nước ngoài của họ; truyền bá những niềm tin về hệ tư tưởng và tôn giáo của họ; và nói chung để có được những gì mà họ coi là quyền phát ngôn hợp pháp của họ trong các công việc của khu vực họ cũng như các công việc của một thế giới rộng lớn hơn. Khi họ bắt đầu tự khẳng định mình, các nước đang nổi lên một cách điển hình cảm thấy như bị thúc ép phải thách thức các đường biên giới lãnh thổ, các thể chế quốc tế và những cấp độ về uy tín vốn đã được sắp đặt từ trước đó khi họ vẫn còn ở trong tình trạng khá yếu kém. Giống như Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19, hoặc Cộng hòa liên bang Đức lúc bước vào thế kỷ 20, các cường quốc đang nổi lên muốn ở vào vị thế bình đẳng. Tất nhiên điều này là những gì dẫn họ đến xung đột với các nước lớn đã định – cái gọi là các nước nguyên trạng - được coi là những kiến trúc sư, những người được hưởng lợi lộc chính và là những người bảo vệ chủ yếu của bất kỳ một hệ thống quốc tế đang tồn tại nào. 

Sự đụng độ về quyền lợi do kết quả của điều đó giữa hai bên ít khi được giải quyết một cách hòa bình. Nhận thấy mối đe dọa ngày càng tăng đối với vị thế của họ, các cường quốc chi phối (hoặc một liên minh các nước nguyên trạng) đôi lúc đã cố tấn công và triệt phá một đối thủ cạnh tranh trước khi đối thủ này có thể lớn đủ mạnh để trở thành một mối đe dọa. Các nước khác - với hy vọng sẽ tránh được chiến tranh – đã áp dụng phương pháp trái ngược: tìm cách xoa dịu những nước thách thức tiềm tàng, họ tìm cách thỏa mãn những đòi hỏi và tham vọng của những nước này đồng thời tìm cách hội nhập chặt chẽ các nước đó một cách hòa bình vào trật tự quốc tế hiện hành. Tuy nhiên, bất kể thành thực đến đâu, những nỗ lực này hầu như luôn kết thúc trong thất bại. Thỉnh thoảng, lý do rõ ràng nằm trong những đòi hỏi của nước đang nổi lên này. Như sự thực về nước Đức của Adolf Hitler, một kẻ xâm lược có thể có những tham vọng lớn đến mức các cường quốc nguyên trạng không thể thỏa mãn mà không phó thác bản thân họ một cách có hiệu quả cho tình trạng nô lệ hoặc có hành động tự sát mang tính quốc gia. Thậm chí khi những đòi hỏi đối với họ ít phiền hà hơn, các nước chi phối thường hoặc là miễn cưỡng đưa ra những sự nhân nhượng, vì vậy thổi bùng lên những nỗi thất vọng và sự tức giận của cường quốc mới nổi lên này, hoặc là quá hăm hở làm việc đó, nuôi dưỡng những tham vọng của nó và gây ra một vòng xoáy của những đòi hỏi ngày một tăng. Các chính sách xoa dịu thành công là có thể hiểu được về mặt lý thuyết nhưng trên thực tế đã chứng tỏ là rất khó để thực hiện. Đây là lý do vì sao các giai đoạn quá độ, khi một cường quốc mới đang nổi bắt đầu vượt lên nước chi phối trước đây, thường là được đánh dấu bởi chiến tranh. 

Trong khi họ tỏ ra cẩn trọng không nói thẳng ra một cách trực tiếp, các nhà cầm quyền hiện nay của Trung Quốc dường như có ý định chứng tỏ đất nước họ như một cường quốc nổi trội ở Đông Á, và có lẽ hiển nhiên ở châu Á. Mục đích là làm cho Trung Quốc trở thành một nước hùng mạnh nhất và có ảnh hưởng lớn nhất trong các nước láng giềng của nước này: một nước có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công và các mối đe dọa; giải quyết các cuộc tranh chấp về vấn đề lãnh thổ và các nguồn tài nguyên theo ý muốn của mình; ép buộc hoặc thuyết phục các nước khác tán thành những mong muốn của nước mình về các vấn đề từ buôn bán và đầu tư cho đến các thỏa thuận dựa trên liên minh và bên thứ ba cho tới việc giải quyết vấn đề dân số sắc tộc thiểu số Trung Quốc; và, ít nhất trong một vài trường hợp, tác động đến đặc tính và kết cấu các chính quyền của họ. Bắc Kinh có thể không tìm cách chinh phục hoặc kiểm soát trực tiếp theo quy luật tự nhiên đối với các khu vực xung quanh, nhưng bất chấp những tuyên bố trái ngược lặp đi lặp lại, Bắc Kinh đang tìm kiếm một hình thái về quyền bá chủ ở khu vực. 

Những tham vọng như vậy khó lòng làm cho Trung Quốc trở nên độc nhất vô nhị. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, có một sự tương quan mạnh giữa việc tăng nhanh nguồn của cải và sức mạnh tiềm tàng của một quốc gia, phạm vi địa lý của những lợi ích của nó, cường độ và sự đa dạng của các mối đe dọa có thể nhận thấy đối với những lợi ích đó, với mong muốn mở rộng những khả năng quân sự cũng như sử dụng ảnh hưởng lớn hơn nhằm bảo vệ chúng. Sự phát triển có xu hướng khích lệ việc mở rộng, điều dẫn tới sự không an toàn nuôi dưỡng mong muốn có thêm quyền lực. Hình thái này được củng cố vững chắc trong thời hiện đại. Nhìn lại thế kỷ 19 và 20, Samuel Huntington nhận thấy rằng “mỗi một cường quốc chủ yếu khác, Anh và Pháp, Cộng hòa liên bang Đức và Nhật Bản, Mỹ và Liên Xô, đã thực hiện việc mở rộng ra bên ngoài, sự quyết đoán, và chủ nghĩa đế quốc trùng khớp ngẫu nhiên hoặc ngay sau những năm trong đó nó trải qua công cuộc công nghiệp hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng.” Đối với Trung Quốc, Huntington đi đến kết luận rằng “không có lý do để cho rằng việc có được sức mạnh quân sự và kinh tế sẽ không có những tác động có thể so sánh” đối với các chính sách của nước này. Dĩ nhiên, cách hành xử trước đây của các nước khác là mang tính gợi ý, nhưng nó khó có thể là một sự hướng dẫn rõ ràng cho tương lai. Chỉ vì các cường quốc khác hành động theo những cách nào đó không nhất thiết có nghĩa là Trung Quốc phải hành động giống như vậy. Có lẽ trong một thế giới của các thị trường toàn cầu và vũ khí hạt nhân, những nỗi khiếp sợ và những tham vọng mà đã thúc đẩy các cường quốc đang trỗi dậy trước đây hiện không còn có tác dụng nữa. Có lẽ các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã rút ra được bài học từ lịch sử rằng các cường quốc đang nổi lên một cách quá quyết đoán tiêu biểu là khuấy động nỗi oán giận và sự chống đối. 

Nhưng Trung Quốc không chỉ là một cường quốc đang nổi lên bất kỳ nào, và lịch sử của nước này đem đến thêm lý do để tin rằng Trung Quốc sẽ tìm kiếm một hình thái nào đó của sự vượt trội hơn ở khu vực. Đây là một dân tộc với quá khứ lâu đời và đầy tự hào như một trung tâm hàng đầu của nền văn minh Đông Á và một sự trải nghiệm gần đây hơn và ít vẻ vang hơn là bị những kẻ xâm lược nước ngoài thống trị và làm nhục. Như một số nhà sử học mới đây đã chỉ rõ, Trung Quốc hiện không hoàn toàn giống như một nước “đang nổi lên” khi nước này đang quay trở lại vị thế vượt trội hơn ở khu vực mà nó đã từng nắm giữ và là vị thế mà các nhà lãnh đạo và nhiều người dân Trung Quốc vẫn còn coi đó như một điều tự nhiên và thích hợp. Mong muốn thiết lập lại một hệ thống lấy Trung Quốc làm trung tâm sẽ là phù hợp với những gì mà nhà báo Martin Jacques mô tả như “một giả định không sao chống lại được về phía người Trung Quốc cho rằng vị thế tự nhiên của họ nằm ở trung tâm Đông Á, rằng nền văn minh của họ không có những nền văn minh tương xứng ở khu vực này, và rằng vị thế hợp pháp của họ, như đã được lịch sử ban tặng, sẽ được giành lại vào một thời điểm nào đó trong tương lai.” Học giả bảo thủ Yan Xuetong đặt vấn đề một cách súc tích: Người Trung Quốc tự hào về quá khứ vẻ vang của đất nước họ đồng thời tin rằng sự sa sút của nước này từ vị thế vượt trội sẽ là “một sai lầm lịch sử mà họ cần sửa chữa.” Nếu có bất kỳ điều gì, thì “một thế kỷ chịu sự nhục nhã” trong đó Trung Quốc tỏ ra yếu kém và dễ bị tổn thương chỉ làm tăng thêm sự cấp bách cho việc nước này theo đuổi quyền lực. Đối với một dân tộc với lịch sử của Trung Quốc, việc giành lại một vị thế với sức mạnh không thể thách thức không được coi chỉ đơn giản như vấn đề của niềm tự hào mà còn được coi như một điều kiện tiên quyết cơ bản để tiếp tục phát triển, bảo đảm an ninh và hoàn toàn có thể là vấn đề của sự tồn tại. 

Những mô hình vững chắc của các hoạt động chính trị giành quyền lực vì vậy đang đẩy Mỹ và Trung Quốc tới sự mất tin tưởng và tới xu hướng cạnh tranh, nếu không phải nhất thiết tiến tới xung đột công khai. Nhưng đây không phải là tất cả câu chuyện. Trái với những gì mà một vài người có đầu óc thực tế khẳng định, các vấn đề tư tưởng ít nhất cũng có nhiều sức mạnh trong việc quyết định tiến trình diễn biến của các mối quan hệ giữa các quốc gia. Sự thật việc nước Mỹ là một nền dân chủ tự do trong khi Trung Quốc vẫn nằm dưới sự cai trị độc đoán là một sự thúc đẩy đáng kể hơn nữa đối với sự kình địch, một cản trở đối với các mối quan hệ hợp tác và ổn định cũng như là một nguồn gây thù địch và mất tin tưởng lẫn nhau. Các mối quan hệ giữa các nước dân chủ và các nước không dân chủ luôn được chỉ đạo trong cái mà nhà lý luận chính trị Michael Doyle mô tả như một “bầu không khí của sự nghi ngờ”, một phần vì “quan niệm của các nhà nước tự do cho rằng các nước không tự do luôn ở trong tình trạng gây hấn thường xuyên chống lại người dân của họ.” Nói tóm lại, các nước dân chủ coi các nước không dân chủ ít mang tính hợp pháp hơn do họ không được sự chấp thuận được đưa ra một cách tự do của người dân nước họ. Trong thâm tâm sâu thẳm của họ, hầu hết các công dân ở những nước tự trị đơn giản không tin rằng tất cả các nhà nước đều được sinh ra một cách bình đẳng hoặc họ có quyền được tôn trọng như nhau bất kể họ được cai trị như thế nào. Nhìn nhận dưới ánh sáng này, các cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề chẳng hạn như sự kiểm duyệt và tự do tôn giáo hiện không chỉ là những nỗi tức giận bề ngoài có thể làm cho tan biến hoặc rũ bỏ. Thay cho việc đó, các cuộc tranh chấp đó mang triệu chứng của những khó khăn sâu sắc hơn nhiều. Đối với hầu hết người Mỹ, việc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc không chỉ sai trái về bản chất, chúng còn là những chỉ số mạnh mẽ cho thấy bản chất khó chịu về mặt đạo lý của chế độ Bắc Kinh. Trong khi Mỹ có thể có khả năng làm ăn kinh doanh với một chính phủ kiểu như vậy ít nhất trên một vài lĩnh vực, khả năng có một mối quan hệ ổn định, tin tưởng và nồng ấm là xa vời nếu nói một cách giảm nhẹ nhất. 

Các nước dân chủ cũng có xu hướng coi các nước không dân chủ vốn là không đáng tin cậy và dễ có khả năng xâm lược nước ngoài. Do việc giữ bí mật mà trong đó các hoạt động của họ được che giấu, những ý định, và thường là toàn bộ phạm vi những khả năng quân sự của các nước không dân chủ, là rất khó nhận thấy. Trong những năm gần đây, các quan chức Mỹ đã gây sức ép với các đối tác Trung Quốc của họ về việc cần phải “minh bạch” hơn về các chương trình phòng thủ, nhưng ít có hy vọng rằng những yêu cầu khẩn thiết này sẽ được đáp ứng bằng bất kỳ phương thức có ý nghĩa nào. Và ngay dù nếu Bắc Kinh bỗng nhiên có đưa ra hàng loạt thông tin chính xác, các nhà phân tích Mỹ sẽ nhìn nhận chúng với sự nghi ngờ sâu sắc, xem xét kỹ lưỡng những số liệu xem có dấu hiệu nào của sự lừa gạt và của thông tin đánh lạc hướng. Và họ có lý để làm điều đó. Chính phủ Trung Quốc được kiểm soát chặt chẽ và theo xu hướng tập trung hiện ở trong hoàn cảnh thuận lợi hơn nhiều để thông qua những kế hoạch kiểu như vậy so với Chính phủ Mỹ mở cửa, bị chia rẽ và có nhiều kẽ hở. Khả năng giữ bí mật của họ cũng làm cho các nước không dân chủ dễ dàng hơn trong việc sử dụng vũ lực mà không cần cảnh báo. Kể từ năm 1949, giới cầm quyền Trung Quốc đã cho thấy một sở thích đặc biệt về lừa dối cũng như các cuộc tấn công bất ngờ. (Hãy nghĩ đến việc Bắc Kinh tham gia cuộc Chiến tranh Triều Tiên hồi tháng 12/1950 hoặc việc Trung Quốc tấn công Ấn Độ hồi tháng 10/1962). Xu hướng này có thể bắt nguồn sâu xa từ nền văn hóa chiến lược của Trung Quốc có từ thời Tôn Tử, nhưng nó cũng hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của chế độ trong nước hiện nay của Trung Quốc. Quả thực, đối với hầu hết các nhà phân tích Mỹ, bản chất độc đoán của Chính phủ Trung Quốc hiện là mối quan ngại lớn hơn nhiều so với nền văn hóa của nước này. Nếu Trung Quốc là một nước dân chủ, những nền tảng văn hóa và xã hội sâu sắc của cách hành xử về chính trị và chiến lược của nước này có thể ít thay đổi, nhưng các nhà hoạch định quân sự Mỹ chắc vẫn ít nhiều lo ngại rằng một ngày nào đó, Trung Quốc có thể tìm cách tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng vào các lực lượng và căn cứ Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. 

Những nỗi lo sợ xâm lược như vậy đã tăng lên bởi một nhận thức cho rằng sự lo ngại về việc thiếu tính hợp pháp ở trong nước có thể khiến cho các chính phủ không dân chủ tìm cách hướng tâm trạng thất vọng và bất bình của dân chúng về phía những kẻ thù ở bên ngoài. Chẳng hạn, một vài nhà quan sát phương Tây lo ngại rằng nếu nền kinh tế Trung Quốc sa sút, giới lãnh đạo nước này sẽ tìm cách đổ lỗi cho người nước ngoài và thậm chí tạo ra các cuộc khủng hoảng với Đài Loan, Nhật Bản hoặc Mỹ nhằm tập hợp người dân của họ và chuyển hướng sự tức giận của dân chúng. Bất kể Bắc Kinh có ý định gì, những sự đối đầu kiểu như vậy có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Các nhà lãnh đạo dân chủ khó lòng thoát khỏi sự quyến rũ của các cuộc phiêu lưu mạo hiểm ở nước ngoài. Tuy nhiên, do lợi ích dành cho họ thấp hơn nhiều, họ càng ít có khả năng lao vào những sự rủi ro quá mức để vẫn tiếp tục nắm giữ quyền lực của họ. Tuy nhiên, sự không tin tưởng giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh không phải là con đường một chiều – và với lý do tốt đẹp. Giới lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc không nhìn nhận bản thân họ như họ đã từng nhìn nhận trước đây, với tư cách là các nhà lãnh đạo của phong trào cách mạng toàn cầu, nhưng họ tin tưởng rằng họ tham gia một cuộc chiến về ý thức hệ, mặc dù là một cuộc chiến mà cho đến thời gian rất gần đây, họ hầu như hoàn toàn lâm vào thế thủ. Trong khi họ coi việc Oasinhtơn bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề nhân quyền và quyền tự do cá nhân là ích kỷ và mang tính cơ hội chủ nghĩa, giới lãnh đạo Trung Quốc không nghi ngờ rằng Mỹ được thúc đẩy bởi sự nhiệt tình về tư tưởng chân chính. Theo đánh giá của Bắc Kinh, Oasinhtơn là một cường quốc gần như là đế quốc, tự do, nguy hiểm, có xu hướng thập tự chinh, sẽ không chịu yên cho đến khi nước này áp đặt được quan niệm và cách sống của mình cho toàn thể hành tinh này. Bất kỳ ai không thấu hiểu điều này chỉ cần đọc các bài diễn văn của các quan chức Mỹ, với những lời hứa hẹn của họ về việc mở rộng phạm vi dân chủ và trừ bỏ bạo ngược trên thế giới. 

Trên thực tế, do hệ tư tưởng khiến cho Mỹ có chiều hướng đa nghi và thù địch với Trung Quốc hơn là chỉ vì những lý do chiến lược đơn thuần, hệ tư tưởng cũng có xu hướng củng cố thiện chí của Oasinhtơn trong việc giúp các nền dân chủ khác cảm thấy bị đe dọa bởi sức mạnh của Trung Quốc, ngay dù nếu đây không phải là những gì mà một sự tính toán chính trị thực dụng đơn thuần về những lợi ích của nước này dường như có thể đòi hỏi. Vì vậy, sự trợ giúp kiên trì và quả thực là sâu xa của Mỹ đối với Đài Loan trong những năm 1990 không thể giải thích được mà không đề cập đến sự thật rằng hòn đảo này đã phát triển từ một thành trì độc đoán chống chủ nghĩa cộng sản thành một nền dân chủ tự do. Cắt đứt những mối quan hệ cuối cùng của Mỹ với Đài Loan sẽ xóa bỏ được một nguồn gốc chủ yếu của sự xích mích với Trung Quốc và nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến chiến tranh. Một động thái kiểu như vậy thậm chí là có thể hiểu được nếu Đài Loan vẫn còn hiện diện trước nhiều người Mỹ như nó đã từng hiện diện trong những năm 1970, như một chế độ độc tài đàn áp và tham nhũng. Nhưng sự thật là việc Đài Loan hiện được coi như một nền dân chủ chân chính (nếu không nói là nền dân chủ chưa hoàn thiện) sẽ khiến Oasinhtơn hết sức khó khăn trong việc sẵn lòng buông trôi bỏ mặc hòn đảo này vào lúc nào đó. Sau khi chứng kiến việc nước Mỹ lật đổ Liên bang Xôviết thông qua sự kết hợp giữa đối đầu và hoạt động lật đổ, kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh, các nhà chiến lược Trung Quốc đã lo ngại rằng Oasinhtơn có ý định hành động tương tự như vậy đối với họ. Niềm tin này hiện bóp méo những nhận thức của Bắc Kinh về hầu như mọi mặt của chính sách Mỹ đối với chính quyền này, từ sự hăng hái tham gia các hoạt động kinh tế cho đến những nỗ lực khích lệ sự phát triển của hệ thống luật pháp Trung Quốc. Nó cũng định hình những đánh giá của giới lãnh đạo Trung Quốc về các hoạt động của Mỹ ở khắp châu Á, điều mà Bắc Kinh tin là nhằm bao vây Trung Quốc bằng các nền dân chủ ủng hộ Mỹ, đồng thời thấm nhuần vào các chính sách của chính Trung Quốc nhằm chống lại ảnh hưởng đó. 

Khi Trung Quốc xuất hiện trên vũ đài thế giới, nước này đang trở thành một nguồn cảm hứng và nguồn tài trợ vật chất cho những kẻ độc tài đang dàn quân thành thế trận ở khu vực Trung Đông, châu Phi, khu vực Mỹ Latinh và châu Á - những đấu thủ nhà nghề chống dân chủ, những kẻ có vẻ sẽ bị đâm đầu vào “đống rác” của lịch sử sau sự sụp đổ của Liên Xô. Người Mỹ từ lâu có thể đã tin rằng sự tăng trưởng đòi hỏi quyền tự do lựa chọn trong lĩnh vực kinh tế (điều được coi là chắc chắn dẫn tới việc mở rộng các quyền tự do chính trị), nhưng ít nhất hiện nay, Đại Lục đã thành công trong việc kết hợp sự thống trị độc đoán với các hoạt động kinh tế do thị trường thúc đẩy. Nếu đó được coi là đem lại một hình mẫu lựa chọn thay thế cho sự phát triển, thì sự tăng trưởng tiếp tục của Trung Quốc dưới sự cai trị độc đoán có thể làm phức tạp và làm chậm lại những nỗ lực lâu dài của Mỹ trong việc thúc đẩy phổ biến các thể chế chính trị tự do trên khắp thế giới. Lo ngại việc Mỹ có ý muốn thay đổi chế độ cũng đang đóng vai trò ngày càng tăng trong việc định ra chính sách của Trung Quốc đối với các nước ở những vùng khác trên thế giới. Nếu Mỹ có thể gây sức ép và hạ bệ các nhà lãnh đạo hiện nay ở Vênêxuêla, Dimbabuê và Iran, nước này cũng có thể táo bạo trong nỗ lực làm điều tương tự như vậy đối với Trung Quốc. Bằng cách giúp các chế độ trên tiếp tục tồn tại, Bắc Kinh giành được bạn bè và đồng minh cho các cuộc chiến trong tương lai, làm suy yếu quan niệm cho rằng dân chủ đang trên đà phát triển và làm mất đi một số trong những năng lực phi thường của Mỹ. Những nỗ lực của Oasinhtơn nhằm cô lập, ép buộc và có khả năng phá hoại ngầm các nhà nước độc tài “không lương thiện” (chẳng hạn như Iran và Bắc Triều Tiên) đã bị làm cho phức tạp, nếu không nói là bị thất bại, bởi việc Bắc Kinh sẵn sàng can dự với các nước này. Dĩ nhiên, các hành động của Trung Quốc đồng thời cũng làm tăng sự quan ngại của Oasinhtơn về những động cơ và những ý định của Trung Quốc, vì vậy chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa cạnh tranh. Có thể là bất kỳ một cường quốc đang nổi lên nào trong vị thế địa chính trị của Bắc Kinh cũng sẽ tìm kiếm ảnh hưởng đáng kể tại các nước láng giềng lân cận của mình. Cũng có thể đúng là dưới ánh sáng lịch sử của mình và bất kể nước này được cai trị ra sao, Trung Quốc sẽ đặc biệt quan tâm đến việc tự khẳng định mình và được các nước láng giềng biết đến như là nước đứng đầu trong số những nước được coi là ngang hàng nhau. Nhưng chính là đặc điểm của hệ thống chính trị trong nước của quốc gia này cuối cùng sẽ mang tính quyết định trong việc xác định chính xác những mục tiêu ở bên ngoài của nó và việc nước này nỗ lực theo đuổi những mục tiêu đó ra sao. 

Như Ross Terrill thuộc Trung tâm Fairbank của Harvard chỉ rõ, khi chúng ta nói về những ý định hay chiến lược của Trung Quốc, chúng ta thực sự nói về những mục đích và các kế hoạch của các nhà lãnh đạo hàng đầu ngày nay hoặc, như ông mô tả họ, là “9 nhân vật làm thành Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP).” Tất cả mọi điều chúng ta biết về những người này cho thấy hơn ai hết họ được thúc đẩy bởi lòng tin của họ vào sự cần thiết phải duy trì quyền lực của CCP. Xét về một ý nghĩa nhất định, đây là một vấn đề hoàn toàn tư lợi. Các nhà lãnh đạo hiện nay cùng các gia đình của họ được hưởng những đặc quyền đặc lợi và những cơ hội mà những người khác trong xã hội Trung Quốc không được hưởng và là những thứ bắt nguồn trực tiếp từ sự gần gũi của họ với các nguồn quyền lực chính trị. Việc chấm dứt sự ngự trị kéo dài hàng thập kỷ của Đảng Cộng sản sẽ dẫn đến những hậu quả gây đau đớn, ngay lập tức và thậm chí có lẽ là tai hại đối với những nhân vật ở cấp cao nhất của hệ thống này. Những ngôi sao đang nổi lên hy vọng một ngày nào đó sẽ chiếm lĩnh những vị trí này và thậm chí các quan chức cấp dưới với những tham vọng khiêm nhường hơn có lẽ sẽ có những tính toán tương tự. Sự hội tụ những lợi ích cá nhân và ý thức về một vận mệnh cùng được chia sẻ này mang đến cho nhà nước- đảng một sự cố kết mà nó sẽ thiếu trong một tình trạng khác. Các đảng viên của đảng biết rằng nếu họ không đoàn kết với nhau, thì họ có thể bị treo cổ riêng rẽ – và sự hiểu biết này thấm nhuần vào cách suy nghĩ của họ về mọi vấn đề mà họ gặp phải. Tuy nhiên, động cơ thúc đẩy để tiếp tục duy trì sự thống trị của CCP không chỉ bắt nguồn từ lợi ích riêng. Giới lãnh đạo này có niềm tin chân thành sâu sắc vào những thành tựu trước đây cũng như sự cần thiết không thể thiếu được trong tương lai của đảng. Xét cho cùng, chính CCP đã cứu Trung Quốc từ tay những kẻ xâm lược nước ngoài, giải thoát nước này khỏi một thế kỷ bị áp bức và làm nhục, đồng thời đưa nước này trở lại đội ngũ các nước lớn trên thế giới. Theo sự đánh giá của các nhà lãnh đạo và một phần trong dân chúng Trung Quốc, bản thân những thành tựu này mang đến cho CCP quyền lực tinh thần duy nhất đồng thời hợp pháp hóa sự cai trị của nó. 

Nhìn về phía trước, các quan chức đảng tin tưởng rằng họ một mặt đang đứng giữa sự ổn định tiếp tục, sự thịnh vượng, tiến bộ và xu hướng tiến lên không thể dừng lại được tới vị thế quan trọng và mặt khác quay trở lại tình trạng hỗn loạn và yếu kém. Một phân tích các hồ sơ cá nhân mật bị rò rỉ về “thế hệ thứ tư” các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay (với Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân đứng đầu 3 thế hệ đầu tiên) do Các nhà Trung Quốc học Andrew Nathan và Bruce Gilley viết đã đi đến kết luận rằng bàn về vấn đề này, hiện không có bằng chứng về sự bất đồng hoặc sự nghi ngờ. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các đồng sự của ông và những người dường như sẽ kế vị họ nhận thức rõ vô số thách thức đối ngoại và đối nội mà họ phải đương đầu, nhưng họ tin tưởng rằng họ, và chỉ có họ, có thể tìm ra được những giải pháp cần thiết để giữ cho đất nước họ tiến lên phía trước và giúp đất nước này đạt được vận mệnh của nó. Thực vậy, họ tin tưởng rằng chính là tầm quan trọng và sự phức tạp của những vấn đề đặt ra trước Trung Quốc làm cho sự cai trị tiếp tục của họ trở nên cần thiết. Mong muốn tiếp tục nắm quyền lực của đảng định hình mọi mặt của chính sách quốc gia. Khi bàn về các vấn đề quốc tế, điều đó có nghĩa là mục đích cuối cùng của Bắc Kinh là “làm cho thế giới an toàn để duy trì chủ nghĩa độc đoán”, hoặc ít nhất là để tiếp tục duy trì sự cai trị của một đảng ở Trung Quốc. Trong một vài thập kỷ qua, sự tập trung này vào vấn đề an ninh của chế độ trước tiên đã dẫn đến việc chú trọng duy trì các điều kiện quốc tế cần thiết để giữ nhịp độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng. Khả năng của đảng sắp đặt những cải thiện nhanh chóng về mức thu nhập và phúc lợi cá nhân là thành tựu xác thực nhất của 30 năm qua và là nguồn gốc của tuyên bố mạnh mẽ nhất của đảng về lòng biết ơn và sự trung thành của nhân dân Trung Quốc. Thomas Christensen thuộc trường đại học Princeton lập luận rằng sự tăng trưởng kinh tế “mang đến sự hài lòng và việc giải trí cho dân chúng và vì vậy đem đến sự ủng hộ trong nước dành cho đảng (hoặc ít nhất là làm giảm sự chống đối quyết liệt đối với đảng).” Tăng trưởng cũng tạo ra những khoản thu nhập mà chế độ này có thể sử dụng để mua chuộc sự chống đối đồng thời chuyển ngân sách cho các vùng nghèo hơn cũng như cho các khu vực thiểu số để tìm cách ngăn chặn các cuộc nổi dậy bạo lực.” 

Khi Trung Quốc trở nên giàu và mạnh hơn, việc chế độ này theo đuổi lĩnh vực bảo vệ an ninh cũng dẫn đến việc chế độ đó tìm kiếm một biện pháp kiểm soát ngày càng tăng đối với thế giới ở bên ngoài các đường biên giới của nước này. Việc mở rộng ra bên ngoài này có cả những động cơ tấn công và phòng thủ. Là nhà quản lý sự vĩ đại của quốc gia, đảng có trách nhiệm đưa Trung Quốc trở lại vị trí hợp pháp của nước này ở trung tâm châu Á. Sự tôn trọng được thể hiện rõ của các nước khác sẽ là bằng chứng về sự thành công của chế độ về mặt này và sẽ giúp củng cố tính hợp pháp của đảng ở trong nước. Đặc biệt nếu nhịp độ phát triển kinh tế bị chững lại, việc “đương đầu” với những kẻ thù truyền thống và việc giải quyết vấn đề Đài Loan cũng như các cuộc tranh chấp khác theo điều kiện của Bắc Kinh dường như sẽ có khả năng trở thành những phần ngày càng quan trọng trong chiến lược của CCP để tiếp tục nắm giữ quyền lực. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng rằng đất nước của họ càng mạnh hơn ở nước ngoài, chế độ của họ sẽ càng mạnh hơn ở trong nước. Trái lại, việc bộc lộ sự yếu kém hoặc quan niệm rộng rãi cho rằng quốc gia này đã bị đánh bại hoặc bị làm nhục có thể là điều cực kỳ nguy hiểm đối với những triển vọng tiếp tục cầm quyền của đảng này. Chú trọng đến những mối quan ngại về tính hợp pháp của đảng làm cho chế độ này trở nên nhạy cảm trước những sự coi thường và những thất bại, và thậm chí tỏ ra quyết tâm trong việc ngăn chặn những thách thức cũng như tránh những thất bại hơn là nó có thể trong tình trạng khác. Sự bảo đảm tốt nhất chống lại những hiểm họa như vậy đối với Trung Quốc là gia tăng ưu thế hơn hẳn về quyền lực ở khu vực láng giềng của nước này. 

Ngoài ra, sự nhạy cảm quá mức của CCP với cái mà đảng này cho là “chủ nghĩa ly khai” là kết quả trực tiếp của niềm tin của đảng này cho rằng nó cần phải tiếp tục duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ của trung ương ở mọi nơi và mọi lúc. Những yêu cầu khẩn thiết đòi quyền tự trị lớn hơn từ Tây Tạng hoặc từ Tân Cương vì vậy được coi là những mối đe dọa nguy hiểm chết người đối với sự thống nhất dân tộc và vì thế đối với việc tiếp tục nắm quyền lãnh đạo của đảng cộng sản. Chế độ này tin rằng nếu nó nới lỏng sự kiểm soát của mình, thậm chí chỉ là đôi chút, toàn bộ đất nước này sẽ bị rạn nứt thành từng mảng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy rõ sự cần thiết phải phát triển đủ mạnh để ngăn chặn các nước láng giềng cung cấp viện trợ và tiện nghi cho các nhóm theo đường lối ly khai đồng thời sẽ xây dựng khả năng can thiệp trực tiếp để ngăn chặn những nhóm đó, nếu điều đó trở thành cần thiết. Ngay cả khi trở nên mạnh hơn và tự tin hơn trong những mặt nhất định, CCP tiếp tục lo ngại về sự ô nhiễm tư tưởng. Các nước có cùng một xu hướng tư tưởng và dễ uốn nắn nằm dọc theo các đường biên giới của nước này có khả năng hơn nhiều giúp Bắc Kinh đối phó với nguy cơ này so với các nền dân chủ tự do đang phát triển mạnh với các mối quan hệ mạnh mẽ với phương Tây. Mong muốn ngăn chặn trước xu hướng “diễn biến hòa bình" ở trong nước đem đến cho chế độ này một lý do hấp dẫn khác để muốn định hình sự phát triển chính trị ở các nước láng giềng của Trung Quốc. 

Nói tóm lại: giới lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc không chỉ muốn tìm kiếm ưu thế vì họ là các nhà lãnh đạo của một nước lớn đang nổi lên hoặc đơn giản chỉ vì họ là những người Trung Quốc. Mong muốn thống trị và kiểm soát của họ xét trên phạm vi rộng lớn là sản phẩm phụ của một kiểu hệ thống chính trị mà họ điều hành. Một nước Trung Quốc tự do dân chủ hùng mạnh chắc chắn sẽ tìm kiếm một vai trò dẫn đầu trong khu vực của mình và có lẽ tìm kiếm sự phủ quyết có hiệu quả đối với những xu hướng phát triển mà nước này thấy có hại cho những lợi ích của Trung Quốc. Nhưng nó cũng sẽ ít lo ngại hơn về sự bất ổn ở trong nước, ít bị đe dọa bởi sự hiện diện của các nước láng giềng dân chủ và ít có xu hướng tìm kiếm giá trị pháp lý ở trong nước thông qua việc chi phối và làm cho các nước khác bị lệ thuộc.

Mặc dù không phải ai cũng tin chắc như vậy, dường như là một nước Trung Quốc dân chủ hơn cuối cùng sẽ tạo ra một môi trường có xu hướng ngả theo hòa bình nhiều hơn là ngả theo chiến tranh ở châu Á. Theo cách nhìn nhận của một vài người có đầu óc thực tế, công cuộc cải cách trong nước sẽ chỉ làm cho Bắc Kinh giàu hơn, mạnh hơn và vì vậy là một đối thủ cạnh tranh có uy quyền lớn hơn mà không làm nó đi trệch mong muốn của mình là chi phối khu vực Đông Á và ghi điểm với một số nước láng giềng. Một sự thật chắc chắn là về lâu dài, ngay dù Trung Quốc có trở thành một nước dân chủ hòa bình và ổn định, con đường của nước này sẽ là khó khăn. Việc mở cửa hệ thống chính trị của nước này cho ý kiến đối lập và tranh cãi có vẻ như đưa một yếu tố bất ổn vào chính sách đối ngoại của Trung Quốc khi người ta nghe thấy những tiếng nói mới và các nhà lãnh đạo đầy khát vọng giành giật sự ủng hộ của dân chúng. Như một nhà quan sát, nhà kinh tế David Hale, chỉ rõ: “Một nước Trung Quốc độc đoán là rất có thể dự đoán được. Một nước Trung Quốc dân chủ và mở cửa hơn có thể đem lại những điều bấp bênh mới cả về chính sách trong nước lẫn các quan hệ quốc tế.” 

Chủ nghĩa dân tộc, có lẽ dưới hình thức gây hấn và độc hại nhất, dường như là yếu tố đóng một vai trò nổi bật trong việc hình thành chính sách đối ngoại của một Vương quốc Trung tâm đang tự do hóa. Nhờ sự phổ cập của mạng Internet và việc nới lỏng sự kiềm chế đối với ít nhất một vài hình thức của cách diễn đạt chính trị “yêu nước”, chế độ hiện nay đã tự thấy mình là đối tượng của sự chỉ trích bất kể khi nào nước này áp dụng cái mà một số “cư dân mạng” cho là lập trường quá dễ dãi đối với Nhật Bản, Đài Loan hoặc Mỹ. Bắc Kinh thỉnh thoảng cũng tìm cách khuấy động tình cảm yêu nước, nhưng lo ngại rằng nỗi tức giận người nước ngoài cũng hoàn toàn có thể dễ dàng trở thành một thứ chống lại đảng, chế độ này cũng đã tiến những bước dài để kiểm soát sự giận dữ của dân chúng. Một chính phủ được bầu một cách dân chủ có thể sẽ kém kiềm chế hơn nhiều. Nhà khoa học chính trị sống tại Mỹ Fei – Ling Wang lập luận rằng một chế độ hậu Cộng sản thực sự sẽ mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định chủ quyền của mình đối với Đài Loan, Tây Tạng và Biển Nam Trung Hoa. Như ông giải thích: một chế độ “dân chủ” ở Bắc Kinh, thoát khỏi những nỗi lo ngại đang giảm dần về sự tồn tại của chính mình nhưng có khả năng bị thúc đẩy bởi tình cảm của dân chúng, có thể làm cho sức mạnh Trung Quốc đang nổi lên trở thành một lực lượng quả quyết, thiếu kiên nhẫn, hung hăng và thậm chí gây hấn hơn nhiều, ít nhất trong giai đoạn không ổn định là vươn lên nhanh để đứng vào hàng ngũ cường quốc tầm cỡ thế giới. Điều kiện cuối cùng là chìa khóa của vấn đề. Ngay cả những người tỏ ra tin tưởng nhất về những tác động bình ổn lâu dài của xu hướng dân chủ hóa cũng công nhận rằng có thể diễn ra một giai đoạn quá độ hỗn loạn. Trong cuốn sách của ông với nhan đề “Tương lai dân chủ của Trung Quốc”, Bruce Gilley thừa nhận rằng các cuộc cách mạng dân chủ ở những nước khác thường dẫn đến các cuộc xâm lược bên ngoài và ông lưu ý kể từ đầu thế kỷ 20, các phong trào ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc cũng mang đậm màu sắc dân tộc. Bất kể những tiền lệ này, Gilley dự đoán rằng sau khoảng thời gian xen giữa có lẽ là một thập kỷ, một nước đã biến đổi sẽ có những quan hệ hợp tác và ổn định hơn với Mỹ cũng như với các nước láng giềng dân chủ của mình. 

Dĩ nhiên, một kết quả như vậy chẳng có gì là chắc chắn, và sẽ phụ thuộc vào những sự kiện và những tác động lẫn nhau khó dự đoán và thậm chí còn khó kiểm soát hơn. Nếu những mâu thuẫn ban đầu giữa một nền dân chủ non trẻ và những nền dân chủ có uy tín hơn được giải quyết tồi tệ, dẫn đến xung đột vũ trang thật sự, lịch sử sẽ xoay theo những hướng rất khác nhau và ít hứa hẹn hơn nhiều so với nếu chúng được giải quyết thành công. Tuy nhiên, giả sử rằng giai đoạn quá độ có thể được chèo lái mà không vấp phải tai ương, có những lý do tốt đẹp để tin rằng những mối quan hệ sẽ được cải thiện cùng với thời gian. Một người Trung Quốc ủng hộ việc cải cách chính trị, Liu Junning, tổng kết rõ ràng những triển vọng đó. Trong khi một “nước Trung Quốc độc đoán và dân tộc chủ nghĩa sẽ là một mối đe dọa đang nổi lên”, một nước Trung Quốc dân chủ và tự do cuối cùng sẽ chứng tỏ là “một đối tác mang tính xây dựng.” Hy vọng này bắt nguồn không chỉ ở mơ tưởng. Do những giá trị và những thể chế của chế độ dân chủ tự do trở nên bám chặt vững chắc hơn, sẽ bắt đầu có cuộc thảo luận mở và đầy ý nghĩa về mặt chính trị và có sự cạnh tranh thực sự về những mục tiêu quốc gia cũng như về sự phân phối các nguồn tài nguyên quốc gia. Các nhà lãnh đạo đầy tham vọng và những người tạo dư luận bận tâm đến uy tín, danh dự, quyền lực và trả thù sẽ phải cạnh tranh với những người khác, chú trọng đến giá trị của sự ổn định, hợp tác, hòa giải quốc tế cũng như việc đẩy mạnh phúc lợi xã hội. Những đòi hỏi của giới quân sự và các đồng minh công nghiệp của giới này sẽ được đối trọng, ít nhất ở một mức độ nhất định, bởi những nhóm ủng hộ việc chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, chăm sóc y tế và chăm sóc những người già cả. Cách diễn giải quyết đoán, siêu dân tộc chủ nghĩa về lịch sử Trung Quốc và những mối bất bình của nó sẽ bị thách thức bởi các bản báo cáo thừa nhận tội lỗi của chế độ cộng sản trong việc đàn áp các dân tộc thiểu số và không chịu tìm kiếm thỏa hiệp về các vấn đề chủ quyền. Một giới lãnh đạo bị ám ảnh bởi sự tồn tại của chính mình và việc phải chống lại những mối đe dọa được hiểu là từ các cường quốc bên ngoài sẽ được thay thế bởi một chính phủ được đảm bảo trong tính hợp pháp của nó và không có lý do gì để lo ngại rằng các nền dân chủ trên thế giới đang tìm cách bao vây và lật đổ nó. 

Một nước Trung Quốc dân chủ sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tồn tại hòa thuận với Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc trong số các nước khác. Niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau mà rốt cuộc tăng lên giữa các nền dân chủ, cùng nỗi lo ngại được giảm bớt về việc một nước này sẽ dùng vũ lực để chống lại nước khác, sẽ làm tăng lợi thế của việc đạt được các giải pháp thông qua thương lượng cho các cuộc tranh chấp còn tồn tại về các vấn đề biên giới, quần đảo ngoài khơi cũng như các nguồn tài nguyên. Một chính phủ dân chủ ở Bắc Kinh cũng có được một cơ hội tốt hơn để đạt được một giải pháp có thể cùng chấp nhận được cho sự đối đầu 60 năm với Đài Loan. Trái với giới lãnh đạo CCP ngày nay, một chế độ ở Đại lục do dân bầu ra sẽ chẳng có mấy lợi lộc nếu vẫn duy trì xung đột này, nó sẽ có khả năng hơn thể hiện sự tôn trọng đối với những ý muốn của một chính quyền dân chủ khác và sẽ là điều hấp dẫn hơn đối với người Đài Loan khi được coi là một đối tác trong một dàn xếp kiểu liên bang nào đó sẽ làm thỏa mãn những nguyện vọng và giảm bớt những nỗi lo ngại của cả hai bên. Chừng nào mà Trung Quốc vẫn tiếp tục được cai trị như ngày nay, sức mạnh ngày càng tăng của nước này sẽ đặt ra một thách thức sâu sắc đối với những lợi ích của Mỹ. Nếu họ muốn ngăn chặn xâm lược, giảm sự cưỡng ép và duy trì một trật tự mở cửa và đa nguyên, Oasinhtơn cùng bạn bè và đồng minh của nước này sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, hợp tác chặt chẽ hơn nhằm duy trì một cán cân quyền lực khu vực theo hướng có lợi. Về lâu dài, Mỹ có thể học cách sống với một nước Trung Quốc dân chủ như một cường quốc chi phối ở Đông Á, rất giống như việc Anh đi đến chấp nhận Mỹ như một cường quốc chi phối ở Tây bán cầu. Cho đến ngày đó, Oasinhtơn và Bắc Kinh sẽ vẫn bị kẹt vào một cuộc chiến ngày càng căng thẳng về quyền kiểm soát ở châu Á./. 

 Theo Tạp chí The National Interest

Viết Tuấn (gt)