1. Chiến tranh ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ tại Syria gia tăng

Trong năm 2015, mức độ cọ xát tại Syria giữa hai cựu thù thời chiến tranh lạnh Nga và Mỹ thường được đưa tin dưới mức thực tế. Nhưng điều này lại phù hợp với Washington và Moscow do cả hai đều muốn tìm kiếm đồng thuận chính trị về Syria. Tuy nhiên, trên thực địa, các nhóm phiến quân sử dụng các loại vũ khí do Mỹ cung cấp vẫn nã đạn vào các lực lượng quân sự Syria do Nga hậu thuẫn. Nga và Mỹ đều lo sợ bị sa lầy tại Syria và muốn xuống thang, nhưng chính trị nội bộ tại hai nước này và quan hệ ngày càng xấu giữa hai đồng minh của họ là Iran và Ả-rập Xê-út khiến Nga và Mỹ khó có thể đạt được mục tiêu. Nguy cơ leo thang vẫn rất cao, và có thể sẽ diễn ra ngay năm nay.

2. Quan điểm ngày càng cứng rắn với người tị nạn

Tại Châu Âu, nhiều người cho rằng chính phủ không còn khả năng kiểm soát biên giới và dòng người tị nạn tiếp tục đổ vào Châu Âu, dẫn đến sự sợ hãi ngày càng tăng và len lỏi vào chính trị các nước. Tại Đức, nhiều chính quyền địa phương và kể cả trung ương cũng lo sợ dòng người tị nạn sẽ ảnh hưởng tới ngân sách tương đối cân bằng lâu nay của Đức. Ở Pháp, lo lắng về an ninh đan xen với quan ngại về tôn giáo. Tại Thụy Điển, người tị nạn đang phải đối mặt với những hạn chế mới và thái độ ngày càng cứng rắn dù lâu nay Thụy Điển có chính sách tị nạn khá tự do.

3. Đồng thuận về Nga dần bị xói mòn

Lệnh trừng phạt Nga của EU được xem xét lại 6 tháng một lần, nhưng EU khó có thể duy trì tiếng nói chung đối với việc này (cuối năm 2015, EU đã rất khó khăn trong quyết định gia hạn trừng phạt Nga). Rạn nứt trong chính sách đối với Nga luôn tồn tại trong chính trị Châu Âu. Các nước Đông và Trung Âu khá đoàn kết trong việc ủng hộ trừng phạt Nga, nhưng một số nước Nam Âu, với Ý đi đầu, cho rằng kết quả ngoại giao và chính trị thu được từ trừng phạt Nga không đáng kể so với thiệt hại kinh tế. Tranh cãi trong Châu Âu đối với vấn đề này sẽ ngày càng tăng và rạn nứt.

4. Anh sẽ quay lại EU

Trước Giáng sinh, người ta dồn chú ý vào những khó khăn của Thủ tướng David Cameron trước cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh sẽ rời khỏi hay ở lại EU trong năm 2016. Các Chính phủ kế tiếp nhau ở Anh, dù thuộc đảng Lao động hay Bảo thủ, đều gắn kết với Châu Âu, nhưng luôn lo sợ sự phản đối của dân chúng và từ một số nghị sĩ. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi. Có khả năng người Anh sẽ bỏ phiếu tán thành ở lại EU, và nếu vậy, đây là tín hiệu cho một giai đoạn mới với việc London quay về với Châu Âu, và có thể sẽ lãnh đạo Châu Âu những lúc khó khăn. Đối với những lĩnh vực thế mạnh truyền thống như quốc phòng và đối ngoại, gần đây Anh đều thể hiện rõ sự ủng hộ đối với các đối tác EU.

5. Đoàn kết EU dần mai một

Khủng hoảng người tị nạn nhanh chóng nối gót khủng hoảng Ucraina và đồng Euro, tạo ra một sự chia rẽ mới và đầy nguy cơ trong EU. Những năm tới, đoàn kết EU sẽ tiếp tục bị xói mòn và quan hệ giữa các thành viên sẽ bị vẩn đục khi EU vẫn chia rẽ trong xử lý các rắc rối tài chính và trong quan hệ với một số nước láng giềng. Nạn nhân đầu tiên của sự mất đoàn kết trong EU có thể là chính sách đối ngoại của khối. Các lãnh đạo Châu Âu sẽ khó khăn hơn trước để đạt được đồng thuận về một số vấn đề đối ngoại hệ trọng như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Syria.

6. Chính đảng ở Châu Âu sẽ mất dần chỗ đứng

Tại hầu hết các nước Châu Âu, các đảng chính trị lâu đời đều đang cố đóng cửa với chủ nghĩa dân túy ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, các chính đảng càng cố gắng sử dụng con bài bầu cử để ngăn chặn làn sóng dân túy thì họ càng dần thất thế và phái dân túy một ngày nào đó sẽ phá vỡ tường thành của các chính đảng.

7. Xu hướng vô chính phủ trong Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan

Xu hướng đáng lo ngại này có gốc rễ từ chiến lược của IS tại Syria và Iraq, nâng bạo lực lên thành một chiến lược. Các tổ chức khủng bố khác như Al-Qaeda sử dụng vũ lực vì mục đích chính trị thì IS sử dụng bạo lực để chiêu mộ binh lính và xây dựng lực lượng cho mình ở khắp nơi trên toàn cầu.

8. Đức trở thành Mỹ

Trong lúc Đức đang gồng mình chống đỡ khủng hoảng người tị nạn và căng thẳng nội bộ, chính sách đối ngoại của Đức dần mang màu sắc của Mỹ cách đây vài thập kỷ. Thời gian gần đây cho thấy Đức sẵn sàng sử dụng sức mạnh kinh tế để tạo ảnh hưởng với các đối tác Châu Âu, và thời gian tới, Đức sẽ sử dụng sức mạnh này thường xuyên hơn phục vụ các mục đích của Đức.

9. Mỹ trở thành Đức

Khi Đức trở nên giống Mỹ, Mỹ lại đi theo hướng ngược lại. Chính sách đối ngoại của Mỹ ngày càng dựa trên các lợi ích trực tiếp của Mỹ và xa dần chính sách sen đầm quốc tế trước đây. Có thể thấy xu hướng này trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ hiện nay, hầu như không ai nói tới chủ nghĩa quốc tế, nhất là trong các ứng cử viên đảng Cộng hòa.

10. Sự nổi lên của địa - kinh tế

Các nước trên thế giới muốn lật nhau nhưng đều cố gắng tránh xa hành động quân sự, do vậy hầu hết đều sử dụng các phương thức thay thế như trừng phạt, tẩy chay kinh tế, tấn công mạng, xê dịch đầu tư… và các biện pháp này sẽ được sử dụng nhiều trong năm 2016.

11. Địa kinh tế không phải là ưu thế của Nga

Nga áp dụng trừng phạt kinh tế khá rộng, nhưng khó có thể so được với các nước khác do Nga vẫn là một nền kinh tế tương đối khiêm tốn và lợi thế so sánh của Nga chủ yếu nằm ở khía cạnh quân sự.

12. Không có kịch bản “hạ cánh cứng” cho Trung Quốc

Trong vài thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trở thành động lực cho kinh tế toàn cầu. Năm 2015 sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán đã dấy lên những lo ngại đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2016 có thể không phải là năm kinh tế Trung Quốc phải hạ cánh cứng. Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế sản xuất và xuất khẩu sang nền kinh tế dựa vào dịch vụ. Nhưng các thách thức này có thể xử lí được, ít nhất là trong năm nay. Sự lo sợ kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ ảnh hưởng rộng tới các nước, kể cả Châu Âu, đã phần nào bị thổi phồng; chỉ có một số nước nhất định sẽ bị ảnh hưởng nặng.

13. Thổ Nhĩ Kỳ quay lại với phương Tây

Khủng hoảng người tị nạn đã làm cho Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ trở thành những nhân tố không thể thiếu đối với Châu Âu. Chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Đông đang đổ vỡ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tự cách ly mình với các đối tác tại đây, đồng thời phá hỏng mọi cơ hội hàn gắn quan hệ với Nga. Khi không có sự ủng hộ từ các láng giềng phía Đông và Nam, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quay lại với EU. Thổ Nhĩ Kỳ cần EU cũng như EU cần Thổ Nhĩ Kỳ. EU có thể dùng Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình thương lượng chấm dứt nội chiến tại Syria và đặc biệt là trong cuộc chiến chống IS.

Theo Hội đồng Châu Âu về Quan hệ quốc tế

Trần Quang (gt)