xibali.gif

Có hai nhà lãnh đạo đã đến Washington hồi tuần trước. Mỗi người là hiện thân của những di sản từng được coi như phương tiện để xây dựng nền móng cho một bán cầu: Trung Quốc ở phương Đông và Nhà thờ Công giáo ở phương Tây. Mục đích tối thượng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là giữ vững quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Để làm được điều đó, ông tìm mọi cách thúc đẩy các lợi ích kinh tế, giải quyết các vấn đề có khả năng gây bất ổn, và vô hiệu hóa những ảnh hưởng của Mỹ đối với các hoạt động của Trung Quốc. Trong khi đó, mục đích của Giáo hoàng Francis là cứu rỗi các linh hồn bằng cách ban phát Tin Lành về Tình yêu của Chúa dành cho mỗi người trên toàn thế giới. Còn những ý tưởng nền tảng của Mỹ là thúc đẩy tự do và pháp trị.

Ông Tập Cận Bình hiểu rằng mặc dù sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đang làm lu mờ những lợi thế về kinh tế lẫn quân sự của Mỹ, song có một lĩnh vực mà rõ ràng Mỹ vẫn giữ thế thượng phong, đó là đổi mới. Để có thể tiếp tục phát triển kinh tế và làm lu mờ vai trò thống trị của Mỹ, ông Tập Cận Bình cần phải giảm bớt các hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu công nghệ vào Trung Quốc cũng như các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Đó là lý do tại sao ông Tập Cận Bình đã gặp mặt các giám đốc điều hành (CEO) của Mỹ trong chuyến công du Mỹ vừa qua. Trong số các CEO mà ông Tập Cận Bình gặp có CEO của những tập đoàn lớn như Amazon, Apple, Cisco, Ford, và Microsoft. Mục đích của ông là tranh thủ sự ủng hộ của các tập đoàn này và thuyết phục họ rằng cùng nhau làm việc sẽ đem lại lợi ích cho tập đoàn của họ và cho toàn bộ thế giới thông qua các hoạt động đầu tư vào tăng trưởng của Trung Quốc.

Trong khi đó, khi tới Mỹ, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi cả thế giới cùng hành động chống biến đổi khí hậu. Theo ông, chính tình trạng ấm lên toàn cầu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của các nền kinh tế toàn cầu, và những người bị tác động nặng nề nhất là nông dân. Đây là một thông điệp có sức hấp dẫn mạnh mẽ, có thể thu hút được nhiều người lắng nghe đạo Tin Lành, đồng thời nói lên tiếng nói của những người dân "thấp cổ bé họng".

Còn Mỹ, dường như nước này đã quên mất đường lối tự do và pháp trị của mình. Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ đề cập đến tình trạng vi phạm quyền tự do cá nhân tại Trung Quốc một cách qua loa. Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình kiên quyết tuyên bố rằng nhiều hòn đảo ở Thái Bình Dương là của Trung Quốc, thì Mỹ - trong các cuộc thảo luận với phía Trung Quốc - dường lại quên mất ý tưởng mà lâu nay họ vẫn nói rằng sẽ bảo vệ pháp trị thông qua việc ngăn chặn những kẻ độc tài chiếm đoạt các vùng lãnh thổ, lãnh hải bằng vũ lực. Và Mỹ dường như cũng chẳng nỗ lực áp dụng pháp trị để kiềm chế các mối de dọa đối với an ninh mạng.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp mang lại chiến thắng là phải thành lập được một liên minh lớn có khả năng quan tâm thấu hiểu mọi tầng lớp xã hội, để từ đó giành chiến thắng trong mọi cuộc xung đột chính trị. Thấu hiểu được điều này, trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp, mà còn gặp gỡ cả những người Mỹ bình thường, chẳng hạn như chuyến thăm của ông tới trường trung học Lincoln ở Tacoma (Washington).

Còn đối với Giáo hoàng Francis, ông không chỉ gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị tại Washington và tại Liên hợp quốc, mà còn tham gia nhiều sự kiện Công giáo và gặp gỡ các nạn nhân của tình trạng lạm dụng. Ông còn bày tỏ mong muốn giúp đỡ những người dân bình thường, kể cả những người không có quan hệ với Nhà thờ Công giáo, khi ông đến thăm một ngôi trường tại Harlem, một trung tâm cải tạo tại ở Filadelphia và tham dự một buổi hòa nhạc của Aretha Franklin.

Cả Giáo hoàng Francis và Chủ tịch Tập Cận Bình đều hiểu rõ sự cần thiết của việc thu hút sự ủng hộ. Và qua chuyến thăm của Giáo hoàng Francis và Chủ tịch Tập Cận Bình, Mỹ cần phải nhận thức rõ một điều rằng: nước Mỹ chỉ có thể dẫn đầu nếu như họ tuân thủ nghiêm ngặt những cam kết về tự do và pháp trị, đồng thời thành lập được một liên minh lớn bao gồm nhiều quốc gia (có thể gồm cả Trung Quốc). Những cam kết kiên định có sức hấp dẫn mạnh mẽ với những người bảo thủ, còn việc chìa tay ra với tất cả mọi người lại có sức hấp dẫn với những người theo đường lối tự do. Mỹ cần phải thực hiện triệt để cả hai điều này nếu không muốn trao “cây gậy chỉ huy” cho Trung Quốc.

Theo "Foreign policy"

Anh Thư (gt)