Từ vài năm trở lại đây, PLA có một kiểu hành xử khá đặc biệt. Mỗi khi Bắc Kinh đón tiếp một quan chức cấp cao của Mỹ, nhất là quan chức quốc phòng, PLA lại “khoe” một vài loại vũ khí tối tân của mình. Ví dụ mới đây nhất (và không phải duy nhất) là vào tháng 1/2011, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới Trung Quốc để hội kiến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Mục đích chuyến thăm là nhằm xoa dịu mối quan hệ song phương căng thẳng trong suốt một năm trước đó. Tuy nhiên, vài giờ trước khi ông Gates tới Trung Quốc, Không quân PLA đã tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên loại máy bay tiêm kích tàng hình mới J-20.

Thông điệp của hành động này với Oasinhtơn là không thể nhầm lẫn. Nó không chỉ là việc Bắc Kinh hoặc PLA tìm cách phô trương sức mạnh với các vị khách Mỹ, mà còn là sự đối đầu cá nhân nhằm vào ông Gates. Trước đó vài năm, chính ông Gates là người lĩnh trách nhiệm khôi phục việc chế tạo loại máy bay tiêm kích hiện đại F-22 của Mỹ. Phát biểu tại Chicago năm 2009, ông Gates giải thích: “Đến năm 2020, Mỹ dự kiến sẽ có gần 2.500 máy bay tiêm kích có người lái các loại. Trong đó, các máy bay chiến đấu F-35 và F-22 thế hệ thứ 5 hiện đại nhất sẽ vào khoảng 1.100 chiếc. Ngược lại, Trung Quốc dự kiến sẽ không có máy bay thế hệ thứ 5 nào ở thời điểm đó. Và đến năm 2025, khoảng cách này sẽ càng được nới rộng. Mỹ sẽ có xấp xỉ 1.700 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hiện đại nhất trong khi Trung Quốc sẽ chỉ có một nhúm”.

Trong khi có thể xuất hiện tranh luận về việc liệu máy bay J-20 của Trung Quốc có so sánh được với F-22 hay không, thì thực tế cho thấy J-20 có khả năng tàng hình của máy bay thế hệ thứ 5. Vì thế, như một nhà bình luận đã khẳng định ở thời điểm đó: “Bắc Kinh giờ đây sở hữu loại máy bay thế hệ thứ 5 đầu tiên, khiến Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sau Nga và Mỹ gia nhập câu lạc bộ máy bay tàng hình”. Và nếu J-20 đã được bay thử vào năm 2011 thì chắc chắn Không quân PLA sẽ có nhiều hơn “một nhúm” vào năm 2025.

Tình hình còn tệ hơn khi, theo các quan chức Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Gates trong cuộc hội kiến đã chất vấn ông Hồ Cẩm Đào về việc PLA bay thử J-20. Chủ tịch Trung Quốc dường như không biết chuyện này. Điều này rõ ràng làm dấy lên những quan ngại của phía Mỹ rằng giới lãnh đạo dân sự tại Trung Quốc không kiểm soát được lực lượng vũ trang. Nếu đây là sự thực, nó đồng nghĩa với việc chỉ mình PLA đứng sau vụ trả đũa ông Gates. Dựa trên sự minh bạch của hệ thống Mỹ, Lầu Năm Góc và quân đội Mỹ không thể đưa ra kiểu phản ứng như vậy khi một Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tới Mỹ.

Tuy nhiên, ngày 19/8, phía Mỹ đã có một động thái bất ngờ. Tại Oasinhtơn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - Tướng Thường Vạn Toàn - đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Chuck Hagel, với một trong những trọng tâm nghị sự là về an ninh khu vực. Theo chuyên mục DEFCON của nhật báo "The Hill", Trung Quốc đã đưa ra “lập trường cứng rắn về an ninh khu vực trong cuộc gặp tại Lầu Năm Góc” và trong cuộc họp báo sau đó.Tuy nhiên, ở thời điểm giữa cuộc hội đàm và họp báo căng thẳng này, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc George Little đã ra thông báo cho biết ông Hagel sẽ rời Oasinhtơn từ ngày 22/8 trong chuyến công du Đông Nam Á kéo dài 8 ngày với các điểm dừng chân Malaixia, Inđônêxia, Brunây và cuối cùng là Philíppin. Chắc chắn, Bắc Kinh biết rõ ông Hagel sẽ tới Đông Nam Á vào tuần tới để tham dự hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+, gồm 10 nước ASEAN cùng với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và Niu Dilân) tại Brunây vào ngày 29/8. 

Tuy nhiên, tại sao Oasinhtơn lại phải thông báo về chuyến đi này đúng vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đang ở thăm Lầu Năm Góc? Điều này chỉ có thể lý giải là bởi quan hệ quân sự gần gũi của Mỹ với nhiều nước láng giềng Trung Quốc là cái gai trong mắt Bắc Kinh, cũng như việc máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 của Trung Quốc là cái gai trong mắt Oasinhtơn. Chính vì thế, chính sách ngoại giao quân sự giữa các nước lớn đôi lúc có thể cũng rất “vụn vặt”. 

Theo “The Diplomat

Hương Trà (gt)