us-china-strategic-and-economic-dialogue.jpg

Lời lẽ của Chính quyền Trump đã quá rõ ràng. Chiến lược An ninh Quốc gia mô tả Trung Quốc như là "cường quốc theo chủ nghĩa xét lại" với ý đồ muốn "định hình một thế giới đối lập với những giá trị và lợi ích của Mỹ", "thay thế vị trí của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", "tái thiết lập trật tự khu vực theo lợi ích của Trung Quốc", "và "đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ". Trong khi đó, Chiến lược Quốc phòng Mỹ lặp lại những "thách thức" đối với lợi ích của Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược với “các nước theo chủ nghĩa xét lại” mà Trung Quốc đứng đầu danh sách. Theo Chiến lược Quốc phòng, Trung Quốc sử dụng "kinh tế mang tính bóc lột để uy hiếp các nước láng giềng trong khi quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông" và tìm kiếm "quyền bá chủ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai gần, thay thế Mỹ để đạt được tính vượt trội toàn cầu trong tương lai".

Các văn bản trên cũng nêu rõ về tầm quan trọng của các đồng minh đối với chiến lược của Mỹ: họ đem lại "những lợi thế vô giá", "làm tăng sức mạnh của Mỹ" và như vậy Mỹ sẽ đối mặt với những đối thủ "từ một vị trí có sức mạnh, trong đó quan trọng nhất là bằng cách đảm bảo sức mạnh quân sự bậc nhất của Mỹ, đồng thời phối hợp đầy đủ với các đồng minh cũng như các công cụ sức mạnh của Mỹ". Tất cả những tuyên bố này đều đáng tán dương và đúng đắn. Tuy nhiên, các đồng minh và bạn bè của Mỹ có vẻ không tin vào điều đó. Có ít nhất 4 lý do cho sự nghi hoặc của họ.

Thứ nhất, hãy bắt đầu với tiền đề cơ bản của những văn bản trên, rằng Trung Quốc là "nước theo chủ nghĩa xét lại", dám thách thức những lợi ích lâu đời của Mỹ và đồng minh. Điều này có một số ý đúng nhưng tuyên bố này xuất phát từ một chính quyền Mỹ chỉ trong một năm đã "xem xét lại" toàn bộ các yếu tố cơ bản của trật tự quốc tế. Mỹ đã nghi ngờ về giá trị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các quan hệ đồng minh khác, rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và xem xét lại những cam kết đối với các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương khác, rút khỏi các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu, thể hiện sự ủng hộ đối với những nhà lãnh đạo độc tài.

Thứ hai, làm thế nào mà các đồng minh và đối tác có thể ủng hộ hoàn toàn các mục tiêu của Mỹ nhằm chống lại những mối đe dọa từ chủ nghĩa xét lại khi mà chính Washington đã có những bước đi làm suy yếu lợi ích của các đối tác trong một trật tự quốc tế theo luật pháp. Các đồng minh cũng nghi ngờ về tính bền vững về tài chính của những chiến lược này, điều mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis dường như đã thừa nhận. Trong phát biểu công bố Chiến lược Quốc phòng, ông Mattis chỉ nhắc tới Trung Quốc một lần, trong khi đó tập trung chủ yếu vào thách thức nội bộ đối với quân đội Mỹ, đó là sự thiếu chắc chắn về ngân sách trong tình hình chính trị bất thường của Quốc hội Mỹ.

Thứ ba, các đồng minh của Mỹ không hoàn toàn nhất trí với quan điểm bên thắng-bên thua trong quan hệ với Trung Quốc như là cách mà Chính quyền Trump mô tả. Có những mối quan ngại ngày càng gia tăng trong số các đồng minh của Mỹ về ảnh hưởng lớn mạnh của Trung Quốc trong xã hội của họ, những tham vọng khu vực của Trung Quốc, xu hướng chính trị và những hành vi ép buộc của Trung Quốc. Thực tế, đồng minh và đối tác của Mỹ vẫn mong muốn phối hợp chủ động với Trung Quốc và không tìm kiếm sự đối đầu hoặc tham gia vào cuộc xung đột với Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop, đã nói với nhiều đồng minh Mỹ gần đây rằng: "Rõ ràng là chúng tôi có quan điểm khác về Trung Quốc và Nga. Chúng tôi không coi Nga và Trung Quốc là mối đe dọa quân sự đối với Úc. Chúng tôi vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc".

Cuối cùng, đồng minh và bạn bè đang do dự về việc ủng hộ chiến lược đối phó với Trung Quốc theo cách tiếp cận của Mỹ bởi chưa rõ ai thực sự đề ra chiến lược này trong một chính quyền chia rẽ nội bộ, trong đó giới lãnh đạo cấp cao thường có quan điểm đối lập nhau, kể cả với Tổng thống Trump. Thực sự là bản thân Tổng thống Trump cũng thường xuyên thể hiện những quan điểm xung đột, mơ hồ và điều đó càng khiến cho các đồng minh rối trí và không chắc chắn về sự tin cậy từ Mỹ.

Trung Quốc đem lại nhiều thách thức đối với Mỹ, với cả thế giới và với trật tự khu vực do Mỹ dẫn đầu trong hơn 70 năm qua. Tuy vậy, các bên vẫn cần xem xét kỹ lưỡng về những lời lẽ khoe khoang và trống rỗng. Nếu Chính quyền Trump thực sự muốn giải quyết thách thức mà Trung Quốc tạo ra, đã đến lúc Mỹ cần xây dựng và khẳng định lại các quan hệ đồng minh của Mỹ thông qua đầu tư vào ngoại giao và quốc phòng, khuyến khích các thỏa thuận thương mại tự do mà Mỹ dẫn dắt, thống nhất về chính trị và lợi ích kinh tế với đồng minh, đối tác và hỗ trợ các nước bạn bè củng cố các nguyên tắc dân chủ. Các chiến lược của Mỹ cần coi trọng hơn các đồng minh và giá trị chiến lược của họ, không chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động. Đến lúc đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục có được những lợi thế từ những cơ hội hiếm có.

Tác giả là Tiến sĩ Bates Gill thuộc Chương trình Châu Á và Mỹ và Chương trình Mỹ tại Chatham House, đồng thời là Giáo sư về An ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Macquarie. Bài viết đăng trên “The Diplomat”.

Hùng Sơn (gt)