Đã đến thời điểm phải có những quyết tâm trong năm mới. Và đây là một quyết tâm tốt: Hãy kiên quyết để không có một cuộc chiến tranh lớn trên bán đảo Triều Tiên vào năm 2018. Bất cứ cuộc chiến tranh nào như vậy cũng có thể dẫn đến cái chết của hàng chục nghìn người ngay vào những giờ đầu tiên xảy ra chiến sự, và có khả năng làm hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu người thiệt mạng trước khi cuộc xung đột kết thúc. 

Thật không may, giống như nhiều quyết tâm trong năm mới, quyết tâm này khó có thể được duy trì. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một nhà quan sát sắc sảo về các vấn đề đối ngoại, người đã trở thành thân tín của Tổng thống Donald Trump, gần đây đã đánh cược về việc Trump ra lệnh một cuộc tấn công phòng ngừa nhằm vào Triều Tiên là 30%. Graham có lẽ đã quá lạc quan. Các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang nhanh chóng xung đột với sự bất cẩn của Trump khiến cho khả năng diễn ra một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ hai trở thành mối đe dọa lớn nhất duy nhất đối với hòa bình thế giới trong năm 2018. 

Thách thức do chương trình hạt nhân của Triều Tiên đặt ra không phải là mới. Vào đầu những năm 1990, các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Triều Tiên đã tách đủ plutoni cấp vũ khí cho 1 hoặc 2 quả bom hạt nhân, và nước này đã thử thiết bị nổ hạt nhân đầu tiên vào năm 2006. Theo các bản tin truyền thông, cộng đồng tình báo Mỹ hiện nay đánh giá rằng Triều Tiên sở hữu hơn 50 vũ khí hạt nhân, và chế độ của Kim Jong-un có thể có khả năng phóng chúng nhằm vào các mục tiêu trong khu vực sử dụng kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ngày càng tinh vi. 

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, khi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên dường như chỉ đe dọa các đồng minh châu Á của Mỹ, thì ứng cử viên khi đó, Donald Trump, dường như tương đối lạc quan về mối đe dọa này. Trên thực tế, trong một cuộc phỏng vấn tai tiếng với tờ New York Times, Trump dường như cho rằng Hàn Quốc và Nhật Bản nên cân nhắc phát triển các khả năng răn đe hạt nhân của chính họ để tự xoay xở thay vì luôn quay sang Chú Sam. Tuy nhiên, sau khi được Tổng thống Barack Obama cảnh báo và nhận được những chỉ dẫn tình báo về mối đe dọa trực tiếp ngày càng tăng đối với Mỹ xuất phát từ việc Kim thúc đẩy phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân, Trump đã thay đổi thái độ. Vào ngày 2/1/2017, ông đã nói: “Triều Tiên chỉ tuyên bố rằng nước này đang ở những giai đoạn cuối của việc phát triển một vũ khí hạt nhân có khả năng tiếp cận các vùng lãnh thổ của Mỹ. Điều đó sẽ không xảy ra!”. 

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, đây chính là những gì dường như đã xảy ra. Triều Tiên đã thực hiện ít nhất 20 vụ thử tên lửa trong năm 2017, bao gồm 3 tên lửa có tầm bắn liên lục địa. Vào ngày 28/11/2017, Triều Tiên đã thử một ICBM Hwasong-15 có khả năng bắn tới toàn bộ lục địa Mỹ. Trong khi đó, vào ngày 3/9/2017, Triều Tiên đã có vụ thử vũ khí hạt nhân lớn nhất của nước này cho đến nay. Năng lượng thoát ra từ vụ nổ cho thấy vũ khí này lớn hơn ít nhất 10 lần so với bom hạt nhân mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima vào năm 1945. Trong khi vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên có hoàn thiện được một phương tiện có thể quay trở lại bầu khí quyển nhằm phóng một đầu đạn hạt nhân có sức phá hủy một thành phố thông qua một ICBM hay không, thì quốc gia này có thể vượt qua rào cản kỹ thuật vào lúc nào đó trong năm 2018. 

Tổng thống đã đáp trả sự coi thường rõ ràng của Triều Tiên đối với giới hạn đỏ của ông trên Twitter bằng giọng điệu ngày càng nóng nảy và những sự đe dọa chiến tranh. Trump đã nhạo báng Kim, gọi ông là “người đàn ông tên lửa nhỏ bé”, hứa hẹn sẽ dội “lửa thịnh nộ” và “phá hủy hoàn toàn Triều Tiên” nếu Bình Nhưỡng đe dọa Mỹ bằng các vũ khí hạt nhân; và tuyên bố rằng “hiện nay các các giải pháp quân sự đã sẵn sàng, nếu Triều Tiên hành động không khôn ngoan”. 

Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã cố gắng thận trọng hơn, nhưng những người khác trong êkíp của Trump lại làm ngược lại, truyền tải cả công khai lẫn ngấm ngầm về sự sẵn sàng, và thậm chí cả khả năng, của việc Trump khởi xướng hành động quân sự. Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster đặc biệt lớn tiếng về vấn đề này. Chế độ Triều Tiên đã bị ngăn cản sử dụng các khả năng hạt nhân trong hơn một thập kỷ, và cả cộng đồng tình báo Mỹ lẫn phần lớn các chuyên gia bên ngoài đều tin rằng Kim có đủ lý do để “vận hành” lôgích hủy diệt lẫn nhau. Nhưng McMaster đã nhiều lần đề xuất khác, lập luận rằng Kim là người thực sự không thể ngăn chặn được. (Như Max Boot lưu ý, Mỹ đã thành công trong việc ngăn chặn Trung Quốc và Liên Xô tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh “ngay cả khi những nước này được lãnh đạo bởi những người như Mao Trạch Đông và Josef Stalin” – nhưng lập luận đó dường như không được McMaster đánh giá cao). Vào ngày 19/12/2017, McMaster đã nói với CBS News rằng chế độ Kim “chưa bao giờ có vũ khí mà nó không sử dụng”, và do đó, thế giới “không thể dung thứ” nguy cơ cùng tồn tại với một Triều Tiên hạt nhân. McMaster cảnh báo rằng nếu Bình Nhưỡng không hoàn toàn từ bỏ các tham vọng hạt nhân của nước này thông qua các biện pháp ngoại giao, thì Mỹ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài giải quyết mối đe dọa này bằng biện pháp quân sự - một viễn cảnh đang gia tăng khi sự tiến bộ về hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang tiến triển. 

Như chúng ta đã học được cách cứng rắn với Iraq, nếu một quốc gia được cho là không thể ngăn chặn, và thỏa hiệp ngoại giao bị xem là không thể duy trì được, thì sức hấp dẫn của chiến tranh phòng ngừa có thể nhanh chóng trở nên không thể cưỡng lại được. McMaster đã đi đầu trong việc đưa ra những lập luận này, nhưng ông không đơn độc. Vào tháng 10/2017, Đô đốc Harry Harris, một sĩ quan quân đội cấp cao nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã nói với thính giả ở Singapore rằng Kim là một kẻ liều lĩnh và ông đã cảnh báo rằng “việc kết hợp các đầu đạn hạt nhân với tên lửa đạn đạo trong tay một nhà lãnh đạo hay thay đổi... là một cách dẫn đến thảm họa”. Harris đã nói rõ rằng ông ưa thích một giải pháp ngoại giao, nhưng nhấn mạnh rằng ngoại giao phải được hỗ trợ bằng một lựa chọn quân sự “đáng tin cậy”. “Nhiều người đã nghĩ về những lựa chọn quân sự không thể tưởng tượng nổi liên quan đến Triều Tiên. Nào các bạn, tôi phải tưởng tượng điều không thể tưởng tượng được. Và điều không thể tưởng tượng được đối với tôi là các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên được phóng tới Los Angeles, Honolulu, Seoul, Tokyo, Sydney, Singapore". 

Ít nhất, tất cả các động thái này nhằm mục đích tăng cường ngoại giao ép buộc. Mục tiêu không chỉ là chế độ Kim, mà còn là cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là Trung Quốc. Chính quyền Trump xứng đáng có được danh tiếng trong việc tạo ra những nỗ lực cô lập Bình Nhưỡng trong thời Chính quyền Obama. Thói quen “điên rồ” của Trump có thể đã giúp thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ những sự trừng phạt ngày càng tăng nhắm vào Triều Tiên và đã khuyến khích Bắc Kinh làm nhiều hơn để thực hiện những sự trừng phạt đó. Kết quả là sự trừng phạt về ngoại giao và kinh tế lên Bình Nhưỡng đang ngày càng thắt chặt hơn. 

Tuy nhiên, chiến dịch gây áp lực tối đa của Trump không có khả năng được các mục tiêu đã đề ra của tổng thống. Kim coi các vũ khí hạt nhân và khả năng nhắm mục tiêu vào lục địa Mỹ là cách tốt nhất để ông đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ. Đơn giản là không thể tưởng tượng được rằng ông sẽ chấp nhận phi hạt nhân hóa hoàn toàn vào thời điểm này, dù cho áp lực có tăng lên bao nhiêu đi nữa. Hơn nữa, mặc dù sự thật là Trung Quốc đã cứng rắn hơn đối với chế độ Kim, nhưng Bắc Kinh vẫn không có khả năng phong tỏa hoàn toàn Triều Tiên, lo sợ về sự sụp đổ của Bình Nhưỡng hơn là những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của nước này. Và cho dù Trung Quốc có quyết định làm vậy, thì nước này sẽ không tạo ra một lựa chọn hiện hữu cho Kim trước khi sự tiến bộ về hạt nhân và ICBM của Triều Tiên vượt qua ngưỡng công nghệ mà Chính quyền Trump cho là không thể chấp nhận được. Quả thật, sự kết hợp áp lực không ngừng và nhận thức bị Trung Quốc bỏ rơi có thể thực sự củng cố niềm tin của Kim rằng ông phải nhanh chóng đạt được mục tiêu ICBM hạt nhân như thể đó là con đường duy nhất còn lại để ngăn chặn sự thay đổi chế độ mà Mỹ sẽ áp đặt. 

Tất cả điều này có nghĩa là vào lúc nào đó trong năm 2018, việc Trump đe dọa sử dụng vũ lực có thể sẽ bị thử thách. 

Do khó khăn mà Mỹ có thể gặp phải khi tìm kiếm và phá huỷ các vũ khí hạt nhân và các thiết bị phóng tên lửa đạn đạo lưu động của Triều Tiên cũng như khả năng của Triều Tiên đứng ngang hàng với Seoul bằng kho pháo và tên lửa rất lớn của nước này, Tổng thống Mỹ có thực sự mạo hiểm bắt đầu một cuộc chiến phòng ngừa hay không nếu Kim từ chối đầu hàng? 

Trump thì có thể. 

Ông đã nhiều lần chê bai lựa chọn ngoại giao và thu hẹp không gian để có được một sự thỏa hiệp hòa bình, tỏ ra ủng hộ hành động quân sự. Vào ngày 30/9/2017, trong chuyến công du đến Trung Quốc, Tillerson đã gợi ý rằng chính quyền đã mở ra một kênh trực tiếp với Triều Tiên để thăm dò một hướng đi. Vào ngày 1/10/2017, Trump đã đăng trên Tweeter: “Tôi đã nói với Rex Tillerson, Ngoại trưởng tuyệt vời của chúng ta, rằng ông ấy đang lãng phí thời gian của mình khi tìm cách đàm phán với người đàn ông tên lửa nhỏ bé... Hãy giữ sức đi Rex, chúng ta sẽ làm những gì phải làm!”. Vào ngày 12/12/2017, khi Tillerson cho biết chính quyền sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán với Triều Tiên mà “không có điều kiện tiên quyết”, tuyên bố của ông đã ngay lập tức có bị Nhà Trắng gạt đi, nơi vội vã đưa ra một tuyên bố nói rõ rằng lập trường của Trump đã không thay đổi. Tổng thống đã khăng khăng rằng Kim đồng ý thảo luận về phi hạt nhân hoá trước khi Mỹ ngồi xuống đàm phán, điều mà Kim sẽ không chấp nhận. (Sau khi Nhà Trắng khiển trách Tillerson, một bài xã luận trên tờ báo nhà nước của Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng cũng không quan tâm đến các cuộc đàm phán vô điều kiện). 

Điều cũng gây lo ngại không kém là một số cố vấn của Trump có vẻ tin rằng một cuộc tấn công quân sự có giới hạn là khả thi và sự leo thang đó có thể kiểm soát được. Theo các báo cáo gần đây, tại Nhà Trắng người ta ngày càng nói nhiều về lựa chọn “chảy máu cam” nhằm mục đích cản trở chương trình tên lửa của Triều Tiên, tỏ rõ quyết tâm của Trump, và buộc ông Kim phải tham gia các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa theo các điều khiện của Mỹ. Những người đã gặp McMaster và nhân viên của Hội đồng an ninh quốc gia gần đây đã tin chắc rằng họ đang cân nhắc nghiêm túc một lựa chọn như vậy. Và Chiến lược an ninh quốc gia mới của Trump thậm chí còn nói rằng Mỹ sẽ “vẫn sẵn sàng đáp trả sự hung hăng của Triều Tiên bằng lực lượng áp đảo và sẽ cải thiện các lựa chọn để buộc phi hạt nhân hóa bán đảo này”. 

Những người ủng hộ cuộc chiến tranh có giới hạn dường như tin rằng Mỹ có thể kiểm soát sự leo thang bằng cách đe dọa phá hủy chế độ Kim nếu Triều Tiên trả đũa. (Tất nhiên, nếu Kim phi lí đến mức chiến tranh phòng ngừa là cách duy nhất để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân mà Triều Tiên đặt ra cho Mỹ, thì không rõ tại sao Kim đồng thời đủ sáng suốt để ngăn chặn một cuộc nội chiến theo cách này). Tuy nhiên, ý tưởng rằng một cuộc chiến tranh, một khi được khởi xướng, có thể không rơi vào vòng xoáy mất kiểm soát là một ý nghĩ điên rồ nguy hiểm - điều làm cho sự lạc quan trước cuộc xâm lược Iraq năm 2003 trở nên lu mờ đi khi so sánh. Vâng, Kim muốn sống sót. Nhưng xét tới tính hợp pháp mang tính cá nhân và chế độ mà Kim đã đầu tư vào các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, ông có thể kết luận rằng không trả đũa là một mối đe dọa nghiêm trọng cho sự sống còn của ông hơn là trả đũa. Hơn nữa, do giọng điệu đầy thịnh nộ của Trump, cũng có thể hiểu rằng Kim sẽ coi một cuộc tấn công có giới hạn đơn giản là loạt súng đầu tiên trong một chiến dịch rộng lớn hơn của Mỹ. Do đó, một cuộc tấn công có giới hạn của Mỹ sẽ là một canh bạc lớn, với hàng trăm nghìn mạng sống ngàn cân treo sợi tóc. 

Có thể vì những lý do này, không có bằng chứng cho thấy Mattis ủng hộ một cuộc tấn công phòng ngừa. Nhưng dù sao đi nữa, tổng thống cũng có thể bị thu hút bởi một cuộc tấn công như vậy. Trump dường như không quan tâm quá nhiều về sự leo thang tiềm tàng, chừng nào mà nó vẫn giới hạn ở châu Á và giết chết phần lớn người châu Á. Vào tháng 8/2017, Graham nhận xét thấy rằng Trump “sẽ không cho phép ... khả năng Kim có được một tên lửa có thể tấn công Mỹ. Nếu có một cuộc chiến tranh để ngăn chặn Kim, thì nó sẽ kết thúc ở đó. Nếu hàng nghìn người chết, họ sẽ chết ở đó. Họ sẽ không chết ở đây - và ông đã nói thẳng với tôi về điều đó”. Việc Trump sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong việc tiến hành một cuộc chiến tranh phòng ngừa có thể được kích động thêm bởi sự tự tin quá mức của ông vào khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ bảo vệ nước Mỹ khỏi bất cứ khả năng trả đũa nào của Triều Tiên sau một cuộc tấn công trước của Mỹ. 

Nhưng ngay cả nếu tất cả những điều này là sai, và Trump thực sự đang lừa gạt, thì nước cờ đầu đầy nguy hiểm của ông vẫn có thể dẫn đến thảm họa. Trước hết, giọng điệu vô kỷ luật của ông đã khiến việc tính toán sai lầm và sự leo thang không chủ ý có nhiều khả năng xảy ra hơn. Trong những tháng tới, khi một cuộc chiến tranh phòng ngừa đang dần tiến đến, Kim có thể hiểu sai về một cuộc tập trận quân sự của Mỹ, các chuyến bay của máy bay có khả năng hạt nhân trên vùng trời Triều Tiên hoặc các cuộc biểu dương lực lượng khác nhằm thúc đẩy khả năng ngoại giao ép buộc của Trump như là một thời khắc bắt đầu cuộc chơi, khuyến khích Kim hành động trước. 

Bất cứ sự khoác lác nào về quy mô cũng có nguy cơ tạo ra một cái bẫy về sự tín nhiệm cho chính quyền. Do Triều Tiên đang tiến gần tới hoặc vượt qua giới hạn đỏ của Trump bằng cách cho thấy một phương tiện quay trở lại bầu khí quyển có thể hoạt động được hoặc có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân trong khí quyển, áp lực buộc chính quyền phải hành động để duy trì sự tín nhiệm của Mỹ ở châu Á và trên toàn cầu sẽ gia tăng. Thêm vào đó là các động cơ chính trị trong nước của Trump – xét tới các cuộc thăm dò dư luận có tỷ lệ tán thành ở mức thấp, cuộc thăm dò của cố vấn đặc biệt Robert Mueller, và cuộc bầu cử giữa kỳ đang tới gần trong năm 2018 – muốn tỏ ra mạnh mẽ và có lẽ là để đánh lạc hướng, thì người ta thậm chí có thêm nhiều lý do để tin rằng vị tổng thống này sẽ không từ bỏ một cuộc tấn công quân sự. 

Vì tất cả những lý do này, triển vọng xảy ra một cuộc xung đột gây tổn hại nặng nề trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng. Nếu tổng thống không bắt đầu gửi đi các tín hiệu rõ ràng và nhất quán rằng Mỹ cởi mở trước các cuộc đàm phán với Triều Tiên mà không có những điều kiện tiên quyết, và nếu chính quyền không tỏ ra sẵn sàng dàn xếp - ít nhất là trong một khoảng thời gian nào đó – bằng một kết quả đã được đàm phán làm giảm nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân nhưng không đạt đến việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và ngay lập tức, tất cả các dấu hiệu đều chỉ đến một con đường rất đen tối phía trước. Và, như một số nhà bình luận đã chỉ ra một cách chính xác, chúng ta dường như đang cùng “mộng du” đi trên con đường này. Cho đến nay, hầu như không có cuộc tranh luận công khai nào về viễn cảnh xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và Quốc hội đã dành quá ít sự chú ý tới nó. Khi chúng ta bước sang năm mới, hãy kiên quyết thay đổi điều đó trước khi quá muộn.

Colin H. Kahl là nhà nghiên cứu cao cáp tại Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác và An ninh Quốc tế, viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli, cố vấn chiến lược tại Trung tâm Ngoại giao và Hành động Toàn cầu Penn-Biden. Từ 2014 đến 2017, ông là phó trợ lý cho Tổng thống Barack Obama và là cố vấn an ninh quốc gia cho Phó tổng thống Joe Biden. Từ 2009 đến 2011, ông là phó trợ lý về vấn đề Trung Đông cho bộ trưởng quốc phòng. Năm 2011, ông được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trao tặng Huân chương Quốc phòng vì Sự nghiệp Phục vụ Xuất sắc. Hiện ông là đồng biên tập cho trang Shadow Government, thuộc trang mạng Foreign Policy. Bài viết được đăng trên Foreign Policy.

Trần Quang (gt)