Thực tế rằng sự thay đổi xã hội, công nghệ và môi trường nhanh chóng đang thách thức cả mô hình phát triển và quản lý của phương Tây lẫn Trung Quốc, và đang đòi hỏi sự cải cách lớn. Các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc phải tiến hành cải cách trong một nhiệm kỳ hạn chế với các nguồn lực có giới hạn và trong bối cảnh đối đầu và phụ thuộc lẫn nhau về thương mại toàn cầu. Tại Mỹ, nơi thị trường và hệ thống tư pháp đã phát triển, nhiệm vụ cấp bách không phải là cải cách thể chế, mà là cải cách chính sách nhằm giải quyết tình trạng tài chính yếu kém, bất bình đẳng thu nhập, thất nghiệp, chăm sóc y tế và cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp. Đối với Trung Quốc, vấn đề chủ yếu có liên quan đến việc thiết kế và thực hiện các bước tiếp theo của việc cải cách thể chế nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế và hiệu quả, giảm bất bình đẳng xã hội, loại bỏ biến dạng thị trường, bảo vệ môi trường và chống tham nhũng. Tại Trung Quốc, khi quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, dân số lão hóa và có thu nhập trung bình thì thách thức đối với ban lãnh đạo mới không chỉ là đáp ứng nhu cầu của người dân đối với việc làm, chăm sóc y tế và an sinh xã hội, mà cả việc cải thiện quản lý, hiệu quả nhà nước bằng việc thiết lập sự kiểm tra và cân bằng quyền lực chính trị.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang vấp phải sự phản đối cải cách mạnh mẽ từ các nhóm vận động hành lang và có đặc quyền. Cả hai nước cũng đang phải đối diện với tình trạng "giá ảo" do sự nới lỏng của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ, điều này đang dẫn đến tỷ lệ lãi suất thực là âm. Ở một mức độ nào đó, những khó khăn của hai nước là hình ảnh phản ánh của nhau. Mỹ thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đang đầu tư quá mức vào các sản phẩm phái sinh tài chính, hậu quả từ "đòn bẩy" tiêu thụ quá mức. Trung Quốc đang gặp khó khăn do tiêu thụ quá thấp và đầu tư quá nhiều và cần phải cân bằng giữa khu vực nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân.Sự tập trung của Mỹ vào những mục tiêu ngắn hạn là tốn kém, với việc cắt giảm thuế và tăng phúc lợi dẫn đến thâm hụt tài chính kinh niên, các thế hệ tương lai sẽ buộc phải trả giá cho những năm tiêu dùng quá mức. Tại Trung Quốc, hệ thống một đảng đã thành công trong việc mang lại tăng trưởng mạnh, nhưng đang phải xử lý nạn tham nhũng tràn lan, tệ quan liêu quá mức đang bóp nghẹt khu vực tư nhân và hạn chế sự sáng tạo và đổi mới.Trung Quốc và Mỹ có thể rút ra những bài học quan trọng từ những điểm mạnh và điểm yếu trong cả hai hệ thống.

Thứ nhất, tại cả hai nước, thách thức không phải là nhà nước với thị trường mà là tìm sự bổ sung giữa hai hệ thống. Thứ hai, cả Trung Quốc và Mỹ phải tìm ra cách thức đúng đắn để cân bằng các lợi ích dài hạn và ngắn hạn. Xét tới những nhu cầu giữa các thế hệ, các hiệu ứng lan tỏa lớn giữa các cộng đồng khác nhau và sự phụ thuộc lẫn nhau với phần còn lại của thế giới, bất kỳ hệ thống quản lý nào cũng phải cân bằng những lợi ích của nhóm tinh hoa cầm quyền và các nhóm vận động hàng lang với các nhóm yếu hơn, không có tiếng nói, và với nhu cầu của người dân trong việc lập kế hoạch dài hạn. Thứ ba, vấn đề đối với cả Trung Quốc và Mỹ là cơ hội bình đẳng. Trong trường hợp của Trung Quốc là tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Sự mù mờ và không công bằng trong quyền sử dụng đất tại Trung Quốc, cùng với sự độc quyền của nhà nước và gánh nặng quan liêu khiến tham nhũng và bất bình đẳng gia tăng. Ưu tiên chính của Trung Quốc nên là củng cố các thể chế tư pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong khi giảm sở hữu nhà nước và kiểm tra các nguồn lực và các doanh nghiệp lớn. Cho đến nay, cách tiếp cận thực tế của ông Tập Cận Bình đang làm tăng hy vọng rằng Trung Quốc sẽ bước vào một giai đoạn cải cách mới, sẽ giải quyết những mất cân bằng kinh tế, tăng cường sự hòa nhập xã hội và xử lý nạn tham nhũng. Tại Mỹ, việc ông Barack Obama được tái cử dẫn đến niềm tin rằng những cải cách chính sách tối cần thiết sẽ giúp nước Mỹ thoát khỏi "vách đá tài chính" và khởi động một kỷ nguyên tăng trưởng mới.

Theo "Project syndicate" (ngày 14/12)

Vũ Hiền (gt)