Tạp chí Focus của Angiêri vừa có bài phân tích về các yếu tố tác động đến động thái ngoại giao của chính phủ Mỹ đối với Angiêri. Ngoài những yếu tố địa chính trị thay đổi ở khu vực Bắc phi hay những toan tính của Mỹ đối với vùng này còn có các vấn đề song phương chưa được giải quyết đang gây bất ổn định trong mối quan hệ Mỹ - Angiêri.

Theo tạp chí Focus (Angiêri), khi Tuynidi lâm vào tình trạng bất ổn, Mỹ tỏ ra kín tiếng. Lúc tình hình ở Ai Cập đi đến hồi kết, Mỹ mới tuyên bố đứng về phía những người biểu tình và loại bỏ Mubarak. Nhưng giới quan sát nhận xét rằng khi biểu tình nổ ra ở Angiêri, Mỹ lại nhanh chóng lên tiếng đề nghị chính quyền nước này không sử dụng bạo lực chống người biểu tình. Mới đây nhất, ngày 19/5, khi lần đầu tiên phát biểu về tình hình hiện nay trong thế giới Arập dưới ánh sáng các cuộc nổi dậy của dân chúng, Tổng thống Mỹ Barack Obama không hề nói một chữ nào về Angiêri. 

Vấn đề là ở chỗ ai là ai và ai làm gì. Cuộc biểu tình trên chỉ quy tụ được khoảng 1.000 người, nhưng lại do tổ chức Phối hợp toàn quốc vì thay đổi và dân chủ (CNCD) triệu tập. Tổ chức này bao gồm đảng Tập hợp vì văn hóa và dân chủ (RCD), Liên đoàn bảo vệ nhân quyền và một số tổ chức xã hội dân sự khác. Trong khi đó đa số các đảng đối lập xã hội, Hồi giáo và nhiều tổ chức công đoàn và nghiệp đoàn không hưởng ứng lời kêu gọi của CNCD. Nhưng tại sao Mỹ lại tỏ thái độ như vậy?

Focus dẫn một số bức điện do WikiLeaks tiết lộ cho biết thủ lĩnh đảng RCD, Said Sadi, là người đã từng cung cấp cho sứ quán Mỹ tại Angiê một số tin mật mà ông nghe được từ người đứng đầu Cơ quan an ninh Angiêri, tướng Toufik, theo đó chế độ Angiêri không thể đứng vững được và Tổng thống Bouteflika sẽ không thể kết thúc nhiệm kỳ hai vì ốm yếu và bị cô lập về chính trị. Không ai biết Said Sadi làm việc đó là vì muốn “ăn mảnh” nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ để ra ứng cử tổng thống hay vì được yêu cầu làm việc đó, song Focus khẳng định thông tin của ông ta là không chắc chắn vì sau đó Tổng thống Bouteflika vẫn tái cử nhiệm kỳ ba.

Hay Mỹ bị lừa khi tin rằng Bouteflika không ra ứng cử nhiệm kỳ ba nên phải nhắm vào một số đồng minh của mình trong quân đội vốn tỏ ra bất lực vì không đáp ứng được sự chờ đợi của Mỹ đối với họ về phương diện kinh tế và quân sự ? Focus cho rằng có khả năng đó vì, như một số bức điện mật khác do WikiLeaks tiết lộ, sứ quán Mỹ tại Angiê sau đó cay đắng thừa nhận Bouteflika được bầu nhiệm kỳ ba tuy có một số điều không hợp lệ và con số do Bộ Nội vụ Angiêri công bố bị "thổi phồng lên". Theo Focus, những thông tin được cung cấp cho Mỹ là của những người muốn làm mất uy tín Bouteflika và hạn chế khả năng hành động của ông trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát quyền lực và thu nhập từ dầu mỏ.

Chắc chắn là phản ứng của Mỹ, và tiếp theo đó là của Pháp và Đức, khích lệ được phe "đối lập dân chủ" đang sức tàn lực kiệt và mất uy tín trong dân chúng. Focus phê phán Mỹ và phương Tây vì đã nhân danh bảo vệ nhân quyền mà ủng hộ một đảng nhỏ từng bị nghi dính líu đến tội ác trong những năm 1990 ở Angiêri cũng như kẻ Hồi giáo cực đoan Abdallah Djaballah, vốn là một vị khách quan trọng của sứ quán Mỹ tại Angiê.

Tuy không có được vị thế như Ai Cập trên bàn cờ địa chính trị trong vùng, song Angiêri là một nước mà Mỹ cũng phải tính đến. Đó là nước có Tổng sản phẩm quốc nội chỉ đứng sau Nam Phi ở châu Phi, quân đội đứng thứ hai ở châu Phi sau Ai Cập, sa mạc Xahara rộng lớn đang trở thành điểm yếu của toàn châu Phi, sau Xômali, vì từ đó al-Qaeda có thể tổ chức lại lực lượng và triển khai hoạt động. Thêm vào đó là nguồn tài nguyên dưới lòng đất, trong đó dầu mỏ và cả urani không thể không hấp dẫn một cường quốc thế giới như Mỹ. Sự ổn định của Angiêri cũng là sự ổn định của các vùng xung quanh nước này. Nhưng, theo Focus, cũng có những sự ổn định không làm Mỹ hài lòng, do đó tình hình bất ổn có kiểm soát tốt hơn là tình hình ổn định không được kiểm soát. Liệu Angiêri có khiến Mỹ lo ngại hay không?

Để hiểu được những động thái ngoại giao của Mỹ trong thời gian gần đây, Focus đã phân tích những thay đổi về địa chính trị mới đây trong vùng. Không phải ngẫu nhiên mà sức ép của Mỹ đối với Angiêri gia tăng trong thời gian này, đặc biệt từ sau khi Mubarak sụp đổ. Trong những năm 1990, Angiêri thực tế bị áp đặt lệnh cấm vận vũ khí. Trong thời kỳ đó, Ai Cập là một trong 3 nước (cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi) cung cấp xe bọc thép, vũ khí và phụ tùng thay thế cho quân đội Angiêri. Quan hệ giữa quân đội hai nước Angiêri và Ai Cập có từ trước khi Angiêri giành được độc lập.

Ai Cập là nước đầu tiên cung cấp vũ khí cho Angiêri sau khi nước này giành được độc lập. Những chiếc Mig đầu tiên của Angiêri là do Ai Cập tặng. Angiêri không bao giờ quên sự hỗ trợ của Ai Cập và cũng không do dự khi đứng về phía nước này trong các cuộc chiến tranh năm 1967, 1973 và trong suốt thời gian sau đó. Sau một thời gian nguội lạnh do hiệp định Camp David , mối quan hệ giữa hai nước lại được tiếp nối. Nhưng cái khiến Mỹ không hài lòng là quan hệ quân sự và ngoại giao giữa hai nước được nối lại có thể tạo ra một trục tam giác với Xyri. Đối với Mỹ, trục này còn nguy hiểm hơn nữa vì nó có nguy cơ tăng cường vị thế ngoại giao của Iran và giúp nước này thoát khỏi thế cô lập trong vùng. Khả năng đó lại càng dễ xảy ra khi quan điểm hiện nay của Angiêri về phương diện ngoại giao trong vấn đề Iran làm Mỹ và phương Tây khó chịu trong khi phương Tây muốn sử dụng Angiêri để gây áp lực với Iran. Ai Cập độc lập hơn về ngoại giao và với sự ủng hộ của Angiêri cũng sẽ lấy lại được vị thế đã mất ở châu Phi, điều có lợi cho Ixraen. Mối quan hệ tốt đẹp giữa Angiêri và các nước châu Phi lớn như Nam Phi và Nigiêria cũng có thể có lợi cho Ai Cập.

Một yếu tố khác có thể cũng được tính tới và ảnh hưởng đến tính toán của Mỹ trong những năm tới đối với vùng này. Một trong những điểm yếu của ngành ngoại giao Ai Cập là lệ thuộc về quân sự vào Mỹ. Thực tế là từ vài năm nay, Ai Cập tiến hành đa dạng hóa hợp tác quân sự với Trung Quốc và Braxin. Nhưng về chất lượng, vũ khí của Trung Quốc không thể sánh được với vũ khí của Mỹ được trang bị cho Ixraen. Ai Cập phải đa dạng hóa vũ khí của mình bằng cách quay sang một số nước cung cấp vũ khí ở châu Âu và/hay Nga nếu muốn có sức mạnh răn đe đáng tin cậy. Về mặt này, quân đội Angiêri từ trước đó đã tiến hành hiện đại hóa nhờ hợp tác ưu đãi với Nga. Báo cáo của một số viện nghiên cứu chiến lược của Ixraen đã tỏ ra lo lắng trước khả năng hợp tác quân sự giữa Angiêri và Ai Cập có thể giúp hai nước rút ngắn thời gian bằng cách thực hiện các chương trình chung. Trong điều kiện đó, tăng cường sức ép ngoại giao lên Angiêri, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, có thể khiến ngành ngoại giao nước này phải thận trọng hơn trong quan hệ với Ai Cập. Đó là một dấu hiệu ngoại giao quan trọng xác định trước cái giá quá cao phải trả cho trục Angiê-Cairô-Đamát, đặc biệt là đối với Têhêran.

Nhưng theo Focus, các yếu tố địa chính trị xuất hiện sau sự kiện ở Ai Cập không làm cho Mỹ quên đi các vấn đề song phương chưa được giải quyết đang gây bất ổn định trong mối quan hệ Mỹ - Angiêri. Sự trở mặt của Bouteflika trong vấn đề luật dầu khí khiến giới dầu mỏ Mỹ thất vọng. Hơn nữa, việc Angiêri đang muốn phát triển sử dụng năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ giúp Đức tăng cường sự có mặt của mình ở Angiêri và làm cho ảnh hưởng của Mỹ và Pháp suy giảm ở đây. Angiêri cũng làm Mỹ không hài lòng khi từ chối việc chuyển Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ (Africom) vào sa mạc Xahara, cũng như chiến dịch chung của ngành ngoại giao Angiêri, Nam Phi và Nigiêria chống lại việc lập căn cứ của Mỹ ở bất kỳ nước châu Phi nào khác, hay việc Chính phủ Angiêri cung cấp 30 tấn vũ khí cho chính phủ Xômali được Liên minh châu Phi ủng hộ để chống lại lực lượng của Shabab do Arập Xêút hỗ trợ. Những sự việc đó được WikiLeaks tiết lộ qua một số bức điện mật có thể giải thích được rất nhiều lý do tại sao Mỹ không hài lòng với Angiêri và đột nhiên ủng hộ hành động của một "phe dân chủ" đáng ngờ.

Rõ ràng là trong con mắt của ngành ngoại giao Mỹ, Angiêri không còn nằm trong danh sách đen nữa, nhưng quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục tiến triển tùy theo các cuộc tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc kình địch nhau ở Angiêri cũng như những thao túng chính trị của các đối thủ khác nhau trên chính trường nước này. Tuy không chuyển giao cho Angiêri máy bay không người lái chiến thuật, song Mỹ luôn hy vọng thúc ép được Bộ Quốc phòng nước này trang bị những loại vũ khí của Mỹ vì như vậy sẽ buộc quân đội Angiêri lệ thuộc vào ngành công nghiệp quân sự Mỹ mà vẫn không gây phương hại đến "sự cân bằng quân sự trong vùng". Tuy chính thức không cho thiết lập căn cứ của Mỹ ở miền Nam , song Angiêri lại cho phép máy bay gián điệp Mỹ bay qua không phận của mình để bảo đảm với Mỹ rằng mình không có gì phải che giấu cả.

Tuy vì lý do ngoại giao và hợp tác với NATO, Tổng thống Bouteflika và các quan chức có ảnh hưởng của Bộ Quốc phòng muốn nhận máy bay F18 và trực thăng Apache, nhưng một số sĩ quan cao cấp khác lại nghi ngại, muốn bổ sung vũ khí của Nga bằng vũ khí của Đức, Anh hay Italia hơn. Điều đó được giải thích bằng một số hợp đồng: một về chuyển giao khoảng 100 chiếc trực thăng Agusta-Westlanf do Đức và Italia cùng sản xuất, và một về tiếp nhận nhiều tàu chiến Italia và Đức cho Hải quân Angiêri, cộng với một hợp đồng ký giữa Mercedes và Bộ Quốc phòng Angiêri để sản xuất xe 4 x 4 cho quân đội, và một hợp đồng giữa EADS - Đức và Bộ quốc phòng Angiêri về xây dựng một nhà máy linh kiện điện tử.

Trong bối cảnh trên, Focus cho rằng có thể hiểu được vì sao Angiêri thích hãng EADS - Đức hơn Raytheon của Mỹ trong thương lượng để kết thúc dự án lớn về xây hàng rào điện tử ở biên giới của mình. Tất cả các vấn đề song phương còn dang dở này sẽ tác động lên mối quan hệ Angiêri - Mỹ trong tương lai.

Nhưng vượt lên trên những ván bài dối trá trên với sự tham gia của các nhà ngoại giao, tình báo, nhà báo đội lốt và nhà dân chủ giả hiệu, là các cuộc chơi thực thụ về chính trị, kinh tế và xã hội có tác động đến xã hội Angiêri. Không cần phải tài giỏi gì cũng có thể biết được những con chim săn mồi không bao giờ để lọt lưới con mồi, sẽ không thờ ơ với chương trình 5 năm với 286 tỷ USD. Những viễn cảnh nối tiếp nhau như vậy trong lĩnh vực chính trị và quân sự khiến người khác hết sức thèm muốn.

Cuộc chiến quyết liệt giữa các phe phái kình địch cũng không làm lu mờ các cuộc chiến khác, tuy được báo chí nói đến ít hơn, song cũng mang tính quyết định không kém đối với tương lai của đất nước. Đó là cuộc chiến giữa những người ủng hộ hệ thống phân chia lợi nhuận và những người muốn thoát khỏi cơ chế đó, kể cả không phải ngay lập tức. Ra khỏi cơ chế sinh tội ác đó hiện nay quyết định việc đáp ứng lâu dài nhu cầu cơ bản của dân chúng cũng như việc bảo vệ độc lập dân tộc. Nhưng áp lực từ bên trong cũng như từ bên ngoài cùng theo hướng duy trì một hệ thống đã lỗi thời mạnh đến nỗi chỉ cần trở lại với chủ quyền dân tộc thôi cũng đủ để giải quyết được câu chuyện được nói ngập ngừng nhưng sẽ quyết định tất cả.

 

Theo Focus

 Mỹ Anh (gt)