Trong gần 7 thập niên trở lại đây, mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản đã đóng vai trò nền tảng cho trật tự an ninh tại khu vực Đông Á. Hai nước đã hợp tác với nhau để đem lại một thời kì ổn định, hòa bình và phát triển chưa từng có cho một khu vực từng chìm đắm trong các cuộc xung đột dai dẳng và tình trạng đói nghèo. Ngày nay, hai nước cũng tăng cường hợp tác trên tất cả mọi lĩnh vực, từ chống khủng bố, đến đối phó với thiên tai, khí hậu. Có thể nói, Mỹ và Nhật Bản đã xây dựng nên một trong những mối quan hệ đồng minh bền vững nhất trong thế giới hiện đại. Ngày nay, trong bối cảnh châu Á đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trên bàn cờ chính trị thế giới, mối quan hệ đồng minh này sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành cấu trúc an ninh của khu vực. Hơn nữa, sự bền chắc trong mối quan hệ giữa hai nước cũng sẽ giúp định hình quá trình cạnh tranh hòa bình giữa Trung Quốc và Mỹ để giành ngôi cường quốc số 1 thế giới. 

Tháng 11/2013, việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) được xem như một động thái nhằm thách thức mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, và rộng hơn nữa là thử thách tính bền vững trong những cam kết của Mỹ tại khu vực. Đúng hơn, kể từ năm 2010, Bắc Kinh đã liên tục có những động thái nhằm thách thức Mỹ và các nước đồng minh. Những tuyên bố về chủ quyền tại Biển Đông hay những căng thẳng không cần thiết với các nước láng giềng là Việt Nam và Philippines là nhằm phục vụ mục tiêu triển khai quân đội. Các cơ sở kinh tế, ngoại giao và pháp lí của Trung Quốc cũng được đưa ra nhằm thách thức và áp đặt luật lệ riêng của họ tại vùng duyên hải Đông Á. 

Trong một loạt động thái cứng rắn đó của Trung Quốc thì những tranh cãi gần đây xung quanh chủ quyền các hòn đảo phía Tây Nam Nhật Bản là nghiêm trọng nhất. Bắc Kinh đã rất cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản, thậm chí một số tờ báo chính thống của Trung Quốc còn đi quá xa khi quả quyết rằng tất cả các đảo thuộc khu vực Okinawa đều thuộc lãnh hải của Trung Quốc. Nguy hiểm hơn là sự xâm phạm của Trung Quốc vào không phận và hải phận của Nhật Bản đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. 

Một số người Mỹ có thể cho rằng họ không cần thiết phải can thiệp quá nhiều vào các tranh chấp trên biển Hoa Đông, và theo họ, chỉ cần chia cho Trung Quốc một nửa số quần đảo ở đó là mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ có thế, mà còn liên quan đến những nguyên tắc mà Mỹ đã cổ súy và duy trì tại châu Á kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Nếu được nhượng bộ, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép cho đến khi những cam kết như “tự do hàng hải” hay “giải quyết các bất đồng một cách hòa bình” sẽ chỉ còn là những cụm từ để miêu tả lịch sử của châu lục này. 

Quá trình cạnh tranh hòa bình đang diễn ra hiện nay cần đến một mối quan hệ đồng minh thật chặt chẽ để có thể tác động đến những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc mỗi khi họ muốn xâm phạm đến các lợi ích của Mỹ. Về phần mình, Tokyo đã chấm dứt việc cắt giảm ngân sách quốc phòng và đầu tư nhằm tăng cường năng lực hải giám, tình báo... nhằm giúp họ có thể bảo đảm các lợi ích ngoài khơi của mình. Cùng với đó, Nhật Bản đã cho thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia và một cơ quan nghiên cứu quốc phòng. Nhật Bản đã sẵn sàng để trở thành một nhân tố chính cho ổn định ở khu vực Đông Bắc Á. 

Vì vậy, Washington cũng cần phải củng cố vị thế quân sự của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nếu muốn có thể tiếp tục kiểm soát được sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mỹ cần tăng cường đầu tư vào tàu chiến, các loại thiết bị quân sự có thể chiến đấu lưỡng tiện (ở cả trên cạn và dưới nước), trang bị vũ khí tối tân và các loại công nghệ mới. Tuy nhiên, cách tốt nhất để Mỹ và Nhật Bản có thể đối phó được với tham vọng hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc là tìm kiếm những lĩnh vực mà họ có thế mạnh để đối chọi với những lĩnh vực mà Trung Quốc còn yếu kém. Một trong những lĩnh vực đó là tàu ngầm. Rõ ràng Washington và Tokyo vượt trội hơn hẳn so với Bắc Kinh về khả năng đánh chặn tàu ngầm. Nếu hai nước tập trung vào phát triển các hạm đội tàu ngầm, thì Trung Quốc sẽ phải rất vất vả mới có thể bắt kịp. Mỹ và Nhật có thể áp dụng cách tiếp cận chiến lược này cho cả một thập kỉ tới đây. 

Mỹ và Nhật Bản cũng cần phải tìm các biện pháp để tăng cường lòng tin và hợp tác giữa các đồng minh của Mỹ tại khu vực. Đây là lúc cần phải tìm kiếm và bảo vệ những mối quan hệ mới. Việc thiết lập các mối quan hệ đối tác đồng minh và tăng cường hội nhập sẽ là chiến lược ngoại giao quan trọng hàng đầu trong nhiều năm tiếp theo. Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản đã được thử thách qua gần 70 năm lịch sử, bởi họ có những lợi ích chung về hòa bình, phát triển ở châu Á. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cần được xem như một chất xúc tác để hai nước này có thể củng cố hơn nữa mối quan hệ ấy, bởi nó khiến Tokyo nhận thức được tầm quan trọng của việc cải tổ hệ thống an ninh quốc gia và khiến Mỹ tiếp tục đưa ra những cam kết lâu dài đối với khu vực. Không nghi ngờ gì nữa, sự nồng ấm trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ là yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong những thập kỉ tiếp theo.

Theo “The Diplomat” (ngày 18/2)

Nhật Linh (gt)