Nhật Bản là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại châu Á, một "tàu sân bay không thể chìm" đã và đang là nơi đồn trú của binh lính và máy bay chiến đấu Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai đến nay. Tuy vậy, sau nhiều thập kỷ dưới cái ô của Mỹ, giờ đây Chính phủ Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe đang sẵn sàng thực hiện một thế trận phòng vệ năng động hơn. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra lại khiến Washington có cảm giác "nhúng chân vào nước lạnh". 

Dấu hiệu rõ nhất chính là từ "thất vọng" mà giới chức Mỹ đã sử dụng sau chuyến viếng thăm đền thờ Yasukuni của ông Abe hồi tháng 12 năm ngoái. Trong quá khứ, Washington đã kín đáo bày tỏ sự không hài lòng đối với các chuyến viếng thăm tương tự nhưng chưa bao giờ công khai chỉ trích Tokyo. Bởi vậy, khi Mỹ dùng đến từ "thất vọng" thì Nhật Bản đã khá sửng sốt bởi từ này khi dịch sang tiếng Nhật là "shitsubo" đồng nghĩa với "sự khó chịu gay gắt". 

Theo lời một cựu quan chức Nhà Trắng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây đã coi Nhật Bản là "khó đoán và nguy hiểm". Trong khi đó, nhiều chính khách Mỹ đã bày tỏ lo ngại về quan điểm đối với các vấn đề lịch sử của ông Abe. Các nghị sĩ bang Virginia (Mỹ) mới đây ra phán quyết rằng sách giáo khoa Mỹ nên sử dụng cả tên gọi "Biển Đông" mà Hàn Quốc đang dùng để gọi Biển Nhật Bản. Còn trong cách nhìn của Tokyo, Washington dường như không còn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ như trước, đặc biệt khi quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với các hòn đảo tranh chấp đang bị thách thức bởi tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Trung Quốc. Thực tế thì Washington có thể hiện sự không hài lòng với Bắc Kinh bằng việc điều máy bay B52 bay qua khu vực này, song Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lại không đả động nhiều đến chuyện này khi thăm Bắc Kinh.

Nhiều quan chức ở Tokyo cho rằng có vẻ như Washington đã "đầu hàng" trước hành động đơn phương này của Bắc Kinh. Họ cũng ca thán về sự thiếu vắng "những cánh tay thân Nhật Bản" xung quanh Tổng thống Barack Obama, người có xu hướng tập hợp quanh mình những cố vấn có kinh nghiệm ứng xử với Trung Quốc. Không ít quan chức Nhật bày tỏ quan điểm cho rằng Nhật Bản không thể dựa vào sự ủng hộ của Washington nữa.

Có một điều trớ trêu là chính Mỹ trong quá khứ đã từng muốn Nhật Bản như hiện nay. Kể từ năm 1950, Washington đã đề nghị Tokyo tái vũ trang và thực hiện một thế trận quốc phòng mà ông Abe hiện đang theo đuổi. Có thể nói, ngay khi Hiến pháp hòa bình mà Nhật Bản ký năm 1947 (theo lệnh của Tướng Douglas MacArthur) vừa ráo mực, Mỹ đã hối tiếc về việc buộc Nhật Bản phải từ bỏ vĩnh viễn "quyền tham gia chiến tranh". Khi được tham gia thương lượng về việc chấm dứt sự chiếm đóng của Washington sau đó, quan chức Mỹ John Foster Dulles đã đề nghị Nhật Bản xây dựng một lực lượng quân đội từ 300.000 đến 350.000 người với lý do lúc đó Trung Quốc đã trở thành quốc gia Cộng sản và Mỹ thì đang tham chiến trên Bán đảo Triều Tiên. 

Trong nhiều năm Nhật Bản đã chống lại sức ép này của Mỹ và chỉ thành lập Lực lượng Phòng vệ. Tokyo dựa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ để tiếp tục chiến lược phát triển kinh tế. Đến nay, sau 6 thập kỷ Nhật Bản lại đang có một nhà lãnh đạo sẵn sàng thực hiện "ước nguyện" trước đây của Mỹ.Khi tới thăm đền Yasukuni, có thể ông Abe muốn phát đi một thông điệp rằng Tokyo không thể luôn luôn làm theo lệnh của Washington. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, vị Thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản chính là nhân vật mà Mỹ đang mong chờ. Ông Abe là lãnh đạo đầu tiên trong nhiều năm nay ở Nhật Bản mà Mỹ kỳ vọng có thể giúp giải quyết những vấn đề tồn đọng liên quan tới các căn cứ hải quân Mỹ ở Okinawa. Chính phủ Nhật Bản hiện tại cũng sẵn sàng chi nhiều hơn cho quốc phòng sau nhiều năm tự ấn định mức chi này không quá 1% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP). 

Tuy nhiên, tất cả những chính sách này đều có giá của nó: đó là sự phục hồi chủ nghĩa dân tộc mà nhiều người ở Washington có thể thấy khó chịu. Theo ông Hugh White, một học giả và từng là quan chức quốc phòng của Australia, Mỹ "thà hy sinh một số lợi ích của Nhật Bản còn hơn là nguy cơ xung đột với Trung Quốc". Tuy nhiên, học giả White cho rằng khi Trung Quốc mạnh lên, Nhật Bản có thêm lý do để lo ngại. Chính vì thế, Mỹ cần phải có cam kết mạnh mẽ hơn nữa về việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Nhật Bản. Đổi lại, Tokyo chắc chắn sẽ gắn bó chặt chẽ với Washington hơn. 

Theo "Thời báo Tài chính" (ngày 19/2)

Vũ Hiền (gt)