_________________________us-navy-400x266.jpg

Sự can dự của chính quyền Trump ở châu Á tiếp tục được đẩy mạnh với cuộc tập trận Hổ Mang Vàng mới đây. Lần diễn tập thứ 37 của cuộc tập trận hàng năm được tiến hành từ ngày 13-23/2 vừa qua. Kể từ khi Mỹ hạ cấp quan hệ với Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014, số lượng quân nhân Mỹ tham gia vào các cuộc tập trận quân sự Hổ Mang Vàng được duy trì ở mức 3.600 mỗi năm. Năm nay, Mỹ đã nâng số quân nhân tham gia lên tới 6.800 người. Ngoài ra, hạng mục diễn tập tấn công đổ bộ đã được đưa trở lại sau khi bị loại khỏi phạm vi của cuộc diễn tập này từ năm 2014.

Đối với một số nhà quan sát, điều này có thể được xem như là một phần của việc thiết lập lại quan hệ Mỹ-Thái Lan bắt đầu từ khi Tổng thống Donald Trump gọi điện cho Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha để tái khẳng định liên minh lâu năm. Trump sau đó đã tiếp Prayut tại Nhà Trắng vào tháng 10/2017. Nhiều người sau đó đã bị cuốn vào cuộc tranh luận về một "kỷ nguyên mới" cho quan hệ liên minh này.

Sau khi lần diễn tập mới nhất kết thúc, có thể chính phủ quân sự Thái Lan giờ đây sẽ tận dụng vị trí chiến lược quan trọng của đất nước và sự sẵn sàng của Mỹ để lôi kéo Washington can dự bất chấp những rắc rối chính trị. Tuy nhiên, điều này không được coi là sự công nhận đầy đủ của Washington đối với cuộc đảo chính và chính quyền quân sự ở Thái Lan. Nó không phản ánh việc Mỹ từ bỏ các giá trị dân chủ của họ.

Trên thực tế, Mỹ tiếp tục nhắc lại sự cần thiết phải đưa Thái Lan trở lại nền dân chủ. Mặt khác, mặc dù Mỹ và Thái Lan là các bên đồng chủ trì cuộc diễn tập, vẫn có những quốc gia đóng vai trò chủ chốt khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Do đó, điều quan trọng hơn là phải nhận thức được rằng cuộc tập trận vượt quá khuôn khổ liên minh Mỹ-Thái Lan và đặt nó trong bối cảnh rộng hơn của việc Mỹ tăng cường hợp tác an ninh ở châu Á.

Những mối quan tâm và sự can dự của Mỹ ở châu Á

Mối quan tâm chính của Mỹ ở châu Á là ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, căng thẳng tiếp diễn ở Biển Đông, và vấn đề hạt nhân diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên. Trên thực tế, theo Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 và Chiến lược Quốc phòng 2018, chính quyền Trump đã xác định cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một trong những mối quan tâm hàng đầu của họ.

Cụ thể, Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 cho rằng Trung Quốc muốn "thay thế" Mỹ và thiết lập một trật tự Trung Hoa trong khu vực thông qua các lôi kéo kinh tế, thông tin tuyên truyền và cưỡng chế quân sự. Báo cáo chiến lược cũng chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt trên các quần đảo Trường Sa, là đang gây nguy hiểm cho "tự do thương mại hàng hải, đe doạ chủ quyền của các quốc gia khác và phá hoại sự ổn định khu vực". Do đó, Washington nhận thức được vai trò rất quan trọng của việc mở rộng các liên minh và quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương để hình thành một cấu trúc an ninh có khả năng ngăn chặn sự xâm lược và duy trì sự ổn định. Hợp tác quốc phòng chặt chẽ đòi hỏi việc tăng doanh số bán vũ khí cho các nước trong khu vực và tăng cường các cuộc tập trận quân sự, bao gồm cả Hổ Mang Vàng. Làm như vậy, Mỹ tin rằng họ sẽ có thể trấn an các đồng minh và đối tác cũng như chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ngoài mối đe dọa của Trung Quốc, Mỹ cũng coi mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên là một thách thức nghiêm trọng. Trong cuộc tập trận Hổ Mang Vàng năm nay, điều đáng chú ý là các lính thủy đánh bộ Hàn Quốc tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ trên bãi biển Hat Yao của Thái Lan. Một số nhà quan sát đã nhanh chóng xem xét động thái này này trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn trên Bán đảo Triều Tiên. Bất kể ý định thực sự của sự sắp xếp này, nó cho thấy rằng việc chính quyền Trump nâng cấp mức độ can dự trong cuộc tập trận Hổ Mang Vàng phải được nhìn nhận dưới quy mô của chiến lược chính sách đối ngoại rộng hơn chứ không chỉ là liên minh giữa Mỹ và Thái Lan.

Nhiều người đã nói về những sai lầm của chính quyền Trump trong chính sách đối ngoại. Ví dụ, Trump đã bị buộc tội làm các đồng minh châu Âu xa lánh, tham gia vào một cuộc “chiến tranh” với các nước NAFTA và gây bất ổn cho Trung Đông khi ông tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel. Tuy nhiên, sự can dự của ông ở châu Á đã mang lại một động năng ngày càng lớn. Không giống như chính quyền của Tổng thống Obama, chính quyền mới đã chứng tỏ sự sẵn sàng để lôi kéo các nhà lãnh đạo Đông Nam Á với nhiều “phong cách” khác nhau. Điều này chỉ ra rằng chính quyền Mỹ đã tách biệt lợi ích với các giá trị và đã nhận thấy tầm quan trọng của việc duy trì ảnh hưởng ở châu Á.

Đông Nam Á nên hoan nghênh sự “tái tập trung” của Mỹ ?

Có người cho rằng Đông Nam Á nói riêng nên hoan nghênh sự can dự quân sự ngày càng tăng của Trump trong khu vực như là một sự cân bằng rất cần thiết đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số quốc gia ở Đông Nam Á có thể phải cảnh giác vì sợ bị Trung Quốc nhận thức sai rằng họ đang tham gia vào chiến lược ngăn chặn do Mỹ cầm đầu. Mặt khác, người ta cũng nên biết rằng Trung Quốc sẽ đáp trả tương xứng, với việc bán vũ khí ngày càng nhiều và đẩy mạnh các cuộc diễn tập binh chủng hợp thành của riêng họ. Động năng cạnh tranh ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm môi trường an ninh khu vực. Khi áp lực tăng lên, các quốc gia Đông Nam Á có thể bị buộc phải đưa ra một số quyết định khó khăn.

Theo “The Diplomat”

Mỹ Anh (gt)