beijingnight1-440x293.jpg 

Chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz al Saud là nhằm thay đổi các định hướng chiến lược trong cấu trúc an ninh khu vực Trung Đông-châu Á. Tầm quan trọng của các cuộc thảo luận giữa Quốc vương Salman với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức hàng đầu nước này còn vượt xa hơn các thỏa thuận kinh tế và thương mại khổng lồ trị giá 65 tỷ AUD mà Riyadh và Bắc Kinh đã đạt được. Chuyến thăm của Quốc vương Salman đã khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược mới, đang phát triển mạnh mẽ giữa hai nước, nhất là khi Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy sự ổn định cho Sáng kiến Con đường Tơ lụa trên Biển (MSR) thế kỷ 21 của nước này.

Trong chuyến công du 6 ngày đến châu Á, chuyến thăm chiến lược và quan trọng nhất của Quốc Vương Salman là đến Trung Quốc vào trung tuần tháng 3 vừa qua. Ngay trong ngày đầu tiên ở thăm nước này, báo chí quốc tế đồng loạt đăng tải việc Saudi Arabia và Trung Quốc đã ký một loạt thỏa thuận đầu tư và thương mại trị giá 65 tỷ USD, trong đó có hơn 20 thỏa thuận về đầu tư dầu khí và năng lượng. Trong số các thỏa thuận này, đáng chú ý có một biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Saudi Aramco của Saudi Arabia và Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc về xây dựng nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc, và một thỏa thuận giữa Tập đoàn Công nghiệp Cơ bản của Saudi Arabia và Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) về phát triển các sản phẩm hóa dầu.

Thỏa thuận xây dựng nhà máy lọc dầu phản ánh mong muốn của Saudi Arabia bảo vệ thị phần xuất khẩu dầu lửa của nước này trong bối cảnh Nga tăng cường xuất khẩu dầu sang Trung Quốc. Năm 2016, Nga lần đầu tiên đã vượt qua Saudi Arabia trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất sang Trung Quốc. Ngoài ra, thỏa thuận về các sản phẩm hóa dầu cũng phản ánh tham vọng của Saudi Arabia muốn bắt kịp với Iran, quốc gia Trung Đông xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm hóa dầu sang các thị trường châu Á. Ngành công nghiệp xuất khẩu hóa dầu bùng nổ của Iran được phát triển như một chiến lược để duy trì nền kinh tế của nước này trước các lệnh trừng phạt quốc tế, đồng thời cũng giúp Iran củng cố vị trí của họ trong chuỗi giá trị và bảo đảm cho nền kinh tế của nước này không bị ảnh hưởng bởi các cú sốc về giá dầu trên thế giới.

Saudi Arabia đang tìm cách chuyển đổi nền kinh tế của nước này bằng cách phát triển ngành công nghiệp hóa dầu. Các nhà phân tích cho rằng cả 2 thỏa thuận trên sẽ phục vụ lợi ích của Bắc Kinh trong việc duy trì đa dạng hóa các nhà cung cấp năng lượng và nguyên liệu đầu vào. Trong năm 2016, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 7,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 66% nguồn cung cấp dầu của Trung Quốc. Với nhu cầu dự kiến sẽ tăng thêm 2,4% trong vòng 5 năm tới, theo ước tính, đến năm 2022, nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ vào khoảng 9,4 triệu thùng mỗi ngày. Với việc trở thành cổ đông quan trọng của Tập đoàn Saudi Aramco, Bắc Kinh có thể sẽ giám sát tốt hơn công tác quản lý các mỏ dầu của Saudi Arabia để đảm bảo tính liên tục của nguồn cung cấp.

Bất chấp giá trị tiền tệ của gói thương mại và đầu tư này, các thỏa thuận chủ yếu đi theo mô hình hợp tác truyền thống giữa Trung Quốc và Saudi Arabia. Ba ngày trước chuyến thăm của Quốc vương Salman, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “Bắc Kinh sẽ coi chuyến thăm của Quốc vương Salman là một cơ hội thuận lợi để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước lên tầm cao mới”. Đáp lại, tại Bắc Kinh, Quốc vương Salman khẳng định: “Saudi Arabia sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu”.

Trọng tâm của mối liên kết lợi ích ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Saudi Arabia là nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy Sáng kiến MSR của thế kỷ 21 - một hành lang vận chuyển thương mại hàng hải giữa Trung Quốc và châu Âu. Sáng kiến MSR bao gồm một loạt cơ sở hải cảng do Trung Quốc xây dựng mở rộng về phía Tây qua Ấn Độ Dương và sau đó qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez rồi đến cảng Piraeus do Trung Quốc sở hữu trên bờ biển Địa Trung Hải của Hy Lạp. Sau khoản đầu tư lớn của Trung Quốc, cảng Piraeus hiện nay là một trong những cảng biển lớn nhất châu Âu và là trung tâm cho hàng hóa Trung Quốc thâm nhập thị trường châu Âu.

Iran là mối đe dọa lớn nhất và duy nhất đối với lợi ích kinh tế của Trung Quốc trong việc thiết lập và duy trì một dòng chảy thương mại đáng tin cậy và hiệu quả thông qua Sáng kiến MSR. Do đó, Bắc Kinh rất thận trọng trong việc duy trì cân bằng quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia. Trong chuyến thăm Tehran hồi tháng 1/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Hassan Rowhani  đã đồng ý một chương trình 10 năm nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương lên tới 600 tỷ USD. Tuy nhiên, nỗ lực của Iran nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra Vịnh Aden và hành lang Biển Đỏ thông qua chiến tranh ủy nhiệm của nước này chống lại Saudi Arabia ở Yemen và vùng Sừng châu Phi khiến an ninh hàng hải bị đe dọa, và đây là điều mà Trung Quốc không thể chấp nhận được. Vào tháng 1/2016, Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ nỗ lực của Yemen đánh bại nhóm phiến quân nổi dậy Houthi do Iran hậu thuẫn.

Tháng 4/2016, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các căn cứ ở nước ngoài đầu tiên của họ tại Djibouti, nằm ở vị trí chiến lược giữa Vịnh Aden và Biển Đỏ. Ngay trước chuyến thăm Riyadh của ông Tập Cận Bình hồi tháng 1/2016, Djibouti đã chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran và sau đó ký một thỏa thuận hợp tác an ninh với Riyadh. Saudi Arabia hiện đang hoàn tất thỏa thuận với Djibouti về việc thành lập 1 căn cứ Hải quân Saudi Arabia, ngoài các căn cứ Hải quân Trung Quốc, có khả năng chứa 10.000 quân. Thỏa thuận hợp tác sản xuất máy bay không người lái giữa Trung Quốc và Saudi Arabia được ký kết trong chuyến thăm Bắc Kinh của Quốc vương Salman cho thấy ý định của quốc gia này muốn kiềm chế các hoạt động của Iran ở Vịnh Aden và hành lang Biển Đỏ. Rõ ràng, quan hệ đối tác ngày càng được tăng cường giữa Trung Quốc và Saudi Arabia báo hiệu một sự thay đổi lớn trong cấu trúc an ninh Trung Đông-châu Á.

Tác giả Micha’el Tanchum là nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Thúc đẩy Hòa bình, Đại học Hebrew và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Năng lượng tại Đại học Bilkent, Thổ Nhĩ Kỳ. Bài viết đăng trên "Diễn đàn Đông Á.

Mỹ Anh (gt)