111031-N-BL607-031.jpg

Sự kiện thắng cử tổng thống Mỹ của ông Donald Trump vẫn đang tiếp tục tạo nên những dư chấn mạnh mẽ trong hành lang quyền lực ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, trước khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 được chính thức công bố, những thay đổi chính trị chấn động trong khu vực này đã tương đối rõ ràng. Có thể nói tổng thống đắc cử của Mỹ chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa đã bùng phát từ lâu trong mối quan hệ của Mỹ với Đông Á. Những rạn nứt trong quan hệ với một số quốc gia Đông Á của Mỹ từ thời Chính quyền Obama đã khá rõ ràng và tiếp tục rạn sâu hơn trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, vài tháng cuối cùng trước khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra, đã có xu hướng chống Mỹ bùng cháy mạnh mẽ chủ yếu là từ các nền dân chủ theo định hướng ngày càng dân túy ở khu vực Đông Nam Á.

Trục kinh tế và chính trị của Philippines xoay sang Trung Quốc

Cú sốc mạnh đầu tiên mà Mỹ gặp phải là khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte công khai tuyên bố trục kinh tế chính trị của mình sẽ rời xa mối quan hệ lâu dài với Mỹ, quay sang ủng hộ mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc và Nga. Thường được gọi là "Trump của châu Á", phong cách thẳng thắn của ông Duterte trong chính trị, đặc biệt là trong "cuộc chiến chống ma túy" dẫn đến những vụ giết người không qua xét xử với hơn 5000 nghi phạm liên quan đến buôn bán ma túy thiệt mạng, đã đe dọa các chính phủ phương Tây, trong đó có chính quyền của Tổng thống Obama. Kết quả là ông Duterte đã tìm thấy tiếng nói chung với Nga và Trung Quốc trong việc chỉ trích Mỹ trong các hoạt động nhân quyền và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Gạt vấn đề trong nước và chiến dịch chống ma túy sang một bên, điều quan trọng nhất trong trục của ông Duterte nhiều khả năng là việc thay đổi liên minh địa chính trị có lợi cho mình và xoay trục sang mối quan hệ với Bắc Kinh. Trung Quốc đang trở thành siêu cường quốc nổi lên nhanh nhất thế giới, kết quả không thể tránh khỏi là các nước láng giềng và các nước yếu hơn trong khu vực sẽ “xích lại” gần hơn với Trung Quốc. Đây là lý do khiến Philippines bỏ qua phán quyết có lợi cho Philippines của Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan) và “lờ” đi yêu sách mở rộng lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Động lực xoay trục sang Trung Quốc của ông Duterte là vấn đề kinh tế. Đa số các tập đoàn kinh doanh lớn nhất của Philippines và chắc chắn đa phần các chủ doanh nghiệp giàu có và thế lực của đất nước này đều là người gốc Hoa. Các công ty này đã dần thiết lập các mối liên kết kinh doanh với Trung Quốc từ lâu trước khi ông Duterte lên nắm quyền. Do đó, không quá bất ngờ khi trong chuyến đi của Duterte đến Bắc Kinh để có được khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 24 tỷ USD, lãnh đạo hàng đầu của tất cả các tập đoàn chủ sở hữu người gốc Hoa lớn nhất ở Philippines và các ông trùm kinh doanh khác đã có mặt trong chuyến thăm lịch sử này.

Trục quốc phòng và an ninh của Malaysia xoay sang Trung Quốc

Ngay sau khi thấy mối quan hệ gần gũi hơn giữa Trung Quốc và Philippines, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng khẳng định quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Trung Quốc, mặc dù vấp phải đôi chút phản đối. Ở một mức độ nào đó, sự thay đổi địa chính trị của Malaysia không quá bất ngờ. Quan hệ của nước này với Mỹ từ lâu đã đối mặt với nhiều va chạm chính trị, đặc biệt dưới thời cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, người nổi tiếng chống phương Tây và Mỹ. Tư tưởng chống Mỹ này đã giảm đi dưới thời Thủ tướng Najib Razak. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa chính phủ của ông với Mỹ luôn có phần dè dặt. Một nguyên nhân giải thích cho mối quan hệ song phương dè dặt này là sự hợp tác quân sự-kỹ thuật và quân sự lâu dài giữa Malaysia và Nga. Mối quan hệ hợp tác này, như ông Najib đã khẳng định, sẽ vẫn tiếp tục tồn tại bất chấp sự kiện máy bay chở khách của Malaysia MH17 bị bắn rơi khi bay qua phía Đông Nam Ukraine và bị cáo buộc là được thực hiện bởi phiến quân do Nga hậu thuẫn vào giữa năm 2014. Trong khi đó, các vụ bê bối tham nhũng trong công ty đầu tư phát triển nhà nước - 1 Malaysia Development Berhad (1MDB), được đồng sáng lập bởi Thủ tướng Najib, cùng với sự gia tăng áp lực về hồ sơ pháp lý từ các cơ quan của Mỹ nên không thể có bất kỳ cải thiện nào trong quan hệ giữa Kuala Lumpur và Washington hiện nay. Không lâu sau khi vụ bê bối xảy ra, ông Najib đã ra một thông báo bất ngờ, tuyên bố mua 4 tàu hải quân của quân đội Trung Quốc. Đó là thỏa thuận quân sự đầu tiên của Malaysia với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng phát sinh và dư luận quốc tế đang nhằm vào Trung Quốc sau phán quyết của Tòa Trọng tài chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Quan hệ chung hỗn hợp của ASEAN với Mỹ và Trung Quốc

Một vấn đề trong hoạt động của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là không yêu cầu các thành viên phải có một chính sách đối ngoại chung thống nhất. Trên thực tế, nguyên tắc quyền lực chính trị độc lập của từng quốc gia đều được bảo vệ rất chặt chẽ. Ví dụ, Lào đã công khai tuyên bố liên kết chặt chẽ với Trung Quốc vào đầu năm 2016. Động lực chính đằng sau chính sách này là để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn từ Trung Quốc, nằm trong sáng kiến "Một vành đai một con đường" nối châu Á với châu Âu của Bắc Kinh. Campuchia cũng lôi kéo Trung Quốc theo cách tương tự để mời gọi các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng và khoản tín dụng quan trọng. Mối quan hệ giữa hai nước trở nên gần gũi hơn vào tháng 10/2016, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Thủ tướng Hun Sen. Đổi lại Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã mô tả Trung Quốc là "người bạn thân nhất” của đất nước mình. Mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa hai nước đã được thể hiện khi Campuchia phủ quyết một tuyên bố của ASEAN liên quan đến quyết định của Tòa Trọng tài chống lại tuyên bố của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Hơn nữa, hỗ trợ của Trung Quốc về mặt kinh tế và quốc tế cho Campuchia diễn ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa đảng cầm quyền của Campuchia với Mỹ và châu Âu liên quan tới vấn đề nhân quyền.

Các thành viên khác trong ASEAN cũng thực hiện chính sách đối ngoại với xu hướng cân bằng mối quan hệ với các siêu cường toàn cầu. Việt Nam trở thành quốc gia chính trong khu vực lên tiếng chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện nhiều cuộc đụng độ liên quan tới một số thực thể trên Biển Đông mà hai nước đều có tuyên bố chủ quyền. Kết quả là cảnh giác cao độ của Việt Nam đối với người "hàng xóm phương Bắc" đã dẫn tới việc phát triển mối quan hệ ấm áp hơn với kẻ thù cũ của mình, Mỹ. Mối quan hệ về kinh tế, chính trị và cả quân sự của Việt Nam với Nga có lẽ sẽ tiếp tục được củng cố trong chính sách đối ngoại của Việt Nam bất chấp mối quan hệ ngày càng gần gũi của Nga với Trung Quốc. Kể từ khi chính quyền quân sự của Thái Lan lên nắm quyền, quan hệ chính trị và kinh tế của nước này với Mỹ và châu Âu ngày càng có vấn đề. Vì quân đội giảm tính dân chủ trong hiến pháp do họ soạn lại nên khuynh hướng ôn hòa và độc đoán của chính phủ này sẽ được các tướng lĩnh tiếp tục phát huy sức mạnh, ngay cả sau cuộc bầu cử có thể sẽ được tổ chức vào năm 2017. Trong bối cảnh quan hệ chính trị của Mỹ và châu Âu với Thái Lan đang xuống cấp, chính phủ quân sự này đã nuôi dưỡng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, đặc biệt là liên quan đến các hợp đồng vũ khí và thương mại. Trung Quốc gần đây đã vượt qua Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan.

Tại Myanmar, việc bổ nhiệm bà Aung San Suu Kyi vào tháng 4/2016 vào vị trí cố vấn chính phủ đã đưa nền dân chủ non trẻ của đất nước này ra khỏi sự thống trị của lực lượng quân đội liên kết với Trung Quốc và hướng tới mối quan hệ mạnh mẽ với Mỹ và châu Âu. Mặc dù vậy, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên chính thức của bà Suu Kyi, vào tháng 8/2016, là đến Bắc Kinh trước khi đến thăm Washington. Chuyến thăm của bà Suu Kyi đến Bắc Kinh về cơ bản đã công nhận vai trò quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế của Myanmar. Về điểm này, Bắc Kinh sẽ cố gắng để duy trì ảnh hưởng đối với nước láng giềng phía Nam chiến lược này bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng và năng lượng quy mô lớn trên toàn quốc nằm trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, cũng như bồi đắp mối quan hệ chính trị chặt chẽ hơn với chính phủ bà Suu Kyi. Singapore và Indonesia - hai nền kinh tế giàu có nhất và lớn nhất của ASEAN – cũng đã duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng với Mỹ trong nhiều năm qua. Đồng thời, cả hai nước cũng đã ngày càng gần gũi hơn với Trung Quốc, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế, đồng thời cũng khẳng định mối quan hệ chính trị chặt chẽ hơn trong khi vẫn giữ quan hệ liên tục với Washington. Chính phủ của các nước này vẫn đang cố gắng cân bằng mối quan hệ với Mỹ khi nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump đang đến gần, đồng thời vẫn mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc, đối tác chính trong nhiều ngành kinh tế, thương mại của Singapore và Indonesia.

Chính sách đối ngoại không chắc chắn của Hàn Quốc

Sau chiến thắng của ông Trump, cơn bão thay đổi địa chính trị không bắt đầu ở Đông Nam Á mà đã bắt đầu quét qua Đông Bắc Á, đặc biệt là Hàn Quốc. Một cơn bão chính trị đã nhấn chìm Tổng thống Park Geun-hye, bà đã bị Quốc hội luận tội và bị đình chỉ chức vụ. Scandal lớn nhất của Hàn Quốc là vụ việc tổng thống và một người bạn thân tín của mình đã phạm cả hai tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Đối với đại đa số người dân Hàn Quốc, những áp lực kinh tế, chính trị và vấn đề từ giới tinh hoa của đất nước chính là biểu hiện của sự suy giảm. Thật trùng hợp, chỉ một vài tháng trước khi phát hiện ra các vụ bê bối chính trị của Hàn Quốc, bà Park đã thực hiện các chính sách gây tranh cãi về quyết định lắp đặt Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở nước này. Ban đầu, hầu hết người dân trong nước đều ủng hộ chính sách này, xem đây là hành động cần thiết để giảm thiểu các mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, chính sách này ngày càng chịu nhiều chỉ trích từ phía Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh bày tỏ quan ngại rằng radar của hệ thống sẽ theo dõi việc di chuyển vũ khí Trung Quốc. Bắc Kinh dần dần đã nâng mức cảnh báo của mình về vấn đề này, bao gồm cả lời đe dọa về một cuộc chạy đua vũ trang có thể gây bất ổn cho khu vực. Kể từ khi Trung Quốc (và Nga) chỉ trích ngày càng nhiều về việc triển khai THAAD, cùng với các vụ bê bối chính trị diễn ra tại Hàn Quốc, phe đối lập đã lên tiếng rằng họ sẽ vận động để hủy bỏ việc triển khai THAAD và đây sẽ là một trong những nền tảng chính sách của họ trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Nếu như vậy, đây sẽ là lần đầu tiên một đảng chính trị chính thống sẽ vận động về việc cắt đứt quan hệ với Mỹ về chính sách quốc phòng.

Hơn nữa, sự thành công của đảng đối lập chính trong cuộc bầu cử quốc hội năm nay, dẫn đến sự ra đi của đa số thành viên trong quốc hội thuộc đảng cầm quyền của bà Park trong 16 năm qua, điều này làm gia tăng khả năng một đảng chính trị sẽ được trao quyền và rời xa mối quan hệ hợp tác truyền thống về chính sách đối ngoại và quốc phòng giữa Seoul với Washington. Thậm chí các thành viên phe đối lập đã kêu gọi một chính sách độc lập chống lại Mỹ bằng cách xóa bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.

Kết luận

Các xu hướng chính sách đối ngoại hiện nay đã bắt rễ sâu từ các nước ở khu vực Đông Á, đa số đều là xoay trục từ Mỹ chuyển sang Trung Quốc và thậm chí là xoay sang Nga, xu hướng này có thể được mô tả như hiện tượng Domino ở khu vực Đông Nam Á. Philippines và Malaysia đã gia nhập vào nhóm những nước gồm Thái Lan, Lào và Campuchia để ôm lấy Trung Quốc trong khi vẫn cố gắng đặt mối quan hệ với Mỹ trong tầm với. Trong khi đó, ở Đông Bắc Á, sự suy giảm của giai cấp thống trị truyền thống tại Hàn Quốc cùng với xu hướng xoay trục sang quan hệ ngoại giao với Trung Quốc của đảng đối lập, rõ ràng đang tạo ra một loạt các vấn đề phức tạp. Vị thế của Mỹ ở Đông Á đang chênh vênh hơn trước, còn Tổng thống đắc cử Trump thì vẫn chưa bước vào Nhà Trắng./.

Tác giả Bob Savic là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Toàn cầu thuộc Đại học Metropolitan (Anh). Bài viết đăng trên “The Diplomat” (ngày 15/12).

Hương Trà (gt)