Bài viết của Vương Tỏa Lao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông-Viện quan hệ quốc tế-Đại học Bắc Kinh 

Cục diện chiến lược Trung Đông hiện nay là kết quả kế hoạch và hoạt động lâu dài của Mỹ trong nhiều năm nhằm phục vụ mục tiêu chiến lược và bảo vệ lợi ích chiến lược của Mỹ. Chiến lược Trung Đông của Mỹ ít nhất cũng bao gồm 5 nội dung: (1) Bảo vệ sự tồn tại và phát triển của Ixraen, ngăn chặn mọi mối đe dọa hoặc hoạt động tiêu diệt Ixraen; (2) Thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Palextin và Ixraen, làm cho các nước Arập cuối cùng thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của nhà nước Ixraen; (3) Ngăn chặn sự phát triển của Iran, tìm mọi cách ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này; (4) Ngăn chặn sự trỗi dậy của thế lực Hồi giáo chính trị; (5) Tấn công các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda, tiêu diệt Bin Laden (Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố đã tiêu diệt Bin Laden vào ngày 1/5/2011). 

Biến động Trung Đông, Bắc Phi lần này đã trực tiếp tác động tiêu cực đến cục diện chiến lược Trung Đông do Mỹ giữ vai trò chủ đạo, đã xuất hiện hai kết quả rõ ràng: Thứ nhất, chính quyền thân Mỹ ở các nước Arập bị giáng đòn nặng nề, người bạn đồng minh Arập của Mỹ hoặc đã mất quyền (Tổng thống Ai Cập Mubarak), hoặc đang hấp hối (Tổng thống Yêmen Saleh), hoặc bị giáng đòn nghiêm trọng (Quốc vương Gioócđani Abdullah, Quốc vương Ôman Qaboos). Thứ hai, các chính quyền thế tục của khối Arập bị đảo lộn, Chính quyền Ben Ali luôn cứng rắn với lực lượng chính trị Hồi giáo đã sụp đổ đầu tiên, Tổng thống Libi Gaddafi là người kiên quyết đàn áp thế lực chính trị Hồi giáo không bao lâu nữa sẽ hết quyền lực. Hai kết quả thay đổi nhanh chóng đó có nghĩa là cục diện chiến lược Trung Đông mà Mỹ dày công xây dựng đã thay đổi, Mỹ đã mất đi phần lớn khả năng kiểm soát tình hình Trung Đông, xu hướng tình hình Trung Đông trong tương lai chắc chắn sẽ xuất hiện hậu quả mà Mỹ khó kiểm soát được. 

Thứ nhất, quan hệ giữa khối Arập với Ixraen và Palextin - Ixraen có thể thay đổi lớn. Kể từ khi thành lập nước năm 1948 đến nay, Ixraen luôn trong tình trạng chiến tranh với các nước Arập xung quanh. Nhờ Mỹ làm trung gian hòa giải, Ai Cập và Ixraen đã ký “Hiệp định Camp David” năm 1978 và “Hiệp ước hòa bình song phương” năm 1979. Ngoài ra, mỗi năm, Mỹ cung cấp khoản viện trợ lớn về quân sự và kinh tế cho Ai Cập, Ai Cập đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Trung Đông của Mỹ. Do vai trò “làm gương” của Ai Cập, Gioócđani và Môritani đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Ixraen vào năm 1993 và 1999, còn Palextin đã đạt được “Hiệp định Oslo Palextin-Ixraen” năm 1993. Trong những thành quả đàm phán giữa các nước Arập với Ixraen, Mubarak ít nhiều đều có vai trò không thể thay thế. Đặc biệt là đàm phán hòa bình giữa Palextin và Ixraen, mỗi lần cuộc đàm phán này trục trặc, người ta đều có thể nhìn thấy bóng dáng bận rộn của Mubarak. Tuy nhiên, sau biến động ở Ai Cập, không còn phe chủ hòa của Mubarak, đàm phán giữa Palextin và Ixraen sẽ gặp vô vàn khó khăn, không những thế, không loại trừ khả năng quan hệ Ai Cập - Ixraen thụt lùi nghiêm trọng như trở nên xấu đi, cắt đứt quan hệ ngoại giao… 2 ngày sau khi Mubarak từ chức, ông Moussa, Chủ tịch Đảng Ngày mai - Đảng đối lập của Ai Cập khẳng định: “Hiệp ước hòa bình với Ixraen đã bị phá bỏ”. Cho dù giữa Ai Cập và Ixraen tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao, nhưng tình trạng “hòa bình lạnh” sẽ tiếp tục gia tăng. Tóm lại, do thời đại Mubarak đã kết thúc trong thực tế, quan hệ Ai Cập-Ixraen đã có sự thay đổi lớn. Điều này gây ảnh hưởng khó lường đến quan hệ Palextin - Ixraen, Gioócđani - Ixraen, Libăng - Ixraen, Xyri - Ixraen và quan hệ giữa thế giới Arập với Ixraen. 

Thứ hai, Iran ngày càng có vị thế lớn ở Trung Đông. Iran là kẻ thù của Mỹ ở Trung Đông. Từ sau “Cuộc cách mạng Hồi giáo” và cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1979 đến nay, hai nước luôn là kẻ thù của nhau. Mặc dù, biến động ở Trung Đông Bắc Phi lần này cũng đã có tác động tiêu cực nhất định đối với Iran, nhưng do Iran có thể chế thống nhất đặc biệt giữa chính quyền với tôn giáo nên nước này đang biến nhân tố bất lợi thành có lợi, tuyên truyền rằng biến động Trung Đông thành kết quả của người Arập khao khát phục hưng Đạo Hồi, nhằm nhấn mạnh đến tính hợp pháp và tính thần thánh của chính quyền Hồi giáo. Hiện nay, Iran lại đứng trước cơ hội lịch sử do sai lầm chiến lược của Mỹ ở Trung Đông đem lại, sức mạnh cứng và mềm đang được tăng cường. Năm 2003, Mỹ đã lật đổ Chính quyền Saddam Hussein ở Irắc, đã triệt tiêu kẻ tử thù lâu dài chống Iran, đem lại cơ hội phát triển lớn cho nước này. Kể từ khi Ahmadinejad trúng cử Tổng thống năm 2005 đến nay, Iran đã ra sức nghiên cứu phát triển hạt nhân, liên tục tiến những bước dài trong việc làm giàu urani. Mỹ hợp tác cùng các nước vùng Vịnh ngăn chặn Iran , Ai Cập và Gioócđani cũng tham gia mặt trận chống Iran . Một trong 5 ủy viên thường trực Đảng Dân chủ Dân tộc cầm quyền là con trai của Mubarak đã từng công khai tuyên bố vào ngày 19/2/2009: “An ninh vùng Vịnh cũng là an ninh quốc gia của Ai Cập, ai đe dọa an ninh vùng Vịnh cũng có nghĩa là đe dọa Ai Cập”. 

Sự biến động lần này ở Trung Đông, Bắc Phi, với sự sụp đổ và suy yếu của các chính quyền thân Mỹ của thế giới Arập, tiêu biểu là Mubarak, lại là dịp để Iran loại bỏ được không ít lực lượng đối trọng, giành thêm một cơ hội chiến lược. Iran khẳng định sẽ nắm bắt cơ hội này để đẩy nhanh công nghệ hạt nhân. Việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ phá vỡ sự cân bằng sức mạnh quân sự ở Trung Đông. Ixraen và Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn. Tình thế Vùng Vịnh và Trung Đông trong tương lai sẽ càng chao đảo, có khả năng nổ ra xung đột vũ trang quy mô lớn. 

Thứ ba, thế lực chính trị Hồi giáo phát triển mạnh mẽ. Thế lực này có mặt ở hầu khắp các nước Arập, như “Tổ chức Những người anh em Hồi giáo” tại Ai Cập, Hamas ở Palextin, Hezbollah ở Libăng, “Phong trào thức tỉnh Hồi giáo” ở Tuynidi… Biện pháp của họ là tham gia tranh cử nghị trường để cuối cùng nắm chính quyền, mục tiêu cuối cùng là xây dựng quốc gia Hồi giáo thống trị bằng luật pháp đạo Hồi. Ngay từ 20 năm trước, do ảnh hưởng biến động chính trị ở Liên Xô và Đông Âu, Angiêri đã đi đầu trong các nước Arập tiến hành bầu cử dân chủ đa đảng, kết quả là suýt nữa bị “Mặt trận cứu nước Hồi giáo” đối lập giành mất chính quyền. Trong thời điểm then chốt, quân đội Angiêri đã phát động cuộc đảo chính, lật đổ Tổng thống Chadli, tiếp quản chính quyền nhà nước, xóa bỏ kết quả bầu cử quốc hội, nhờ đó tránh được hậu quả chính đảng Hồi giáo lên cầm quyền tại Angiêri. Ngày nay những “cây cổ thụ” trên chính trường các nước Arập liên tiếp ngã đổ, liệu ai có thể ngăn chặn được sự trỗi dậy của “Phong trào thức tỉnh Hồi giáo” và “Tổ chức Những người anh em Hồi giáo” trên chính trường? 
Tổ chức Al-Qaeda đã có thêm cơ hội được tiếp sức. Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ lấy Trung Đông làm trung tâm. Vì vậy, Mỹ đã lần lượt phát động chiến tranh Ápganixtan và Irắc. Hai cuộc chiến tranh này đến nay còn chưa kết thúc. Biến động tại Trung Đông, Bắc Phi lần này có thể nói là đã giảm bớt sức ép bên trong, bên ngoài của Al-Qaeda, khiến chúng có thêm cơ hội được tiếp sức. Hiện nay Yêmen là đối tác chống khủng bố chủ yếu của Mỹ. Theo lời Trợ lý an ninh nội địa và chống khủng bố của Tổng thống Mỹ John Brennan nói tháng 12/2010, thì mối đe dọa của tổ chức Al-Qaeda tại Yêmen còn lớn hơn cả ở Pakixan. Tổng thống Yêmen Al Saleh đã có rất nhiều nỗ lực giúp Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, hiện nay dân chúng Yêmen hầu như hàng ngày đều biểu tình, đòi Saleh từ chức. Cho dù ông này cuối cùng có thể thoát hiểm thì nỗ lực chống khủng bố của ông ta cũng sẽ giảm đi nhiều. Có thể dự báo, biến động tại Trung Đông, Bắc Phi đã làm tăng thêm khó khăn cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Tổ chức Al-Qaeda có thể lợi dụng thời cơ khuếch trương thanh thế, ra sức phát triển đội ngũ để tiếp tục tấn công mục tiêu của Mỹ ở Trung Đông cũng như khắp thế giới.

Bài viết của Ngưu Tân Xuân, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc 

Sau khi xảy ra biến động ở Trung Đông, sự ứng phó của Mỹ một lần nữa đã thu hút được sự quan tâm theo dõi của dư luận quốc tế. Người ta đã tranh luận sôi nổi về tính chất hai mặt, tính mâu thuẫn và nhiều tiêu chí khác nhau trong chính sách Trung Đông của Mỹ. Trong sự kiện Ai Cập, Mỹ không hề có thái độ nhất quán. Đối với các nước Baranh, Arập Xêút, Chính quyền Mỹ lại đầy rẫy mầu thuẫn, vừa ủng hộ sự thống trị của các hoàng tộc, vừa ủng hộ sự phản ứng của quần chúng. Khi ứng phó với biến động chính trị toàn khu vực này, Mỹ lại có thái độ khác nhau, không quan tâm đến sự sụp đổ của Chính quyền Tuynidi, Ai Cập, nhưng lại giúp đỡ Chính quyền Baranh, Gioócđani, Arập Xêút, tấn công mạnh mẽ đến cùng đối với Libi, Iran. 

Mục tiêu chiến lược của Mỹ ở khu vực Trung Đông có sự khác biệt và mâu thuẫn với nhau, đồng thời tồn tại một cặp đối kháng không thể khắc phục. Ba mục tiêu lớn về chính sách đối ngoại của Mỹ là an ninh quốc gia, lợi ích kinh tế và quan niệm giá trị. Trong chính sách đối ngoại cụ thể, ba mục tiêu lớn thường có thứ tự ưu tiên khác nhau, không thể cùng ngang hàng, nhưng cả ba mục tiêu thường không bao giờ thiếu vắng trong thời gian dài. Trong khu vực Trung Đông, lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ là bảo vệ an ninh của Ixraen và chống khủng bố, lợi ích kinh tế là cung cấp ổn định nguồn dầu mỏ, lợi ích của quan niệm giá trị là thúc đẩy dân chủ, tự do. Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, xuất phát từ mục đích chống Liên Xô, cam kết về an ninh của Mỹ với Ixraen ngày càng nhiều, rốt cuộc, an ninh của Ixraen trở thành gánh nặng lớn của Mỹ. Đồng thời, nhân quyền, tự do là quan niệm giá trị chủ yếu của Mỹ, là một trong những yếu tố để làm nên "nước Mỹ". Quan niệm giá trị luôn là một bộ phận không thể thiếu trong nền ngoại giao của Mỹ, nhưng mục tiêu đó có lúc đồng nhất với lợi ích của Mỹ, có lúc lại xung đột. Trong tương lai gần, Mỹ không thể từ bỏ một mục tiêu nào, chỉ có điều trong một thời điểm nhất định, có mục tiêu được đặt lên hàng đầu. Do đó, trong mục tiêu chiến lược Trung Đông¸ một tay Mỹ phải nắm lấy an ninh quốc gia, tay còn lại nắm lấy quan niệm giá trị, hai bàn tay này xung đột với nhau. 

Biện pháp thực hiện chính sách Trung Đông của Mỹ là mâu thuẫn, xung đột nhau, có tác dụng kiềm chế lẫn nhau. Để bảo vệ lợi ích an ninh của Ixraen hoặc bảo vệ ổn định khu vực Trung Đông, Mỹ đã chọn một số nước Hồi giáo ôn hòa ở khu vực này làm đồng minh. Lâu nay, Ai Cập và Arập Xêút là hai trụ cột trong chính sách Trung Đông của Mỹ, giành được phần lớn viện trợ quân sự và ưu đãi về kinh tế của Mỹ. Dưới sự chỉ đạo của Mỹ, những quốc gia này lần lượt ký hiệp định hòa bình với Ixraen, trấn áp các thế lực Hồi giáo cực đoan ở trong nước, trừng phạt những thế lực chống Mỹ như Iran, Hamas. Đồng thời, Mỹ lại gây áp lực lên giới cầm quyền những quốc gia này, yêu cầu họ phải thúc đẩy cải cách chính trị. Dưới sức ép mạnh mẽ từ “Kế hoạch dân chủ Đại Trung Đông” của Bush, Mubarak đã bỏ lệnh cấm các đảng khác hoạt động, cho phép nhiều đảng tham gia bầu cử, gieo những hạt giống nổi loạn đầu tiên để ông ta bị lật đổ. Mặc dù hình thức bầu cử đa đảng ở Ai Cập chỉ là hình thức, nhưng một khi cánh cửa chính trị được mở ra sẽ rất khó đóng lại. Những người cầm quyền ở Ai Cập, Arập Xêút không hài lòng, oán ghét Mỹ đã can thiệp vào công việc nội bộ, làm suy yếu nền tảng cầm quyền của họ. Dân chúng ở những nước này cũng không hài lòng, chỉ trích sự giả dối của Mỹ, ngoài miệng nói là ủng hộ phong trào dân chủ, thực chất là ủng hộ chính phủ đàn áp phong trào dân chủ. Do đó, trong chính sách Trung Đông, một mặt, Mỹ ủng hộ các nước đồng minh, mặt khác, lại ủng hộ phong trào dân chủ chống chính phủ ở nước đó. 

Thái độ và lập trường của Mỹ trong vấn đề Trung Đông vừa mâu thuẫn, vừa thể hiện một luận thuyết sai trái khó giải thích. Một mặt, Mỹ có ý đồ thoát khỏi Trung Đông, không muốn can thiệp quá sâu vào công việc của khu vực này, nhằm đưa nhiều nguồn lực hơn sang khu vực khác. Cả Tổng thống Bush và Obama đều có ý đồ thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn dầu mỏ ở Trung Đông, rút khỏi những tranh chấp chính trị ở khu vực này. Mỗi lần phát biểu về năng lượng sạch, các nhà lãnh đạo của Mỹ đều nêu rõ, chỉ có giảm bớt sự phụ thuộc dầu mỏ Trung Đông mới có thể làm cho Mỹ tránh được công việc Trung Đông, tăng thêm không gian hoạt động chiến lược ở khu vực khác. Mặt khác, Mỹ lại phải đảm nhận vị trí lãnh đạo toàn cầu, không muốn vắng mặt ở các khu vực quan trọng, các công việc lớn trên thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông, Bắc Phi gần kề với châu Âu. Sự rối ren ở khu vực này trực tiếp ảnh hưởng đến sự ổn định và phồn vinh của châu Âu. Trước trách nhiệm đối với các nước đồng minh châu Âu, Mỹ cũng không thể bỏ mặc. Trong vấn đề thiết lập vùng cấm bay ở Libi, thái độ của Mỹ là phản ứng một cách sai trái. Do lợi ích của bản thân nước mình, Mỹ không muốn sử dụng biện pháp quân sự với Libi, không muốn bị cuốn vào chiến tranh ở Trung Đông, không muốn làm cho kinh tế Mỹ đã yếu lại càng yếu. Tuy nhiên, là siêu cường duy nhất trên thế giới, là đồng minh của các nước châu Âu, Mỹ không thể đứng ngoài cuộc. Chính trong bối cảnh khó khăn đó, các nước châu Âu như Anh, Pháp tích cực cổ vũ thiết lập vùng cấm bay ở Libi. Thái độ của Mỹ cũng tỏ ra mập mờ, luôn nhấn mạnh điều kiện tiền đề và khó khăn khi thiết lập vùng cấm bay. 

Trong vấn đề chống khủng bố ở Trung Đông Bắc Phi, Mỹ đối mặt với ngày càng nhiều mâu thuẫn và khó khăn. Tổ chức khủng bố ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi căm thù Mỹ vì can thiệp vào công việc nội bộ ở khu vực này, nên mới coi Mỹ là mục tiêu tấn công hàng đầu. Tuy nhiên, để tấn công các tổ chức khủng bố, Mỹ phải tăng cường hợp tác với chính phủ các nước Ai Cập, Arập Xêút , Yêmen, can thiệp sâu vào công việc của Trung Đông. Như vậy, Mỹ dường như rơi vào một tình cảnh khó khăn lôgic. Bởi vì, Mỹ can dự vào công việc nội bộ ở Trung Đông trong một thời gian dài nên các lực lượng Hồi giáo cực đoan mới tấn công nước Mỹ và Mỹ lại buộc phải can thiệp sâu vào công việc ở Trung Đông. Sau sự kiện 11/9/2001, để tấn công chủ nghĩa khủng bố, Mỹ đã can thiệp sâu hơn vào công việc khu vực này, kết quả là gây ra làn sóng chống Mỹ lớn hơn. 

Mỹ là một nước lớn đặc biệt ở phạm vi toàn cầu, vừa cần bảo vệ địa vị lãnh đạo toàn cầu, vừa thúc đẩy quan niệm giá trị của Mỹ. Điều này làm cho chính sách đối ngoại của Mỹ trở nên mâu thuẫn. Hơn nữa, Trung Đông lại là khu vực đặc biệt, về kinh tế nơi đây quản lý kho dầu mỏ cung cấp cho thế giới, về địa lý tiếp giáp giữa ba lục địa lớn là châu Âu, châu Á và châu Phi, lực lượng tôn giáo cấp tiến chính trị lại cùng tồn tại với lực lượng thế tục ôn hòa; trong xã hội, nhân tố hiện đại và truyền thống cạnh tranh lẫn nhau. Từ đó làm nảy sinh chính sách Trung Đông khó hiểu của Mỹ. Hiện nay, chính sách của Mỹ ứng phó với biến động ở Trung Đông, Bắc Phi chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Trong tương lai, sự thay đổi chính trị ở Trung Đông sẽ còn tiếp tục phát triển, chính sách của Mỹ vẫn sẽ có những nhân tố mâu thuẫn, xung đột và nhiều tiêu chí./.

Lê Sơn (gt)