Phản ánh ý đồ và kết quả chuyến công du 8 ngày tới các nước châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đầu tháng 6/2012, "Tạp chí Âu-Á" ngày 13/6 cho biết, ngày 30/5 hai quan chức đứng đầu bộ máy quân sự toàn cầu của Mỹ này đã đến thăm sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tại Haoai, sau đó thực hiện chuyến công du tới nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương và chính thức thông báo kế hoạch di chuyển lực lượng và các trang bị quân sự đến các nước trong khu vực.

Ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey đã có mặt tại Xinhgapo để tham dự Đối thoại Shangri-La hàng năm-nơi họ gặp gỡ các đối tác quốc phòng của 26 nước châu Á-Thái Bình Dương. Tiếp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta đến thăm Việt Nam và Ấn Độ - hai đối tác quân sự châu Á mới và quan trọng nhất trong giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh, còn Tướng Demsey đến thăm Philíppin và Thái Lan-hai đồng minh quân sự truyền thống của Mỹ.

Trong thời gian ở Xinhgapo, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta thông báo Oasinhtơn sẽ tăng cường sức mạnh hải quân ở Thái Bình Dương gồm các tàu sân bay,tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu chiến ven bờ và tàu ngầm từ mức 50% hiện nay lên 60%, đồng thời củng cố và phát triển các liên minh quân sự với tất cả các nước khắp khu vực, đặc biệt với các nước ở Đông Nam Á hiện đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Panetta nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ với 6 nước châu Á-Thái Bình Dương mà Mỹ đã ký các hiệp ước phòng thủ trong thời gian Chiến tranh Lạnh và hiện chống lại Trung Quốc gồm: Ôxtrâylia, Nhật Bản, Niu Dilân, Philíppin, Hàn Quốc và Thái Lan, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối tác hiện có với các nước như Xinhgapo, Inđônêxia, Malaixia và Ấn Độ. Ngoài ra, Bộ trưởng Panetta cũng cho biết Mỹ sẽ thúc đẩy các mối quan hệ quân sự với Mianma. Sau khi rời Xinhgapo, Bộ trưởng Panetta đến thăm một tàu chiến Mỹ đang sửa chữa tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam-một năm sau khi Mỹ và Việt Nam ký bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự trên 5 lĩnh vực và 2 năm sau khi tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển USS John S. McCain đến thăm cảng Đà Nẵng để tham gia cuộc tập trận chung với hải quân Việt Nam trên Biển Đông. Bộ trưởng Panetta là quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ đến thăm căn cứ quân sự trước đây của Mỹ, kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam .

Cùng ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Xinhgapo Ng Eng Hen khẳng định với ông Panetta rằng Chính phủ Xinhgapo sẵn sàng cho phép 4 tàu tác chiến ven bờ của Mỹ đến thăm các căn cứ hải quân ở nước này theo đúng cam kết trong Thỏa thuận Khung Chiến lược được hai nước ký năm 2005. Hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Xinhgapo cũng cam kết thực hiện hơn nữa thỏa thuận và tăng cường quy mô của các cuộc diễn tập quân sự, chẳng hạn tăng thêm lực lượng hải quân vào thành phần của các cuộc diễn tập “Commando Sling” hàng năm. Ông Panetta và đối tác Xinhgapo còn thảo luận việc sử dụng Cơ sở Huấn luyện thành phố Murai cho các cuộc diễn tập song phương bao gồm các lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ và lực ương vũ trang Xinhgapo bắt đầu vào năm tới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tuyên bố Mỹ sẽ khuyến khích mối quan hệ đối tác với tất cả các nước trong khu vực, kể cả Mianma. Cho đến khi Mỹ lôi kéo Mianma thành công trong năm 2011, nước này là một trong số đồng minh lệ thuộc của Trung Quốc ở châu Á. Đề cập đến vấn đề luân chuyển các tàu chiến Mỹ tại Xinhgapo, Tướng Dempsey cho biết các tàu tác chiến ven bờ sẽ bắt đầu triển khai luân chuyển đến Xinhgapo trong thời gian tới và đây là một ví dụ thể hiện sự can dự quân sự ngày càng tăng của quân đội Mỹ nhằm thực hiện "Chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương" của Tổng thống Obama.

Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng với đối thủ của Trung Quốc ở bờ biển phía Tây của Biển Đông, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Demsey cũng đang hành động tương tự tại Philíppin-quốc gia hiện đang đối đầu trực diện với Trung Quốc trên Biển Đông. Sau hai tuần tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Caroline của Mỹ hiện diện tại căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở vịnh Subic, Tướng Dempsey đến thăm sở chỉ huy Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của quân đội Philíppin trên đảo Mindanao-nơi Mỹ đang triển khai 600 binh sĩ chuyên tham gia các chiến dịch chống nổi dậy với quân đội Philíppin. Sau đó tướng Dempsey đã hội đàm với đối tác Philíppin Tướng Jessie Dellosa ở thủ đô Manila . Ngày 5/6, báo "Ngôi Sao Philíppin" trích nguyên văn tuyên bố của Thứ trưởng Quốc phòng Philíppin Honorio Azcueta sau khi hội đàm với Tướng Dempsey: "Các binh sĩ, tàu chiến và tàu sân bay của Mỹ có thể sẽ tiếp tục được phép sử dụng các căn cứ không quân và hải quân ở Subic thuộc Zambales và Clark thuộc Pampanga". Thứ trưởng Quốc phòng Azcueta khẳng định đó là những gì Philíppin mong muốn và hai nước sẽ tăng cường diễn tập quân sự chung cũng như nâng cao khả năng phối hợp tác chiến giữa quân đội hai nước. Cũng như căn cứ hải quân trước đây tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam , căn cứ hải quân Subic và sân bay của căn cứ này được Mỹ sử dụng để phục vụ các chiến dịch quân sự lớn trong Chiến tranh Việt Nam .

Sau khi rời Philíppin, Tướng Dempsey đến thăm Thái Lan để hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng và các tư lệnh lục quân, không quân và hải quân của quân đội Thái Lan. Trong số các vấn đề được bàn thảo trong chuyến thăm, Tướng Dempsey đã đạt được ý đồ sử dụng căn cứ U-Tapao cho các hoạt động của quân đội Mỹ trên danh nghĩa phục vụ mục đích nhân đạo, nhưng thực chất sân bay này sẽ được Mỹ sử dụng cho các chiến dịch quân sự lớn trong tương lai. Trước đây Mỹ đã từng sử dụng căn cứ không quân U-Tapao để phục vụ cuộc chiến tranh Việt Nam và hiện đang được sử dụng cho các cuộc diễn tập quân sự chung Mỹ-Thái Lan mang tên "Hổ Mang Vàng"-cuộc diễn tập quân sự đa quốc gia lớn nhất do Mỹ chủ trì ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cuộc diễn tập "Hổ Mang Vàng"-2012 có sự tham dự của quân đội của một số nước khác như: Inđônêxia, Nhật Bản, Malaixia, Xinhgapo và Hàn Quốc. Tướng Dempsey cũng thông báo quân đội Mỹ và Thái Lan đang xem xét và chuẩn bị thiết lập một trung tâm tại Thái Lan nhằm giúp đỡ nhân đạo và khắc phục thiên tai. Đây có thể được coi là một nỗ lực song phương của Mỹ và Thái Lan và ngay từ đầu trung tâm có thể có một số nước khác tham gia.

Sau chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương 8 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Panetta, cơ quan báo chí của Lầu Năm Góc khẳng định chuyến thăm của Bộ trưởng Panetta là nhằm thúc đẩy chính sách đối ngoại "trở lại châu Á" mới của Tổng thống Barack Obama, trong đó ông Panetta nêu bật 2 chủ đề chính trong chuyến công du: thứ nhất, Oasinhtơn sẽ chú trọng chính sách lớn hơn đến châu Á-Thái Bình Dương, so với châu Âu và Trung Đông; thứ hai, Mỹ có ý định đẩy mạnh các hoạt động quân sự trong khu vực, kể cả tăng cường các cuộc diễn tập quân sự chung hơn nữa với nhiều nước, trong đó có Ôxtrâylia, Philíppin, Xinhgapo và Thái Lan và cung cấp nhiều trang thiết bị quân sự, trong đó ít nhất 40 tàu chiến mới cho các nước khu vực này.

Rõ ràng, bằng cách thiết lập các mối quan hệ đối tác quân sự với 10 nước thành viên ASEAN, Mỹ đang xây dựng cơ sở để thiết lập một tổ chức châu Á tương tự NATO. Mỹ đã sử dụng NATO để bao vây, ngăn chặn và cuối cùng đối đầu với Nga, do đó Mỹ có ý định sử dụng liên minh mới để đạt được mục tiêu tương tự đối với Trung Quốc.

Theo Eurasia Review

Văn Cường (gt)