Sau một loạt hành động của Mỹ chống lại Pakixtan gần đây, bao gồm Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cắt viện trợ cho Pakixtan, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đưa ra một tuyên bố gay gắt về Pakixtan trong chuyến công du Niu Đêli và vụ Mỹ bắt giữ người Mỹ gốc Pakixtan - Tiến sĩ Fai Ghulam Nabi Fai của Hội đồng Kashmir-Mỹ - vì nghi ngờ ông này có liên quan tới cơ quan tình báo Pakixtan, đa số người dân Pakixtan hiện tin rằng Mỹ đang bắt đầu trả thù nước này. Chính trị gia đồng thời là nhà phân tích của Pakixtan, Tiến sĩ Shireen Mazari đã viện dẫn ba hành động lớn của Mỹ đối với Pakixtan chỉ trong vòng hai ngày: 

Hành động thứ nhất là việc Quốc hội Mỹ đồng ý thông qua dự luật cắt viện trợ cho Pakixtan và đưa ra những đòi hỏi cực kỳ vô lý về việc (Pakixtan) phải nhanh chóng cấp thị thực mà không cần phải phỏng vấn cho các cán bộ Mỹ để can thiệp nội bộ của Pakixtan. Theo bà Mazari, Mỹ đã đưa ra những đòi hỏi hết sức phi lý và gây phẫn nộ cho Pakixtan, đặc biệt là đối với những hoạt động quân sự của nước này mà Mỹ muốn thao túng.

Hành động có chủ đích thứ hai của nhà chức trách Mỹ là tuyên bố chung Mỹ-Ấn vào cuối chuyến công du Ấn Độ mới đây của Ngoại trưởng Clinton, trong đó Mỹ tuyên bố trong tương lai, Ấn Độ sẽ trở thành nước chi phối các quốc gia châu Á, đặc biệt Pakixtan. Nhiều người Pakixtan và giới phân tích đã nhìn nhận động thái này của Mỹ với con mắt tiêu cực khi nói rằng Mỹ đưa Ấn Độ can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của Pakixtan thông qua việc cùng nhau yêu cầu Chính phủ Pakixtan dẹp bỏ tất cả các "nơi trú ẩn an toàn" của những kẻ khủng bố ở Pakixtan. Kết thúc chuyến thăm Ấn Độ, bà Clinton nói rằng Niu Đêli phải đóng một vai trò quyết đoán hơn ở châu Á.

Thủ tướng Pakixtan Yousuf Raza Gilani đã bày tỏ lo lắng về việc Mỹ thông qua dự luật cắt viện trợ cho Pakixtan và nói hôm 23/7 rằng Pakixtan sẽ không chấp nhận việc bất cứ nước nào chi phối khu vực. Phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở In-đô-nê-xi-a vừa qua, tân Ngoại trưởng Pakixtan - bà Hina Rabbani Khar - nói: “Pakixtan sẽ không chấp nhận bất kỳ quốc gia nào nắm quyền bá chủ tại khu vực vì Pakixtan không phải là thuộc cấp của Ấn Độ”.

Hành động thứ ba của Mỹ đang bị Pakixtan chỉ trích gay gắt là vụ Bộ An ninh Mỹ bắt giam Tiến sỹ Ghulam Nabi Fai vì nghi ngờ ông này làm việc cho cơ quan tình báo hàng đầu của Pakixtan, đó là Cơ quan Tình báo Liên ngành (ISI). Bà Mazari cho rằng hành động này kỳ lạ nhất và gây hủy hoại nhất cho mối quan hệ song phương trong thời gian tới.
Aslam Khan, một nhà phân tích kỳ cựu khác chuyên nghiên cứu về mối quan hệ Ấn-Mỹ, lại tỏ ý nghi ngờ những lời buộc tội của Mỹ đối với Tiến sỹ Fai vì ông này bị bắt giam chỉ vài ngày trước chuyến công du Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ Clinton. Trao đổi với Tân Hoa Xã, ông Khan nói: “Hành động này của Mỹ có hai mục đích rõ ràng. Thứ nhất là để gây ấn tượng với người Ấn Độ trước chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ. Thứ hai là để bôi nhọ và gây áp lực với Pakixtan, nước đã thắt chặt chính sách đối với các hoạt động tự do đi lại của giới ngoại giao Mỹ trong phạm vi lãnh thổ nước này".

Nhà phân tích kỳ cựu và từng là nhà ngoại giao Asif Ezdi đã nhìn nhận việc Mỹ tăng cường cổ vũ sự trỗi dậy của Ấn Độ trong một bối cảnh rộng hơn. Trong một bài viết đăng trên một nhật báo địa phương phát hành hôm 25/7, ông cho rằng trong hơn một thập kỷ qua, Mỹ phải nỗ lực chống lại sức mạnh chính trị, kinh tế, quân sự đang ngày càng phát triển của Trung Quốc, nguy cơ tiềm tàng đe dọa địa vị siêu cường của họ. Ông nói: “Vai trò của Ấn Độ trong chiến lược của Mỹ là Ấn Độ phải trở thành một đối trọng của Trung Quốc và ngăn chặn các hành động quyết đoán của quốc gia này”. 

Nhà phân tích Khan cho rằng mối quan hệ giữa Pakixtan và Mỹ, đã trở nên căng thẳng sau chiến dịch đơn phương của Mỹ tại thành phố Abbottabad của Pakixtan và tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden hồi đầu tháng 5/2011, hiện đang ở vào thời kỳ đen tối nhất. Theo một số nguồn thạo tin của Bộ Ngoại giao Pakixtan, nguyên nhân chính khiến cho quan hệ Mỹ-Pakixtan "đóng băng" là do Mỹ không ngừng đòi hỏi Pakixtan phải "nỗ lực hơn nữa". 

Hầu hết những người được Tân Hoa Xã phỏng vấn đều tỏ ra không mấy ngạc nhiên trước việc Mỹ thay đổi chính sách từ mềm dẻo sang cứng rắn đối với Pakixtan và nói rằng họ biết khi Mỹ dần rút quân khỏi Ápganixtan, Oasinhtơn sẽ thay đổi thái độ đối với Ixlamabát. 

  Theo Xinhuanet (25/7)

Hương Trà (gt)