Vào ngày 11/1, Rex Tillerson, ứng cử viên được Tổng thống Trump đề cử cho vị trí Ngoại trưởng, đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với Đài Loan, dựa trên Đạo luật Quan hệ với Đài Loan (TRA) và 6 đảm bảo, trong buổi điều trần để phê chuẩn chức vụ của ông tại Thượng viện. Ông cũng cho biết ông không biết về “bất kỳ kế hoạch nào nhằm thay đổi” chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ. 

Chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ là gì? Vì sao nó tồn tại? 

Khi Mỹ có động thái công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và ngừng việc công nhận nước Trung Hoa Dân quốc vào năm 1979, Mỹ đã tuyên bố rằng chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “Chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc”. Duy nhất ở đây có nghĩa là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã và đang là nước Trung Quốc duy nhất, mà không có sự xem xét Trung Hoa Dân quốc như một thực thể có chủ quyền riêng. 

Tuy nhiên, Mỹ không nhượng bộ yêu cầu của Trung Quốc rằng nước này công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan (đây là cái tên Mỹ ưa chuộng hơn kể từ khi nước này lựa chọn không công nhận Trung Hoa Dân quốc). Thay vào đó, Washington thừa nhận lập trường của Trung Quốc cho rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Vì những lý do địa chính trị, cả Mỹ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều sẵn sàng xúc tiến sự công nhận ngoại giao bất chấp những bất đồng của họ trong vấn đề này. Khi Trung Quốc cố gắng sửa đổi văn bản tiếng Trung từ chữ “thừa nhận” ban đầu thành chữ “công nhận”, Thứ trưởng Ngoại giao Warren Christopher đã nói với một người chất vấn trong phiên điều trần trước Thượng viện rằng: “Chúng tôi coi văn bản tiếng Anh là văn bản có tính ràng buộc. Chúng tôi coi từ ‘thừa nhận’ là từ mang tính quyết định đối với Mỹ”. Trong Thông cáo Mỹ-Trung ngày 17/8/1982, Mỹ đã tiến thêm một bước xa hơn khi tuyên bố rằng nước này không có ý định theo đuổi chính sách “hai Trung Quốc” hay “một Trung Quốc, một Đài Loan”. 

Cho đến nay, lập trường “Một Trung Quốc” của Mỹ vẫn đứng vững: Mỹ công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc nhưng chỉ thừa nhận lập trường của Trung Quốc rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Do đó, Mỹ duy trì quan hệ chính thức với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và có quan hệ không chính thức với Đài Loan. Chính sách “Một Trung Quốc” sau đó đã được tái khẳng định bởi mọi chính quyền Mỹ mới đắc cử. Việc tồn tại hiểu biết này đã cho phép duy trì sự ổn định ở Eo biển Đài Loan, cho phép cả Đài Loan lẫn Trung Quốc Đại lục theo đuổi những sự chuyển đổi chính trị và kinh tế-xã hội phi thường của họ trong nền hòa bình tương đối. 

Mỹ có lập trường như thế nào về bên nắm giữ chủ quyền đối với Đài Loan? 

Trong Hiệp ước hòa bình San Francisco năm 1951, Nhật Bản đã từ bỏ “toàn bộ quyền, tư cách và tuyên bố chủ quyền đối với Formosa và quần đảo Pescadores (Bành Hồ)”. Cả Trung Hoa Dân quốc lẫn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều không phải là các bên tham gia hiệp ước, và do đó cả hai đều không được tuyên bố là bên thụ hưởng của sự từ bỏ của Nhật Bản. 

Trong khi các ghi chú cá nhân của Tổng thống Richard Nixon cho thấy ông sẵn sàng công nhận tư cách của Đài Loan như đã được xác định và là một phần của Trung Quốc, các văn bản và tuyên bố sau này của Mỹ cho thấy Mỹ không có lập trường đối với câu hỏi về chủ quyền của Đài Loan. 

Lập trường của Mỹ về chủ quyền đối với Đài Loan vẫn kiên định và nhất quán với chính sách “Một Trung Quốc” của nước này: Cả hai bờ Eo biển Đài Loan nên cùng nhất trí một cách hòa bình về một giải pháp cho vấn đề chưa được giải quyết này. Mỹ không đồng ý với tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan của Bắc Kinh, và cũng không đồng ý với Đài Bắc rằng Trung Hoa Dân quốc là một nhà nước độc lập và có chủ quyền. 

Đạo luật Quan hệ với Đài Loan là gì, và nó đóng vai trò gì trong chính sách của Mỹ về Đài Loan? 

Sau khi Chính quyền Jimmy Carter công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Quan hệ với Đài Loan vào năm 1979 nhằm bảo vệ lợi ích an ninh và thương mại đáng kể của Mỹ ở Đài Loan. TRA cung cấp một khuôn khổ cho quan hệ được tiếp tục mà không có các mối quan hệ ngoại giao chính thức. Nó cũng đặt ra các cam kết của Mỹ về an ninh của Đài Loan và trao quyền cho Quốc hội giám sát các phương diện khác nhau của chính sách Đài Loan của Mỹ. Đạo luật này yêu cầu tổng thống phải nhanh chóng thông báo cho Quốc hội về bất kỳ mối nguy hiểm nào được lường trước đối với Đài Loan và tham vấn với Quốc hội để đưa ra một phản ứng phù hợp. TRA cũng ủy quyền cho việc tiếp tục các quan hệ thương mại, văn hóa và các quan hệ khác giữa nhân dân Mỹ và người dân ở Đài Loan. Mỗi Quốc hội sau đó đều tái khẳng định TRA để đảm bảo rằng sự thiếu vắng quan hệ ngoại giao không gây ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ vững mạnh và trọng yếu được tiếp tục giữa Mỹ và Đài Loan. 

TRA đề xuất coi Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan như thực thể pháp nhân xử lý quan hệ của Mỹ với hòn đảo này; làm rõ rằng quyết định của Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dựa trên kỳ vọng rằng tương lai của Đài Loan sẽ được xác định bởi các biện pháp hòa bình; coi bất kỳ nỗ lực nào nhằm xác định tương lai của Đài Loan không thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm các cuộc tẩy chay hoặc các lệnh cấm vận, là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của khu vực Tây Thái Bình Dương và là mối quan ngại nghiêm trọng đối với Mỹ; ủy nhiệm rằng Mỹ phải cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan; và yêu cầu Mỹ phải duy trì khả năng chống trả bất kỳ hành động viện đến vũ lực nào hoặc các hình thức ép buộc khác mà sẽ gây nguy hiểm cho an ninh, hoặc hệ thống xã hội hay kinh tế của người dân ở Đài Loan. 

TRA cũng tái khẳng định một cách rõ ràng rằng việc giữ gìn và tăng cường nhân quyền cho toàn bộ người dân ở Đài Loan là các mục tiêu của Mỹ. TRA đem lại cho Mỹ các phương tiện pháp lý để tiếp tục quan hệ với Đài Loan trên các phương diện kinh tế, văn hóa và an ninh. Thay cho các trao đổi chính thức, mọi chương trình, giao dịch và quan hệ đều được tiến hành và thực hiện bởi một tổ chức phi lợi nhuận theo hợp đồng của Bộ Ngoại giao – Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT). AIT và cơ quan đồng cấp của nó, Văn phòng đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (TECRO), xử lý các tương tác giữa Đài Loan và Mỹ. Cùng với nhau, 2 tổ chức tư nhân này tiến hành quan hệ không chính thức giữa Mỹ và Đài Loan, nhưng không tổ chức nào hoạt động với tư cách chính thức là một đại sứ quán. 

6 đảm bảo là gì? 

Trong thông cáo Mỹ-Trung lần thứ ba được ký ngày 17/8/1982, Mỹ đã tuyên bố “rằng nước này không tìm cách thực hiện một chính sách dài hạn về việc bán vũ khí cho Đài Loan”; “rằng việc bán vũ khí cho Đài Loan của nước này sẽ không vượt quá, về mặt định tính cũng như định lượng, mức độ đã được cung cấp trong những năm gần đây kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc”; và “rằng nước này có ý định giảm dần việc bán vũ khí của mình cho Đài Loan trong một khoảng thời gian trước khi đưa ra một quyết định cuối cùng”. 

Lo ngại về tác động có thể xảy ra của thông cáo về Đài Loan, Tổng thống Ronald Reagan đã đặt một bản ghi nhớ bí mật trong các hồ sơ của Hội đồng An ninh Quốc gia, trong đó tuyên bố rằng sự sẵn sàng của Mỹ giảm bớt việc bán vũ khí cho Đài Loan phụ thuộc vào cam kết liên tục của Trung Quốc đối với giải pháp hòa bình cho các bất đồng giữa 2 bờ Eo biển. Bản ghi nhớ nhấn mạnh rằng số lượng và chất lượng của các vũ khí được cung cấp cho Đài Loan phải được xác định bởi mối đe dọa từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. 
Reagan cũng thực hiện một bước đi bổ sung khi yêu cầu người đứng đầu AIT, James Lilley, nhân danh tổng thống trình bày bằng lời nói 6 đảm bảo liên quan tới chính sách của Mỹ về Đài Loan. Theo các đảm bảo này, Mỹ: 

- Đã không đồng ý đặt ra thời điểm chấm dứt việc bán vũ khí cho Trung Hoa Dân quốc; 

- Đã không đồng ý tiến hành tham vấn trước với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc bán vũ khí cho Trung Hoa Dân quốc; 

- Sẽ không đóng vai trò hòa giải giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc; 

- Sẽ không sửa đổi Đạo luật Quan hệ với Đài Loan; 

- Đã không thay đổi lập trường của nước này về chủ quyền đối với Đài Loan; và 

- Sẽ không gây áp lực buộc Trung Hoa Dân quốc tham gia đàm phán với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 

Vì sao Đài Loan quan trọng đối với Mỹ? 

Đài Loan đã chấm dứt thiết quân luật vào năm 1987 và tổ chức cuộc bầu cử tổng thống dân chủ trực tiếp đầu tiên của mình vào năm 1996. Ngày nay, Đài Loan là một nền dân chủ hoạt động đầy đủ, tôn trọng nhân quyền và pháp trị, và có một nền kinh tế mở mà vào năm 2015 đã đưa hòn đảo này trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ, với thương mại song phương giữa Mỹ và Đài Loan đạt mức 66,6 tỷ USD. Do đó, Đài Loan là một đối tác sống còn của Mỹ ở châu Á, một xã hội mạnh mẽ, thịnh vượng, tự do và có trật tự với các thể chế vững mạnh mà đóng vai trò một mô hình kiểu mẫu cho khu vực. 

Đài Loan và Mỹ đang tham gia các chương trình chung trong Khuôn khổ đào tạo hợp tác toàn cầu, làm việc cùng nhau nhằm mở rộng sự hợp tác vốn đã mạnh mẽ giữa hai bên nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu trong các lĩnh vực như viện trợ nhân đạo quốc tế, y tế công cộng, bảo vệ môi trường, năng lượng, công nghệ, giáo dục và phát triển khu vực. 
Trong năm 2012, hai quốc gia đã cùng khởi động Chương trình đối tác lãnh đạo quần đảo Thái Bình Dương, và vào năm 2014, Mỹ đã tham gia với tư cách đối tác sáng lập của Chương trình đối tác môi trường quốc tế do Đài Loan khởi xướng. Quan hệ đối tác cũng được nhấn mạnh bởi các nỗ lực hợp tác gần đây của Đài Loan và Mỹ để phản ứng trước các vấn đề cấp bách, từ dịch bệnh Ebola và MERS đến cuộc khủng hoảng nhân đạo về người tị nạn ở Trung Đông. Đài Loan đã chứng tỏ là một đối tác sống còn không chỉ đối với Mỹ, mà còn đối với khu vực. 

Chính quyền Đài Loan cam kết duy trì tình trạng hòa bình và ổn định hiện đang tồn tại giữa 2 bờ Eo biển Đài Loan, một ưu tiên hàng đầu của Mỹ đối với khu vực. Sự tuân thủ của Mỹ đối với cam kết lâu đời của nước này với người dân Đài Loan vẫn là điều quan trọng để duy trì sự tín nhiệm của Mỹ trên khắp Đông Á. 

Các nghĩa vụ và cam kết của Mỹ liên quan tới phòng thủ của Đài Loan là gì? 

Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Trung Hoa Dân quốc đã có hiệu lực từ ngày 3/3/1955 đến ngày 1/1/1980. Việc chấm dứt hiệp ước đã kết thúc nghĩa vụ của hai bên cung cấp viện trợ và hỗ trợ quân sự cho nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công. Một số nội dung của hiệp ước đã được đưa vào Đạo luật Quan hệ với Đài Loan. TRA tuyên bố rằng mọi nỗ lực nhằm xác định tương lai của Đài Loan bằng bất kỳ biện pháp nào ngoài các biện pháp hòa bình, bao gồm các cuộc tẩy chay hoặc lệnh cấm vận, là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của khu vực Tây Thái Bình Dương và được coi là mối quan ngại nghiêm trọng đối với Mỹ. Nó cũng quy định rằng quyết định của Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa phụ thuộc vào kỳ vọng rằng tương lai của Đài Loan sẽ được xác định bằng các biện pháp hòa bình. 

TRA đã đặt ra một chính sách cung cấp cho Đài Loan vũ khí có tính phòng thủ, nhưng quyết định cụ thể liên quan tới việc bán vũ khí được đưa ra bởi tổng thống, người có nghĩa vụ thông báo cho Quốc hội về thương vụ bán vũ khí sắp được thực hiện. Trong 10 năm qua, Mỹ đã thông qua các thương vụ bán vũ khí có trị giá 23,7 tỷ USD cho Đài Loan. TRA cũng yêu cầu Mỹ duy trì khả năng chống trả bất kỳ hành động viện đến vũ lực hoặc các hình thức ép buộc khác mà sẽ gây nguy hiểm cho an ninh, hoặc hệ thống xã hội hay kinh tế của người dân ở Đài Loan. 

Tại sao Trung Quốc lại lo sợ Đài Loan trở nên độc lập đến vậy? 

Với việc Hong Kong trở lại dưới sự kiểm soát của Trung Quốc vào tháng 7/1997, Đài Loan vẫn là một trong số ít các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền nhưng không kiểm soát. Nó được người dân Trung Quốc Đại lục nhìn nhận một cách rộng rãi như vết tích cuối cùng của thế kỷ nhục nhã mà đã bắt đầu với Chiến tranh Nha phiến vào giữa thế kỷ 19. Sự chia cắt vẫn còn tồn tại giữa Đại lục và Đài Loan cũng được thể hiện như một trở ngại đối với sự tái trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách một nước lớn, điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi là sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Hoa. Tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc được liên kết với lời cam kết tái thống nhất Đài Loan với tổ quốc. Một quan điểm phổ biến ở Đại lục là không có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào có thể duy trì được quyền lực nếu người đó cho phép Đài Loan tách khỏi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và được cộng đồng quốc tế công nhận là một nhà nước độc lập có chủ quyền. 

Luật Chống ly khai, được Bắc Kinh thông qua vào năm 2005, đặt ra 3 điều kiện mà theo đó Trung Quốc sẽ được biện minh khi sử dụng “các phương thức phi hòa bình và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”: 1) Các lực lượng độc lập của Đài Loan gây ra sự kiện Đài Loan ly khai khỏi Trung Quốc; 2) Xảy ra các vụ việc lớn kéo theo việc Đài Loan ly khai khỏi Trung Quốc; hoặc 3) Các khả năng cho việc tái thống nhất trong hòa bình đã hoàn toàn bị cạn kiệt.

Bonnie S. Glaser là cố vấn cao cấp về Châu Á và là giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ. Michael J. Green là phó giám đốc cấp cao về Châu Á và Chương trình Japan Chair. Bài viết được đăng trên CSIS.

Văn Cường (gt)