2011-12-09T223805Z_1_BTRE7B81QVL00_RTROPTP_2_POLITICS-US-RUSSIA-USA.JPG

 

Tháng 5/2013, khi trở thành Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Âu của quân đội Mỹ và Tư lệnh Liên minh tối cao của NATO tại châu Âu, tác giả thấy lực lượng của Mỹ và NATO rất thích hợp cho các yêu cầu quân sự của họ vào thời điểm đó nhưng chưa sẵn sàng cho những thách thức phía trước. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu, giảm đi đáng kể từ những năm 1990, đã không được định hướng tới một mối đe dọa cụ thể nào. Về phần mình, NATO chủ yếu tham gia các chiến dịch bên ngoài châu lục này, điển hình là ở Afghanistan.

Hiện nay, tác giả đã kết thúc nhiệm kỳ của mình và có cơ hội để đánh giá xem Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ và NATO đã biến đổi như thế nào kể từ khi nhậm chức. Trong ba năm qua, Mỹ và liên minh này đã chuyển trọng tâm sang các mối đe dọa cận kề với trung tâm của châu Âu, đó là sự xâm lược của Nga và những thách thức lớn liên quan đến bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi. Những mối đe dọa trên có quy mô lớn và phức tạp mà lục địa này chưa từng chứng kiến kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù ngày nay, Mỹ và NATO đã chuẩn bị cho việc đối phó với các mối đe dọa nói trên tốt hơn so với đầu năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bất hợp pháp Crimea và tiến hành một cuộc xâm lược trên thực tế ở miền Đông Ukraine, nhưng vẫn còn rất nhiều việc mà Mỹ và các đồng minh của mình phải làm - trước hết là cải thiện khả năng ngăn chặn mối đe dọa từ Nga và giải quyết các vấn đề liên quan đến sự bất ổn ở các khu vực biên giới của châu Âu, cụ thể là vấn đề di cư và chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia. Để chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức này, Mỹ cần tăng cường nguồn lực sẵn sàng cho các lực lượng của mình ở châu Âu và nhận diện Nga là mối đe dọa lâu dài mang tính toàn cầu đúng như bản chất của nó.

Đường đến hiện tại

Nhìn lại Chiến tranh Lạnh là một điều hữu ích để đánh giá đúng vị trí của Mỹ và các đồng minh ở thời điểm Nga bắt đầu can thiệp vào Ukraine. Trong những năm cuối cùng của cuộc xung đột này, tương quan lực lượng giữa NATO và khối Hiệp ước Vacsava là tương đương nhau. NATO có khoảng 2,3 triệu quân vũ trang ở châu Âu còn các nước trong khối Hiệp ước Vacsava có khoảng 2,1 triệu binh lính. Mặc dù các nước khối Hiệp ước Vacsava có nhiều xe tăng, pháo và máy bay chiến đấu hơn, nhưng NATO đã đối phó với lợi thế về số lượng bằng các thiết bị quân sự tiên tiến của mình. Nhiệm vụ của NATO tại thời điểm đó là không hề dễ dàng nhưng tương đối dễ nhận diện. Việc phương Tây biết cách đối phó với một cuộc xâm lược tiềm tàng do khối Hiệp ước Vacsava phát động, tương quan lực lượng ngang bằng giữa NATO và khối cộng sản, cùng với học thuyết “hủy diệt lẫn nhau” đã đảm bảo rằng một cuộc xâm lược như vậy ít có khả năng xảy ra.

Ở thời điểm khối Hiệp ước Vacsava và Liên Xô tan rã vào năm 1991, NATO đang phát triển một tầm nhìn chiến lược cho môi trường an ninh mới của châu Âu, trong đó ít tập trung hơn vào răn đe hạt nhân và triển khai các lực lượng của đồng minh ở các nước thành viên. Mỹ và hầu hết các nước đồng minh NATO đã cắt giảm đáng kể quy mô lực lượng của mình ở châu Âu. Trong khi đó, sự sụp đổ đột ngột của Liên Xô - một thế lực đã kiểm soát chủ nghĩa dân tộc và sự bất ổn trong nhiều thập kỷ - đã cho phép hoạt động dân chủ hóa được bắt đầu ở các quốc gia mới độc lập, nhưng cũng đã dẫn đến nội chiến, đáng chú ý nhất là tại các nước vùng Balkan. NATO, một lực lượng đa quốc gia có thực lực duy nhất trên thế giới vào thời điểm đó, đã gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới khu vực trên làm thay đổi tương quan lực lượng hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Sau đó, vào những năm sau vụ 11/9, liên minh này đã can thiệp quân sự vào Afghanistan, sau đó là Libya, nơi mà họ đối mặt với những kẻ thù không có năng lực quân sự tiên tiến của một đối thủ cùng đẳng cấp. Nói cách khác, trong những thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh, NATO đã tìm thấy lý do mới cho các chiến dịch ổn định và đối phó với các mối đe dọa ở mức thấp nhất. NATO đã điều chỉnh cơ cấu lực lượng cho phù hợp.

Trong mọi thời điểm, cả Mỹ và NATO đều không đề phòng đúng mức đến kẻ bại trận ở phía Đông là Nga, một nước đang tích cực tái khẳng định ảnh hưởng của mình ở nhiều khu vực mà Liên Xô từng kiểm soát. Kể từ sau năm 1998, năm nào Nga cũng tăng chi tiêu quân sự của mình, đồng thời họ tăng cường can thiệp vào công việc của các nước láng giềng, chẳng hạn như nhiều lần ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine vào những năm sau cuộc Cách mạng Cam 2004-2005. Tuy nhiên, chính cuộc xâm lược của Nga đối với Gruzia vào năm 2008 mới chứng tỏ rằng Moskva sẽ sẵn sàng trừng phạt các quốc gia kề cận đến mức độ nào vì đã xích lại gần với phương Tây. Tốc độ của các lực lượng xâm lược Nga tiến vào Gruzia cho thấy chắc chắn rằng chiến dịch này đã được lên kế hoạch từ trước. Mỹ bị cuốn vào các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và Nga xem đó là một cơ hội.

Chiến dịch của Nga tại Gruzia tạo thành một phần kế hoạch cho các hoạt động của nước này tại Ukraine. Bằng việc chiếm Crimea, chống lưng cho các nhóm phiến quân ly khai tại Donbass và tài trợ cho các cuộc biểu tình chống lại chính phủ thân phương Tây ở Kiev, Nga một lần nữa cho thấy họ sẵn sàng phá bỏ các quy tắc đã được xác lập trong ứng xử quốc tế để đạt được mục đích của mình. Khi phương Tây phản ứng bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga, cộng thêm giá dầu thấp đã dẫn đến một đợt suy giảm kinh tế nhanh chóng, thì Moskva lại càng leo thang, tăng cường các hành động khiêu khích đối với tàu và máy bay của NATO hoạt động ở vùng lãnh thổ quốc tế, can thiệp vào Syria để ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, và tăng cường quân sự hóa Bắc Cực.

Moskva quyết tâm thiết lập lại cái mà họ coi là phạm vi ảnh hưởng chính đáng của mình, làm suy yếu NATO và lấy lại vị thế cường quốc trước đây. Sự thèm khát đó đã trở nên rõ ràng từ năm 2005, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20" – một tuyên bố lố bịch khi xét đến hai cuộc chiến tranh thế giới của thế kỷ đó. Phương Tây phải nhìn nhận sự hung hăng của Nga qua lăng kính này.

Những vấn đề phức tạp

Bất chấp việc Nga ngày càng trở nên hiếu chiến, cả quân đội Mỹ và đồng minh đều không được chuẩn bị đầy đủ để nhanh chóng phản ứng trước hoạt động xâm lược quân sự công khai. Họ cũng không đủ sẵn sàng để đối phó với kiểu “chiến tranh pha tạp đa hình thái” mà Moskva đã phát động ở miền Đông Ukraine. Trong giai đoạn cao trào của Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã có hơn 400.000 binh sĩ đóng quân ở châu Âu, nhưng ngày nay còn chưa đầy 100.000 binh sĩ đồn trú tại châu lục này và 35.000 trong số đó được triển khai luân phiên. Thật vậy, ngay cả khi kết hợp với các lực lượng của NATO, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu lục này sẽ rất khó để ngăn chặn được một nước Nga đầy quyết đoán. Bằng cách nhanh chóng xâm lược một đồng minh của NATO, Nga có thể tạo ra một “sự đã rồi” và sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém cho Mỹ và đồng minh để lật ngược tình thế.

Việc cắt giảm ngân sách bắt buộc ở Mỹ đã khiến những thách thức này trở nên phức tạp hơn vì nó hạn chế khả năng hoạch định cho tương lai của Bộ Quốc phòng và buộc cơ quan này phải thực hiện các gói cắt giảm đầy rủi ro về cả quy mô và năng lực của quân đội Mỹ. Cùng với thách thức nêu trên, ngân sách quốc phòng Mỹ đã giảm thực sự từ năm 2010, ngay trong thời điểm những đòi hỏi quốc tế đối với nước này tăng lên. Trong khi đó, những chiến dịch của Mỹ ở châu Phi và Trung Đông đã làm gia tăng gánh nặng cho các lực lượng của nước này ở châu Âu, thường được sử dụng để hỗ trợ sứ mệnh của Washington tại những khu vực trên. Và việc tăng cường sự tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo chiến lược "tái cân bằng" làm cho nguồn lực sẵn sàng phục vụ các hoạt động của Mỹ ở nơi khác trở nên ít hơn.

Các thành viên NATO khác phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Chỉ có một số ít quốc gia NATO có khả năng tiến hành các chiến dịch toàn diện, và không thành viên nào có khả năng duy trì việc đó trong một khoảng thời gian dài. Cho dù nhiều thành viên NATO đã dừng việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng, hầu hết những nước này vẫn không đạt được chỉ tiêu dành 2% GDP cho chi tiêu quân sự. Hơn thế nữa, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, dù NATO đã kết nạp thêm 12 thành viên mới kể từ năm 1990 nhưng tổng chi tiêu quân sự của khối này, không tính của Mỹ, đã giảm từ 332 tỷ USD (năm 1990) xuống còn 303 USD (năm 2014), tính theo tỷ giá USD năm 2011. Và liên minh này vẫn phải thực hiện một số nhiệm vụ mà họ đảm nhận sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, như ở Kosovo với 4.800 binh sĩ và ở Afghanistan, nơi mà NATO có thể sẽ vẫn duy trì hoạt động dưới một dạng nào đó cho đến năm 2020.

Cuộc nội chiến Syria, bất ổn kéo dài ở khắp Trung Đông và Bắc Phi đã làm phức tạp thêm các vấn đề bởi nó thúc đẩy cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Những nguồn lực mà các nước thành viên NATO đưa ra để đối phó với những thách thức này và đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố trong nước rõ ràng là không được phân bổ cho việc sử dụng ở những nơi khác.

Chắc chắn rằng khi các thành viên cố gắng cắt giảm chi tiêu quân sự của họ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm, họ phải lựa chọn nơi để tập trung những nỗ lực của mình. Các quốc gia ở sườn Đông và Bắc của NATO, như Ba Lan và các nước Baltic, có xu hướng coi Nga là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với an ninh của mình, trong khi đó các quốc gia gần hơn với bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi - như Pháp, Hy Lạp, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ - có xu hướng xem cuộc khủng hoảng di cư là một thách thức cấp bách hơn. Đối mặt với những thách thức như vậy, cộng thêm chi phí cao cho việc phát triển và mua các hệ thống vũ khí tiên tiến có thể ngăn chặn Nga, nhiều nước NATO đang chuyển hướng đầu tư vào các lực lượng được xây dựng cho phòng thủ lãnh thổ hạn chế và an ninh nội địa. Và bởi vì việc điều chỉnh chính sách quân sự tổng thể của NATO đòi hỏi sự chấp thuận của tất cả 28 quốc gia thành viên, nên cải cách lực lượng này là một quá trình dài hơi.

Các bước đi trước

Tin tốt là Mỹ và NATO nhận ra rằng khu vực châu Âu đã thay đổi và đã bắt đầu hành động. Trong tháng 6/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố “Sáng kiến đảm bảo an ninh châu Âu”, một nỗ lực để chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước đồng minh châu Âu sau khi Nga can thiệp quân sự vào Ukraine. Với ngân sách 985 triệu USD trong năm tài khóa 2015, cộng thêm 789 triệu USD trong năm tài khóa 2016, sáng kiến trên đã cung cấp chi phí cho các cuộc tập trận quân sự song phương, đa phương mới và việc triển khai quân đội Mỹ tại châu lục này ở quy mô lớn được hỗ trợ bởi nhiều khí tài của Mỹ hơn, bao gồm cả pháo, xe tăng và các loại xe thiết giáp khác ở Trung và Đông Âu. Những động thái này không chỉ tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của Mỹ mà còn tiết kiệm được hàng triệu USD cho nước này, tương đương với chi phí bỏ ra để thường xuyên triển khai các lực lượng tương tự đến châu Âu. Khoản ngân sách tăng cường khoảng 3,4 tỷ USD mà ông Obama đề nghị cho sáng kiến trên trong năm tài khóa 2017 thậm chí sẽ giúp cải thiện nhiều hơn khả năng của Mỹ và NATO ngăn chặn Nga, một phần cho phép Mỹ tăng cường các chương trình huấn luyện với các đồng minh, triển khai trước nhiều khí tài hơn ở châu Âu, bồi đắp năng lực quân sự cho các đối tác và đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ cho tất cả các biện pháp trên. Điều này cũng sẽ hỗ trợ phát triển chương trình “Kho vũ khí dự phòng”, những gói nhiên liệu, khí tài dự phòng hoàn chỉnh cho các lữ đoàn thiết giáp và cơ giới; các gói dự phòng này sẽ cho phép Mỹ và các đồng minh nhanh chóng triển khai quân tiếp viện trong trường hợp khủng hoảng.

Trong khi đó, vào mùa Hè năm 2014, Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu bắt đầu tiến hành Chiến dịch “Giải pháp Đại Tây Dương”, một chương trình hành động quy mô lớn nhằm hỗ trợ Sáng kiến bảo đảm an ninh châu Âu. Các lực lượng của Mỹ đã duy trì các đợt triển khai quân luân phiên ở Ba Lan và các nước Baltic trong gần hai năm. Ở khu vực Địa Trung Hải và Biển Đen, lính thủy đánh bộ Mỹ đã duy trì hiện diện luân phiên gần như liên tục bắt đầu vào năm 2010, và Hải quân Mỹ đã gia tăng sự hiện diện ở eo biển Bosporus. Về phần mình, không quân Mỹ đã tăng cường đáng kể cái gọi là triển khai vi mô các đội tiêm kích nhỏ và máy bay cường kích tới các nước NATO khác, nơi họ phối hợp với các đơn vị chủ nhà để trao đổi chiến thuật và cải thiện khả năng tác chiến hỗn hợp.

NATO cũng đang thay đổi. Trong năm 2014, liên minh này đã đồng ý “Kế hoạch hành động sẵn sàng chiến đấu” để đảm bảo rằng họ có thể phản ứng kịp thời với các thách thức an ninh khu vực biên giới phía Đông và phía Nam. Kế hoạch trên bao gồm một số biện pháp trước mắt, chẳng hạn các cuộc tập trận quân sự tăng cường và tuần tra trên không ở các nước Baltic, với mục tiêu là trấn an người dân các nước NATO, ngăn chặn sự xâm lược của Nga và cải thiện khả năng phối hợp tác chiến giữa lực lượng của các quốc gia. Quan trọng hơn là những cải cách dài hạn nhằm cải thiện khả năng phản ứng và tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội liên minh. Đầu tiên, NATO thành lập Lực lượng đặc biệt hỗn hợp sẵn sàng chiến đấu cao, một lữ đoàn có thể phản ứng rất nhanh với các cuộc khủng hoảng. Sau đó, mùa Hè năm ngoái, NATO tuyên bố sẽ tăng ba lần quy mô lực lượng ban đầu của đơn vị trên - một nhóm gồm hải, lục, không quân được biết đến với tên gọi Lực lượng phản ứng nhanh NATO – lên tới khoảng 40.000 binh lính.

Liên minh này cũng đã cải thiện cơ cấu chỉ huy và kiểm soát của mình. Tại 6 nước thành viên dễ bị tổn thương ở Trung và Đông Âu, NATO thiết lập các trụ sở nhỏ - được gọi là các Đơn vị liên kết lực lượng - các đơn vị này sẽ giúp kết hợp các lực lượng đồng minh với các cấu trúc phòng thủ của nước sở tại để đảm bảo rằng khi quân NATO được triển khai tới một cuộc xung đột liên quan đến một trong các nước thành viên, họ sẽ có khả năng phối hợp một cách đồng bộ với các lực lượng đang tham chiến. Và trong năm 2015, NATO thành lập hai trụ sở chiến thuật mới ở Ba Lan và Romania. Những cải tiến như trên sẽ nâng cấp khả năng sẵn sàng chiến đấu của các quân NATO, đóng vai trò như là một sự răn đe có hiệu quả đối với các kẻ thủ tiềm tàng và giúp cho liên minh này kiểm soát tốt hơn tình trạng bất ổn đang diễn ra tại Trung Đông và Bắc Phi. Tóm lại, các biện pháp được theo đuổi trong Kế hoạch hành động sẵn sàng chiến đấu của NATO là một sự củng cố năng lực phòng vệ tập thể quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Diễn biến tiếp theo là gì?

Những hành động trên là một sự khởi đầu mạnh mẽ, nhưng chưa đủ. Nền tảng của bất kỳ chiến lược nào ở châu Âu phải là việc thừa nhận rằng Nga đặt ra một mối đe dọa lâu dài mang tính sống còn đối với Mỹ, đồng minh và trật tự quốc tế. Nga quyết tâm một lần nữa trở thành cường quốc thế giới - một tham vọng đã được chứng minh, trong đó có việc Nga tiến hành các cuộc “tấn công giả” vào quân đội Mỹ, như các máy bay chiến đấu của Nga đã làm với tàu USS Donald Cook ở Biển Baltic vào tháng 4 vừa qua, hay khôi phục các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược thời kỳ Chiến tranh Lạnh dọc bờ biển Mỹ. Hơn thế nữa, can thiệp quân sự của Nga tại Syria đã chứng minh rằng Moskva sẽ tìm mọi cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của mình ở nước ngoài, bởi vì Điện Kremlin coi Mỹ và các thành viên NATO khác là những kẻ thù chính của mình, và xem xét mối quan hệ với phương Tây là một “trò chơi được mất ngang nhau”. Nước này sẽ tiếp tục duy trì lập trường như vậy trong tương lai trước mắt.

Chính quyền Putin sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào mà Nga có đủ tầm ảnh hưởng phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với phương Tây - cụ thể là trở thành thành viên EU hay NATO - và nước này sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình để gieo rắc sự bất ổn tại các nước như Gruzia, Moldova và Ukraine. Ông Putin chắc chắn hiểu rằng EU và NATO sẽ bất đắc dĩ chấp nhận một quốc gia trở thành thành viên nếu họ bị cuốn vào cái gọi là một cuộc “xung đột đông cứng” (cuộc xung đột đã kết thúc nhưng chưa có một hiệp định hòa bình hay một khuôn khổ chính trị khác để giải quyết triệt để cuộc xung đột). Đồng thời, Nga sẽ tiếp tục cải thiện khả năng quân sự của mình để thu hẹp những lợi thế công nghệ mà NATO đang sở hữu trong thời gian gần đây. Mặc dù máy bay chiến đấu của Nga hiện không sánh được với máy bay chiến đấu của phương Tây, nhưng các hệ thống phòng không tiên tiến, tên lửa hành trình bờ biển, khả năng chống hạm và tên lửa hành trình phóng trên không của nước này ngày càng hiệu quả. Nếu Moskva có thể loại quân tiếp viện của Mỹ ra khỏi một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Nga và NATO, đồng thời ngăn chặn được các máy bay chiến đấu phương Tây tấn công các mục tiêu của mình, thì Nga sẽ làm suy giảm nghiêm trọng các lợi thế của Mỹ và đồng minh. Vì lẽ đó, Nga đang thiết lập các vùng "chống tiếp cận/chống xâm nhập" (AD/A2) ở ngoại vi của mình, bao gồm Baltic và Biển Đen, Bắc Cực và vùng Viễn Đông nước Nga. Hơn thế nữa, sự hiện ngày càng tăng của Nga tại Syria mang đến cho Moskva khả năng đe dọa các lực lượng của Mỹ và đồng minh hoạt động tại phía Đông Địa Trung Hải và trên không phận Syria, nếu Kremlin muốn.

Nga đã chứng tỏ rằng nước này có thể gây ra cho Washington và các đồng minh những lo ngại chính trị và quân sự đáng kể chỉ với nỗ lực tối thiểu và chi phí tương đối thấp. Từ trước tới nay, Mỹ và NATO chỉ đáp trả các hành động khiêu khích của Nga chứ không hề chủ động ngăn chặn trước. Thay vào đó, Mỹ và các đồng minh nên có một lập trường chủ động tìm cách thay đổi tính toán của Nga trước khi Moskva hành động một cách hung hăng. Theo một chiến lược như vậy, Mỹ và các đồng minh sẽ xác định trước và sau đó tuyên bố một cách rõ ràng khi nào họ sẽ chống lại các động thái của Nga, khi nào họ sẽ phớt lờ chúng, và khi nào họ sẽ tìm kiếm sự hợp tác.

Thực sự là có nhiều cơ hội để hợp tác với Nga, được chứng minh bởi nỗ lực chung của Washington và Moskva nhằm đưa Iran vào bàn đàm phán thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế. Bên cạnh một số vấn đề như giải quyết vấn đề Triều Tiên, kiểm soát buôn bán ma túy ở Trung Á, giám sát đánh bắt hải sản ở Thái Bình Dương, và tiến hành các chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn ở Bắc Cực, còn nhiều tiềm năng hơn nữa để hai nước hợp tác với nhau vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ hợp tác với Nga trong các vấn đề trên thì nước này không được phép để cho lập trường chống lại sự bành trướng của Moskva trở nên mềm mỏng. Điện Kremlin chỉ tôn trọng sức mạnh và nhìn thấy cơ hội trong điểm yếu và sự mất tập trung của nước khác, vì vậy Mỹ và NATO phải nhất quán, đặc biệt là đối với những nỗ lực trắng trợn và mang tính đe dọa của Nga nhằm ngăn chặn các nước kề cận lựa chọn EU và NATO. Chiến lược của Washington cần phải trấn an đồng minh và đảm bảo rằng Điện Kremlin nhận thấy những hậu quả cụ thể mà một cuộc đối đầu sẽ mang lại.

Để cho một chiến lược như vậy có hiệu quả, Mỹ và các đồng minh phải chứng minh rằng các lực lượng của mình ở châu Âu là một lá chắn đáng tin cậy. Sau hai thập kỷ thu hẹp các nguồn lực, điều đó đặt ra nhiều việc phải làm hơn. Mặc dù quân số là nguồn lực quan trọng nhất của Mỹ, nhưng nước này phải cân bằng chi phí nuôi quân với nhu cầu phát triển, triển khai vũ khí tiên tiến và có uy lực hơn. Bộ Quốc phòng Mỹ - một cơ quan không thể cho phép bội chi ngân sách và chi tiêu kém hiệu quả - cần tiếp tục cải cách các quy trình mua sắm của mình. Nói rộng hơn, nước Mỹ phải chấm dứt những “hiệu ứng làm tê liệt” của việc “cầm cố” ngân sách và ngăn chặn sự mở rộng khoảng cách giữa các yêu cầu quân sự và nguồn lực hiện có. Các nước NATO khác cũng phải chịu một phần gánh nặng nào đó. Các nước này phải hoàn chỉnh tri thức về các chiến dịch chống nổi dậy và bất ổn mà họ đã phát triển ở Afghanistan với khí tài chiến tranh và chống khủng bố mạnh mẽ hơn.

Mặc dù Mỹ đầu tư vào công nghệ mới để bù lại sức mạnh của các đối thủ tiềm tàng trong dài hạn nhưng nước này phải có thêm những bước đi cụ thể. Phát triển một tổ hợp hiệu quả các lực lượng luân phiên và lực lượng đồn trú thường trực, cùng với khí tài triển khai trước và khả năng nhanh chóng tiếp viện cho các lực lượng của Mỹ tại châu Âu bằng quân số ở nước Mỹ sẽ răn đe Nga và trấn an các đồng minh của nước này về cam kết của Washington. Tướng James Amos, cựu chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ khẳng định trên đây là việc làm tốt nhất khi nói rằng “hiện diện quân sự ở nước ngoài tạo nên niềm tin không thể bị phá vỡ trong bối cảnh một cuộc xung đột đang đến gần”.

Đối với những gì cần thiết để tạo nên sự hiện diện tăng cường này, Mỹ nên triển khai sẵn khí tài cho thêm hai hoặc ba lữ đoàn thiết giáp ở Đông Âu, cùng với nguồn hậu cần để duy trì các lực lượng trên trong ít nhất hai tháng xung đột ác liệt. Lực lượng hạt nhân của Mỹ cũng vẫn là một lá chắn quan trọng, vì vậy nước này cần duy trì chúng, tăng cường các cuộc tập trận hạt nhân mà quân đội Mỹ tiến hành với các đồng minh NATO để chứng minh quyết tâm và năng lực của mình với phía Nga.

Con đường phía trước

Ngay cả khi Mỹ và các đồng minh NATO tập trung vào việc chống lại Nga, họ không được xao nhãng những thách thức của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan và tình trạng di cư bắt nguồn từ bất ổn và sự điều hành yếu kém ở Trung Đông và Bắc Phi. Mỹ cần phải sẵn sàng để tiếp tục cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS), al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong nỗ lực này, các lực lượng Mỹ sẽ đóng vai trò hỗ trợ: trong đó, chiến lược chủ chốt có thể là đầu tư xây dựng thể chế và giáo dục cùng với các biện pháp khác để ổn định những khu vực quản trị yếu kém làm phát sinh khủng bố và di cư. Riêng nước Mỹ phải xem xét việc hợp tác với cả chính phủ các nước có vấn đề về dân chủ. Cuối cùng, sự bất bình của Mỹ đối với một số chính phủ ở Trung Đông không được kìm hãm những nỗ lực để đối phó với những thách thức trên.

Tất nhiên, những điều mà nước Mỹ và đồng minh không nên làm cũng quan trọng không kém so với những điều mà họ nên làm. Để cho Nga thấy rằng việc sáp nhập bất hợp pháp Crimea và xâm lược Donbass là điều không thể chấp nhận, Mỹ không nên nới lỏng chế độ trừng phạt. Nước Mỹ không thể lựa chọn quan điểm trung lập tại Syria, Iraq, Libya, và những vùng vô chính phủ khác. Nước Mỹ phải dẫn đầu, họ phải nỗ lực hơn trong việc tăng cường các hệ thống phòng thủ và xã hội dân sự ở các đối tác dễ bị tổn thương nhất, và nước này phải sẵn sàng đưa ra lựa chọn khó khăn để sử dụng vũ lực khi cần thiết.

Sự bị động và không quyết đoán từ phía Mỹ gây ra những hậu quả vượt xa những vấn đề trước mắt mà Mỹ tìm cách giải quyết. Nếu như nước Mỹ không thể hiện quyết tâm của mình và đưa ra các khoản đầu tư cần thiết thì các đối thủ của Mỹ sẽ tiếp tục gây nguy hại cho lợi ích của nước này, và các nước khác trên thế giới sẽ mất sự tôn trọng đối với Mỹ. Cái giá phải trả bằng máu và tiền bạc để bảo vệ nước Mỹ và hỗ trợ các đồng minh với niềm tin được bồi đắp sau nhiều thập kỷ cùng hy sinh sẽ đắt hơn nhiều trong tương lai nếu nước Mỹ không thể hành động ngay bây giờ./.

Theo “Tạp chí Foreign affairs (số tháng 7-8/2016)

Vũ Hiền (gt)