Trong năm 2017, các quan chức và học giả Úc đã tranh luận sôi nổi về việc liệu Trung Quốc hay Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Úc. Cuộc tranh luận này rất có tác dụng khi làm nổi bật các con số. Sau những phân tích và đánh giá, mọi người đều đồng ý rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, còn Mỹ là đối tác đầu tư lớn nhất của Úc. Vậy tại sao cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn tuyên bố mình là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Úc? Đại sứ Trung Quốc tại Úc và các lãnh đạo Trung Quốc khi đến thăm Úc đều nhấn mạnh đến các dữ liệu cho thấy Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và là một đối tác kinh tế quan trọng của Úc.

Trong khi đó, đầu tháng này, quyền Đại sứ Mỹ tại Canberra khẳng định rằng những lợi ích trong quan hệ đầu tư giữa Úc và Mỹ là rất lớn, và đó là lý do Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Úc. Trước đó, vào tháng 6/2017, trong một bài viết trên tờ The Australian, ông cũng nhấn mạnh rằng Mỹ là đối tác kinh tế hàng đầu của Úc; hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước đạt 1,9 nghìn tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Trong chuyến thăm Úc của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hồi tháng 4/2017, ông nói: “Mỹ sẽ là đối tác kinh tế lớn nhất của Úc - không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới”

Tiếp đó, khi đến thăm Sydney vào tháng 6/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói: “Nếu các bạn nhìn vào tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ tại Úc cũng như khối lượng thương mại thực tế giữa hai nước, các bạn sẽ thấy rõ ràng Mỹ là đối tác kinh tế lớn nhất của Úc, cả trong lĩnh vực đầu tư và thương mại”. Những tuyên bố trên của các nhà lãnh đạo Mỹ là thực sự ấn tượng. Tuy nhiên, hầu hết người dân Úc lại có quan điểm khác, cho rằng đối tác kinh tế quan trọng nhất của Úc là Trung Quốc. Đây rõ ràng là mối quan ngại đối với Mỹ khi một số nhà bình luận cho rằng tình cảm của dân chúng Úc đang “trôi dạt” về phía Trung Quốc. Điều này còn thể hiện qua kết quả thăm dò dư luận của hãng Pew khi có tới 70% dân chúng Úc không ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nếu có thể thuyết phục dân chúng Úc về việc Mỹ là đối tác kinh tế cũng như đồng minh an ninh quan trọng nhất của Úc, khi đó môi trường chính trị để thúc đẩy chính sách đối ngoại mới dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các dữ liệu thực tế về kinh tế cho thấy trong 5 năm qua, giá trị thương mại và đầu tư của Úc với Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với Mỹ. Trước dữ liệu như vậy, ông Simon Jackman - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc trường Đại học Sydney - nhận định: “Chúng ta không nên coi đồng USD thương mại với đồng USD đầu tư, cụ thể là đầu tư trực tiếp, là ngang bằng nhau. Thương mại của Úc với Trung Quốc có giá trị trên bảng cân đối, nhưng không thể so sánh với di sản xây dựng quốc gia của hàng thập kỷ trong quan hệ với Mỹ”.

Tuy nhiên, không có sách giáo khoa hay lý thuyết kinh tế nào nói rằng đồng USD thương mại khác so với đồng USD đầu tư hoặc đồng USD thương mại kém hơn do tác động của nó lên mức sống. Khi tập đoàn Rio Tinto bán quặng sắt cho nhà sản xuất thép Trung Quốc Baosteel, hay Đại học Sydney “bán giáo dục” cho học sinh Trung Quốc, nó trở thành thu nhập của Úc và có thể được chi cho tiêu dùng (mua hàng hóa trong nước hoặc ở nước ngoài) hoặc gửi tiết kiệm.

Ngày nay, tiêu thụ tăng có nghĩa sẽ thúc đẩy tiêu chuẩn sống lên cao hơn. Tiền tiết kiệm nhiều hơn sẽ giúp tăng cường đầu tư, giống như đầu tư từ Mỹ, và tạo ra lợi nhuận nhằm nâng cao mức tiêu thụ và tiêu chuẩn sống trong tương lai. Kể từ năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc đạt giá trị 438 tỷ AUD (346 tỷ USD), cao hơn so với Mỹ (346 tỷ AUD, tương đương 273 tỷ USD). Trong cùng thời gian này, đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Úc cao hơn so với mức đầu tư của Trung Quốc là 51 tỷ AUD (40 tỷ USD). Chắc chắn, Úc có nhiều lý do để ưu tiên quan hệ với Mỹ vì hai nước cùng chia sẻ các giá trị và một số lợi ích an ninh chung. Và điều đó sẽ dễ dàng hơn cho các nhà hoạch định chính sách của Úc nếu Mỹ cũng là đối tác kinh tế quan trọng nhất của đất nước này.

Tác giả James Laurenceson là Phó Viện trưởng Viện Quan hệ Úc-Trung Quốc (ACRI) thuộc Đại học Công nghệ Sydney. Bài viết đăng trên “Diễn đàn Đông Á”.

Mỹ Anh (gt)