Ông Rory Medcalf đánh giá chuyến thăm Ôxtrâylia hồi tháng 11/2011 của Tổng thống Mỹ Barack Obama không chỉ là cơ hội để trao đổi với Thủ tướng Julia Gillard về tình hình hay đời sống chính trị ở nước này cũng như trong khu vực, mà là chuyến thăm lịch sử với hai khía cạnh. Chuyến thăm là biểu tượng của việc tăng cường đáng kể liên minh giữa hai nước, với thông báo quân đội Mỹ được quyền tiếp cận đáng kể hơn khu vực miền Bắc Ôxtrâylia. Chuyến thăm đó cũng là bước đi đầu tiên hướng tới việc có thể thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của một đồng minh, nước từ 60 năm nay chỉ bằng lòng với việc tiếp nhận các chuyến thăm, các cuộc tập trận và các cơ sở tình báo. Thông điệp được Tổng thống Barack Obama phát đi còn cho thấy nhiều hơn nữa về chiến lược của Mỹ ở châu Á. Trong một bài phát biểu với lối nói trực diện trước các nghị sĩ Ôxtrâylia tại Canbơrơ, ông Obama đánh một tín hiệu cực kỳ rõ ràng đến toàn thế giới: dù vấn đề tài chính của mình là như thế nào, Mỹ vẫn thực sự có mặt tại châu Á theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tổng thống Obama cũng nói về những nét chính của một chiến lược khéo léo nhằm đối đầu với Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, điểm vào đó là những nỗ lực tái cam kết. Theo Tổng thống Obama, trong khi Mỹ chấm dứt các cuộc chiến tranh hiện nay, ông yêu cầu các quan chức phụ trách an ninh biến sự có mặt của Mỹ ở châu Á và các sứ mệnh của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Do vậy, cắt giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ sẽ không gây một hậu quả nào đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Đây là cách để Tổng thống Barack Obama trấn an Ôxtrâylia và đánh tín hiệu đến Trung Quốc. Tuyệt đại đa số người Ôxtrâylia ủng hộ thiết lập liên minh với Mỹ và nhiều người trong số họ tỏ ý lo ngại trước những hệ quả đối với an ninh của nước mình do Trung Quốc trỗi dậy. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Lowy Institute thực hiện, 55% số người Ôxtrâylia được hỏi ý kiến cho biết họ sẵn tiếp nhận căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ nước mình. Tuy nhiên, một số người có thể ngạc nhiên khi thấy bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama chứa đựng ít thông điệp dành cho họ hơn là cho các cường quốc châu Á, trước hết là Trung Quốc. Theo Tổng thống Barack Obama, đó là một quyết định vừa mang tầm chiến lược vừa được cân nhắc kỹ càng. Với tư cách là một nước châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ sẽ phải đóng một vai trò quan trọng hơn và lâu dài hơn đối với định hướng và tương lai của khu vực này, thông qua việc mở rộng những nguyên lý cơ bản và phối hợp chặt chẽ với các nước đồng minh và bạn bè của mình. Phần đông người Ôxtrâylia sống ở các thành phố lớn đa văn hóa và tại các vùng ven đô thị nằm dọc bờ biển Đông-Nam. Chuyến thăm ngắn ngủi của Tổng thống Barack Obama - chỉ trong 28 tiếng - không lưu tâm đến cái mà họ cho là nước Ôxtrâylia đích thực. Tất cả những gì mà họ nhìn thấy ở thủ lĩnh của thế giới tự do đến thăm nước họ là hình ảnh về những địa điểm mà họ cho là quá xa vời hay quá tẻ nhạt nên không thể nâng tầm chuyến thăm lên được. Tuy vậy, bầu không khí cũng có một sắc thái tích cực nhất định: ở Ôxtrâylia, Tổng thống Barack Obama vẫn được dân chúng đón chào nồng nhiệt hơn ở phần lớn các nước khác, ít nhất là vì ông không phải là George W. Bush. Thái độ bẳn gắt của phái tả Ôxtrâylia khi nghĩ đến sự có mặt thường xuyên của quân đội Mỹ vẫn không thấm vào đâu so với khi họ công khai tỏ ra giận dữ trong chuyến thăm gần đây nhất của một tổng thống Mỹ vào năm 2003. Năm đó, ông Bob Brown, thủ lĩnh đảng Xanh, lớn tiếng phê phán tổng thống Mỹ đến mức người ta phải đưa ông ra khỏi nghị trường. Lần này, ông Bob Brown và đảng Xanh tỏ ra thận trọng và chịu khó ngồi nghe Tổng thống Barack Obama nói về cái hay của một liên minh, mặc dù họ phải cố gắng lắm mới chịu nổi.

Chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama được chuẩn bị như thế nào để làm vui lòng người Ôxtrâylia? Bài diễn văn ông đọc tại Canbơrơ là con chủ bài trong chuyến thăm được lên kế hoạch lần thứ hai ở nước đồng minh cực Nam này. Phát biểu của Tổng thống Mỹ cho phép Thủ tướng Ôxtrâylia, bà Julia Gillard, nâng cao được uy tín của mình về chính sách đối ngoại. Hơn nữa, trong thời gian đó, bà đã phần nào tỏ ra mình là thủ lĩnh khi bày tỏ quyết tâm bác bỏ lập trường của Công đảng trong vấn đề bán urani cho Ấn Độ. Bà phải xoay xở với một chính phủ trong đó Công đảng là thiểu số, với một phe đối lập bảo thủ và quyết không buông tha, cũng như hậu quả của việc người tiền nhiệm Công đảng của mình là Kevin Rudd bị lật đổ trước đó. Tổng thống Barack Obama không quên nói những điều cần nói với công chúng Ôxtrâylia. Ông nhấn mạnh đến những điểm chung giữa hai dân tộc - giá trị dân chủ, câu chuyện thành công về di cư và lao động cực nhọc cũng như tiến bộ xã hội, quá trình chuyển tiếp từ một quá khứ đau thương đến công bằng về quyền và chung sống. Lời tri ân đó dĩ nhiên cũng được dành cho tình đoàn kết giữa Ôxtrâylia và Mỹ trong cuộc chiến, khi hai nước thực sự cùng đứng chung một chiến hào mỗi lần họ tham gia một cuộc xung đột lớn, từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Tổng thống Obama dành lời khen ngợi đặc biệt đối với quân đội Ôxtrâylia tại Ápganixtan với 32 người lính đã tử trận. Tại Darwin, thủ phủ của vùng lãnh thổ miền Bắc rộng lớn, cùng với Thủ tướng Julia Gillard, Tổng thống Barack Obama đọc một bài phát biểu trước quân đội Ôxtrâylia và đặt vòng hoa tưởng niệm 80 lính thủy Mỹ chết cùng tuần dương hạm USS Pearty trong một trận không kích của Nhật Bản vào năm 1942. Biểu tượng chính của chặng dừng chân ngắn ngủi ở Darwin lại mang tính chất đương đại và chiến lược hơn. Từ năm nay, thành phố nhỏ này sẽ đón nhận lính thủy đánh bộ Mỹ thay phiên nhau trong 6 tháng mùa khô. 

Trong thời gian đầu, chỉ có một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ có mặt tại Darwin , sau đó được bổ sung thêm để lên tới 2.500 người trong vòng 5 năm. Lực lượng Mỹ sẽ tận dụng vùng đất mênh mông này để luyện tập cùng với quân đội Ôxtrâylia và cả của các nước đồng minh khác. Dần dần, cơ sở quân sự ở miền Bắc - và có thể cả miền Tây Ôxtrâylia - sẽ đón nhận tàu chiến và máy bay Mỹ viếng thăm với nhịp độ ngày càng dày đặc hơn. Tất cả những điều đó, đối với Mỹ, là cách để chuẩn bị cơ sở nhằm tận dụng vị trí địa lý có một không hai của Ôxtrâylia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm tiếp cận dễ dàng hơn các điểm nóng có thể nổ ra trong khu vực. Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Julia Gillard đề cập nhiều đến cách thức mà quân đội hai nước - và trang thiết bị kỹ thuật của Mỹ được đặt thường xuyên ở Ôxtrâylia - có thể đóng góp vào các sứ mệnh nhân đạo hay hỗ trợ trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên nhiên. Hai nước cũng coi trọng hơn nữa các mối đe dọa xuyên quốc gia như khủng bố, cướp biển và vận chuyển vũ khí hủy diệt. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Trung Quốc lại lo sợ trước sự tăng cường trục Mỹ-Ôxtrâylia? Vấn đề là khó có thể bỏ qua những ẩn ý của Trung Quốc sau khi việc thiết lập căn cứ lính thủy đánh bộ Mỹ ở Ôxtrâylia được công bố. Các nhà phân tích thuộc các nhóm tư vấn của Ôxtrâylia và Mỹ trong thời gian gần đây đã nói đến những lợi thế khi sử dụng Ôxtrâylia như một cơ sở cho lực lượng quân sự Mỹ do vị trí này nằm ngoài tầm phần lớn vũ khí của Trung Quốc. Hơn nữa, việc tiếp cận dễ dàng Ấn Độ Dương -con đường sống còn của Trung Quốc để cung ứng năng lượng - đặt ra những vấn đề tự nhiên về cơ hội phong tỏa. Đến lúc này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ đưa ra tuyên bố công khai với giọng điệu nhũn nhặn, theo đó việc quân đội Mỹ đóng ở Ôxtrâylia là "không thích hợp lắm". Nhưng "Thời báo Hoàn cầu", một nhật báo theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa do Nhà nước kiểm soát và được xuất bản tại Bắc Kinh, đưa ra một thông điệp của phái cứng rắn hơn. Thông điệp đó cảnh báo Ôxtrâylia không nên coi Trung Quốc là "người không biết gì", nếu không sẽ bị kẹt giữa hai làn đạn. Lối nói này có khả năng khiến có thêm nhiều người Ôxtrâylia ý thức được sự cần thiết phải có đồng minh. 

Theo chuyên gia các vấn đề quốc tế Peter Symonds, báo cáo về chiến lược quốc phòng của Ôxtrâylia được công bố đầu tháng 2/2012 là bằng chứng mới nhất về cuộc tấn công "thiếu trách nhiệm" và "hung hãn" chống Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Barack Obama trên mọi mặt trận: ngoại giao, kinh tế và quân sự. Lý giải trên tạp chí "Mondialisation", ông Peter Symonds cho biết bản báo cáo này xác định quy mô của thỏa thuận về quân sự được Thủ tướng Ôxtrâylia Julia Gillard và Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố vào tháng 11/2011. Trong khi việc đồn trú của gần 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ ở gần thành phố Darwin (Bắc Ôxtrâylia) được báo chí đề cập nhiều, thỏa thuận trên cho phép tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ được nhiều quyền tiếp cận các căn cứ hải quân và không quân của Ôxtrâylia. Bản báo cáo trên cũng đề cập rõ ràng đến việc nâng cấp lớn các cơ sở quân sự ở miền Bắc và miền Tây Ôxtrâylia, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hải quân và không quân Mỹ tiến hành các chiến dịch lớn ở Ấn Độ Dương và dọc các tuyến đường hàng hải quan trọng chạy qua Đông Nam Á. Khi kiểm soát được các "yết hầu" đó, chẳng hạn như eo biển Malắcca, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Mỹ có khả năng ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các nguồn cung ứng năng lượng và nguyên liệu từ châu Phi và Trung Đông. Trong khi việc tăng cường quân sự rõ ràng nằm trong khuôn khổ kế hoạch của Mỹ chống Trung Quốc, báo chí Ôxtrâylia lại chạy những hàng tít lớn coi đó là "quyết định bảo vệ tài nguyên ở miền Bắc" và nói rằng "miền Bắc Ôxtrâylia là vùng dễ bị đánh quỵ". Nhưng không ai trả lời câu hỏi: Bảo vệ miền Bắc nước này là để chống lại ai? Với liên minh quân sự giữa Mỹ và Ôxtrâylia, không một nước ở gần nào, kể cả Trung Quốc, có khả năng chiếm đoạt các mỏ dầu và xâm lược "vùng phía Bắc thưa dân của Ôxtrâylia".

Hành động mở cửa cho quân đội Mỹ vào lãnh thổ mình của Ôxtrâylia là bằng chứng cho thấy đây là thái độ hiếu chiến chứ không phải xuất phát từ ý đồ phòng thủ, đồng thời biến nước này thành tiền đồn trong trường hợp Mỹ phát động một cuộc chiến tranh chống Trung Quốc. Việc báo chí Ôxtrâylia nói một chiều như vậy chỉ nhằm ru ngủ người lao động trước mối đe dọa nghiêm trọng nảy sinh do việc chính phủ Công đảng của nước này ủng hộ vô điều kiện chủ nghĩa quân phiệt Mỹ. Toàn bộ hệ thống chính trị, từ phe đối lập tự do dân tộc bảo thủ đến các nhóm được gọi là cực đoan hay đảng Xanh, đều im lặng trước các quyết định tội ác này. Báo cáo về chiến lược quân sự mới của Ôxtrâylia được công bố một cách vội vã chỉ nhằm mục đích đi trước đối với mọi sự chống đối trong các giới lãnh đạo ở nước này, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng. Việc Mỹ và các đồng minh châu Âu chuẩn bị can thiệp chính trị-quân sự vào Xiry, đồng thời tăng cường đe dọa quân sự chống Iran, ngăn cản trực tiếp lợi ích kinh tế và chiến lược của Trung Quốc và Nga. Chính quyền Obama cũng đang tăng cường áp lực đối với Trung Quốc ở khắp nơi tại châu Á. Việc Mỹ chuyển trọng tâm địa chiến lược sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong 3 năm trở lại đây là lý do giải thích tại sao nước này hung hãn can thiệp về phương diện ngoại giao vào các cuộc xung đột lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông-TTXVN), củng cố các liên minh với Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nước tỏ thái độ xung khắc hơn đối với Trung Quốc và đồng minh của nước này là Bắc Triều Tiên, và công bố một sáng kiến kinh tế tầm cỡ - Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - nhằm xác định phương thức của Mỹ trong thương mại khu vực không cần đến Trung Quốc. 

Tại Đông Nam Á, Chính phủ Mỹ khích lệ Philíppin và Việt Nam tiếp tục theo đuổi với thái độ cứng rắn hơn các cuộc xung đột giữa các nước đó với Trung Quốc ở Biển Đông. Philíppin đang thương lượng với Oasinhtơn về một thỏa thuận quốc phòng mới phù hợp với hiệp ước mà Mỹ đã ký với Ôxtrâylia. Thỏa thuận với nước này dẫn tới sự có mặt hùng hậu hơn về quân sự của Mỹ ở ngay những vùng nước nhạy cảm về phương diện chiến lược và ở Biển Đông. Đồng thời, Lầu Năm Góc cũng đang thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Inđônêxia, Thái Lan và Việt Nam. Mặt khác, Chính quyền Obama tìm mọi cách để tạo ra sự thay đổi ở Mianma, nước trước đây là đối tác thân cận nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á và là một hành lang tiềm tàng về vận chuyển và quá cảnh năng lượng từ Ấn Độ Dương về miền Nam Trung Quốc. Sau chuyến thăm nước này vào tháng 12/2011 của Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton, Mỹ thông báo thay đổi đại sứ và dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt đối với Mianma. Điều có ý nghĩa là kế hoạch của Giám đốc CIA, David Petraeus, sang thăm Mianma nhằm thiết lập mối liên hệ mật thiết hơn với cơ quan tình báo nước này. Các tác giả bản báo cáo về chiến lược của Ôxtrâylia nói trên hoàn toàn ý thức được chiến lược của Mỹ. Họ thận trọng công bố các "nhãn quan chiến lược chủ chốt" được dùng làm cơ sở cho báo cáo này, kể cả việc Trung Quốc mở rộng "tầm bao phủ sức mạnh và năng lực kiểm soát biển". Vấn đề an ninh trên các tuyến đường vận tải biển và cung ứng năng lượng sẽ là một động lực chiến lược của chiến lược này, đồng thời Biển Đông sẽ vẫn là một điểm nóng tiềm tàng chiến lược rộng lớn hơn ở châu Á-Thái Bình Dương. Động lực khiêu khích của Chính quyền Obama chống Trung Quốc làm trầm trọng thêm thế khó lựa chọn hiện nay của Ôxtrâylia. Đó là làm thế nào để cân bằng giữa việc hỗ trợ đồng minh chiến lược lâu dài - là Mỹ - và sự phụ thuộc nặng nề của Ôxtrâylia vào Trung Quốc về xuất khẩu khoáng sản.

Việc Oasinhtơn sẽ không cho phép bất kỳ một thái độ không rõ ràng nào được chứng minh qua việc Mỹ can dự không thể chối cãi được vào việc loại bỏ ông Kevin Rudd khỏi ghế Thủ tướng vào giữa năm 2010. Tội của vị cựu Thủ tướng này là định dung hòa sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong khi Tổng thống Obama quyết tâm gia tăng áp lực với Bắc Kinh và đòi các đồng minh phải vững vàng chứ không được làm người trung gian hòa giải ngoại giao. Trong toàn khu vực, vấn đề nan giải đó cũng được đặt ra đối với chính phủ các nước phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và sợ đứng về phía đối lập với cường quốc quân sự bao trùm thế giới. Căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng lại càng trầm trọng thêm do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ngày càng lan rộng. Để ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế tương đối của mình, Mỹ dùng đến các cuộc phiêu lưu quân sự ngày càng thiếu trách nhiệm nhằm mục đích triệt phá tình trạng gia tăng đối thủ tiềm tàng, trước hết là Trung Quốc. Cạnh tranh quyết liệt trên trường quốc tế đang diễn ra cùng với cuộc tấn công quyết liệt chống quyền dân chủ và lập trường xã hội của giai cấp công nhân ở các nước. Trong khi căng thẳng lại nổi lên, việc kích động thêm chủ nghĩa xôvanh nước lớn và lòng yêu nước chắc chắn sẽ gia tăng trong lúc các giới tinh hoa lãnh đạo tìm cách chế ngự sự phản kháng của người lao động trước các chương trình thắt lưng buộc bụng./. 

Theo Mondialisation và Slate

Vũ Hiền (gt)