Ông Donald Gross khẳng định rõ ràng hiện nay là thời điểm thuận lợi để Mỹ áp dụng chính sách can dự mới và toàn diện trong quan hệ với Trung Quốc. Chẳng bao lâu nữa Tổng thống Barack Obama sẽ bắt tay thực hiện các chương trình chính sách của nhiệm kỳ hai, do đó ông có thể chỉ đạo chính sách đối ngoại của Mỹ mà không phải chịu sức ép lớn về chính trị. Tại Trung Quốc, thế hệ các nhà lãnh đạo mới bắt đầu lên nắm quyền với sứ mệnh giải quyết các khó khăn đang nổi lên trong nước như: tham nhũng và chủ nghĩa bè phái trong Đảng, môi trường xấu đi, các sự kiện gây mất ổn định xã hội thường xuyên của công chúng, lạm phát và bất bình đẳng xã hội. Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc gồm Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường chính thức nắm quyền lãnh đạo đất nước vào tháng 3/2013, đều biết các tệ nạn nghiêm trọng trong Đảng và Nhà nước. Họ cũng là nạn nhân của cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông. Đã từng trải qua và sống sót sau những vụ vi phạm nhân quyền từ năm 1966-1976, các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ dễ dàng tiếp nhận các đề nghị cải cách chính trị của tầng lớp trung lưu và trí thức tự do ở Trung Quốc - những người đang chỉ trích mạnh mẽ nạn tham nhũng và chủ nghĩa bè phái ngày càng tăng trong Đảng và Chính quyền. Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ hoan nghênh các đề nghị của Mỹ nhằm hỗ trợ Trung Quốc trong việc giải quyết những thách thức của họ. Nhưng các biện pháp thương mại khắt khe hoặc sức ép quân sự lớn của Mỹ có thể vấp phải sự trả đũa cứng rắn, khi các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc tìm cách thể hiện sức mạnh và khả năng của họ để bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc. 

Căng thẳng gia tăng với Trung Quốc có thể gây nên những hậu quả rất lớn. Chúng có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự về vị thế chính trị của Đài Loan, tranh chấp chủ quyền các quần đảo ở Biển Hoa Đông giữa Bắc Kinh và Tôkyô, hoặc quyền sở hữu các quần đảo ở Biển Đông. Kịch bản xấu nhất là, các xung đột đó có thể leo thang, do vô tình hoặc cố ý, và dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân. Sự phát triển của Trung Quốc sẽ thúc đẩy kinh tế và thịnh vượng trong tương lai của Mỹ. Hiện nay Trung Quốc là thị trường tăng trưởng lớn nhất thế giới về các loại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Thương mại với Trung Quốc giúp Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Từ năm 2000-2011, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng khoảng 640%, từ khoảng 6 tỷ USD lên 104 tỷ USD. Trong giai đoạn này, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng 7 lần, nhanh hơn xuất khẩu của Mỹ sang tất cả các nước khác trên thế giới trừ Canađa và Mêhicô. Như Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner khẳng định, các loại hàng hóa xuất khẩu đó đang hỗ trợ hàng trăm nghìn việc làm trên tất cả các lĩnh vực của Mỹ, từ công nghệ cao đến các sản phẩm nông nghiệp, từ máy bay đến ô tô, từ xe nâng hàng đến các dịch vụ tài chính. Mỹ và Trung Quốc đã đầu tư rất lớn cho các thành công của nhau. Trong thời gian tới, Mỹ sẽ được hưởng lợi từ các khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ USD của Trung Quốc, từ đó sẽ cắt giảm các khoản chi phí sản xuất của các công ty và giá cả cho người tiêu dùng, tăng phúc lợi của người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm sáng tạo và quan trọng nhất tạo hàng trăm nghìn việc làm cho người Mỹ. 

Bằng cách đàm phán thành công một hiệp định thương mại tự do song phương Mỹ-Trung và ủng hộ tư cách thành viên của Trung Quốc trong Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ sẽ thúc đẩy mức đầu tư và thương mại quốc tế chưa từng thấy. Các thỏa thuận đó sẽ xóa bỏ các rào cản thương mại thuế quan và phi thuế quan đối với các loại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, đạt được tính minh bạch lớn hơn trong việc thực hiện luật pháp của Trung Quốc và cho phép Mỹ hưởng lợi nhờ tính năng động kinh tế của châu Á- động lực mới của tăng trưởng toàn cầu. Cải thiện các mối quan hệ giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh không những sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng của Mỹ mà còn thúc đẩy những người ủng hộ nhân quyền và dân chủ ở Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy mục tiêu chính sách đối ngoại cốt lõi của Mỹ là: tăng cường các giá trị chính trị của Mỹ ở nước ngoài. Hiện nay, sức ép quân sự ngày càng tăng của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ có lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc bởi vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ sử dụng mối đe dọa của Mỹ để biện minh cho các biện pháp an ninh hà khắc ở trong nước nhằm bảo vệ ổn định nội bộ. Cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Mỹ có thể đẩy mạnh cải cách chính trị và tự do hóa ở Trung Quốc. Mỹ sẽ hạn chế các lực lượng đàn áp nội bộ hiện đang hợp pháp hóa chế độ độc tài như một phương tiện để bảo vệ đất nước chống lại các mối đe dọa quân sự của nước ngoài, đặc biệt là mối đe dọa từ Mỹ. 

Thông qua mối quan hệ được cải thiện, Mỹ có thể đảm bảo Trung Quốc là một đối tác trong tương lai chứ không phải một mối đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ. Lợi ích lớn nhất là Mỹ sẽ tránh được một cuộc xung đột quân sự trong tương lai gần với một quốc gia hiện Oasinhtơn coi là một đối thủ tiềm tàng. Mỹ có thể đạt được các lợi ích an ninh quan trọng khác thông qua các biện pháp hạn chế đe dọa lẫn nhau đã được hai bên nhất trí gồm: Giảm đáng kể mối đe dọa quân sự tiềm tàng của Trung Quốc đối với Đài Loan, do đó đảm bảo nền dân chủ của Đài Loan; đạt được cam kết của Trung Quốc rút lực lượng quân sự khỏi khu vực an ninh ven biển đã được xác định xung quanh Nhật Bản; tăng cường hợp tác an ninh với Trung Quốc về các vấn đề khu vực và toàn cầu để giải quyết các mối đe dọa chung như phổ biến vũ khí hạt nhân, khủng bố quốc tế, mất an ninh năng lượng và thiếu các nguồn tài nguyên; thuyết phục Trung Quốc trình các tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông lên một cơ quan tư pháp quốc tế độc lập để ngăn chặn leo thang thành xung đột vũ trang các tranh chấp quần đảo và nguồn năng lượng; tăng tính minh bạch quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là việc phát triển các hệ thống vũ khí mới; thuyết phục Trung Quốc giảm phạm vi, quy mô và tiến độ của chương trình hiện đại hóa quân sự. 

Rõ ràng, cách tốt nhất để khắc phục "mối đe dọa đến từ Trung Quốc" là đạt được nền hòa bình ổn định thông qua giải quyết các xung đột kinh tế và an ninh nổi cộm giữa hai nước. Điều này sẽ cho phép Oasinhtơn giải quyết các mối quan ngại của nhiều người Mỹ về các hoạt động thương mại của Trung Quốc như: vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, kiềm giá tiền tệ và các biện pháp bảo hộ có lợi cho các ngành sản xuất trong nước. Như vậy, một chính sách mới nhằm thúc đẩy các mối quan hệ hòa bình và thịnh vượng với Trung Quốc sẽ thúc đẩy tốt nhất lợi ích của đa số người Mỹ hiện nay và trong thời gian tới. Do đó, Chính quyền Obama cần can đảm và có tầm nhìn để áp dụng một chính sách can dự toàn diện với Trung Quốc nhằm giảm thiểu xung đột, cùng tồn tại hòa bình và đạt được hợp tác cùng có lợi Trung-Mỹ.

Donald Gross, Chuyên viên cao cấp Diễn đàn Thái Bình Dương, CSIS, nguyên quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, tác giả cuốn sách tháng 10:  “The China Fallacy: How the U.S Can Benefit from China’s Rise and Avoid Another Cold War”. Bài viết được đăng trên World Policy.

Trần Quang (gt)