Do gần đây tại Mỹ xuất hiện một số lời kêu gọi “từ bỏ Đài Loan”, “từ bỏ 6 hạng mục bảo đảm đối với Đài Loan”, nên việc bà Hillary nhấn mạnh tới vai trò của Đài Loan càng trở nên nổi bật. Các nhà quan sát cho rằng nhân tố Mỹ trong quan hệ Trung-Mỹ và quan hệ giữa hai bờ Eo biển Đài Loan đã bước vào “thời kỳ biến động” và có thể sẽ có sự thay đổi trong kết cấu quan hệ Trung-Mỹ-Đài hoặc mối quan hệ này sẽ chuyển dịch phát triển theo hướng quy phạm.

Những từ ngữ mà bà Hillary sử dụng trong bài phát biểu ngày 10/11 có dụng ý hơn hẳn trước đây. Trong bài viết về chính sách châu Á của bà Hillary đăng trên tạp chí "Chính sách Ngoại giao" số tháng 10/2011, người ta không thấy có một từ nào là Đài Loan. Tuy nhiên, trong bài phát biểu ngày 10/11, số lượng từ “Đài Loan” được sử dụng không những tăng lên mà Đài Loan còn được nâng cấp vai trò thành “đối tác an ninh”. Do đó, có nhà phân tích cho rằng đứng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ đã có định vị mới cho Đài Loan trong việc xây dựng chiến lược an ninh mới. Theo Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Viện Brookings, ông Richard C. Bush III, tuy rằng đây có thể là lần đầu tiên quan chức cấp cao của Mỹ đề cập tới vai trò của Đài Loan một cách rõ ràng, nhưng chắc chắn là nó thống nhất với chính sách lâu dài của Mỹ. Cho nên, nó không chỉ là một định vị mới cho Đài Loan, mà còn phù hợp với ý kiến chủ lưu về chính sách của Mỹ đối với Đài Loan và cho thấy chủ trương từ bỏ Đài Loan chỉ là quan điểm nằm ngoài dòng ý kiến chủ lưu.

Cũng liên quan tới vấn đề Đài Loan, trang ý kiến của "Thời báo Niu Yoóc" ngày 10/11 đã đăng bài To Save Our Economy, Ditch Taiwancủa Paul V. Kane, nguyên là nghiên cứu viên vấn đề an ninh quốc tế của trường Harvard Kennedy, kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama nên bí mật hiệp thương với Trung Quốc để Trung Quốc xóa cho Mỹ khoản nợ trị giá 1,14 nghìn tỷ USD, đổi lại Mỹ sẽ không tiếp tục viện trợ quân sự hoặc bán vũ khí cho Đài Loan, hợp tác quân sự giữa Mỹ và Đài Loan hiện nay sẽ phải kết thúc trước năm 2015. Kane cho rằng Mỹ hiện có rất ít lợi ích chiến lược ở Đài Loan, hơn nữa Đài Loan đang dần thống nhất về mặt kinh tế với Trung Quốc thông qua việc đầu tư và xây dựng những doanh nghiệp liên doanh với Trung Quốc. Cho nên, việc Đài Loan bị Trung Quốc “hấp thụ” chỉ là chuyện sớm muộn. 

Theo Kane, nếu Mỹ đưa ra đề nghị hiệp thương nêu trên, ngoài việc rũ bỏ được khoản nợ của Trung Quốc, Mỹ còn có thể lợi dụng việc này để buộc Bắc Kinh ngừng ủng hộ đối với Iran, Bắc Triều Tiên và Xyri. Kane cho rằng nếu làm như vậy, Obama sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đang phải đối mặt, khiến mọi người thấy rằng Obama là một nhân vật có tư duy ngoại giao táo bạo, có hành động trách nhiệm về mặt tài chính, mang lại lợi ích cho toàn thể dân Mỹ và hành động này sẽ được các cử tri thấu hiểu.

  Theo "Đa chiều" 11/11

Vũ Hiền (gt)