Mỹ cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là nguyên nhân khiến chi tiêu quân sự của các nước láng giềng tăng lên, mặc dù Oasinhtơn mới là bên được lợi chính từ mức tăng chi tiêu quân sự của châu Á. Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm tới 30% kim ngạch xuất khẩu vũ khí trong giai đoạn 2007-2011. Một phần trong chiến lược "trở lại châu Á" của Mỹ là thổi bùng ngọn lửa tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng nhằm kiểm soát tình hình an ninh châu Á và để bán thêm vũ khí. Điều đáng lưu ý là Bộ Quốc phòng Mỹ hiện không chỉ là "chủ lao động" lớn nhất nước Mỹ mà còn lớn nhất thế giới. Mới đây, hai tổ chức nghiên cứu và tư vấn của phương Tây là Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Xtốckhôm đã công bố các báo cáo về chi tiêu quốc phòng tại châu Á, thổi phồng kịch bản được gọi là "cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á" và cho rằng việc tăng cường quân sự tại các nước châu Á là để phản ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong báo cáo "Cán cân quân sự năm 2012", IISS tuyên bố chi tiêu quân sự của châu Á có khả năng vượt châu Âu trong năm nay, và kết luận rằng một cuộc chạy đua vũ trang cổ điển đang diễn ra tại châu Á, với một bên là Trung Quốc và một bên là các nước láng giềng châu Á. Còn theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Xtốckhôm, châu Á đã trở thành khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2011, với 5 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới đều nằm tại châu Á. Chi tiêu quân sự ngày càng tăng của châu Á - trong đó có Trung Quốc - là hợp pháp, hợp lý và không tránh khỏi với 5 lý do sau:Một là, việc tăng chi tiêu quân sự của châu Á là kết quả tự nhiên của sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững tại châu Á. Các nước châu Á nói chung đang trở nên ngày càng giàu có và việc họ tăng chi phí quốc phòng là hợp lý. Hai là, để bảo vệ các lợi ích kinh tế và phát triển ngày càng tăng, trong đó có lợi ích tại nước ngoài và sự an toàn của các tuyến đường vận tải biển, để đối phó với những thách thức của hoạt động khủng bố, ly khai sắc tộc và cực đoan tôn giáo gây ra, các nước châu Á phải tăng chi tiêu quốc phòng để bảo vệ sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Ba là, tổng chi tiêu quân sự của châu Á vẫn hạn chế. Theo các số liệu của IISS, trong năm 2011, các nước châu Á đã chi 262 tỷ USD cho quốc phòng, thấp hơn mức 270 tỷ USD của châu Âu. Chi tiêu quân sự của châu Á sẽ vượt của châu Âu trong năm nay, chủ yếu là do các nước châu Âu phải cắt giảm ngân sách quân sự do cuộc khủng hoảng nợ công. So với chi tiêu quân sự của Mỹ, mức chi tiêu quân sự của châu Á thấp hơn nhiều.Bất chấp sức ép chưa từng có, yêu cầu cắt giảm thâm hụt ngân sách, số tiền mà Chính phủ Mỹ chi cho quân sự trong tài khóa 2013 vẫn là 613,9 tỷ USD. Bốn là, các vấn đề phức tạp như tranh chấp lãnh thổ, biên giới và lãnh hải, hoạt động chống khủng bố, các vấn đề hạt nhân và nhu cầu đảm bảo các nguồn tài nguyên, năng lượng và ảnh hưởng khu vực đang làm tăng mức chi tiêu quân sự tại châu Á. Sự thiếu tin tưởng, nghi ngờ và hiểu lầm có liên quan đến sự trỗi dậy của châu Á, ở mức độ nào đó, cũng dẫn tới tình huống an ninh "tiến thoái lưỡng nan". Sự hợp tác an ninh giữa các nước châu Á tụt hậu hơn nhiều do với sự hợp tác kinh tế. Năm là, việc Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội chỉ là một phần trong chi tiêu quân sự tại châu Á và Trung Quốc không phải là nước chi nhiều nhất cho quân sự. Ba nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất châu Á trong giai đoạn 2007-2011 là Ấn Độ, Hàn Quốc và Pakixtan. Ấn Độ cũng là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất châu Á trong giai đoạn 2002-2006 và chi tiêu quân sự của nước này đã tăng 17% trong năm nay, trong khi Trung Quốc chỉ có kế hoạch tăng 11%. Các nước châu Á nên cảnh giác và nhận thức được việc Mỹ đang tìm cách gây mất đoàn kết tại châu Á để thu lợi. Trung Quốc đang trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các nước láng giềng và năm 2011, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước châu Á đạt 1.900 tỷ USD. Điều đó cho thấy phát triển hòa bình đã thực sự trở thành xu hướng chung tại châu Á.

Theo mạng "Nghiên cứu toàn cầu" (ngày 8/4)

Hương Trà (gt)