Kể từ khi Mỹ và Mianma bắt đầu xích lại gần nhau hơn cuối năm ngoái, Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ hoạt động của giới lãnh đạo hai nước và không hề hốt hoảng khi Mianma tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc như một phần chính sách châu Á mới của Mỹ. Tổng thống Mianma Thein Sein cũng như các sĩ quan cao cấp của ông vẫn thường xuyên trao đổi các phái đoàn quân sự với Trung Quốc để trấn an Bắc Kinh rằng mở cửa với Mỹ sẽ không ảnh hưởng mối quan hệ thân thiện truyền thống với Trung Quốc và các nhà lãnh đạo quân đội Trung Quốc không có lý do gì lo sợ mất đi mối quan hệ chiến lược, kể cả quan hệ giữa lực lượng vũ trang hai nước. Đúng ngày ông Obama đến Yangon, “Nhật báo Trung Quốc” phỏng vấn ông Ko Ko Hlaing, Cố vấn Chính trị của Tổng thống Thein Sein, về quan hệ Trung Quốc với Mianma. Trong cuộc phỏng vấn, ông Ko Ko khẳng định Mianma có mối quan hệ "đặc biệt" với Trung Quốc từ thời cổ đại và sẽ tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ trong quá trình cải cách hiện nay của đất nước. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không thể hiện sự không hài lòng về chuyến thăm của ông Obama, song nhấn mạnh họ tin tưởng mối quan hệ Trung Quốc-Mianma sẽ càng sâu sắc thêm. Điều này không chỉ đơn giản khẳng định Trung Quốc không bị tách khỏi Mianma mà còn cho thấy sự tự tin của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho rằng, chuyến thăm của ông Obama là vấn đề giữa Mỹ và Mianma. Trước sau Trung Quốc và Mianma vẫn là hai nước láng giềng thân thiện, trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, thực hiện hợp tác đáng kể theo tinh thần bình đẳng, có đi có lại và cùng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước.

Theo tạp chí "Irrawaddy" của Mianma, trong tuần trước khi ông Obama đến Mianma, hai phái đoàn Mianma đến Trung Quốc để tăng cường quan hệ văn hóa và quân sự giữa hai nước. Phái đoàn quân sự Mianma do Phó Tổng Tham mưu trưởng, Tướng Gen Soe Win, đến dự Triển lãm Hàng không lớn nhất của Trung Quốc tại thành phố Chu Hải ngày 13/11. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết, phái đoàn Mianma rất quan tâm tới hệ thống tên lửa phòng không C802/C705 / hệ thống FL-3000N của Trung Quốc. Đây là loại tên lửa đất đối không tầm ngắn có bệ phóng đặt trên tàu chiến và được triển khai trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Ngày 14/11, Tướng Soe Win hội đàm với Tướng Mã Hiểu Thiên, Tư Lệnh Lực lượng Không quân Trung Quốc tại trụ sở ở Bắc Kinh. Hai bên bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác công nghệ và đào tạo lực lượng không quân. Mã Hiểu Thiên vừa đến thăm thủ đô Mianma tháng 9/2012, sau đó đến Phó Tham mưu trưởng Không quân Trung Quốc để hội đàm với Phó Tổng thống tương lai của Mianma Nyan Tun- cựu Tư lệnh Hải quân và Phó Tổng Tư lệnh Min Aung Hlaing. Ngày 15/11, phái đoàn Mianma gặp tân Phó Tổng Tham mưu trưởng Trung tướng Qi Jiangu và Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt. Trong hội đàm, Bộ trưởng Lương Quang Liệt nói với Tướng Soe Win: "Trung Quốc coi trọng mối quan hệ giữa quân đội Trung Quốc với Mianma và sẵn sàng cùng quân đội Mianma thường xuyên đẩy mạnh hợp tác, nỗ lực duy trì ổn định ở khu vực biên giới và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Mianma để góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và thúc đẩy phát triển chung. Đáp lại, Tướng Soe Win khẳng định Trung Quốc luôn là người anh em tốt và tin cậy, người bạn tốt và đối tác tốt của Mianma.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang thay đổi, Mianma sẽ tiếp tục tăng cường giao lưu hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và hai quân đội để bảo vệ vững chắc các lợi ích chung của hai nước. Phái đoàn quân sự Mianma cũng đến thăm một trung tâm hàng không quân sự ở Tây An; hội đàm với Thiếu tướng Lin Miaoxin, Chính ủy quân khu Thiểm Tây và trở về nước ngày 19/11. Cùng ngày, Bộ trưởng Văn hóa Mianma Aye Myint Kyu đến Bắc Kinh để thảo luận hàng loạt vấn đề với các đối tác Trung Quốc về công tác chuẩn bị SEAGAMES do Mianma đứng ra tổ chức vào tháng 12/2013. 

Vũ Hiền (gt)