Một phần tư thế kỷ sau khi rút quân khỏi Afghanistan, Nga một lần nữa lâm chiến ở một quốc gia Hồi giáo bên ngoài vành đai đế chế lịch sử của nước này. Tuy nhiên, sự can thiệp của Moskva vào Syria rất khác so với việc sử dụng sức mạnh quân sự trong quá khứ của Nga, được đánh dấu bởi các cuộc tấn công và chiếm đóng trên đất liền. Việc này cũng đang xảy ra trong một môi trường khu vực mới: một Trung Đông nơi mà các cường quốc bên ngoài, bao gồm cả Mỹ, đang đóng một vai trò ít chi phối hơn nhiều trong vòng 100 năm qua; và các nhân tố phi nhà nước như IS đang đe dọa phá vỡ hệ thống các nhà nước được tạo ra sau khi Đế chế Ottoman sụp đổ.

Ít nhất là cho đến hiện tại, Syria đã trở thành cuộc chiến kiểu Mỹ đầu tiên của Nga. Máy bay quân sự Nga đang ném bom kẻ thù từ trên cao, cùng với hải quân Nga đang phóng các tên lửa hành trình từ cách đó một nghìn dặm. Kẻ thù, một lần nữa là ít nhất cho đến nay, không có cơ hội chống trả Nga trên chiến trường. Theo phân công lao động bên trong liên minh do Moskva dẫn đầu, binh lính trên bộ tại Syria do Damascus, Tehran và Hezbollah cung cấp. Nhân viên quân sự Nga tại Syria – ngoài những cố vấn hoặc kỹ thuật viên – có nhiệm vụ hỗ trợ và nếu cần thiết phải bảo vệ đội ngũ Không quân Nga và cơ sở hải quân tại Tartus. Có thể hình dung rằng Nga có thể sử dụng các Lực lượng đặc nhiệm (Spetsnaz), các đơn vị không quân hay hải quân để bảo vệ, giành lại và giải cứu các tài sản quan trọng. Tuy nhiên, Putin đã cứng rắn cho rằng có thể tránh được sự can thiệp toàn diện trong cuộc chiến tại Syria, và các lực lượng chính quy của Nga trên bộ – hay các lực lượng Chechen – dường như không phải một phần trong kế hoạch.

Đâu là lý do cho sự can thiệp vẫn còn hạn chế nhưng rõ ràng là sâu sắc hơn nhiều của Nga tại Syria? Những mục đích và mục tiêu, chiến lược và chiến thuật chính xác của Nga là gì? Ý nghĩa lớn hơn của việc tham gia quân sự trực tiếp của nước này vào cuộc xung đột là gì? Và việc Nga nâng cao hình ảnh của mình ở vùng Trung Đông có ý nghĩa gì đối với quan hệ vốn đã mang tính đối đầu của nước này với Mỹ?

Nga đã quyết định can thiệp trực tiếp vào Syria để ngăn chặn việc lật đổ chế độ Assad tại Damascus. Sau 4 năm chiến tranh gian khổ, các lực lượng của Chính phủ Syria đã trở nên mệt mỏi, và sự sụp đổ của Damascus – và sau đó là việc mất cảng nước ấm của Nga tại Tartus – phải được coi là một khả năng có thể xảy ra. Điều này có lẽ đã dẫn đến một khả năng là Mỹ và các đồng minh của họ thiết lập một vùng cấm bay tại Syria và tăng cường hỗ trợ các lực lượng nổi dậy chống lại Assad. Sau đó, theo phân tích của Nga, Syria có thể lặp lại số phận của Libya, với IS cuối cùng sẽ nổi lên và biến Damascus thành thủ phủ vương quốc Hồi giáo của mình.

Đối với người Nga, IS là một kẻ tử thù vì hai nguyên nhân chính. Trước hết, nó là một tổ chức thánh chiến toàn cầu nhắm đến mọi khu vực dân cư Hồi giáo, bao gồm vùng Trung Á và Bắc Caucasus của Nga, Tatarstan và các khu vực khác. Thứ hai, một phần lớn các chiến binh nước ngoài của nó tới từ các vùng đất của Liên Xô trước đây và từ chính nước Nga. Một khi đã chiến thắng tại Syria và Iraq, những phần tử thánh chiến này có thể trở về những nơi xuất phát của mình và bắt đầu gây rối ở đó. Đối với Vladimir Putin, cũng dễ hiểu khi xác định và tiêu diệt những kẻ thù này càng nhiều càng tốt trước sự trở về quê hương có thể đoán trước của chúng.

Củng cố chế độ Assad và tiêu diệt những chiến binh thánh chiến tất nhiên không phải là những mục tiêu duy nhất mà Nga đang theo đuổi tại Syria. Sự can thiệp của Moskva cũng liên quan đến Washington giống như liên quan đến Nhà nước Hồi giáo (IS). Bắt đầu với Ukraine vào năm 2014, Nga đã thoát khỏi trật tự hậu Chiến tranh Lạnh do Mỹ thống trị. Ở Đông Âu, Điện Kremlin khẳng định quyền của mình trong một phạm vi các lợi ích đặc quyền ở cái mà nước này gọi là “thế giới của Nga” và một vùng đệm an ninh giữa Nga và NATO. Tại Trung Đông, Nga đang tuyên bố đòi quyền cùng bình đẳng với Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và quản lý an ninh khu vực. Để nhấn mạnh cả hai yêu cầu này, Putin đã sử dụng sức mạnh quân sự, và làm điều đó theo những cách mới lạ. Tại Donbass, Nga tham gia một cuộc “chiến tranh pha tạp đa hình thái”, và ở Syria nước này đã sử dụng sức mạnh trên không và trên biển.

Chiến lược quân sự của Nga nhằm mục đích làm suy yếu các kẻ thù của Assad đủ để cho phép ông này bắt đầu một cuộc phản công. Trong khi các tuyên bố chính thức của Moskva nhắc đến các cuộc tấn công chống lại IS, trên thực tế Nga đang tấn công tất cả các lực lượng đối lập, bao gồm cả những nhóm được Mỹ và các đồng minh khu vực của nước này huấn luyện và trang bị. Đây không phải một sản phẩm của thông tin tình báo sai lầm trên thực địa hoặc quân nhu không chính xác. Người Nga gần như không phân biệt giữa IS, Mặt trận Al-Nusra, Fath hay các nhóm khác. Người Kurd – hiện là đối tượng nhận viện trợ mới nhất của Mỹ trong cuộc xung đột – được loại ra khỏi các cuộc tấn công của Nga, nhưng đối với người Nga, không có người theo quan điểm ôn hòa trong trận chiến ở Syria.

Tuy nhiên, chiến thắng quân sự hoàn toàn dành cho Assad là điều không thể, và người Nga biết điều đó. Thành công quân sự chỉ có giá trị khi được biến thành đòn bẩy chính trị trên bàn đàm phán. Năm 2014 và 2015, Nga đã tổ chức hai vòng đàm phán, “Moskva 1 và 2”, giữa các đại diện của chế độ Assad và một số thành viên của phe đối lập. Vấn đề là các nhóm đối lập lớn từ chối đàm phán với người của Assad hoặc tham gia bất cứ thứ gì được Moskva hỗ trợ. Để cố gắng phá vỡ thế bế tắc, Nga hiện nay đang tìm cách hợp tác với Đức và Pháp để khiến Damascus và các đối thủ của nó – trừ IS, Al-Nusra và một số nhóm khác – nhất trí với công thức chia sẻ quyền lực nào đó. Đối với Nga, sẽ không phải là vấn đề nếu Assad cuối cùng phải ra đi, nhưng ông này không nên ra đi như kết quả của sức ép từ Mỹ hay do cuộc nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn. Dù điều gì xảy ra đi nữa, Nga hiểu rằng một nước Syria tập trung hóa cao độ tồn tại cho đến năm 2011 là một vấn đề của quá khứ.

Các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình đáng chú ý của Nga phóng từ tàu trên biển Caspian, cũng như những lần chuyển giao vũ khí khổng lồ trước đó cho Damacus, chỉ có thể diễn ra nhờ liên minh của Moskva với Tehran và Baghdad, những bên đã đề nghị Nga sử dụng không phận của họ trên đường tới Syria. Mỹ đã được thông báo chính thức về các cuộc không kích sắp diễn ra của Nga tại Syria bởi một chiến dịch chung của Nga từ Baghdad, nơi đặt trung tâm thông tin chống khủng bố Iraq-Iran-Syria-Nga.

Việc Moskva gia nhập một liên minh trên thực tế với chế độ người Shiite tại Trung Đông mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với vị thế của nước này trong khu vực. Với các cường quốc bên ngoài ngày càng bị loại ra ngoài, đấu trường trung tâm ở Trung Đông đang bị hai nước sẽ sớm trở thành bá chủ khu vực chiếm vị trí chủ đạo, Iran và Saudi Arabia, tương ứng đại diện cho cộng đồng người Shiite và người Sunni. Cho đến nay, Moskva đã thận trọng tránh xa xung đột giáo phái ở Trung Đông, nhưng những thực tế địa chính trị và cân nhắc chiến lược đang nổi lên gần đây đã không cho họ lựa chọn nào khác ngoài việc gia nhập một liên minh hợp tác với các chế độ của người Shiite.

Tuy nhiên Nga đang nỗ lực duy trì quan hệ với người Sunni. Nước này đã giữ liên lạc chặt chẽ với người Saudi Arabia và người Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù nhiều bất đồng về Syria vẫn ăn sâu trong cả hai mối quan hệ, và họ đã củng cố quan hệ mới mẻ của mình với Ai Cập. Trong thời gian chuẩn bị cho chiến dịch Syria, Putin đã cử Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov tới vùng Vịnh. Ông cũng đóng vai trò đón tiếp gần như tất cả các nhà lãnh đạo khu vực quan trọng, trong đó có Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo Nga và Israel đã phát triển một quan hệ cho phép thẳng thắn với nhau và có một mức độ thấu hiểu tương đối, mặc dù không nhất thiết phải thỏa thuận. Nga có một lịch sử công nhận các lợi ích an ninh của Israel. Năm 2014, chính Putin đã thừa nhận phải hủy bỏ việc bán hệ thống phòng không S-300 cho Syria vì các mối quan ngại của Israel. Những bảo đảm tương tự chắc chắn đã được đưa ra với Netanyahu trong chuyến thăm gần đây của ông tới Moskva, trước chiến dịch không kích của Nga tại Syria. Điện Kremlin nhận thấy đối tác Israel của mình thực tế đối với khu vực này – ngược lại với Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao. Do đó người ta có thể phỏng đoán rằng các cuộc trao đổi không chính thức giữa các bộ liên quan của Chính phủ Nga và Chính phủ Israel gần đây đã khá căng thẳng.

Điều cũng không phải không liên quan là, ra xa khỏi chiến trường tại Syria, hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc đang ngày càng gần gũi, với việc các nhà lãnh đạo của cả hai nước chia sẻ một thế giới quan chung, một thái độ không bằng lòng tương tự với Mỹ, và một loạt lợi ích an ninh và các lợi ích khác. Đặc biệt là các phần tử cực đoan Hồi giáo đã đe dọa cả Nga lẫn Trung Quốc. Sự thất bại trong can dự quân sự của Mỹ ở Trung Đông và Afghanistan đã khiến Moskva và Bắc Kinh cố gắng phân loại “đống bừa bộn” còn lại trong những lĩnh vực có lợi ích quốc gia sống còn của hai nước này. Trong cả hai trường hợp, Nga đi đầu trong lĩnh vực an ninh, do kinh nghiệm trong khu vực, khả năng quân sự và sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro của nước này, nhưng Trung Quốc đã quan sát rất kỹ các hành động của Nga. Người ta có thể nhớ rằng vào đầu năm 2015, khi quyết định can thiệp vào Syria được đưa ra ở Moskva, hải quân Trung Quốc và Nga đã tham gia các cuộc tập trận chung ở phía Đông Địa Trung Hải. Hiện nay một tàu sân bay Trung Quốc đã gia nhập hạm đội của Nga ngoài khơi Syria. Do Moskva không còn nhìn nhận Washington và NATO như những đối tác an ninh, mà thay vào đó là những nguồn gây rối, các dàn xếp an ninh mới của khu vực Á-Âu đang được tạo ra trên cơ sở các mối quan hệ song phương và đa phương bao gồm Nga, Trung Quốc, Iran, Ấn Độ và các nước Trung Á.

Trong bối cảnh những dàn xếp lớn hơn này, và xét khả năng xảy ra bất ổn giữa các sắc tộc Hồi giáo của chính Nga, Putin đã rất cẩn thận nhấn mạnh sự tôn trọng của Nga đối với Hồi giáo. Trước các cuộc tấn công Syria, ông đã mở thánh đường Hồi giáo ở Moskva, nơi thờ đạo Hồi lớn nhất nước. Ngoài Tayyip Recep Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas, ông đã sát cánh cùng tất cả các nhà lãnh đạo Hồi giáo của Nga, cả nhánh tinh thần và thế tục, trong đó có cả Ramzan Kadyrov của Chechnya. Thông điệp từ Điện Kremlin và các giáo sĩ đạo Hồi chính thức là Nga đang sẵn sàng giúp những người Hồi giáo lương thiện chống lại những kẻ sử dụng đạo Hồi vì những mục đích ngầm, phi Hồi giáo. Cho đến nay, thông điệp này vẫn chưa gây ra một phản ứng dữ dội, nhưng những phần tử cấp tiến và cực đoan Hồi giáo ở Nga chắc chắn sẽ hợp tác để mô tả sự can thiệp của Nga là một cuộc xâm lược “thập tự chinh” chống lại đạo Hồi. Thông điệp này có thể được hỗ trợ bởi những hành động thiếu khôn ngoan của Giáo hội chính thống của Nga, giáo hội mà bằng sự tha thiết yêu nước của mình đang “ban phước lành” cho các vũ khí của Nga được sử dụng tại Syria.

Rộng hơn trong xã hội Nga, việc can thiệp vào Syria đã tạo ra những tình cảm hỗn độn, từ nỗi sợ hãi bị hút vào một “Afghanistan mới” cho đến sự thỏa mãn trước màn phô diễn các năng lực quân sự của Nga. Dân chúng nhìn chung đang cho phép chính phủ theo đuổi chiến tranh, ngoại trừ việc cử các lực lượng trên bộ, đặc biệt là lính nghĩa vụ, tới Syria, và sự thương vong, dù là trên chiến trường ở Syria hay là kết quả của các cuộc tấn công khủng bố tại Nga. Gánh nặng kinh tế của cuộc can thiệp của Nga cho đến nay đã tương đối nhẹ nhàng và có thể gánh vác được, ngay cả trong những điều kiện của cuộc suy thoái hiện nay.

Cuối cùng, Putin đã sử dụng việc tăng cường quân đội của Nga ở Syria để dẫn tới một cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Barack Obama ở New York, cuộc gặp thực chất đầu tiên của họ sau khi Mỹ cố “cô lập” Nga về mặt ngoại giao. Vì Chính quyền Obama không sẵn lòng chấp nhận Điện Kremlin là một đối tác hợp tác bình đẳng, “cuộc tranh cãi về các điều kiện” can thiệp tại Syria có khả năng vẫn còn tiếp diễn. Putin cũng dùng sự xuất hiện của mình tại Đại hội đồng Liên hợp quốc để thúc đẩy ý tưởng về một liên minh chống khủng bố rộng lớn bao gồm cả Tehran và Damascus cùng với các thủ đô Arập, với Moskva ngang tầm với Washington. Có thể đoán được ý tưởng này không hấp dẫn Mỹ và các đồng minh của nước này, nhưng Putin đã nhận được sự chú ý rộng rãi từ công chúng, đặc biệt khi sự hoạt động tích cực của ông trên thực địa tương phản với sự thiếu quyết đoán và thiếu năng lực của Obama ở Nhà Trắng. Trong một động thái song song, Nga đã làm dịu xung đột tại Donbass, khiến Đức và các nước châu Âu khác suy nghĩ tới việc nới lỏng hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà họ đã áp đặt đối với Nga hồi năm ngoái. Theo lời của cựu Chủ tịch Trung tâm Carnegie Endowment Jessica Mathews, không một chính trị gia nào khác có thể làm được như ông Putin trong tình trạng yếu thế như vậy.

Họ nói sự can thiệp của Nga vào Syria phải mất 9 tháng để chuẩn bị. Tuy nhiên, bước vào một cuộc chiến thì dễ dàng hơn là thoát khỏi nó. Nga phải đối diện với một số thách thức và nguy cơ. Nước này cần gắn kết chiến lược quân sự của mình với chiến lược chính trị tại Syria và chiến lược ngoại giao trong khu vực; họ cần nâng cấp chuyên môn của mình và mở rộng các đầu mối liên lạc để hiểu rõ hơn về môi trường đang thay đổi nhanh chóng mà họ đang hoạt động; trên hết, họ phải tăng cường sự an toàn cho người dân và những tài sản trong nước. Ngay cả khi máy bay Nga đang giao chiến với các mục tiêu ở Syria, một đội quân Taliban trong một thời gian ngắn đã giành quyền kiểm soát Kunduz, một tỉnh lị tại Afghanistan cách biên giới Tajik khoảng 60 dặm: Nga có một căn cứ quân sự tại Tajikistan và coi đó như một rào cản trên đường tới Trung Á của các chiến binh thánh chiến. Sau đó Putin đã ngay lập tức triệu tập tổng thống Tajikistan tới Sochi. Do tình hình tại Afghanistan vốn đã bất ổn và các chế độ ở Trung Á đang phải đối mặt với các thách thức không khác những thách thức của các chế độ Trung Đông trong Mùa Xuân Arập, Tổng thống Nga có mọi lý do để chủ động.

Theo Carnegie Moscow Center

Văn Cường (gt)