Tóm tắt

Mỹ và Trung Quốc thiếu sự tin tưởng về chính trị bất chấp những sự tái bảo đảm lặp đi lặp lại từ cả hai nước. Một ví dụ nổi bật là sự xoay trục của Mỹ sang châu Á, mà nhiều người ở Trung Quốc xem là một chiến lược của Mỹ chống lại sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Mặt khác, dù cho Chính phủ Trung Quốc thường xuyên lặp đi lặp lại câu thần chú “trỗi dậy hòa bình” như thế nào đi nữa, nhiều người ở Mỹ viện dẫn sự hành xử hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ làm bằng chứng cho sự tin tưởng của họ rằng sự trỗi dậy của nước này sẽ gây bất ổn cho khu vực.

Làm thế nào để lấp đầy những khoảng cách về nhận thức và chính sách như vậy? Những hành động nói lên nhiều hơn là lời nói. Hai nước có thể bắt đầu xua tan sự ngờ vực chính trị bằng cách làm việc cùng nhau để tìm ra một giải pháp cho thế bế tắc hạt nhân Triều Tiên. Mỹ và Trung Quốc chia sẻ mục tiêu một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, song có những quan ngại và tầm nhìn khác nhau về bán đảo Triều Tiên. Họ có thể bắt đầu bằng việc đạt được một thỏa thuận về một cảnh quan an ninh Đông Á trong tương lai mà không gây tổn hại đến những lợi ích sống còn của họ. Với sự trợ giúp từ các bên tham gia có liên quan khác, Mỹ và Trung Quốc có thể đưa vấn đề Triều Tiên đến một kết luận thỏa đáng, xây dựng sự tin tưởng chính trị trong quá trình này và đặt nền móng cho sự hợp tác thêm nữa trong tương lai.

Sự hoài nghi sâu sắc, sự sẵn sàng hợp tác cao

Trong lịch sử, các cường quốc mới nổi và các cường quốc đang thống trị lo sợ về các thách thức và các mối đe dọa từ mỗi bên. Khi Trung Quốc có được sức mạnh kinh tế và quân sự, một số người đã lưu ý rằng Mỹ và Trung Quốc dường như đang ngày càng trở nên không tin tưởng lẫn nhau bất chấp những tuyên bố công khai cho thấy ngược lại, điều đã làm xói mòn sự thành công của các sáng kiến có tính hợp tác giữa hai nước. Trung Quốc và Mỹ đã liên tục tái bảo đảm lẫn nhau về những ý định ôn hòa của họ như một cách để ngăn chặn cuộc xung đột thường đi cùng với sự chuyển giao quyền lực toàn cầu; Mỹ đã công khai chào đón sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, còn Trung Quốc cho thấy rằng nước này không có ý định thay thế Mỹ hay đẩy Mỹ ra khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các học giả như David M.Lampton đã miêu tả đặc trưng mối quan hệ Mỹ-Trung là một mối quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Việc xử lý những sự khác biệt giữa họ và mở rộng các lĩnh vực hợp tác là vì lợi ích của hai nước nếu họ muốn tránh xung đột. Những nỗ lực lớn hiện nay của cả hai phía hoàn thành việc này có thể được tóm tắt như “sự xoay trục” của Mỹ sang châu Á và khuôn khổ “quan hệ nước lớn kiểu mới” của Trung Quốc. Thông qua những sáng kiến này, cả Mỹ lẫn Trung Quốc hy vọng thúc đẩy sự hợp tác để tránh thảm họa lịch sử của cái bẫy Thucydides. Không may thay, cho đến nay hai nước có cách hiểu không đầy đủ về sáng kiến chính sách của nhau, mà làm nổi bật sự tồn tại của thái độ không tin tưởng đã ăn sâu bén rễ giữa hai nước.

Trong khi các đồng minh của Mỹ và phần lớn các nước ở châu Á ủng hộ “sự tái cân bằng” hay “sự xoay trục” của Mỹ sang châu Á trong bối cảnh sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc, Trung Quốc vẫn nghi ngờ những ý định của Mỹ. Yếu tố then chốt trong sự xoay trục này bao gồm việc củng cố mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Á, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác của Mỹ với các cường quốc mới nổi, tham gia các thể chế đa phương khu vực, mở rộng thương mại và đầu tư, thúc đẩy sự hiện diện quân sự trên cơ sở rộng rãi, và thúc đẩy chế độ dân chủ và nhân quyền. Mặc dù các quan chức Chính quyền Obama đã nhiều lần nhắc lại rằng Mỹ không và sẽ không kiềm chế Trung Quốc, nhiều người tin rằng chiến lược xoay trục ít nhất phần nào là nhằm chống lại sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy rất bực bội khi Mỹ củng cố các mối quan hệ với phần lớn các nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc; khi Mỹ bắt đầu chuyển thêm nhiều lực lượng hải quân và không quân đến châu Á cho dù nước này đã đưa quân đến Nhật Bản và Hàn Quốc; và khi Mỹ tuyên bố rằng hiệp ước phòng thủ tập thể Mỹ-Nhật bao trùm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà không duy trì một lập trường về chủ quyền quần đảo này. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng lo sợ rằng những chính sách này của Mỹ đang khuyến khích những hành vi mạo hiểm của một số chính trị gia ở Nhật Bản, Phillippines như được minh chứng bằng các cách tiếp cận đối đầu của các nhà lãnh đạo này đối với Trung Quốc. Giới lãnh đạo Trung Quốc tự hỏi Washington đã làm gì để cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung trong khi củng cố sự hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những quan ngại này có thể không thú vị hay hợp lý ở Washington, nhưng đối với nhiều nhà phân tích và hoạch định chính sách Trung Quốc, chúng là có thật và nghiêm trọng. Điểm mấu chốt là sự không tin tưởng giữa Mỹ và Trung Quốc không giảm đi như kết quả của sự xoay trục.

Điều không giúp ích là những dấu hiệu của Nhà Trắng là không nhất quán. Chẳng hạn, các quan chức từ cả hai chính phủ đã xem chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Obama vào tháng 11/2014 trong hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) là một sự thành công, bởi vì cả hai phía đã ký một loạt rộng lớn các thỏa thuận về các chủ đề từ biến đổi khí hậu và thương mại đến hợp tác năng lượng và trao đổi người dân. Theo quan điểm của Trung Quốc, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được những thỏa thuận này trên một nền tảng ngang bằng, điều cho thấy Mỹ sẵn sàng làm việc với và đối xử với Trung Quốc như một đối tác. Tuy nhiên Mỹ kể từ đó đã đưa ra những tuyên bố cho thấy điều ngược lại. Chẳng hạn, trong Thông điệp liên bang năm 2015, Tổng thống Obama đã công khai miêu tả Trung Quốc là một đối thủ và cho rằng các mối quan hệ Mỹ-Trung đơn thuần là một sự cạnh tranh. Theo khuôn khổ mối quan hệ này, Mỹ sẽ nỗ lực đảm bảo rằng Trung Quốc tuân thủ những quy tắc do Mỹ tạo ra, không tạo ra những quy tắc thương mại khu vực mới, và ngừng đề xuất các chế độ quốc tế mới hay thách thức trật tự quốc tế hiện nay. Trong một thông điệp được viết sau đó, Tổng thống Obama đã tóm tắt lại quan điểm của ông cho rằng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, nên là người viết ra những quy tắc cho thương mại ở châu Á.

Trong khi đó, Mỹ vẫn hoài nghi về và vẫn chưa hoàn toàn đi theo đề xuất “quan hệ nước lớn kiểu mới” của Trung Quốc. Phó Chủ tịch khi đó Tập Cận Bình đã lần đầu tiên phác thảo khái niệm này trong bài diễn văn của ông vào ngày 15/2/2012 ở Washington. Ông Tập đã nói rằng một mối quan hệ như vậy sẽ có đặc trưng là “sự hiểu biết lẫn nhau và lòng tin chiến lược”, “tôn trọng những lợi ích cốt lõi của nhau”, “hợp tác đôi bên cùng có lợi”, và “thúc đẩy sự hợp tác và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và các vấn đề toàn cầu”. Ông Tập đã chính thức đề xuất khái niệm này một lần nữa trong một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Obama tại Sunnylands, California vào tháng 6/2013. Tuy nhiên, những hành vi của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ quốc tế đã là không đáng khích lệ. Mỹ gặp khó khăn đặc biệt trong việc ủng hộ “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc nếu Bắc Kinh xác định những lợi ích này bao gồm việc duy trì hệ thống chính trị của nước này và sự cầm quyền của đảng cộng sản và bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và có vẻ cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Mỹ cũng dường như không tin tưởng và đã ngăn chặn những nỗ lực của Trung Quốc trở thành một bên tham gia có trách nhiệm hơn trong các tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, tồn tại bất đồng về những ý định của Trung Quốc liên quan đến hệ thống tài chính quốc tế. Các quan chức Mỹ coi vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong việc thành lập các thể chế đa phương mới như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và ngân hàng BRICS (một ngân hàng do các nền kinh tế mới nổi hàng đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi tạo ra) là thách thức trực tiếp đối với hệ thống tài chính quốc tế do Mỹ chi phối. Mặc dù Mỹ có những nghi ngại về các sáng kiến mới của Trung Quốc, các nước khác, kể cả các đồng minh chính của Mỹ như Anh, Hàn Quốc, Úc, Pháp và Đức lạc quan rằng những thể chế mới này có thể bổ sung cho những thể chế hiện nay và hỗ trợ phần lớn thế giới đang phát triển. Theo một số học giả, chính sách của Trung Quốc không tìm cách đánh đổ hay ra khỏi các tổ chức quốc tế và các chế độ đa phương hiện nay; thay vào đó, Trung Quốc đang xây dựng các kênh để định hình trật tự quốc tế vượt quá những tuyên bố về quyền lãnh đạo của phương Tây.

Mỹ dường như gặp khó khăn khi đối mặt với cấu trúc quyền lực toàn cầu đang thay đổi và để lại phía sau sự không tin tưởng về Trung Quốc; như Wu Xinbo thuộc Đại học Phúc Đán đã bình luận, Mỹ đang không đối xử một cách thỏa đáng với sự nổi lên của Trung Quốc mà thay vào đó đang thuyết phục các đồng minh của mình ở châu Á chống lại Trung Quốc và cản trở sự hợp tác kinh tế hơn nữa ở Đông Á. Obama đã gọi Trung Quốc là “kẻ ăn theo”, nhưng khi Trung Quốc thử sức đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế, Mỹ đã miễn cưỡng ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc. Chẳng hạn, khi Trung Quốc đề nghị thành lập một AIIB mới, Mỹ ban đầu không tán thành ý tưởng này và đã gây áp lực buộc các đồng minh của mình không gia nhập ngân hàng này. Như một số học giả đề xuất, các nước phương Tây nên xem xét sự can dự và tham gia thận trọng các cơ chế lựa chọn do Trung Quốc đưa ra. Quả thật, các nước thành viên then chốt trong các thể chế tài chính hiện nay có thể gây ảnh hưởng lên các thể chế mới này một cách dễ dàng hơn nếu như họ tham gia, việc tham gia có nhiều khả năng dẫn đến sự quản lý tốt hơn, sự minh bạch và tính lâu bền cho những thể chế mới này. Trong khi cách tiếp cận trọng thương của Trung Quốc và các tiêu chuẩn lao động và môi trường thấp của nước này không nên trở thành một phần trong những chuẩn mực thương mại toàn cầu, Mỹ không thừa nhận rằng Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có lợi ích toàn cầu. Bất kể Trung Quốc có phải là một đối tác đáng tin cậy hay không, Mỹ không còn có thể một mình ra lệnh cho nền kinh tế chính trị quốc tế nữa.

Cách Trung Quốc cố gắng theo đuổi một vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế cũng có thể làm trầm trọng thêm hay làm dịu bớt sự không tin tưởng của Mỹ đối với Trung Quốc. Bên trong Trung Quốc, một số học giả đã lập luận rằng chính phủ nên từ bỏ châm ngôn “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình trong các vấn đề đối ngoại. Lý do căn bản của họ là Trung Quốc hiện nay đủ mạnh để yêu cầu một mức độ cân xứng lớn hơn trong các mối quan hệ giữa nước này với Mỹ. Các học giả quân sự và theo chủ nghĩa dân tộc đặc biệt mạnh mẽ trong việc đưa ra những lời kêu gọi này. Chủ nghĩa dân tộc đang lên ở trong nước thúc đẩy hành vi cậy quyền cậy thế của Trung Quốc ở bên ngoài và Trung Quốc có xu hướng đổ lỗi cho các nước khác tạo ra những căng thẳng trong mối quan hệ song phương mà không phản ánh đầy đủ hành vi của chính nước này. Với tư cách là một cường quốc toàn cầu mới nổi, Trung Quốc không phải luôn hành động một cách khiêm nhường và có trách nhiệm.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ năm 2010 đã trở thành chủ đề tranh luận nóng bỏng. Gần đây, dấy lên những ấn phẩm mang tính học thuật tập trung vào việc phân tích lý do tại sao và như thế nào chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn sau năm 2010, cho dù không có một sự nhất trí nào về sự quyết đoán như vậy. Vào năm 2014, khi thế giới đánh dấu kỷ niệm 100 năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhiều nhà phân tích đã viết ra những bài báo và bài bình luận khẳng định rằng Trung Quốc đương đại giống với Đức trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ý nghĩa của các bài báo này là sự nổi lên của Trung Quốc sẽ làm bất ổn và thậm chí dẫn đến chiến tranh ở châu Á. Quả thật, theo học thuyết chuyển giao quyền lực của A.F.K. Organski, những căng thẳng giữa một cường quốc mới nổi và một cường quốc chi phối luôn luôn kết thúc bằng chiến tranh. Những người theo chủ nghĩa thực tế bảo thủ như John Mearsheimer cũng tin rằng sự nổi lên của Trung Quốc sẽ đương nhiên thách thức Mỹ, và rằng xung đột là không thể tránh khỏi.

Các học giả và các nhà hoạch định chính sách theo trào lưu chính thống ở cả hai phía phủ nhận giả định rằng Mỹ và Trung Quốc bằng cách này hay cách khác có định mệnh xung đột với nhau. Như Tom Donilon, cố vấn an ninh quốc gia khi đó của Obama, đã bình luận vào tháng 3/2013, chẳng có gì định trước cho một kết quả như vậy. Các học giả hàng đầu của Mỹ như Ken Lieberthal và David M.Lampton cảnh báo rằng Mỹ nên tiếp tục can dự và hợp tác với Trung Quốc và không nên buộc các nước châu Á phải lựa chọn giữa hai cường quốc này. Nhiều học giả Trung Quốc chia sẻ quan điểm này. Theo Jia Qingguo thuộc Đại học Bắc Kinh, nền tảng cho sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn vững chắc. Về chính trị, giới tinh hoa ở cả hai nước sẵn sàng hợp tác và muốn tránh đối đầu. Về mặt kinh tế, hai nước đã trở nên gắn chặt với nhau một cách không thể lẩn tránh được, với thương mại song phương đạt mức 500 tỷ USD/năm. Jia đã chỉ ra rằng sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình đã diễn ra; sự nổi lên của Mỹ vào thế kỷ 19 không dẫn đến cuộc chiến tranh với Anh, và Mỹ chào đón và hỗ trợ sự tái trỗi dậy của Đức và Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Jia tuyên bố rằng sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc là hoàn toàn có thể bởi vì Trung Quốc bảo vệ trật tự quốc tế hiện nay và ủng hộ một hệ thống thương mại quốc tế mở cửa. Ngay cả trong những tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc muốn giải quyết và xử lý các vấn đề thông qua đàm phán, và sau những thập kỷ phát triển và mở cửa, những sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về các giá trị then chốt như nền kinh tế thị trường, sự cai trị của luật pháp, nhân quyền và dân chủ đang thu hẹp lại. Các học giả hàng đầu khác của Trung Quốc như Qin Yaqing và Jin Canrong cũng cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục chấp nhận một chính sách đối ngoại “giấu mình chờ thời” và tìm kiếm sự hợp tác với Mỹ.

Dù trường phái tư duy của ai đi chăng nữa, thì rõ ràng là chính sách của Mỹ hiện nay với Trung Quốc không hoàn toàn thừa nhận và chấp nhận trật tự thế giới mới đang nổi lên. Việc Mỹ phản ứng với những sáng kiến chính sách của Trung Quốc như thế nào sẽ ảnh hưởng lớn đến những gì Trung Quốc sẽ làm tiếp theo. Chính quyền Obama đã không thừa nhận đường hướng có tính xây dựng của Trung Quốc và miễn cưỡng hoàn toàn tán thành khuôn khổ “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Như Cheng Li và Lucy Xu chỉ ra một cách chính xác, những hoài nghi của Mỹ về những ý định của Trung Quốc là rào cản then chốt đối với sự ủng hộ của Mỹ dành cho khuôn khổ này. Hơn nữa, việc chấp nhận nó sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ tự nhận mình là cường quốc lâu năm đang suy yếu bị vướng vào cái bẫy Thucydides với một Trung Quốc đang nổi lên hay có khả năng rằng Mỹ ủng hộ những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, như những tuyên bố của Trung Quốc ở các lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Cuối cùng, các đồng minh của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản sẽ cảm thấy bị xem nhẹ bởi dàn xếp quyền lực kiểu G2 riêng biệt như vậy trong khu vực.

Vấn đề Triều Tiên

Bất chấp mong muốn của Trung Quốc và Mỹ hợp tác và tránh đối đầu, cả hai nước vẫn thiếu sự tin tưởng về chính trị. Họ có thể bắt đầu bằng mục tiêu được chia sẻ là bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Triều Tiên tạo ra một thách thức an ninh đối với cả Mỹ và Trung Quốc, là chính lý do để hai cường quốc chia sẻ lợi ích chung trong vấn đề này và có thể giúp xoa dịu những quan ngại của hai phía về tương lai. So với các vấn đề gây tranh cãi khác như Đài Loan, những tranh chấp lịch sử và lãnh thổ ở Đông Á, và cướp biển, mà về chúng hai nước bất đồng mạnh mẽ, Mỹ và Trung Quốc chia sẻ mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên, và Bắc Kinh cùng Washington có lịch sử hợp tác về vấn đề này. Ngoài ra, với các vụ thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và công nghệ hạt nhân và tên lửa được cải thiện của nước này trong vài năm qua, vấn đề này ngày càng trở nên khẩn cấp. Một giải pháp chấp nhận được đối với cả hai nước về vấn đề Triều Tiên có thể không chỉ là tránh những hậu quả có thể rất tai hại của một Triều Tiên vũ trang hạt nhân gây ra một cuộc xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên, mà còn mang lại sự thử nghiệm quý giá về liệu Mỹ và Trung Quốc có thể làm việc cùng nhau rộng hơn để xây dựng lòng tin giữa họ và để thúc đẩy an ninh ở Đông Á hay không.

Nhiều người đổ lỗi cho Bình Nhưỡng về việc phát triển các vũ khí hạt nhân và gây ra một thách thức an ninh nghiêm trọng ở Đông Á; ít người thừa nhận rằng Triều Tiên đã không một mình tạo ra vấn đề này. Chiến tranh Triều Tiên chưa chấm dứt hoàn toàn là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô, và nó đã xác định cảnh quan an ninh Đông Á trong nhiều thập kỷ. Trong Chiến tranh Lạnh, Triều Tiên đã rất giỏi khiến Trung Quốc và Liên Xô chống lại lẫn nhau và đã thành công trong việc vắt kiệt sự hỗ trợ từ cả hai cường quốc. Sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp thực phẩm và viện trợ đáng tin cậy duy nhất của Triều Tiên, trong khi Mỹ và Nhật Bản từ chối thừa nhận Triều Tiên về mặt ngoại giao. Cảm thấy bất an và bị cô lập, Triều Tiên nhằm mục đích xây dựng một kangong taeguk (nhà nước mạnh và thịnh vượng) với một quân đội hùng mạnh và nền kinh tế tiên tiến, và sau 3 cuộc thử hạt nhân thành công vào năm 2006, 2009, và 2013, nước này tự cho mình là một nhà nước hạt nhân, một trạng thái mà cộng đồng quốc tế không chính thức công nhận. Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã xấu đi đáng kể kể từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền vào năm 2011, và những hành vi của Triều Tiên đã làm phương hại đến lợi ích của Trung Quốc trong việc duy trì một môi trường khu vực hòa bình.

Khuôn khổ hiệp định khung 1994 giữa Mỹ và Triều Tiên đã đưa ra một cơ hội hiếm hoi kết thúc chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Thật không may, không bên nào làm theo thỏa thuận. Đàm phán 6 bên đã bắt đầu vào 2003 bị lâm vào bế tắc vào năm 2009; mặc dù Trung Quốc và Mỹ quan tâm đến việc bắt đầu lại vòng đàm phán, họ không thể làm việc cùng nhau và thuyết phục Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. Với những thách thức về an ninh, kinh tế và những thách thức khác cần đối phó ở những nơi khác, Trung Quốc và Mỹ đã không đối xử với Triều Tiên như một vấn đề ưu tiên kể từ khi vòng đàm phán 6 bên sụp đổ. Nói tóm lại, thách thức hiện nay do Triều Tiên gây ra là kết quả của một loạt sự kiện liên quan đến nhiều bên tham gia, và giải pháp cho vấn đề này là không thể có được nếu thiếu sự hợp tác từ cả hai cường quốc chính này.

Mỹ và Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Bình Nhưỡng hạt nhân hóa, tuy nhiên cả hai nước dường như chưa có động lực để thực hiện hành động mới ngay lập tức và thay vào đó tiếp tục cách tiếp cận tương tự như họ đã sử dụng trong quá khứ. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên đòi hỏi những nguồn lực ngoại giao lớn từ Mỹ và Trung Quốc; đây là một vấn đề ngoại giao và an ninh gây đau đầu chính ở cả hai nước. Trung Quốc ngày càng mệt mỏi với những hành vi ngoan cố của Bình Nhưỡng, tuy nước này vẫn cung cấp viện trợ cho Bình Nhưỡng, với hàm ý rằng Triều Tiên vẫn có giá trị chiến lược và phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc như một nhà nước “đệm”. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục cảnh giác với Triều Tiên bằng việc duy trì mức độ lớn các lực lượng ở khu vực này và thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc và Nhật Bản. Nước này coi Triều Tiên là một mối đe dọa trực tiếp với các lợi ích quốc gia của nước này và của các đồng minh. Do kết quả của sự thiếu phối hợp và hành động chung của hai cường quốc, Triều Tiên đã tinh lọc công nghệ hạt nhân của mình. Cho phép tình hình hiện nay ở Triều Tiên tiếp diễn là vừa nguy hiểm. Cũng khó xử là Mỹ và Trung Quốc không bắt đầu lại làm việc cùng nhau về vấn đề Triều Tiên khi các cuộc đàm phán quốc tế, mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều tham gia, đang tạo ra tiến bộ đáng kể về vấn đề chương trình hạt nhân của Iran.

Có nhiều lý do khiến Mỹ và Trung Quốc cho đến nay không thể thực hiện hành động chung về vấn đề Triều Tiên, mà trong đó tình trạng không chắc chắn về địa chiến lược là đáng kể nhất. Học giả về Triều Tiên Stephan Haggard lưu ý rằng Tổng thống Obama phẫn nộ trước những cuộc thử tên lửa và hạt nhân vào năm 2009, vụ đắm tàu Cheonan và vụ nã pháo vào Yeonpyeong, và còn trước việc phá vỡ cái gọi là Thỏa thuận Ngày nhuận giữa Triều Tiên và Mỹ vào năm 2012. Thêm vào đó, Haggard cho rằng vụ Sony bị hack đóng một vai trò đáng kể trong các mối quan hệ Mỹ-Triều hơn rất nhiều so với hầu hết mọi người nghĩ. Với một quốc hội Đảng Cộng hòa chi phối, các sáng kiến từ Washington là không thể có trừ khi Triều Tiên thực hiện một hành động táo bạo, có thể là đơn phương ngừng các cuộc thử hạt nhân hay tên lửa. Tuy nhiên, chờ đợi Kim Jong-un thực hiện bước hòa giải trước, hay còn tốt hơn sự sụp đổ của Triều Tiên, là điều không tưởng. Trong khi đó, một số nhà phân tích và các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đang không gây đủ áp lực cho Triều Tiên. Quả thật, Trung Quốc không sẵn sàng từ bỏ Triều Tiên và do đó đối mặt với một Triều Tiên sụp đổ, điều có thể gây ra những phí tổn rất lớn về chính trị, kinh tế, an ninh và nhân đạo đối với Trung Quốc. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên cũng có thể được thổi phồng quá mức, do Triều Tiên dường như không quan tâm đến những lợi ích của Trung Quốc.

Truyền thông phương Tây hàng ngày miêu tả Trung Quốc là “đồng minh duy nhất” của Triều Tiên, tiếp tục cung cấp thực phẩm và viện trợ và tạo ra phao cứu sinh cho Triều Tiên. Một cái nhìn gần hơn vào các chính sách đang phát triển của Trung Quốc đối với hai miền Triều Tiên kể từ đầu những năm 1990 cho thấy rằng Trung Quốc đang rời xa khỏi lập trường ủng hộ Triều Tiên truyền thống sang một chính sách thân thiện với Hàn Quốc hơn. Các mối quan hệ kinh tế, chính trị và chiến lược nồng ấm giữa Trung Quốc và Hàn Quốc là những chỉ dấu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đã trở nên không hài lòng với Bình Nhưỡng và sẵn sàng thay đổi chính sách của mình đối với Triều Tiên theo những điều kiện đúng đắn. Những điều kiện như vậy bao gồm, trong số những điều khác, không có sự sụp đổ bất ngờ của chế độ Triều Tiên, một Triều Tiên thống nhất trung lập về chính trị trong tương lai, và việc giảm đáng kể, nếu không muốn nói là rút toàn bộ, quân đội Mỹ khỏi Triều Tiên thống nhất. Chỉ Mỹ mới có thể giúp đáp ứng những điều kiện này. Những sự trừng phạt của Mỹ chống lại Triều Tiên đã không đạt được những kết quả như mong muốn, trong khi đó Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Triều Tiên. Đã đến lúc Mỹ và Trung Quốc thay đổi các cách tiếp cận của họ và đưa vấn đề hạt nhân Triều Tiên đến một giải pháp kết thúc an toàn.

Hướng lên phía trước

Cách diễn giải rập khuôn về từ “khủng hoảng” theo tiếng Trung Quốc là từ đó bao gồm 2 ký tự mà lần lượt có nghĩa là “nguy cơ” và “cơ hội”. Cho đến nay, Triều Tiên được đối xử như một vấn đề nguy hiểm chứ không phải là một cơ hội ẩn dấu dành cho Mỹ và Trung Quốc để tạo ra hòa bình và ổn định dài lâu ở Đông Á thông qua hợp tác. Hai quốc gia này từng đóng vai trò lãnh đạo trong vòng đàm phán 6 bên. Hiện nay, họ nên hành xử có trách nhiệm bằng việc tiếp tục ở nơi họ đã ngừng lại và tích cực tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề này.

Nguyên nhân ẩn chứa bên dưới của sự hợp tác nghèo nàn này về vấn đề Triều Tiên là sự hoài nghi chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc và việc họ không thể vượt qua được trạng thái tâm lý cũ này. Trong khi hai nước chia sẻ mục tiêu về một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, quan điểm của họ bất đồng về Triều Tiên ngày nay và trong tương lai; Mỹ coi Triều Tiên là một mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia, nhưng một số người ở Trung Quốc tiếp tục xem Triều Tiên là một nhà nước đệm cho Trung Quốc. Không có một kết cục chung rõ ràng, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không biết mong đợi điều gì từ sự thống nhất hai miền Triều Tiên hay không sẵn sàng đối phó với một Triều Tiên sụp đổ.

Trước tiên, Mỹ và Trung Quốc, cùng với Hàn Quốc cần vạch ra một kế hoạch cho tương lai của Triều Tiên. Nếu cả hai miền Triều Tiên đồng ý tái thống nhất, giải pháp có thể có duy nhất là một Triều Tiên thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hàn Quốc, nhưng đối với cả Mỹ lẫn Trung Quốc, chính sách đối ngoại của một nước Triều Tiên tái thống nhất trong tương lai vẫn là một sự không chắc chắn. Sự ổn định trong bối cảnh chính trị, kinh tế và an ninh Đông Á phải là một ưu tiên đối với tất cả các bên có liên quan. Do đó, một Triều Tiên tái thống nhất nên duy trì sự trung lập về chính trị và nên thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc lẫn Mỹ, làm cân bằng những lợi ích sống còn của họ. Đến lượt mình, Mỹ và Trung Quốc cũng phải sẵn sàng nhường lại cho Seoul quyền quyết định liệu quân đội Mỹ có thể vẫn ở lại trên đất Triều Tiên thống nhất hay không; Washington nên đảm bảo với Bắc Kinh rằng bất cứ tư thế lực lượng của Mỹ nào có thể có trong tương lai trên bán đảo này cũng sẽ nhỏ hơn tư thế hiện nay và không đóng gần hơn về phía Bắc so với hiện nay. Việc tạo ra những ý định này như một phần của kế hoạch cho tương lai của Triều Tiên là quan trọng đối với sự thành công của hai cường quốc trong việc làm việc cùng nhau để xóa bỏ sự không tin tưởng và thúc đẩy sự tái thống nhất hòa bình của Triều Tiên.

Mỹ và Trung Quốc từng có sự hiểu biết chung về tình hình này, họ có thể sử dụng cả củ cà rốt và cây gậy để “dụ dỗ” Triều Tiên quay trở lại đàm phán phi hạt nhân hóa. Những chiến lược của Mỹ hiện nay phụ thuộc nặng nề vào những sự trừng phạt mà không đưa ra được bất cứ sự hứa hẹn hay hấp dẫn nào đối với Triều Tiên nếu nước này từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Mặt khác, Trung Quốc ngại đưa ra một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Triều Tiên vì lo sợ xảy ra tình trạng bất ổn trong khu vực và dòng người tị nạn khổng lồ tràn vào Trung Quốc do kết quả của sự sụp đổ đột ngột ở Bình Nhưỡng. Những chính sách này cho đến nay đã không thể làm ngừng hay đẩy lui chương trình hạt nhân của Triều Tiên; đã đến lúc phải có một sự thay đổi.

Mỹ phải đề nghị những sáng kiến rõ ràng và hấp dẫn để có được các biện pháp đôi bên cùng có lợi của Triều Tiên; những củ cà rốt này nên bao gồm những bước cụ thể hướng tới chấm dứt sự thù địch, công nhận chế độ Triều Tiên, và cuối cùng là các mối quan hệ ngoại giao bình thường. Việc công nhận không nhất thiết có nghĩa là ủng hộ; Mỹ đã công nhận và vẫn công nhận các chính quyền vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm nhân quyền. Trên thực tế, sẽ là khôn ngoan về mặt chính trị nếu một đất nước giữ cho các đối thủ ở gần, nếu làm như vậy là phục vụ những lợi ích quốc gia của mình. Trong khi đó, sự thay đổi gần đây của Trung Quốc từ mối quan hệ giữa hai đảng sang mối quan hệ bình thường giữa hai nhà nước đối với Triều Tiên mang lại một cơ hội để đưa ra những cây gậy, do đó rõ ràng là xua tan câu chuyện hoang đường rằng Trung Quốc và Triều Tiên vẫn là các đồng minh. Trung Quốc nên kiên quyết phản đối bất cứ chính sách và hành động nào của Triều Tiên mà sẽ làm phương hại đến những lợi ích quốc gia của Trung Quốc hay an ninh khu vực, cắt giảm viện trợ và lương thực cung cấp cho Triều Tiên nếu cần thiết.

Kế tiếp, Mỹ và Trung Quốc phải làm việc với các đồng minh và bạn bè của mỗi nước - đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga – để phối hợp các chính sách của họ để Triều Tiên không thể lợi dụng sự không nhất quán trong số các chính sách của những nước này. Để đảm bảo một chính sách Triều Tiên chung thành công như vậy, tất cả các bên có liên quan phải điều chỉnh những lợi ích của họ và trước tiên tập trung vào việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Chẳng hạn, nếu vòng đàm phán 6 bên bắt đầu lại, Nhật Bản nên kiềm chế không đưa thêm vấn đề các cư dân bị bắt cóc ở Triều Tiên của họ vào chương trình nghị sự, điều sẽ làm phức tạp các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Tương tự, Nga không nên lợi dụng những rạn nứt trong mối quan hệ Trung-Triều và kích thích sự thèm muốn viện trợ tăng thêm của Triều Tiên. Sự phối hợp của Nga với các cường quốc khác về chính sách Triều Tiên sẽ cải thiện hình ảnh quốc tế của nước này và giảm bớt những hậu quả gây đau đớn của chính sách Ukraine của nước này – nhưng những mục tiêu này nên đứng sau mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Mỹ và Trung Quốc cũng nên chia sẻ nhiều trách nhiệm khác nhau liên quan đến vấn đề Triều Tiên. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc nên đóng góp vào quỹ thống nhất của Hàn Quốc để giúp trả những chi phí cao của việc hòa giải hai miền Nam-Bắc Triều Tiên và một sự tái thống nhất trong tương lai. Mỹ và Nhật Bản cũng nên sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với Trung Quốc và Hàn Quốc trong việc tiếp đón số lượng lớn người tị nạn Triều Tiên. Trong khi đó, cả Mỹ và Trung Quốc nên tiến hành các bước để chào đón Triều Tiên như một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế và giúp nước này tăng cường trao đổi kinh tế và văn hóa với các quốc gia khác để phá vỡ sự cô lập của Triều Tiên. Triều Tiên sẽ sớm nhận ra rằng kế hoạch quốc gia phát triển song song của nước này (vừa phát triển hiện đại hóa kinh tế vừa phát triển vũ khí hạt nhân) là không có tính thực tế; Mỹ và Trung Quốc nên ủng hộ một cách nhanh chóng và thích hợp những cải cách kinh tế và chính trị của Triều Tiên. Cuối cùng, cả Mỹ lẫn Trung Quốc nên đưa ra cho Triều Tiên đang dần dần mở cửa những đảm bảo về an ninh. Một Triều Tiên tự tin cảm thấy được chào đón và hội nhập vào hệ thống quốc tế sẽ có nhiều khả năng hơn theo đuổi sự tái thống nhất và phi hạt nhân hóa một cách hòa bình.

Kết luận

Việc tránh kiểu xung đột giữa một nước lớn đang tồn tại và một cường quốc mới nổi được báo trước bằng cái bẫy Thucydides đã trở thành thách thức nghiêm trọng nhất của mối quan hệ Mỹ-Trung. Đối với Mỹ, nhiệm vụ không nên là để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, mà đúng hơn để đảm bảo rằng Mỹ và các đồng minh của nước này phát triển cùng với Trung Quốc theo cách tối đa hóa hòa bình và thịnh vượng cho tất cả các bên. Đối với Trung Quốc, mục tiêu không nên là thách thức hệ thống quốc tế hiện nay hay thay thế Mỹ với tư cách là một cường quốc thống trị ở châu Á-Thái Bình Dương, mà đúng hơn là làm việc cùng với Mỹ và các nước khác như một cường quốc có trách nhiệm để mở rộng hòa bình và ổn định ở châu Á và xa hơn thế. Cả sự “xoay trục” của Mỹ lẫn “quan hệ nước lớn kiểu mới” của Trung Quốc không thể thành công nếu Mỹ và Trung Quốc không thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau. Mỹ dường như đang đối mặt với một thế bế tắc trong chính sách châu Á của nước này: hoặc làm việc chặt chẽ hơn với một Trung Quốc đang nổi lên luôn luôn không có cùng quan điểm với Mỹ, hoặc mở rộng các liên minh và tình hữu nghị của mình với các nước khu vực khác. Mỹ vẫn phải suy tính làm thế nào để đạt được cả hai mục tiêu trên. Mặt khác, Trung Quốc đôi khi không chắc chắn về việc làm thế nào để sử dụng sức mạnh mới được thiết lập kết hợp với sự tăng trưởng nhanh chóng của nước này, và cần có cơ hội để tự tập làm quen với vai trò mới của mình trong các vấn đề quốc tế. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc nên điều chỉnh để thích nghi với cấu trúc quyền lực đang thay đổi và trật tự thế giới mới đang xuất hiện.

Những sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về văn hóa, lịch sử, hệ thống xã hội và mức độ phát triển đã góp phần vào sự không tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước, như các chính trị gia bảo thủ và hiếu chiến, giới truyền thông, các học giả và các nhân viên quân sự, những người có thể tiếp tục làm rùm beng về chủ nghĩa dân tộc và tạo ra những trở ngại cho sự hợp tác trong tương lai đã góp phần vào đó. Những sự hoài nghi sâu sắc sẽ không sớm biến mất, và không một ai nên cho rằng việc xây dựng lòng tin sẽ là dễ dàng. Các nhà lãnh đạo chính trị phải có sự khôn ngoan và nhìn xa trông rộng để đảm bảo các lực lượng tiêu cực góp phần vào sự không tin tưởng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không cản trở sự hợp tác giữa hai nước. May mắn thay, cả hai phía đều quyết tâm tránh cái bẫy Thucydides và sẵn sàng xử lý mối quan hệ phức tạp của họ một cách hòa bình. Hợp tác về vấn đề Triều Tiên sẽ tạo ra một cơ hội đáng kể cho hai nước giảm bớt sự hoài nghi chiến lược và giúp tạo ra các điều kiện cho hòa bình lâu dài ở châu Á phục vụ cho lợi ích của cả hai nước cũng như của các nước khác trong khu vực và ngoài khu vực.

Theo International Affairs Review

Văn Cường (gt)