Trên thực tế, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rõ rằng lợi ích cốt lõi của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương chính là nâng cao an ninh và ổn định trong khu vực. Ông Biden cho biết Mỹ đang thắt chặt hơn nữa quan hệ với các đồng minh, làm sâu sắc thêm hợp tác về an ninh với các nước này, cũng như đang đầu tư mạnh mẽ chưa từng có vào các tổ chức khu vực nhằm giúp kiểm soát các tranh chấp một cách hòa bình. Sự can dự ngày càng sâu của Mỹ vào châu Á đang hỗ trợ ASEAN trong việc thành lập Cộng đồng chung về đối ngoại và kinh tế, tương tự như Cộng đồng kinh tế châu Âu đã được thành lập trong Liên minh châu Âu (EU). Cộng đồng chung ASEAN, vốn được kỳ vọng ra đời vào năm 2015, sẽ là sân chơi cho các quốc gia có những cam kết chung, hướng tới sự phát triển bền vững cũng như hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực này. 

ASEAN đang nỗ lực hướng đến hội nhập sâu rộng hơn, trong bối cảnh xu thế của thế giới hiện nay là sử dụng các cơ chế hợp tác khu vực để tạo ra sự cân bằng trong cán cân thương mại và mở rộng thị trường nội địa. Đồng thời, những nỗ lực này cũng phản ánh sự lo ngại của các nước trong khu vực trước thái độ của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Trung Quốc đang thể hiện rõ quyết tâm cơ cấu lại trật tự an ninh và kinh tế quốc tế mà Mỹ đã xây dựng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, Mỹ càng gặp khó khăn hơn trong việc bảo vệ sự cân bằng quyền lực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm đảm bảo cho các lợi ích của mình. Vì vậy, họ cần sẻ chia trách nhiệm với các nước khác trong khu vực, nhằm đối phó với những mối đe dọa chung như khủng bố xuyên quốc gia, bệnh dịch, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nạn buôn người, ma túy và vũ khí… 

Rất may là các nhà lãnh đạo trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiểu được tầm quan trọng của việc này, ví dụ như chi tiêu quốc phòng đã được tăng lên, mặc dù không có sự kêu gọi từ phía Mỹ. Ấn Độ và Nhật Bản mới đây đã đưa vào sử dụng các loại tàu chiến mới, đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng. Philipines cũng đang thắt chặt hơn nữa hợp tác quốc phòng với Mỹ. Tuy nhiên, những động thái này không nên được coi là bằng chứng cho thấy châu Á đang ở bên bờ vực của xung đột. Mặc dù có những mối lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang trên Biển Đông, nhưng người dân các quốc gia Đông Nam Á vẫn rất lạc quan cho rằng khu vực này sẽ giữ vững được hòa bình, và các bên sẽ đạt được một giải pháp ngoại giao. Họ cũng hy vọng Trung Quốc sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết của mình. Xu hướng hành xử trên nền tảng luật pháp quốc tế của các nhà lãnh đạo mới ở Trung Quốc gần đây cũng làm cho hy vọng này càng trở nên thực tế hơn. 

Cần phải nhận thấy rằng mục tiêu chính của việc xây dựng một Cộng đồng chung ASEAN không phải là nhằm đối phó với sự trỗi dậy và tham vọng trở thành cường quốc khu vực cũng như toàn cầu của Trung Quốc, mà nhằm đối phó với những nguy cơ dài hạn, có thể đe dọa đến sự ổn định của khu vực như khoảng cách phát triển, xung đột sắc tộc và tôn giáo cũng như đòi hỏi li khai ở một số nơi. Bên cạnh đó, cũng như những gì mà Cộng đồng châu Âu đã làm được trong việc giải quyết những xung đột mang tính lịch sử, Cộng đồng ASEAN có thể sẽ đưa ra được những biện pháp hiệu quả để giải quyết những vấn đề phức tạp của mình. Với tư cách là nước lớn nhất trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, Indonesia với 250 triệu dân đã đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Indonesia cũng đã đưa ra sang kiến về “Mạng lưới trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN” và “Lực lượng gìn giữ hòa bình khu vực” - những cơ chế rất cần thiết cho khu vực hiện nay. Bất chấp những khó khăn trong hợp tác an ninh đa phương, ASEAN hoàn toàn có khả năng trong việc thiết lập các cơ chế ấy. Tuy nhiên, ASEAN có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc thực hiện cải cách của các nước thành viên. Để đạt được mục tiêu như tăng trưởng GDP, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp mang tính cạnh tranh, tạo điều kiện cho dòng chảy thương mại, có thêm nhiều việc làm, các quốc gia ASEAN cần gỡ bỏ các hàng rào thuế quan, vốn gây ra tình trạng giá thành bị đẩy lên cao, cạnh tranh không lành mạnh và cản trở các dự án đầu tư mới. 

Để đạt được những mục tiêu này, các nhà lãnh đạo ASEAN cần ghi nhớ những bài học từ EU: những thỏa thuận đạt được ở các cuộc họp cấp cao mà không nhận được sự đồng thuận của nhân dân sẽ rất khó phát huy được hiệu quả. Vì vậy, để nhận được sự ủng hộ của công chúng đối với Cộng đồng ASEAN, các nhà hoạch định chiến lược cần đảm bảo rằng cuộc sống của người dân phải được nâng cao, các hệ thống y tế, nhà ở, giáo dục, việc làm có thu nhập tốt cần phải được cải thiện. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo ASEAN cần phải đảm bảo rằng các cơ chế hợp tác không chỉ mang lại lợi ích cho một số quốc gia thành viên mà cần phải tính đến lợi ích của cả cộng đồng. Về mặt này, hiện nay ASEAN chưa có một cơ chế nào để hoạch định các chính sách quan trọng, hay quan trọng hơn là để đảm bảo sự đồng thuận chung, và điều này được thể hiện rất rõ qua việc các quốc gia thành viên không có được tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông. Hay như Ban Thư ký ASEAN hiện đang thiếu quyền hành cũng như năng lực để thực thi các nhiệm vụ quan trọng như hoạch định chính sách, phối hợp thực hiện với các quốc gia thành viên cũng như giải quyết tranh chấp. Kết quả của sự thiếu hụt này, theo nhà phân tích McKinsey, đó là ASEAN đang thực sự “trao quyền phủ quyết cho bất kì quốc gia thành viên nào muốn phản đối quá trình hội nhập kinh tế của khu vực”. 

Trong bối cảnh các nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường sự ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang được chào đón thì tình hình khu vực lại đang có những dấu hiệu của sự mất ổn định. Biện pháp duy nhất hiện nay các nhà lãnh đạo ASEAN có thể làm để đảm bảo sự thịnh vượng, ổn định và một tương lai bền vững cho nhân dân của mình, là xây dựng một cộng đồng đoàn kết và năng động.

 

Ông Fidel V. Ramos là cựu tổng thống của Philippines (1992-1998), cũng là thành viên của Nhóm Nhân vật ASEAN Kiệt xuất xây dựng các khái niệm và nguyên tắc cho bản phác thảo Hiến chương ASEAN. Bài viết đăng trên “Chinausfocus.

 

Mỹ Anh (gt)