Mỹ, cùng với các đồng minh của mình là Anh và Pháp, đã tấn công chế độ Bashar al-Assad tại Syria bằng một cuộc không kích tên lửa trên quy mô lớn để đáp trả một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào thị trấn Douma ngày 7/4. 

Cuộc không kích của đồng minh trên quy mô lớn và chỉ diễn ra một lần nhằm mục tiêu làm suy yếu kho vũ khí hóa học của chế độ Syria, đồng thời tránh gây thiệt hại ngoài dự tính cho dân thường cũng như cho các lực lượng của Nga và Iran hiện đang hoạt động bên trong Syria. Lầu Năm Góc đã rất cố gắng tránh nhắm mục tiêu vào các lực lượng của Nga bên trong Syria vì nguy cơ leo thang thành chiến sự công khai với một cường quốc hạt nhân đối địch. 

Lý lẽ can thiệp của Trump 

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với quốc gia rằng ông đã ra lệnh tấn công vì Douma và vì cái ông gọi là "việc liên tục sử dụng vũ khí hóa học" của chế độ Syria. Trump mô tả cuộc tấn công bằng ngôn từ đạo đức mạnh mẽ, gợi nhớ tới giọng điệu mà Chính quyền George W. Bush đã sử dụng để miêu tả Saddam Hussein trước Cuộc chiến Iraq năm 2003. Trump tuyên bố trong một bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình vào đêm 13/4: "Cuộc thảm sát này là một hành động leo thang đáng kể trong hành vi liên tục sử dụng vũ khí hóa học của chế độ rất khủng khiếp đó. Cuộc tấn công ác độc và đê hèn đã khiến các ông bố và bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em, giãy giụa trong đau đớn và thở hổn hển. Đây không phải là hành động của một con người; đó là những tội ác của một con quái vật". 

Trump nói rằng Mỹ phải hành động vì Washington cần xác lập sự răn đe chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học. Điều đáng chú ý nhất là Tổng thống Mỹ nói thêm rằng nước này sẽ tiếp tục tấn công Syria cho đến khi chế độ Assad ngừng sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân Syria. 

Trump nói: "Mục đích của các hành động của chúng ta đêm nay là xác lập một sự răn đe mạnh mẽ chống lại việc sản xuất, phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học. Xác lập sự răn đe này là một lợi ích an ninh quốc gia then chốt của Mỹ. Phản ứng kết hợp của Mỹ, Anh và Pháp trước các hành động tàn bạo này sẽ hợp nhất tất cả các công cụ của sức mạnh quốc gia của chúng ta - quân sự, kinh tế và ngoại giao. Chúng ta sẵn sàng duy trì sự đáp trả này cho tới khi chế độ Syria ngừng sử dụng các chất hóa học bị cấm". 

Nhắm vào vũ khí hóa học của Syria 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, người được dư luận rộng rãi cho là có thái độ thận trọng trước hành động can thiệp và các nguy cơ leo thang tại Syria, nói rằng Mỹ hoàn toàn tập trung các nỗ lực của mình vào việc làm suy yếu tổ hợp vũ khí hóa học của chế độ Syria. Lầu Năm Góc đã rất cố gắng tránh thương vong cho dân thường hoặc tấn công các lực lượng nước ngoài - mà ở đây là Nga và Iran - đang hoạt động tại Syria để không làm leo thang xung đột. Mattis nói: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công này là nhằm vào chế độ Syria. Khi tiến hành các cuộc tấn công này, chúng tôi đã rất cố gắng tránh thương vong cho dân thường và các nước khác". 

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joe Dunford nói rằng Mỹ, Anh và Pháp lựa chọn các mục tiêu được sử dụng riêng trong chương trình vũ khí hóa học của chế độ Syria và đặc biệt cẩn thận tránh các mục tiêu ở bất cứ đâu gần với các lực lượng của Nga. Các mục tiêu bao gồm một trung tâm nghiên cứu khoa học - được sử dụng để nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vũ khí hóa học của Syria - và 2 kho chứa các nguyên liệu tiền thân và trang thiết bị cần thiết để sản xuất vũ khí hóa học. Một cơ sở chỉ huy và kiểm soát cũng bị tấn công. 

Dunford nói: "Tối nay chúng ta đã tiến hành các cuộc tấn công cùng với hai đồng minh nhằm vào nhiều địa điểm, mà sẽ dẫn tới sự suy yếu trong dài hạn khả năng nghiên cứu, phát triển và sử dụng vũ khí hóa học và sinh học của Syria. Cơ cơ sở hạ tầng quan trọng đã bị phá hủy, dẫn tới một bước lùi cho chế độ Syria. Họ sẽ mất các dữ liệu nghiên cứu và phát triển trong nhiều năm qua, thiết bị chuyên dụng và các tiền thân vũ khí hóa học đắt tiền. Cuộc tấn công không chỉ là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới chế độ rằng các hành động của họ là không thể tha thứ, mà nó còn gây ra thiệt hại tối đa mà không có rủi ro không cần thiết cho dân thường vô tội". 

Lầu Năm Góc cho biết họ không sẵn sàng chia sẻ thông tin chi tiết về chiến dịch này cho đến sáng ngày 14/4, nhưng Mỹ và các đồng minh phụ thuộc nhiều vào tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu tuần dương và tàu khu trục Aegis của Hải quân Mỹ, cũng như các tên lửa hành trình SCALP phóng từ tàu khu trục nhỏ Aquitaine của Pháp. Ngoài ra, các máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ, được hộ tống bởi máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor, được cho là đã phóng các tên lửa tàng hình tầm xa phiên bản nâng cấp AGM-158B JASSM-ER vào các mục tiêu ở Syria. Các máy bay chiến đấu của Mỹ được cho là đã được hỗ trợ bởi máy bay chiến đấu Panavia Tornado của Không lực Hoàng gia Anh và máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Không quân Pháp, đã phóng tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG vào các mục tiêu ở Syria. 

Các lực lượng Nga không giao chiến trong các cuộc không kích mới diễn ra của quân đồng minh, nhưng Lầu Năm Góc đã rất nỗ lực tránh đụng độ các lực lượng của Moskva. Quả thực, trong khi Lầu Năm Góc không cảnh báo trước hoặc phối hợp với Moskva, Mỹ đã sử dụng “đường hòa giải” song phương của mình nhằm đảm bảo không xảy ra các vụ đụng độ ngoài ý muốn với các lực lượng Nga. Dunford cho biết: “Chúng tôi xác định cụ thể các mục tiêu này để giảm thiểu nguy cơ các lực lượng Nga bị dính líu, và chúng tôi đã sử dụng các kênh hòa giải thông thường của mình – những kênh đang được sử dụng gần đây – để giải quyết vấn đề không phận và các vấn đề tương tự. Chúng tôi không phối hợp với Nga trong các vụ tấn công, và cũng không báo trước cho họ”. 

Tuy nhiên, các lực lượng Syria đã nỗ lực ngăn chặn cuộc tấn công mới đây bằng tất cả khả năng còn hạn chế của mình. Dunford nói: “Phản ứng duy nhất mà tôi được biết vào thời điểm này là các tên lửa đất đối không của Syria. Tôi tình cờ có mặt tại nơi chỉ huy thực sự – một trung tâm chỉ huy quân sự và biết được hoạt động đó. Tôi không biết về bất kỳ hoạt động nào của Nga, và tôi không được biết phạm vi đầy đủ của phản ứng của chế độ Syria vào thời điểm này”. 

Quả thực, theo kênh truyền hình nhà nước Syria, các lực lượng của Damascus tuyên bố đã bắn hạ 13 tên lửa. Tuy nhiên, với tình trạng xuống cấp của hệ thống phòng không Syria, các tuyên bố này vô cùng đáng ngờ. Vào thời điểm Mattis và Dunford họp báo, Mỹ không được thông báo về bất kỳ thương vong nào xảy ra cho các lực lượng đồng minh. Mattis nói: “Chúng tôi muốn đưa cho các bạn một tóm tắt đầy đủ vào buổi sáng. Ngay lúc này, chúng tôi chưa nhận được báo cáo thiệt hại nào”. 

Trong khi Mỹ và các đồng minh của nước này sẽ tấn công chế độ Syria một lần nữa nếu họ sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai, cho đến nay các cuộc tấn công đã kết thúc. Mattis nói: “Điều đó sẽ phụ thuộc vào ông Assad, nếu ông ta quyết định sử dụng thêm vũ khí hóa học trong tương lai. Và tất nhiên, các cường quốc đã ký lệnh cấm vũ khí hóa học có mọi lý do để thách thức Assad nếu ông ta quyết định vi phạm điều đó. Nhưng ngay lúc này, đây là cuộc tấn công diễn ra một lần, và tôi tin rằng nó đã gửi đi một thông điệp rất mạnh mẽ để khuyên can và ngăn ông ta làm điều này”. 

Giá trị pháp lý của hiến pháp 

Mattis nói rằng chiếu theo Điều II của Hiến pháp Mỹ, Tổng thống Mỹ có quyền sử dụng vũ lực ở nước ngoài để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Mỹ bằng sức mạnh quân sự. Mattis nói: “Là tổng tư lệnh của chúng ta, theo Điều II của Hiến pháp tổng thống có quyền sử dụng sức mạnh quân sự ở nước ngoài để bảo vệ các lợi ích dân tộc quan trọng của Mỹ. Mỹ có lợi ích quốc gia quan trọng trong việc ngăn chặn một thảm họa nhân đạo đang trở nên ngày càng tồi tệ ở Syria, và đặc biệt là ngăn chặn việc sử dụng và phổ biến vũ khí hóa học”. 

Gạt sang một bên vấn đề liệu Mỹ có bất kỳ lợi ích sống còn nào ở Syria hay không, đã có một cuộc tranh luận sôi nổi về tính hợp pháp của các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu, mà không hề được Quốc hội Mỹ thông qua. Trong khi một số nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa cương quyết rằng Trump cần phải được Quốc hội phê chuẩn cuộc tấn công, thì những người khác cũng quả quyết không kém cho rằng cuộc tấn công này là hợp pháp – trong phạm vi pháp luật trong nước. 

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Virginia Tim Kaine là một nhà lập pháp phản đối vụ tấn công của Trump vào Syria – lưu ý rằng chỉ Quốc hội mới có quyền cho phép sử dụng vũ lực trừ trường hợp tự vệ. Kaine nói trong một tuyên bố: “Quyết định của Tổng thống Trump tiến hành các cuộc không kích vào Chính phủ Syria mà không có sự chấp thuận của Quốc hội là bất hợp pháp và – không có một chiến lược rộng hơn – là liều lĩnh. Hôm nay là một cuộc tấn công vào Syria – điều gì sẽ ngăn ông ném bom Iran hay Triều Tiên trong tương lai? Quốc hội không nên trao cho tổng thống ‘tấm séc trắng’ để gây chiến với bất cứ ai, ở bất cứ đâu”. 

Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ bang Michigan Justin Amash cũng đồng tình. Amash viết trong một dòng tweet: “Các cuộc không kích vào Syria là trái hiến pháp, trái pháp luật và liều lĩnh. Chủ tịch Hạ viện kế nhiệm phải tuyên bố lại thẩm quyền về chiến tranh của Quốc hội như được quy định trong Điều I của Hiến pháp. Chủ tịch Ryan đã hoàn toàn bỏ qua một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của ông ta”. 

Các nhà lập pháp khác từ cả 2 bên đã ca ngợi hành động của Trump. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ từ bang Florida Bill Nelson là một trong số những người ủng hộ cuộc tấn công này. Nelson nói trong một dòng tweet: “Tôi ủng hộ cuộc tấn công vì Assad phải chịu trách nhiệm cho việc sử dụng vũ khí hóa học”. 

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ bang Arizona John McCain đã khen ngợi cuộc tấn công vào Syria, nhưng công khai phê bình điều mà ông cho là thiếu một chiến lược toàn diện. McCain nói trong một dòng tweet: “Tôi tán thành việc tổng thống thực hiện hành động quân sự chống lại chế độ Assad, và tôi biết ơn các đồng minh Pháp và Anh vì đã tham gia cùng chúng tôi trong hành động này. Để thành công về lâu dài, chúng ta cần phải có một chiến lược toàn diện cho Syria và cho toàn bộ khu vực”. 

Luật pháp quốc tế 

Theo một số chuyên gia pháp lý, cuộc tấn công của Trump vào Syria là vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc - mà trong đó Mỹ là một bên tham gia. Hina Shamsi, giám đốc Dự án an ninh quốc gia của Liên đoàn các quyền tự do dân sự Mỹ, phát biểu trong một tuyên bố: “Hành động quân sự này là phi pháp. Trước luật pháp hợp hiến cấm sử dụng vũ lực mang tính thù địch mà không được sự ủy quyền của Quốc hội, và trước luật pháp quốc tế cấm đơn phương sử dụng vũ lực trừ phi trong tình thế tự vệ, Tổng thống Trump đã đơn phương phát động các cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia chưa hề tấn công chúng ta - mà không có bất kỳ sự ủy quyền nào từ phía Quốc hội. Hành động này vi phạm một số sự kiềm chế hợp pháp quan trọng nhất đối với việc sử dụng vũ lực”. 

Phản ứng của Nga 

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng không có lực lượng nào của cơ quan này bị đánh trúng trong cuộc tấn công, điều này có nghĩa là Moskva sẽ không có khả năng trả đũa bằng các biện pháp quân sự. Bộ Quốc phòng Nga phát biểu với hãng thông tấn TASS: “Không có tên lửa hành trình nào của Mỹ và các đồng minh của nước này phóng vào các khu vực phòng không của Nga gần Tartus và Hmeymim”. 

Quả thật, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Pháp đã cảnh báo Nga từ trước để đảm bảo rằng các lực lượng của Điện Kremlin không bị mắc kẹt giữa những làn đạn. Parly cho biết: “Chúng tôi bác bỏ mọi khả năng leo thang quân sự. Chúng tôi đã đảm bảo rằng Nga đã được cảnh báo trước”. 

Tuy nhiên, Chính phủ Nga đã phản ứng bằng sự giận dữ trước cuộc tấn công của Trump vào Syria - và hứa hẹn rằng điều này sẽ dẫn tới những hậu quả. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov phát biểu trong một tuyên bố: “Những nỗi lo sợ tồi tệ nhất đã trở thành sự thực. Những lời cảnh báo của chúng tôi đã không được đoái hoài tới. Một kịch bản được thiết kế từ trước đang được thực hiện. Một lần nữa, chúng tôi đang bị đe dọa. Chúng tôi đã cảnh báo rằng những hành động như vậy sẽ không được để yên mà không kéo theo hậu quả. Toàn bộ trách nhiệm đối với những hậu quả này nằm trong tay Washington, London và Paris. Việc lăng mạ Tổng thống Nga là không thể tha thứ và không thể chấp nhận được. Mỹ - nước sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất - về mặt đạo đức không có quyền đổ lỗi cho các quốc gia khác”. 

Phản ứng của Iran 

Iran, vốn cũng có các lực lượng can dự ở Syria, đã lên án vụ tấn công này của các nước đồng minh. Bahram Qasemi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran, cho biết: “Cuộc tấn công là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, cũng như phớt lờ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Không còn nghi ngờ gì nữa, Mỹ và các đồng minh của nước này đang tham gia can thiệp quân sự ở Syria mà không có văn kiện được chứng minh nào và khi chưa có bất kỳ báo cáo cuối cùng nào của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), và tự coi mình là cảnh sát và thẩm phán của thế giới, phải chịu trách nhiệm cho những tác động trở lại đối với khu vực và quốc tế do hành động táo bạo này gây ra, và phải có trách nhiệm giải trình”. 

Thông điệp của Trump gửi tới Nga và Iran 

Căn cứ vào việc chế độ Assad sử dụng vũ khí hóa học, Trump đang đòi hỏi Nga và Iran từ bỏ đồng minh Syria của mình. Trump nói: “Tối nay, tôi cũng có một thông điệp gửi tới 2 chính phủ chịu nhiều trách nhiệm nhất cho việc ủng hộ, trang bị và tài trợ cho chế độ Assad vô đạo đức. Tôi xin hỏi Iran và Nga: Một đất nước muốn gắn liền với việc sát hại hàng loạt đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội là kiểu đất nước gì? Có thể đánh giá các nước trên thế giới dựa vào những mối quan hệ bè bạn mà họ duy trì. Không có nước nào có thể thành công trong dài hạn bằng cách thúc đẩy những nhà nước không lương thiện, những bạo chúa hung ác và những kẻ độc tài sát nhân”. 

Trump đã chỉ ra thất bại của Nga trong việc đảm bảo rằng Syria sẽ không sử dụng vũ khí hóa học. Trump nói: “Năm 2013, Tổng thống Putin và chính phủ của ông đã hứa hẹn với thế giới rằng họ sẽ bảo đảm việc loại bỏ các vũ khí hóa học của Syria. Cuộc tấn công gần đây của Assad - và phản ứng hôm nay - là hệ quả trực tiếp của việc Nga không giữ được lời hứa đó”. 

Trump cho rằng Nga phải đưa ra lựa chọn - hoặc tham gia cùng Mỹ và các đồng minh của nước này hoặc bị gạt ra ngoài lề. Trump nói: “Nga phải quyết định liệu nước này sẽ tiếp tục con đường tăm tối này hay sẽ tham gia cùng các nước văn minh như một lực lượng vì sự ổn định và hòa bình. Hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ hòa thuận được với Nga, và thậm chí là với Iran - nhưng có lẽ là không thể”. 

Mỹ sẽ không ở lại vô thời hạn 

Đồng thời, Trump cho biết Mỹ cuối cùng sẽ rút khỏi Syria - như tín hiệu mà tổng thống đã phát đi trong nhiều tuần trước. Trump nói: “Mỹ không tìm kiếm một sự hiện diện vô thời hạn ở Syria trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Khi các nước khác tăng cường đóng góp của họ, chúng tôi mong đến ngày mà chúng tôi có thể đưa binh lính của mình về nhà. Và họ là những người lính tuyệt vời”. 

Trump đặt ra các mục tiêu có giới hạn. Ông mô tả các vấn đề ở Trung Đông là gần như không thể xử lý được. Trump nói: “Khi quan sát xung quanh thế giới đầy rắc rối của chúng ta, người Mỹ không hề ảo tưởng. Chúng tôi không thể thanh lọc cái xấu ra khỏi thế giới này, hay hành động ở bất kỳ nơi nào có sự chuyên chế. Người Mỹ dù đổ bao nhiêu máu, bỏ ra bao nhiêu tài sản quý giá cũng không thể tạo ra hòa bình và an ninh lâu dài ở Trung Đông. Đó là một nơi đầy rắc rối. Chúng tôi sẽ cố gắng khiến nơi đó trở nên tốt đẹp hơn, nhưng đó là một nơi đầy rắc rối. Mỹ sẽ là một đối tác và một người bạn, nhưng số phận của khu vực này nằm trong tay chính người dân ở khu vực”.

Dave Majumdar là biên tập viên về quốc phòng cho tờ The National Interest. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Văn Cường (gt)