Liệu Chính quyền Trump sẽ phát triển chiến lược lớn đúng đắn để đối phó với Trung Quốc và bảo vệ những lợi ích sống còn của Mỹ? 

Đối với Mỹ, chiến lược liên quan đến Trung Quốc không nên là “can dự và phòng ngừa” như nó đã diễn ra trong hàng thập kỷ. Xét cách hành xử với bên ngoài gây bất ổn có hệ thống của Trung Quốc, thời gian cho chiến lược phòng ngừa đã qua. Chính xác hơn, trong tương lai gần, chính sách của Mỹ nên là “can dự và kiềm chế”. 

Về cuộc gặp mặt đầu tiên của Tổng thống Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được lên kế hoạch vào tháng 4 tại Palm Beach, bang Florida, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc dưới thời Tổng thống Obama, Max Baucus, một nghị sĩ Dân chủ lâu năm của bang Montana, gần đây đã nói rằng nước Mỹ cần chấm dứt việc bị Trung Quốc đe dọa và vạch ra một chiến lược dài hạn để đối phó với sự trỗi dậy của nước này. Baucus đã bày tỏ nỗi thất vọng với sự thiếu tầm nhìn chiến lược của Chính quyền Obama và sự yếu kém của họ khi đối mặt với Trung Quốc. Baucus nói Trung Quốc có một mục tiêu dài hạn xây dựng sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng toàn cầu của họ trên sự tổn hại của Mỹ. Trái lại, Mỹ dường như thường bị phân tâm bởi những vấn đề ở Trung Đông. 

Ông nói: “Bộ máy chính sách đối ngoại của Washington có xu hướng gác vấn đề Trung Quốc lại để đối phó sau. Chúng ta hay dùng giải pháp tình thế. Chúng ta dường như không có một chiến lược dài hạn, và điều đó rất bất lợi cho chúng ta”. 

Do đó, Trung Quốc không nhận thấy các lợi ích của họ được đáp ứng chỉ bằng việc trở thành một “nhà nước thương mại” khác, bất kể kết quả có thể có tính xây dựng đến thế nào đối với việc giải quyết những căng thẳng lớn hơn giữa các chiến lược kinh tế và địa chính trị của họ. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục đi theo chiều hướng trở thành một nước lớn thông thường với bộ đầy đủ các khả năng chính trị, địa kinh tế và quân sự, tất cả được định hướng hướng tới hiện thực hóa mục tiêu giành lại từ Mỹ ưu thế họ từng có ở châu Á như là một động thái mở đầu để gây ảnh hưởng toàn cầu trong tương lai. 

Vì nỗ lực của Mỹ “hội nhập” Trung Quốc vào trật tự quốc tế tự do hiện nay đã tạo ra những mối đe dọa mới đối với các lợi ích quốc gia sống còn của Mỹ ở châu Á – và cuối cùng có thể dẫn đến một thách thức mang tính hệ quả đối với sức mạnh Mỹ trên toàn cầu – Washington cần một chiến lược lớn mới đối với Trung Quốc để tập trung ngăn chặn sự trỗi dậy của sức mạnh Trung Quốc thay vì tiếp tục hỗ trợ nước này nổi lên. Điều này phải bao gồm những thay đổi quan trọng trong chính sách hiện tại để hạn chế những mối nguy hiểm mà ngoại giao phá hoại, cưỡng ép địa kinh tế và sự mở rộng quân sự của Trung Quốc đặt ra cho những lợi ích quốc gia của Mỹ ở châu Á và trên toàn cầu. 

Những thay đổi này, cấu thành điểm mấu chốt của một chiến lược kiềm chế thay thế, phải xuất phát từ sự công nhận rõ ràng rằng việc bảo vệ sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Mỹ trong hệ thống toàn cầu phải tiếp tục là mục tiêu trọng tâm của chiến lược lớn của Mỹ trong thế kỷ 21. Duy trì vị thế này trước sức mạnh Trung Quốc đang trỗi dậy đòi hỏi, trong số những điều khác, phải tái sinh nền kinh tế Mỹ để thúc đẩy những sự đổi mới mang tính cải tiến đem lại cho Mỹ những lợi thế kinh tế bất cân xứng so với các nước khác; tăng đáng kể ngân sách quốc phòng và do đó di chuyển các nguồn lực phòng thủ của Mỹ sang châu Á; thiết lập những dàn xếp thương mại ưu tiên mới trong số các đồng minh và bạn bè của Mỹ để gia tăng thành quả chung thông qua các công cụ có chủ ý loại trừ Trung Quốc; tái tạo một chế độ kiểm soát công nghệ bao gồm các đồng minh của Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc đạt được các khả năng quân sự và chiến lược, điều tạo điều kiện cho nước này gây “tổn hại chiến lược có ảnh hưởng đòn bẩy cao” đối với Mỹ và các đối tác của họ; phối hợp xây dựng các khả năng chính trị sức mạnh của các đồng minh và bạn bè của Mỹ ở ngoại vi Trung Quốc; và cải thiện khả năng của quân đội và các đồng minh Mỹ triển khai sức mạnh hiệu quả dọc các ranh giới của châu Á bất chấp mọi sự chống đối của Trung Quốc – cùng thực hiện tất cả trong khi tiếp tục làm việc với Trung Quốc theo những cách khác nhau thích hợp với tầm quan trọng của Trung Quốc với các lợi ích quốc gia của Mỹ. 

Sự cần thiết phải có một chiến lược kiềm chế cố ý kết hợp các yếu tố mà hạn chế khả năng của Trung Quốc lạm dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình, kể cả khi Mỹ và các đồng minh của họ tiếp tục tương tác với Trung Quốc về mặt ngoại giao và kinh tế, được thúc đẩy bởi khả năng cao sẽ có sự đối địch chiến lược dài hạn giữa Bắc Kinh và Washington. Trong số tất cả các quốc gia – và trong những kịch bản có khả năng tưởng tượng được nhất – Trung Quốc là và sẽ vẫn là đối thủ đáng kể nhất đối với Mỹ trong nhiều thập kỷ tới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cho đến nay đã gây ra những thách thức địa chính trị, quân sự, địa kinh tế đối với sức mạnh Mỹ, đồng minh của Mỹ và trật tự quốc tế do Mỹ chi phối. Thành công tiếp tục của nước này trong tương lai, ngay dù không đều đặn, cũng sẽ làm xói mòn hơn nữa những lợi ích quốc gia sống còn của Mỹ. Đường hướng hiện tại của Washington đối với Bắc Kinh, vốn coi trọng việc hội nhập kinh tế và chính trị của Trung Quốc vào trật tự quốc tế tự do mà phải đánh đổi bằng sự vượt trội toàn cầu và những lợi ích chiến lược dài hạn của Mỹ, khó có thể trở thành một chiến lược “lớn”, huống chi là một chiến lược hiệu quả. Như vậy, sự cần thiết phải có một phản ứng cố kết hơn của Mỹ trước sức mạnh Trung Quốc ngày càng tăng là đã có từ lâu. 

Đây là một đòi hỏi khẩn cấp vì không có triển vọng thực sự nào cho việc xây dựng lòng tin căn bản, sự cùng tồn tại hòa bình và hiểu biết lẫn nhau, một quan hệ đối tác chiến lược hoặc một kiểu quan hệ nước lớn mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính xác hơn, triển vọng lớn nhất có thể hy vọng là sự thận trọng và khả năng dự đoán hạn chế của hai bên khi sự cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung dữ dội trở thành “bình thường mới”, và kể cả đó sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng đạt được trong giai đoạn phía trước. Mục đích của ngoại giao Mỹ trong những tình hình nguy hiểm này là giảm nhẹ và xử lý những căng thẳng nghiêm trọng vốn có giữa hai mô hình chiến lược xung đột này, nhưng không thể hy vọng xóa bỏ được chúng. 

Như vậy, sự luận bàn Mỹ-Trung nên thẳng thắn, ở cấp cao và riêng tư hơn so với thông lệ hiện tại – không còn các hàng quan chức chủ yếu thay nhau thuyết giáo trên bàn đàm phán ở Washington hoặc Bắc Kinh. Các bộ máy quan liêu mong muốn hôm nay làm điều họ đã làm ngày hôm qua, và ngày mai làm điều họ đã làm ngày hôm nay. Do đó, không thể tránh khỏi việc các đại diện từ Washington và Bắc Kinh đều đặn đưa ra những bản cáo trạng liên quan đến bên kia. Tất cả đều quen thuộc với những đề tài tranh luận không đổi và lặp lại không ngừng. Như câu tục ngữ Trung Quốc: “Nói nhiều mà không đi đến đâu thì giống như trèo cây để bắt cá”. 

Để một cuộc đối thoại song phương cấp cao tăng cường giữa Washington và Bắc Kinh có thể thành công, nó nên tránh tập trung chủ yếu vào hành xử được cho là giả dối của bên kia. Chẳng hạn, không sự lên án nào của Mỹ đối với các thông lệ về nhân quyền của Trung Quốc – bí mật hoặc công khai – mà do đó sẽ tác động đến các chính sách của Bắc Kinh, kể cả đối với Hong Kong; và không mức độ phàn nàn nào của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ làm suy yếu các hệ thống liên minh không thể thiếu đối với việc bảo vệ những lợi ích quốc gia sống còn của họ. Cũng không bên nào có khả năng sẽ thừa nhận chiến lược lớn thực sự của mình đối với bên kia. Dù thế nào, tranh chấp cục bộ theo thời gian sẽ góp phần vào làm tồi tệ thêm một cách có hệ thống quan hệ song phương Mỹ-Trung. 

Đối với Mỹ, bài kiểm tra kỹ lưỡng từ sự trỗi dậy của sức mạnh Trung Quốc có khả năng kéo dài hàng thập kỷ. Và là không thực tế khi tưởng tượng rằng chiến lược lớn của Trung Quốc đối với Mỹ sẽ phát triển theo một cách – ít nhất trong 10 năm tới – chấp nhận sức mạnh và tầm ảnh hưởng Mỹ là điều kiện tiên quyết cho hòa bình và an ninh châu Á, thay vì tìm cách giảm bớt chúng một cách có hệ thống. Do đó, câu hỏi trọng tâm liên quan đến tương lai của châu Á là liệu Mỹ sẽ có ý chí chính trị; các khả năng địa kinh tế, quân sự và ngoại giao; quan hệ gần gũi không thể thiếu với các đồng minh hiệp ước; và quan trọng là chiến lược lớn đúng đắn để đối phó với Trung Quốc nhằm bảo vệ những lợi ích quốc gia mang tính sống còn của Mỹ hay không. 

Đáng tiếc, Chính quyền Trump đã bắt đầu một khởi đầu phản tác dụng về vấn đề này. Đặt sang một bên việc trước đó Tổng thống từ bỏ một cách đáng tiếc các liên minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu, cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Đài Loan và sự nghi ngờ của ông về chính sách “Một Trung Quốc”, việc Chính quyền Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là một cú đánh nghiêm trọng vào việc triển khai sức mạnh Mỹ ở châu Á và là một món quà cho các kế hoạch bá quyền của Trung Quốc trong khu vực. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng Pence, Mattis, Tillerson, Kelly, Pompeo và McMaster, tất cả đều xuất sắc và đều có thế giới quan hiện thực bảo thủ, sẽ thuyết phục Tổng thống thông qua một chiến lược kiềm chế dài hạn đối với Trung Quốc trước cuộc gặp mặt của ông với Tập Cận Bình vào tháng 4. Nhưng điều đó không có gì đảm bảo. Như nhân vật Puck nói trong vở Giấc mộng đêm hè của Shakespeare: “Chúa ơi, những con người này thật ngu ngốc!”.

Robert D. Blackwill là chuyên gia cao cấp Chương trình Henry A. Kissinger về Chính sách Đối ngoại Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Belfer về Khoa học và Quốc tế, trường Havard. Ông từng là phó cố vấn an ninh quốc gia hoạch định chiến lược, đại sứ Mỹ tại Ấn Độ thời chính quyền  George W. Bush. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Trần Quang (gt)